Sói Nhật (Chloranthus japonicus Sieb)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
---|---|
Chloranthus japonicus Sieb. |
Cây Sói Nhật có tên khoa học là Chloranthus japonicus Sieb thường được tìm thấy ở các tỉnh miền núi của nước ta, nhân dân sử dụng để chữa kiết lỵ, mụn nhọt, đau lưng, ứ huyết. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Sói Nhật
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Chloranthus japonicus Sieb.
Tên gọi khác: Kim Túc Lan.
Họ thực vật: Hoa sói Chloranthaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Sói Nhật thuộc dạng cây thảo, sống hàng năm, chiều cao mỗi cây từ 30 đến 40cm.
Thân thuộc dạng thân mảnh, mọc đứng, bề mặt thân nhẵn, không phân nhánh.
Lá mọc vòng gồm 4 lá, phiến lá có dạng hình bầu dục, gốc lá có dạng hình tròn hoặc hơi thuôn. Đầu lá nhọn, trên mép lá có khía các răng đều nhau. Hai mặt của lá nhẵn.
Cuống lá ngắn.
Lá kèm mọc đối.
Cụm hoa mọc thành từng bông ở ngọn thân tạo thành những bông thẳng đứng. Mỗi cụm hoa gồm nhiều hoa có màu vàng, mùi thơm.
Nhị 3, bầu 1 ô.
Quả có dạng hạch kích thước nhỏ, hình quả lê.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 3 đến tháng 6 hàng năm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ, toàn cây.
Thời điểm thu hái: Mùa hè và mùa thu.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chloranthus là chi nhỏ thường được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Loài Sói Nhật phân bố gốc ở vùng Đông Á, Nhật Bản, Đài Loan, Triều Tiên, Trung Quốc và Việt Nam.
Tại nước ta, cây được tìm thấy ở một số tỉnh thuộc vùng núi của nước ta như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Tuyên Quốc. Tại các tỉnh phía Nam, Sói Nhật mới được tìm thấy ở các vùng như Đà Lạt, Ngọc Linh,...
Là loại cây ưa ẩm, có khả năng chịu được bóng, Sói Nhật thường mọc rải rác ở các tán rừng xanh, độ cao phân bố của cây từ 600 đến 1500m.
Sói Nhật thường mọc thành từng khóm nhỏ, cây ra hoa quả hàng năm nhưng số lượng ít. Cây có thể tái sinh từ hạt, phần thân rễ sau khi cắt ra, vùi xuống đất có thể nảy mầm thành cây mới.
2 Thành phần hóa học
Toàn cây Sói Nhật có chứa một số thành phần như:
- Shizukafuranol.
- Acetat.
- Isofuranodien.
- Acid Cloranthalic.
Rễ của cây có chứa Chloranthalactone C Shizuka A.
3 Tác dụng - Công dụng của cây sói nhật
3.1 Tác dụng dược lý
Thành phần Chloranthalactone A, B, C, D được chiết xuất từ cây Sói Nhật đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào lymphosarcom L517y.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Vị cay, đắng, tính ôn.
Tác dụng: Hoạt huyết, khu phong, hành ứ, tán hàn, giải độc.
3.2.2 Công dụng
Nhân dân ở một số địa phương sử dụng Sói Nhật với mục đích:
3.2.2.1 Chữa kiết lỵ
Người dân đồng bào Tày ở vùng Việt Bắc của nước ta sử dụng rễ của cây Sói Nhật để chữa kiết lỵ.
Sau khi rửa sạch, phơi khô, lấy 10-20 rễ, đem cắt nhỏ, sau đó sao vàng, tiến hành sắc với 400ml nước còn 100ml chia làm 2 lần uống trong ngày, thời gian sử dụng từ 5-7 ngày. Có thể phối hợp với rễ của các loại cây khác với lượng bằng nhau.
3.2.2.2 Chữa đau lưng, đau mình, đau do ngã
Sử dụng rễ của cây Sói Nhật đã phơi khô, ngâm rượu (nên ngâm càng đặc càng tốt) sau đó mỗi ngày uống 2 chén nhỏ.
3.2.2.3 Chữa bỏng
Sử dụng lá của cây Sói Nhật rửa sạch, đem giã nát, chắt lấy nước để bôi lên vùng tổn thương.
Người dân Trung Quốc còn sử dụng cây Sói Nhật để chữa bế kinh, phong thấp, mụn nhọt với liều dùng được khuyến cáo là 1,5 đến 3,0g. Đem sắc lấy nước hoặc ngâm với rượu để uống.
Có thể sử dụng 3-5 lá Sói Nhật, thêm một ít hùng hoàng, đem giã nát để chữa rắn cắn.
Sử dụng cả cây Sói Nhật sắc lấy nước, sau đó rửa để chữa ngứa.
Theo tài liệu Trung Quốc, Sói Nhật là loài cây có độc do đó khi dùng cần thận trọng. Không sử dụng cho phụ nữ có thai.
4 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Sói Nhật, trang 746-747. Truy cập ngày 3 tháng 4 năm 2024.