Sử Quân Tử (Combretum indicum (L.) DeFilipps)
4 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Sử quân tử được biết đến khá phổ biến với công dụng tẩy giun đũa và chữa nhức răng. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Sử quân tử.
1 Truyền thuyết về tên gọi Sử quân tử
Trong dân gian, cây được sử dụng để tẩy giun nên được gọi là Hoa giun, trong Y học cổ truyền thì nó được biết đến với tên gọi Sử quân tử có tên khoa học là Quisqualis indica L. Tên Quisqualis (có nghĩa là 'Cái quái gì thế?') được nhà khoa học Linnaeus đặt do ông thấy lạ về khả năng sinh trưởng và thích nghi của loài này hoặc tên này được đặt nhằm chỉ những điểm độc đáo của loài cây này có những đặc điểm độc đáo và khó xác định rõ ràng hoặc dễ gây nhầm lẫn với các loài khác. Hai truyền thuyết về nguồn gốc của tên gọi đặc biệt này sẽ được trình bày dưới đây.
1.1 Truyền thuyết 1
Theo truyền thuyết trong thời Tam Quốc, con trai của Lưu Bị là Lưu Thiện bị mắc một căn bệnh kỳ lạ: da xanh xao, chân tay gầy yếu, bụng phình to như cái trống, khi gõ kêu "bang bang", và thường hay quấy khóc. Lưu Thiện chỉ dùng Hoàng thổ (đất màu vàng) và Sinh mễ (gạo chưa nấu) để ăn. Một ngày, Lưu Thiện đến trường chơi, và Lưu Bị đã cử hai binh sĩ đưa Lưu Thiện đến xem một vở kịch gần đó. Khi trở về nhà, Lưu Thiện bị tiêu chảy và nôn mửa, hai tay ôm bụng một cách đau đớn. Hai binh sĩ sợ hãi quỳ xuống, không dám đứng lên khi nhìn thấy Lưu Thiện như vậy. Lưu Bị hỏi xem Lưu Thiện có ăn gì không, và một trong hai binh sĩ cúi đầu sợ hãi nói rằng Lưu Thiện nhìn thấy một loại quả dại và khóc đòi hái để ăn. Lưu Bị đoán rằng Lưu Thiện đã bị ngộ độc khi ăn loại quả dại đó, bèn bảo hai binh sĩ đi gọi thầy thuốc. Trong lúc hai binh sĩ đi gọi thầy thuốc, Lưu Thiện đã đi ngoài rất nhiều giun và sau đó không còn khóc nữa. Lưu Thiện cũng cảm giác đói, bèn uống một bát cháo và lại đi ngoài ra một ít giun nữa. Khi thầy thuốc đến, Lưu Thiện đã đi ngủ rồi. Sau đó, bụng Lưu Thiện dần mềm lại và cũng không còn muốn ăn Hoàng thổ hay Sinh mễ nữa.
Sau khi thấy cơ thể con trai dần bắt đầu hồi phục, Lưu Bị cảm thấy rất vui mừng và cho rằng loại quả dại đó có thể chữa được bệnh hiểm nghèo của con mình. Ông đã ra lệnh cho hai binh sĩ và hàng chục người khác đi thu thập loại quả dại đó. Khi thu được, họ đã làm khô và nghiền thành bột để điều trị cho những người bị bệnh giống như Lưu Thiện trong vùng. Nhờ loại thuốc này, rất nhiều người đã được chữa khỏi bệnh và đến cảm ơn Lưu Bị và quân đội của ông bằng cách mang đến nhiều lợn, cừu. Lưu Bị đã giơ quả lên hỏi mọi người về tên gọi của nó, nhưng không ai biết. Tuy nhiên, trong đám đông có một người nói lớn: "Chúng tôi không biết tên của loại quả này, nhưng con trai của Lưu sứ quân đã ăn nó đầu tiên, vì vậy ta có thể gọi nó là 'Sứ quân tử'" (使 – shi, trong tiếng Việt có thể đọc là Sứ hay Sử đều được). Mọi người đồng ý và từ đó, loại quả này được gọi là Sử quân tử.
