Sữa Đậu Nành
4 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Sữa đậu nành có nguồn gốc từ hạt của cây đậu nành, chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, phù hợp với những người không dung nạp Lactose và người ăn chay. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có một số quan điểm cho rằng, sữa đậu nành có thể gây vô sinh ở cả nam và nữ giới. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ giải đáp cho bạn đọc.
1 Nguồn gốc và giá trị dinh dưỡng của sữa đậu nành
Sữa đậu nành được làm từ hạt của cây đậu nành, còn được gọi là Đậu tương (tên khoa học là Glycine max (L.) Merr.) thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Trong Y học cổ truyền, hạt đậu nành có vị ngọt, tính bình có tác dụng hoạt huyết, giải biểu, chứa đầy đủ chất đạm, đường, chất béo, chất khoáng, vitamin cho cơ thể. Đây là nguồn dưỡng chất đặc biệt phù hợp với trẻ em đặc biệt là trẻ còi xương, người mới ốm dậy, người bị huyết áp cao, tăng cholesterol, đái tháo đường, người có nguy cơ hoặc đang bị ung thư vú, người khó ngủ, người bị thấp khớp, gút,...
Thành phần dinh dưỡng có trong sữa đậu nành:
- Sữa đậu nành chứa nhiều dưỡng chất đối với cơ thể, cung cấp khoảng 3,3g protein trong 100g đậu nành, đây được coi là một lựa chọn thay thế phù hợp với những người muốn tìm kiếm nguồn cung cấp protein từ thực vật. Không chỉ vậy, sữa đậu nành còn rất giàu các khoáng chất thiết yếu như Canxi, Sắt, Kali, natri, Magie cùng các loại vitamin như Vitamin D, Vitamin B12 rất quan trọng với sức khỏe.
- Đậu nành còn chứa một lượng lớn isoflavone, là thành phần góp phần lớn vào tác dụng của đậu nành. Hàm lượng isoflavone trong sữa đậu nành bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như giống đậu nành, phương pháp chế biến, nhiệt độ chế biến, thời gian chế biến,...
2 Thực hư thông tin nam giới uống sữa đậu nành bị vô sinh, yếu sinh lý?
Tại sao nam giới uống sữa đậu nành bị vô sinh? Isoflavone đậu nành là một loại Flavonoid có trong đậu nành, đặc biệt là Mầm Đậu Nành bao gồm 3 aglycone là genistein, daidzein và glycitein và 3 glycoside tương ứng của chúng là genistin, daidzin và glycitin. Isoflavone bao gồm genistein và daidzein có cấu trúc và chức năng giống với 17-β-estradiol. Mặc dù các hoạt chất này có tác dụng dược lý ít hơn Estradiol, nhưng có thể liên kết với thụ thể estrogen-α để tạo ra tác dụng giống estrogen. Các hợp chất này được coi là ‘phytoestrogen’ hoặc estrogen có nguồn gốc từ thực vật. Chính vì lý do này, nhiều người lo lắng rằng nếu Phytoestrogen có thể hoạt động như estrogen, nó có thể có tác dụng nữ tính hóa ở nam giới hoặc làm gián đoạn khả năng sinh sản.
Một số báo cáo cho rằng, ở nam giới, việc bổ sung các sản phẩm từ đậu nành làm giảm nồng độ Testosterone trong huyết thanh ở mức độ vừa phải. Chứng vú to ở nam giới và các biểu hiện khác của chứng nữ tính hóa như suy giảm chức năng sinh dục có liên quan đến việc bổ sung quá nhiều các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành.
Isoflavone thường được phân loại là chất gây rối loạn nội tiết, chủ yếu dựa trên các nghiên cứu trên động vật. Một nghiên cứu tổng hợp được thực hiện vào năm 2022 nhằm mục đích tổng hợp các nghiên cứu lâm sàng, nghiên cứu quan sát, các đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp (SRMA) để kiểm tra mối quan hệ giữa việc bổ sung các chế phẩm từ đậu nành và nồng độ hormone trong cơ thể. Đã có 417 báo cáo (229 nghiên cứu quan sát, 157 nghiên cứu lâm sàng và 32 SRMA) đáp ứng các tiêu chí của nghiên cứu cho ra kết quả rằng, isoflavone trong đậu nành không gây ảnh hưởng xấu đến chức năng tuyến giáp, không gây tác dụng phụ đối với mô vú, nội mạc tử cung và nồng độ estrogen của nữ giới cũng như nồng độ testosterone hoặc số lượng tinh trùng ở nam giới. Nghiên cứu không ủng hộ việc phân loại isoflavone là chất gây rối loạn nội tiết.
