Sen Cạn (Tropaeolum majus)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Hương Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Sen cạn được biết đến là một loại cây có nhiều đặc tính chữa bệnh như các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa,... Vậy những đặc tính cũng như công dụng và ứng dụng của loại dược liệu này trong y học là gì? Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Sen cạn.
1 Giới thiệu về cây Sen cạn
Sen cạn có tên khoa học là Tropaeolum majus L., thuộc họ Sen cạn - Tropaeolaceae.
Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, nó được đưa đến châu u vào thế kỷ XVI. Nó là một loại cây có nhiều đặc tính chữa bệnh. Các cây thuốc như cây sen cạn trong vườn có chứa các nguyên tố vi lượng và các hợp chất có hoạt tính sinh học mà cơ thể con người có thể dễ dàng hấp thụ.
1.1 Đặc điểm thực vật
Bộ phận cây | Mô tả |
Cây thảo mọc leo hay không sống hằng năm. | |
Lá | Giống lá Sen, có cuống dài đính ở giữa phiến tròn, mép nguyên, mặt trên màu lục nhạt, mặt dưới mốc mốc. |
Hoa | Mọc ở nách lá, màu vàng, vàng cam hay đỏ
|
Quả | Có kích thước khoảng 1cm, có 3 mảnh vỏ, có vách dày và xốp, chứa 3 hạt. |
1.2 Đặc điểm phân bố và sinh thái
Cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thuộc các vùng từ Chile đến Mexico. Sau đó dần được du nhập vào Việt Nam và được trồng ở Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Sen cạn được sử dụng để trồng làm cảnh, có khi phát tán hoang dại ở các vườn gia đình. Cây ra hoa vào khoảng tháng 5 đến tháng 9.
1.3 Thu hái và chế biến
Cây được sử dụng toàn bộ các bộ phận để sử dụng trong chữa bệnh và có thể thu hoạch toàn cây quanh năm. Có thể lấy những nụ hoa đầu tiên, các hoa vừa nở và một số lá làm thuốc và giữ phần còn lại cho cây sinh trưởng, phát triển bình thường. Để lấy hạt, đợi đến khi quả thật chín, giữ một phần để gieo, còn phần nhiều thì dự trữ để dùng dần khi cây không có hoa và nụ hoa.
2 Thành phần hóa học
Trong Lá Sen cạn tươi có 265mg Vitamin C, có các tế bào chứa myrosin và một glucosid chứa sulfur gọi là glucotropaeolosid, đồng đẳng dưới của gluconasturtosid có trong Cải xoong, khi thuỷ phân cho tinh dầu isothiocyanat benzyl. Còn có chất tromalit có tác dụng kháng khuẩn gram dương và gram âm, nhưng lại giữ nguyên vẹn hệ vi khuẩn đường ruột. Chất kháng khuẩn tập trung nhiều ở hạt; đó là một chất có mùi thơm đặc biệt màu hơi vàng, đông đặc ở 4°C, tan trong nhiều dung môi hữu cơ, nhất là ether ethylic.
Hoa và các bộ phận khác của sen cạn trong vườn là nguồn cung cấp các nguyên tố vi lượng như Kali, phốt pho, Canxi và magiê, và các nguyên tố đa lượng, đặc biệt là Kẽm, đồng và Sắt.
3 Tác dụng - Công dụng của Sen cạn theo Y học cổ truyền
3.1 Tác dụng dược lý
- Tinh dầu, chiết xuất từ hoa và lá, và các hợp chất được phân lập từ các nguyên tố này có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, hạ huyết áp, long đờm và chống ung thư.
- Hoạt tính chống oxy hóa của các chất chiết xuất từ cây sen cạn trong vườn là tác dụng của hàm lượng cao các hợp chất như anthocyanin, polyphenol và vitamin C.
- Do hàm lượng chất phytochemical phong phú và thành phần nguyên tố độc đáo, cây sen cạn trong vườn có thể được sử dụng để điều trị nhiều bệnh chẳng hạn các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.