1.2 Truyền thuyết 2
Theo truyền thuyết, vào thời kỳ Bắc Tống, Quách sứ/sử quân là người đứng đầu ở Phan Châu rất giỏi về y thuật, luôn sẵn lòng giúp đỡ những người nghèo khó và được mọi người xung quanh kính trọng. Một ngày, ông lên núi hái thuốc thì tình cờ gặp một loại thảo dược đang ra quả, và nó lập tức thu hút sự chú ý của ông. Hình dạng quả vừa giống như Sơn chi, vừa giống như vị thuốc Kha tử (Chiêu liêu tử). Ông bèn lấy mấy quả, bóc vỏ ngoài ra và nếm thử, thấy nó có vị hơi ngọt và có mùi thơm, nên mang một ít quả về nhà. Vì quả còn xanh, ông sợ để lâu sẽ bị hỏng, nên đã mang lên chảo sao khô. Khi sao lên, quả này bốc lên mùi thơm, đứa cháu trai của ông đã lấy để ăn. Quách sử quân lo lắng vì không biết quả này có độc hay không, ông đã kiểm tra và tách ra được 4-5 phần quả mà đứa cháu đã ăn. Sáng hôm sau, đứa bé đi ngoài và trong phân của nó có vài con giun đũa. Quách sử quân suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này và sau đó ông lấy thêm mấy quả đã sao để cho đứa cháu ăn tiếp. Thật bất ngờ, chỉ sau chưa đầy một giờ, đứa bé bắt đầu ợ hơi và nôn mửa. Quách sử quân sử dụng sinh khương (Gừng tươi), Trần Bì (vỏ quýt), Cam Thảo và các loại thuốc khác để giải độc. Một vài ngày sau đó, Quách sử quân lấy một nửa lượng quả để cho cháu mình dùng tiếp, và đứa cháu đã đuổi được nhiều con giun đũa. Từ đó, Quách sử quân sử dụng quả này để điều trị cho các trường hợp mắc bệnh ký sinh trùng và trẻ em cam tích. Sau này, để tưởng nhớ ông, người ta đã đặt cho vị thuốc này là Sử quân tử.
1.3 Ý nghĩa của hoa sử quân tử
Tên hoa Sử quân tử có ý nghĩa là "người quân tử không làm quan cũng chẳng phải ẩn sĩ", tức là người có đức tính quân tử, không cần phải có chức vụ hay lẫn vào cuộc sống xã hội quá nhiều, mà vẫn được kính trọng và tôn vinh. Đồng thời, hoa Sử quân còn được biết đến là loài cây rất dễ trồng và sẽ cố gắng vươn lên với ý chí kiên cường, đấu tranh với khó khăn giống như một người quân tử không chấp nhận sự bất công.
2 Giới thiệu về cây Sử quân tử
Sử Quân Tử hay còn có tên gọi khác là Dây giun, cây Quả giun, Quả nấc, tên khoa học là Combretum indicum (L.) DeFilipps (Quisqualis indica L.), Combretaceae (họ Bàng).
2.1 Đặc điểm thực vật
Loài cây leo gỗ có cành mảnh, thường mọc bám vào cây khác. Lá của cây có hình bầu dục, mọc đối và có lông mịn trên cành non và lá. Hoa cây mọc thành cụm hoa chùm, nở màu trắng rồi chuyển sang hồng và đỏ. Quả của cây có 5 cạnh lồi theo chiều dọc.
2.2 Thu hái và chế biến
Sử quân tử là tên gọi của hạt đã được phơi hay sấy khô từ quả đã già của cây Sử quân tử. Quá trình thu hái diễn ra vào mùa thu, từ tháng 9 đến tháng 11 khi quả đã già, sau đó đập lấy hạt.
Mô tả dược liệu: Hạt có hình thoi, dài khoảng 1,5-2,5 cm, đường kính từ 0,5 đến 1 cm; vỏ mỏng, màu nâu nhạt, có nếp nhăn nheo và dễ bóc. Hai lá mầm của hạt có màu trắng ngà.
2.3 Đặc điểm phân bố
Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ và Malaysia. Ở Việt Nam, cây này mọc hoang hoặc được trồng để làm cảnh. Cây thích hợp cho những vùng đất cao ráo, mát mẻ.
3 Thành phần hóa học
Hạt của cây Sử quân tử chứa nhiều dưỡng chất bao gồm dầu béo, acid quisqualic, Flavonoid, steroid, Saponin, acid phenol và carbohydrat.