Các báo cáo gần đây cũng cho rằng, việc hấp thụ isoflavone không ảnh hưởng đến nồng độ testosterone huyết thanh ở nam giới do đó không gây ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng cũng như các vấn đề liên quan đến khả năng sinh sản ở nam giới.
3 Nữ giới uống sữa đậu nành có tốt không?
Đậu nành chứa isoflavone, một thành phần có cấu trúc tương đồng với estrogen ở cấp độ phân tử. Nhiều người lo lắng rằng, ăn nhiều đậu nành có thể làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể từ đó gây ra nhiều bệnh lý khác nhau. Mặc dù isoflavone có thể tương tác với các thụ thể estrogen trong cơ thể nhưng các tương tác này thường yếu và ít có nguy cơ gây hại. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn nhiều đậu nành có thể kéo dài chu kỳ kinh nguyệt, nhưng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nhiều người lo lắng rằng, việc bổ sung quá nhiều các chế phẩm từ đậu nành làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), đậu nành được coi là nguồn thực phẩm an toàn, giúp cung cấp protein cho cơ thể. Các nghiên cứu hiện tại cũng cho rằng, việc bổ sung các sản phẩm từ đậu nành có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến.
Uống sữa đậu nành có tăng vòng 1 không? Đậu nành chứa nhiều hợp chất có nguồn gốc thực vật bắt chước tác dụng của estrogen lên cơ thể. Vì lý do đó, một số người nghĩ rằng việc bổ sung các sản phẩm từ đậu nành có thể làm tăng kích thước vòng ngực. Tuy nhiên, không có nghiên cứu lâm sàng nào và không có bằng chứng nào cho rằng phytoestrogen có liên quan tới việc tăng kích thước vòng 1.
4 Tác dụng của sữa đậu nành đối với cơ thể
Sữa đậu nành là nguồn dinh dưỡng không còn quá xa lạ đối với nhiều người. Với ưu điểm là dễ tìm mua, giá thành phù hợp, hàm lượng dưỡng chất cao, sữa đậu nành đã trở thành lựa chọn của nhiều người. Vậy, sữa đậu nành có thực sự tốt không? Dưới đây là một số tác dụng nổi bật của sữa đậu nành:
4.1 Bổ sung dưỡng chất cho cơ thể
Đậu nành được coi là nguồn dưỡng chất giàu protein, chứa 9 loại acid amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được. Đây cũng là nguồn cung cấp protein và chất béo không bão hòa tốt cho cơ thể. Ngoài ra, đậu nành cũng rất giàu các loại khoáng chất và vitamin được coi là nguồn thực phẩm tốt cho cơ thể, giúp bổ sung dưỡng chất, duy trì sức khỏe tổng thể.
4.2 Tăng cường sức khỏe tim mạch
Sữa đậu nành giúp cải thiện mức cholesterol nhờ hàm lượng protein cao. Ngoài ra, đậu nành rất giàu isoflavone, đặc biệt là genistein đã được chứng minh có tác dụng làm giảm mức cholesterol bằng cách làm giảm cholesterol tỷ trọng thấp (LDL) đồng thời tăng nồng độ cholesterol tỷ trọng cao (HDL).
Bên cạnh đó, sữa đậu nành chứa hàm lượng chất béo bão hòa thấp, góp phần điều hòa mức cholesterol trong cơ thể.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2021 cho thấy rằng, sữa đậu nành có thể điều hòa huyết áp. Thành phần Isoflavone giúp tăng cường chức năng của mạch máu, thúc đẩy sự thư giãn góp phần làm giảm huyết áp.
Những tác dụng này giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch mãn tính như huyết áp cao, xơ vữa động mạch.
Các nghiên cứu lâm sàng đã xác nhận rằng việc bổ sung các sản phẩm chứa protein đậu nành có tác dụng hạ huyết áp, làm giảm đáng kể huyết áp tâm trương.
