Sui (Thuốc Bắn - Antiaris toxicaria (Pers.) Leschen)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Rosales (Hoa hồng) |
Họ(familia) | Moraceae (Dâu tằm) |
Chi(genus) | Antiaris |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Antiaris toxicaria (Pers.) Leschen |
Sui thuộc dạng cây gỗ lớn, chiều cao mỗi cây khoảng từ 20 đến 30 mét. Thân cây có dạng hình trụ, cây mọc thẳng, gốc cây phình to, vỏ cây nhẵn, mặt ngoài vỏ có màu xám trắng hoặc hơi hồng. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây Sui là cây gì?
Tên khoa học: Antiaris toxicaria (Pers.) Leschen
Tên gọi khác: Xui, Cây thuốc bắn, Nỗ tiền tử.
Họ thực vật: Moraceae (Dâu tằm).
1.1 Đặc điểm thực vật
Sui thuộc dạng cây gỗ lớn, chiều cao mỗi cây khoảng từ 20 đến 30 mét. Thân cây có dạng hình trụ, cây mọc thẳng, gốc cây phình to, vỏ cây nhẵn, mặt ngoài vỏ có màu xám trắng hoặc hơi hồng, thân cây có nhiều xơ. Cành cây mập, khi còn non có nhiều lông, lông mềm, có màu vàng nhạt, sau cây nhẵn, có màu xám nhạt.
Cây sui có Nhựa mủ trắng.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình trái Xoan hay hình trứng, chiều dài mỗi là khoảng 6cm, chiều rộng khoảng 3,5cm, gốc lá tròn hoặc có dạng hình tim, đầu nhọn, hai mặt lá đều phủ lông nháp, phiến lá nguyên hoặc hơi khía răng, cuống có lông, lá kèm sớm rụng.
Hoa đơn tính, mọc ở kẽ lá, lá bắc có dạng hình vảy, mỗi cụm hoa đực gồm 2-3 bông hoa không có cuống, nhị 4, không có chỉ nhị, mỗi cụm hoa cái gồm 1 bông hoa có cuống, bầu hạ gồm 1 ô.
Quả nạc, mọng, vỏ ngoài có màu tím, vỏ quả trong rất cứng.
Hạt của cây Sui có dạng hình bầu dục, hai bên hơi dẹt.
Mùa hoa quả từ tháng 2 đến tháng 4.
Dưới đây là hình ảnh cây Sui:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Nhựa và hạt.
1.3 Đặc điểm phân bố
Antiaris Lesch. là một chi đơn loài. Sui là loài được tìm thấy rộng khắp ở khu vực nhiệt đới, trừ khu vực châu Mỹ. Cây phân bố từ Tây Phi qua Madagascar, Myanmar, Nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Philipin, một số đảo thuộc khu vực Thái Bình Dương,...
Tại nước ta, Sui được tìm thấy ở hầu hết các tỉnh miền núi như Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La,... Cây còn mọc dọc theo dãy Trường Sơn, góp phần vào những tổ cây vượt tán ở những khu rừng kín thường xanh còn nguyên sinh. Ngoài ra, Sui còn mọc ở những khu rừng thứ sinh, quanh bản làng hoặc những đồi nương rẫy, độ cao phân bố dưới 1000 mét. Tại một số quốc gia khác, độ cao phân bố của cây có thể lên đến 1500 mét.
Sui có bản chất là một loài ưa sáng, sinh trưởng và phát triển tốt ở khu vực có tầng đất sâu, giàu mùn. Bộ rễ phát triển, có khả năng chống chịu được thời tiết cực đoan như giông bão, ngay cả khi cây mọc đơn độc. Sui là loài ra hoa quả hàng năm, những cây con mọc từ hạt thì phải sau 10 năm mới ra hoa kết quả, Sui là loài tái sinh tự nhiên từ hạt. Những cây sau khi bị chặt phá mà vẫn còn phần gốc và rễ thì vẫn có khả năng đâm chồi.
Sui là cây trồng có nhiều lợi ích, thân mềm nhưng vẫn có thể dùng để đóng thành ván hoặc đóng thùng. Vỏ cây Sui cho nhiều sợi được người dân đồng bào miền núi dùng để lợp bếp hoặc dùng để che chắn xung quanh nhà. Cây sui dùng làm chăn, làm đệm để nằm do có khả năng giữ nhiệt tốt.
2 Thành phần hóa học
Sui chứa glycosid tồn tại ở 2 dạng là α-glucoside và β-glucoside. Các chất này có tác dụng tương tự như digitalis trên tim.
Vỏ cây chứa pregnyl auron gồm antiaron A và antiaron B.
Từ nhựa mủ cây, các nhà khoa học mới đây đã phân lập được một chất thuộc nhóm cardenolid có tên là toxicariosid A.
3 Tác dụng của cây Sui
3.1 Tác dụng dược lý
Các nghiên cứu cho thấy rằng, hoạt chất được chiết xuất từ nhựa mủ của cây Sui cho thấy tác dụng kiểu digitalis trên tim. Khi sử dụng ở liều lớn, các hoạt chất này có thể gây ngừng tim, xuất hiện các phản ứng phụ như nôn mửa, co giật.
Các nhà khoa học cũng xác định được liều gây chết khi tiêm tĩnh mạch trên thỏ là 0,3mg và liều gây chết khi tiêm tĩnh mạch trên chó là 1mg trong vòng 15 đến 20 phút.
Khi tiêm tĩnh mạch cho chuột cống trắng gây mê, nhựa mủ thô cũng cho thấy tác dụng trên huyết áp và điện tâm đồ.
Cao nhựa của cây Sui cho thấy tác dụng ức chế kênh Na+ - K+ - ATPase đã được tinh chế một phần thu được từ cơ tim của chuột lang.
Khi tiến hành thử nghiệm song song cao nhựa mủ và chất đối chiếu Ouabain trên tim ếch cô lập người ta đã thấy có sự giảm tần số co cơ đồng thời tăng lực co cơ. Điều này cho thấy rằng, thành phần chính trong nhựa mủ cây Sui là một glycosid trợ tim, tác động lên hoạt độ của Na+ - K+ - ATPase của màng cơ tim.
Chất độc phải lưu thông trong tuần hoàn máu mới gây tác dụng, việc uống phải chất nhựa mủ có thể không có tác dụng độc. Tuy nhiên, đã có báo cáo phát hiện mộ trường hợp tử vong do uống phải một chế phẩm mà thành phần có chứa hạt Mã Tiền và nhựa của cây Sui với biểu hiện suy thận giảm niệu cấp tính và globulin-cơ niệu kịch phát.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Tại nước ta, cây Sui không được sử dụng với mục đích làm thuốc mà thường chỉ sử dụng nhựa cây tẩm lên mũi tên để gây độc với động vật săn bắn như thú rừng lớn, thịt của những động vật này sẽ mềm ra và vẫn có thể ăn được.
Nhân dân Philippin sử dụng dịch chiết từ gỗ của cây Sui đắp ngoài trong trường hợp bị sưng tấy.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng hạt của cây Sui để làm thuốc hạ sốt, động kinh, trị kiết lỵ.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Xui, trang 1131-1132. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Cây Sui trang 321-322. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2024.