4 Tác dụng - Công dụng của cây Sử quân tử
4.1 Tác dụng dược lý
Tác dụng của Sử quân tử bao gồm khả năng tác động đến giun tròn (vì có chứa Kali quisqualat), kháng khuẩn, kháng virus, kháng viêm, điều trị tiêu chảy và kháng enzym cholinesterase.
4.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Tính vị, tác dụng: Sử quân tử có vị ngọt, tính ôn, không độc, có tác dụng trừ thấp nhiệt, kháng khuẩn, tiêu hóa, kích thích trao đổi chất và tiêu thụ thức ăn.
Công dụng: Sử quân tử có tác dụng tẩy giun, thường được sử dụng dưới dạng thuốc sắc. Ngoài ra, nó cũng được dùng để chữa đau nhức răng bằng cách ngậm hoặc sắc nước. Để chữa giun đũa, người lớn nên dùng khoảng 10 hạt, trong khi trẻ em chỉ cần dùng từ 3-5 hạt, tối đa là 20g. Sau 72 giờ kể từ khi uống, cần phải dùng thêm một liều thuốc tẩy. Có thể sử dụng riêng hạt sử quân tử hoặc phối hợp với những vị thuốc trị giun khác như đại hoàng hoặc bình lang (hạt cau).
Lưu ý: Dùng sử quân tử có thể gây nấc hoặc buồn nôn, do đó không nên sử dụng cùng với nước trà. Trước khi sử dụng, cần cắt bỏ 2 đầu nhọn và vỏ lụa bên ngoài của hạt. Ngoài ra, sử quân tử không nên được sử dụng cùng với thực phẩm nóng, vì nó có thể gây hại cho sức khỏe.
5 Bài thuốc từ cây Sử quân tử
5.1 Thuốc cam giun được làm từ Sử quân tử, giúp hỗ trợ sự tiêu hóa
Cách làm thuốc: Sao vàng 2 phần nhân Sử quân tử tán nhỏ, ngâm thóc nảy mầm và sao vàng nửa phần. Sau đó, trộn đều và sấy khô, có thể thêm đường rồi đóng thành bánh. Đối với trẻ em bị giun, kém ăn, ăn không tiêu, gầy còm, da vàng, miệng hay chảy nước dãi, có thể uống 1-2 thìa cà phê bột mỗi ngày, hòa vào Mật Ong hoặc cháo.
5.2 Chữa đau nhức răng
Cách làm: đập nát 10 quả Sử quân tử, thêm 1 bát nước, đun sôi trong 15 phút. Dùng để ngậm trong ngày, có thể nuốt nước này.
5.3 Trẻ em bị hư thũng, mặt, chân tay phù, có thể dùng Sử quân tử để trị bệnh
Cách làm: đập bỏ vỏ 40g quả Sử quân tử, lấy nhân hạt, tẩm với mật rồi sao khô hoặc nướng, tán thành bột. Dùng 4g bột hòa với nước cơm hay nước cháo và uống mỗi ngày.
5.4 Trị tình trạng tiêu chảy, ăn uống kém và bụng đầy ở trẻ nhỏ
Trộn trần bì 6g, cam thảo 4g, kha tử và sử quân tử mỗi thứ 12g và hậu phác 8g, sau đó sắc uống mỗi ngày.
5.5 Kích thích tiêu hóa ở trẻ nhỏ
Lấy nhân hạt Sử quân tử, rang vàng và thơm. Tán thành bột, sau đó ngâm thóc để nảy mầm và rang vàng. Sau đó, trộn đều với đường và đóng thành bánh.
5.6 Trị lở ngứa ở mặt và đầu
Ngâm nhân hạt Sử quân tử với một ít dầu thơm trong 4-5 ngày, sau đó uống dầu này mỗi ngày trước khi đi ngủ.
5.7 Trị giun chui vào ống mật gây đau bụng
Sắc các vị thuốc sau: Sử quân tử, Chỉ Xác, khổ luyện bì, tân lang, mỗi vị 12g; quảng Mộc Hương 8g và ô mai 4g, rồi uống.
6 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Sử quân tử trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội - Thầy Nghiêm Đức Trọng.