Sâm Đại Hành (Tỏi Đỏ - Eleutherine subaphylla)
8 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Cây Sâm Đại Hành có tên khoa học là Eleutherine subaphylla Gagnep.) là loại cây ưa ẩm và ưa sáng, nhân dân thường sử dụng Sâm Đại Hành để chữa ho, viêm phế quản, ho có đờm, mụn nhọt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Sâm Đại Hành
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Eleutherine subaphylla Gagnep. hoặc Eleutherine bulbosa (Mill.) Urban.
Tên gọi khác: Hành Đỏ, Tỏi Đỏ, Tỏi Lào, Sâm Cau, Phong Nhan.
Họ thực vật: Lay ơn Iridaceae
1.1 Đặc điểm thực vật
Sâm Đại Hành thuộc dạng cây thảo, thường sống lâu năm, chiều cao từ 30cm hoặc hơn.
Thân cây thuộc dạng thân hành, hình trứng, có chiều dài khoảng 5cm và đường kính dao động từ 2,5 đến 3cm. Thân cây có nhiều vảy mỏng, có màu đỏ cam bao quanh.
Lá hình dải, phiến lá nhọn, trên lá có nhiều gân song song, lá của Sâm Đại Hành nhìn giống lá của cây Dừa hoặc cây Cau.
Cụm hoa mọc từ thân tạo thành chùm, có chiều dài khoảng 20cm.
Lá bắc dạng lá.
Hoa có màu trắng, cuống hoa dài.
Lá đài 3, cánh hoa 3.
Bao phấn màu vàng.
Quả ít gặp.
Mùa hoa rơi vào tháng 4 đến tháng 6.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thân hành.
Thời điểm thu hái: Sau khi trồng được 1 năm, thân lá tàn úa.
Chế biến: Nếu chưa sử dụng ngay có thể tách riêng thành từng nhánh, loại bỏ đất bẩn, để nguyên rễ và lớp vỏ khô ở bên ngoài, tiến hành cắt bỏ phần thân lá bên trên, sau đó bảo quản trong cát ẩm hoặc những chỗ có khí hậu mát mẻ để củ lâu khô. Với phương pháp này, dược liệu có thể được bảo quản trong vòng vài tháng.
Khi sử dụng, tiến hành rửa sạch thân rễ, sau đó đem thái mỏng và phơi khô, có thể để nguyên miếng hoặc tán bột.
Cần lưu ý phải thái dọc để tránh vụn nát.
1.3 Đặc điểm phân bố
Sâm Đại Hành có nguồn gốc ở châu Mỹ, hiện nay được trồng tại các vùng nhiệt đới của châu Á trong đó có Việt Nam.
Sâm Đại Hành là loại cây ưa ẩm và sáng, tuy nhiên cây vẫn có thể trồng xen trong vườn cây ăn quả mà vẫn phát triển được nhưng số nhánh con thường ít hơn những cây sống trong môi trường ánh sáng đầy đủ.
Cây có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm.
Sâm Đại Hành ra hoa nhiều hàng năm nhưng dường như không ghi nhận đậu quả.
Vào mùa đông, cây có hiện tượng bán tàn lụi và sinh trưởng, phát triển tốt trong mùa mưa ẩm.
Toàn cây sau khi nhổ có khả năng giữ được sức sống lâu.
2 Thành phần hóa học
Sâm Đại Hành đã được nghiên cứu từ lâu bởi Viện Dược liệu, các hoạt chất được phân lập bao gồm:
- Eleutherin.
- Isoeleutherin.
- Eleutherol.
3 Tác dụng - Công dụng của sâm đại hành
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng kháng khuẩn
Khi tiến hành nghiên cứu dịch chiết toàn phần từ củ của Sâm Đại Hành trên in vitro, người ra nhận thấy rằng, cây có tác dụng đối với liên cầu tan máu, phế cầu, tụ cầu vàng nhưng tác dụng yếu đối với Shigella flexneri và một số chủng khác như Bacillus mycoides. Không có tác dụng với Bacillus pyocyaneus.
Cao cồn 70 độ có tác dụng ức chế rõ rệt sự phát triển của trực khuẩn lao.
Khi cho thỏ uống Sâm Đại Hành với liều 2g/ngày trong 3 tuần liên tục không thấy ảnh hưởng đến số lượng cũng như khả năng thực bào của đại thực bào.
3.1.2 Tác dụng kích thích sản sinh hồng cầu
Sâm Đại Hành có tác dụng kích thích sản sinh hồng cầu và huyết sắc tố trên chuột cống trắng khi được gây thiếu máu bằng acetat chì.