4.3 Tăng cường sức khỏe xương khớp
Phụ nữ sau mãn kinh bị mất khối lượng xương đáng kể do nồng độ estrogen giảm, dẫn đến nguy cơ gãy xương tăng. Các phương pháp điều trị truyền thống, chẳng hạn như liệu pháp estrogen, đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng mất xương và giảm nguy cơ gãy xương hông khoảng ⅓ lần. Isoflavone đã cho thấy những tác dụng có lợi đối với quá trình chuyển hóa xương và mật độ khoáng chất của xương giúp tăng cường sức khỏe xương khớp đặc biệt ở phụ nữ sau mãn kinh.
4.4 Chống oxy hóa
Phytoestrogen, bao gồm genistein, daidzein và glycitein là những hợp chất có nhiều tác dụng khác nhau. Các phân tử này, có cấu trúc tương tự như estrogen tự nhiên đã cho thấy khả năng dọn sạch gốc tự do, ngăn ngừa một số bệnh lý mạn tính của cơ thể.
4.5 Ngăn ngừa ung thư
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn đậu nành có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại một số dạng ung thư như ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ em và thanh thiếu niên bổ sung nhiều đậu nành hơn có tỷ lệ ung thư vú thấp hơn khi trưởng thành. Một phân tích tổng hợp lớn cũng chỉ ra rằng những phụ nữ bổ sung nhiều đậu nành hơn có tỷ lệ sống sót cao hơn sau khi được chẩn đoán mắc ung thư vú. Một nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa đậu nành và ung thư tuyến tiền liệt đã phát hiện ra rằng bổ sung thực phẩm từ đậu nành dường như làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tới 50%.
Daidzein là một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng bảo vệ chống lại ung thư vú và tuyến tiền liệt.
4.6 Giảm các triệu chứng ở phụ nữ mãn kinh
Isoflavone đậu nành (bao gồm genistein, daidzein và glycitein), có cấu trúc hóa học tương tự như 17-β estradiol, liên kết với các thụ thể estrogen và bắt chước tác dụng của chúng có thể góp phần làm giảm các triệu chứng ở phụ nữ mãn kinh bao gồm bốc hỏa, đau xương khớp, mất ngủ, trầm cảm, lo lắng, mệt mỏi.
4.7 Hỗ trợ giảm cân
Sữa đậu nành là nguồn cung cấp protein dồi dào, có thể dùng thay thế cho protein động vật. Ưu điểm khác của sữa đậu nành là chứa ít calo hơn so với việc bổ sung protein từ động vật do đó sữa đậu nành thường được thêm vào chế độ ăn uống của những người có ý định giảm cân.
Một nghiên cứu được thực hiện trên bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang cho thấy rằng, việc duy trì chế độ ăn giàu protein từ đậu nành giúp giảm cân tốt hơn so với việc bổ sung nhiều protein từ động vật.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Nên uống nước đậu hay sữa đậu nành?
Nước đậu được chế biến từ hạt đậu nành, bột đậu nành có thể bổ sung thêm các phụ gia thực phẩm. Nước đậu có ưu điểm là giá thành rẻ nhưng hàm lượng dưỡng chất thấp hơn so với sữa đậu nành, do đó, tùy thuộc vào nhu cầu, bạn có thể lựa chọn sữa đậu nành hoặc nước đậu để sử dụng.
5.2 Ai không nên uống sữa đậu nành?
Một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng sữa đậu nành bao gồm:
- Người có tiền sử dị ứng đặc biệt là dị ứng với đậu nành.
- Người gặp các vấn đề ở đường ruột như đầy hơi, chướng bụng,...
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Madalina Neacsu và cộng sự (Ngày đăng tháng 8 năm 2014). Appetite control and biomarkers of satiety with vegetarian (soy) and meat-based high-protein diets for weight loss in obese men: a randomized crossover trial, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Feng Chi và cộng sự (Ngày đăng năm 2013). Post-diagnosis soy food intake and breast cancer survival: a meta-analysis of cohort studies, PubMed. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Raquel Olías và cộng sự (Ngày đăng tháng 7 năm 2023). An Updated Review of Soy-Derived Beverages: Nutrition, Processing, and Bioactivity, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Mark Messina và cộng sự (Ngày đăng năm 2022). Neither soyfoods nor isoflavones warrant classification as endocrine disruptors: a technical review of the observational and clinical data, PubMed. Truy cập ngày 14 tháng 10 năm 2024.