Sì To (Valeriana jatamansi Jones)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Cây Sì To có tên khoa học là Valeriana jatamansi Jones. Sì To được xếp trong Danh mục đỏ cần được bảo vệ, loại cây này được sử dụng để chữa mất ngủ, tim hồi hộp. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Sì To
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Valeriana jatamansi Jones hoặc Valeriana wallichii DC.
Tên gọi khác: Liên Hương Thảo.
Họ thực vật: Nữ Lang (Valerianaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Sì To thuộc dạng cây thảo, sống nhiều năm, chiều cao từ 25 đến 30cm hoặc hơn.
Rễ mập, dài, trên rễ xuất hiện những khoanh tròn màu đỏ, được bao bọc bởi những vảy phủ lợp lên nhau.
Lá mọc thẳng từ thân rễ, phiến lá có dạng hình tim, chiều dài từ 3 đến 6cm, chiều rộng từ 2,5 đến 4cm. Đầu lá nhọn, mép lá nguyên, hai mặt của lá có nhiều lông mịn. Các lá ở gần gốc có kích thước to hơn, cuống dài hơn so với các lá ở gần ngọn.
Cuống lá có bẹ và có lông.
Cụm hoa mọc thẳng đứng, lá bắc dài, phiến hẹp.
Hoa có kích thước nhỏ, màu trắng.
Đài có 5 răng, trành 5 cánh hợp thành ống.
Nhị dài.
Quả bế, dẹt, còn đài tồn tại.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 10 đến tháng 2.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ hoặc toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Sì To phân bố chủ yếu ở các vùng cận nhiệt đới và ôn đới ấm của châu Á.
Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh có vùng núi cao của nước ta như Nghệ An, Hà Giang, Lào Cai. Độ cao phân bố của Sì To là khoảng 1300 đến 1600m.
Sì To thuộc loại cây ưa ẩm, ưa sáng, có khả năng chịu được những vùng hơi bóng, đặc biệt là thời điểm khi cây còn nhỏ.
Sì To thường mọc ở các vùng đất ẩm, có nhiều mùn cưa như các địa hình thung lũng, dưới chân núi đá vôi hay nương rẫy.
Cây ưa các khu vực có khí hậu ẩm mát, nhiệt độ trung bình năm rơi vào khoảng 15 đến 18 độ C, lượng mưa hàng năm khoảng 2600 đến 2800mm.
Cây sinh trưởng và phát triển tốt trong mùa xuân hè, sau khi ra hoa quả, phần trên mặt đất của Sì To sẽ tàn lụi vào mùa đông.
Quả sau khi chín sẽ rụng xuống và nảy mầm thành cây con vào khoảng tháng 3 hoặc đầu tháng 4.
Đây là loại cây được xếp trong Danh mục đỏ những loài cây thuốc quý hiếm cần bảo vệ.
Sì To có thể được trồng từ hạt hoặc từ các nhánh con trong khóm lớn.
Khi phơi hoặc sấy khô toàn cây sẽ xuất hiện mùi khó chịu.
2 Thành phần hóa học
Thành phần hóa học chính là tinh dầu và Valepotriate.
Sì To còn chứa một số chất hóa học thuộc nhóm Valtrat acevaltrat.
3 Tác dụng - Công dụng của cây sì to
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng chống co thắt
Thành phần Acevaltrat thuộc nhóm Valepotriate có tác dụng ức chế sự co thắt của hồi tràng chuột lang thí nghiệm với liều dùng là 0,5mg/l do histamin gây nên.
3.1.2 Tác dụng chống ung thư
Các chất hóa học Didrovaltrat, acevaltrat, valtrat khi sử dụng với nồng độ 33 microgam/ml có tác dụng độc với tế bào ung thư gan Morris khi nghiên cứu trên chuột cống trắng, thử nghiệm được tiến thành trong in vitro.
Chất hóa học Didrovaltrai được chiết từ thân rễ của cây có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột thí nghiệm đồng thời làm giảm kích thước khối u bánh Krebs khi tiến hành tiêm trong màng bụng với liều 1,25mg cho 1 con chuột nhắt trắng.
3.1.3 Tác dụng kháng sinh
Tinh dầu sau khi chiết được từ thân rễ của cây có tác dụng kháng khuẩn và kháng các động vật đơn bào.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Thân rễ có vị cay, hơi đắng, mùi thơm, tính ôn.
Tác dụng: hành khí, trừ thấp, giảm đau, điều kinh, tán hàn, hoạt huyết.
3.2.2 Công dụng
Sì To được sử dụng để chữa đau dạ dày do co thắt, nhức đầu, thủy thũng, đau xương khớp, rối loạn kinh nguyệt, mụn nhọt, đòn ngã tổn thương.
Người dân đồng bào H’Mông sử dụng cây Sì To để chữa sốt cao co giật, động kinh, bồn chồn, đánh trống ngực, lo lắng.
Liều dùng được khuyến cáo là 9-15g toàn cây hoặc sử dụng 6-12g thân rễ dưới dạng thuốc sắc. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thân rễ phơi khô, sau đó tán thành bột, mỗi lần sử dụng 0,6 đến 1,5g chia làm 2-4 lần mỗi ngày hoặc sử dụng dạng cao mềm, mỗi ngày dùng 1-4g.
Sử dụng thân rễ tươi, giã nát, đắp lên vùng tổn thương hoặc mụn nhọt.
Tinh dầu chiết từ thân rễ được coi là loại hương liệu quý.
4 Bài thuốc chữa mất ngủ, tim hồi hộp từ cây Sì To
9g Sì To.
9g Lá Tai Chuột.
30g Hà Thủ Ô.
30g Lá Thông.
Sắc lấy nước uống trong ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Sì To, trang 736-737. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2024.