- Hàm lượng axit erucic cao trong hạt nasturtium giúp có thể sử dụng dầu của nó để điều trị chứng loạn dưỡng tuyến thượng thận. Nó cũng được áp dụng trong da liễu vì nó cải thiện tình trạng của da và tóc.
- Gần đây, hoa của loài này đã được sử dụng như một yếu tố trang trí và ăn được trong một số loại món ăn.
3.2 Công dụng của Sen cạn theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị - tác dụng:
- Sen cạn có vị cay, chua, tính mát
- Tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát huyết, cầm máu lại có tác dụng điều kinh, lợi tiểu, nhuận tràng, tẩy, trừ họ và chống bệnh scorbut.
3.2.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Hạt Sen cạn được sử dụng làm thuốc từ lâu đời ở Pêru để chữa viêm bàng quang và viêm phế quản.
Kể từ năm 1805, người ta đã sử dụng Sen cạn để chữa bệnh Scorbut (hoại huyết), chữa các rối loạn của phế quản và phổi (ho, viêm phế quảnmãn tính) do nó có tác dụng giống như loại cây có chứa tinh dầu Lưu Huỳnh như Tôi. Cây còn dùng chữa sự lười biếng của thận và các bệnh về bàng quang (viêm bàng quang, viêm bể thận), chữa tạng bạch huyết, khí thũng, tăng tiết bã nhờn và chữa vết thương nhiễm khuẩn.
Sen cạn còn được sử dụng cho người già, cho bệnh già trước tuổi và cho những người dưỡng bệnh vì nó giúp tái tạo lại sức khoẻ (do có nhiều acid phosphoric, tinh dầu có S và vitamin C). Hơn nữa, nó hơi nhuận tràng và giúp cho sự luyện viên thức ăn ở trong ruột. Nó cũng dùng chữa kinh nguyệt không đều và chống rụng tóc.
Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây chữa mắt đỏ sưng đau, thổ huyết, khạc ra máu, ghẻ lở.
4 Một số bài thuốc từ Sen cạn
Sen cạn có thể sử dụng Sen cạn dưới nhiều hình thức:
- Hãm và sắc uống (để bổ phổi, lợi tiểu, kích thích, kích dục).
Dùng một nắm nụ hoa hay hạt cho vào trong 1 lít nước; có thể thêm chất thơm cho át vị của thuốc. Uống liền sau bữa ăn, ngày 2-3 lần. Có thể sắc 15-30g lá trong 1 lít nước. Nước sắc lá, hoa, quả dùng súc miệng làm răng bền chắc.
- Thuốc xức (chống bệnh rụng tóc và kích thích sức sống của da đầu):
Dùng 100g hoa, lá tươi và hạt Sen cạn cho vào 1 lít nước, đun sôi 15 phút. Có thể thêm ít giọt tinh dầu thơm tùy theo sở thích. Dùng xoa vào tóc và chà mạnh vào da dầu sáng chiều, hoặc nhiều lần trong ngày.
- Cồn thuốc tươi:
Ngâm lá tươi với rượu trắng trong 15 ngày, rồi lọc, đóng chai. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa cà phê. Có thể dùng liên tục, dù là khi không có mùa của cây.
- Nghiền quả khô hay tươi (nhuận tràng):
Dùng quả chín phơi khô hay hạt với liều 0.6g, nghiền với đường hoặc trộn với mật trước khi đi ngủ, hoặc dùng 1-3 thìa cà phê quả tươi nghiền với một lượng đường gấp 3 lần.
- Dùng ngoài, lấy cây tươi giã nát đắp.
5 Tài liệu tham khảo
- Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2 (xuất bản năm 2021). Sen cạn, trang 684-685, từ điển cây thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2023.
- Tác giả Karolina Jakubczyk và cộng sự, ngày đăng báo năm 2021. Garden nasturtium (Tropaeolum majus L.) - a source of mineral elements and bioactive compounds, pubmed. Truy cập ngày 3 tháng 7 năm 2023.