3.1.3 Tác dụng an thần
Sâm Đại Hành có tác dụng an thần, làm giảm hoạt động của động vật thí nghiệm (chuột nhắt trắng) thông qua việc làm giảm sự nhanh nhẹn và khéo léo của động vật.
Đồng thời, các hoạt chất có trong Sâm Đại Hành cũng có tác dụng kéo dài thời gian ngủ và ức chế sự hưng phấn gây ra bởi caffeine.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Sâm Đại Hành có vị ngọt nhạt, tính bình, quy vào 3 kinh gồm can, tỳ, phế.
Tác dụng: Giảm ho, tiêu độc, cầm máu, tiêu viêm, kháng khuẩn.
3.2.2 Công dụng
Sâm Đại Hành được sử dụng làm thuốc bổ máu, chữa thiếu máu, mệt mỏi, vàng da, hoa mắt, xanh xao, nhức đầu,...
Sâm Đại Hành được sử dụng làm thuốc cầm máu sử dụng trong các trường hợp bị thương dẫn đến chảy máu, ho ra máu, băng huyết.
Ngoài ra, cây cũng được sử dụng để chữa viêm họng, chốc lở, ho gà, mụn nhọt với liều dùng được khuyến cáo là 4-12g ở dạng thuốc sắc.
Nhân dân Indonesia sử dụng rễ cây Sâm Đại Hành để làm thuốc lợi tiểu, sa trực tràng, trị lỵ.
Nhân dân Philippin sử dụng rễ của cây đem giã nát để trị vết cắn của cá độc, để đắp vào những vết thương, mụn nhọt. Bên cạnh đó, rễ củ sau khi nướng, đem giã nát, sau đó sát vào bụng trong trường hợp bị đau bụng.
Người dân Peru sử dụng Sâm Đại Hành để trị các bệnh liên quan đến tiêu hóa và các bệnh ngoài da.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Sâm Đại Hành
4.1 Cách ngâm rượu Sâm Đại Hành để chữa thiếu máu, vàng da, xanh xao, mệt mỏi
Sử dụng 100g Sâm Đại Hành đã phơi khô, đem thái mỏng, thêm rượu trắng 30 độ cho vừa đủ 1 lít.
Sau đó, ngâm hỗn hợp trong 7-15 ngày, có thể thêm đường cho dễ uống.
Mỗi lần uống 15ml, ngày uống 2 lần trước bữa ăn trong 15 đến 20 ngày.
4.2 Bổ huyết, trị tê thấp
Sử dụng mỗi vị 50g bao gồm Bạch Chỉ, Sâm Đại Hành, Đương Quy, Cẩu Tích, Cốt Toái Bổ, Độc Hoạt đem ngâm với 2 lít rượu và uống dần.
4.3 Thuốc tiêu độc
Sử dụng 30g Sâm Đại Hành dưới dạng chè thuốc hoặc dạng siro cho trẻ em.
Sử dụng các vị bao gồm Sài Đất, Sâm Đại Hành, Cam Thảo Đất, Bồ Công Anh, Kim Ngân, Ké Đầu Ngựa, Kinh Giới dưới dạng cao lỏng.
4.4 Chữa mụn nhọt, sưng tấy
Sử dụng 4g Sâm Đại Hành và 16g mỗi vị bao gồm Đơn Tướng QUân, Bông Trắng, Sài Đất, Bồ Công Anh, đem sắc lấy nước uống.
4.5 Chữa viêm họng, sưng amidan, viêm phổi
Sử dụng 3g Sâm Đại Hành cùng với 12g mỗi vị Cỏ Nhọ Nồi, Vỏ Rễ Dâu, Mạch Môn, Bách Bộ, Sài Đất, đem sắc lấy nước uống.
4.6 Cách sử dụng Sâm Đại Hành để chữa ho, viêm phế quản
Sử dụng 20g mỗi vị Sâm Đại Hành, Rễ Dâu và 12g mỗi vị Lá Chanh, Cam Thảo Nam, đem sắc lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang.
4.7 Chữa viêm phế quản có nhiều đờm
100g Sâm Đại hành.
200 hạt Đình Lịch.
50g Gừng Khô.
20g Trần Bì.
30g Bán Hạ.
20g Phèn.
Hạt Đình Lịch đem sao đen, 2 vị Sâm Đại Hành và Bán Hạ Chế đem thái mỏng sau đó phơi khô.
Các vị đem đi tán nhỏ, gừng đem nấu nước để luyện hoàn, mỗi viên có khối lượng 0,3g sau đó sấy khô.
Mỗi ngày sử dụng 8g chia làm 2 lần.
4.8 Làm thuốc an thần, giúp ngủ ngon
Sâm Đại Hành, Lá Sen, hạt Tơ Hồng, Lạc Tiên, Thảo Quyết Minh, hạt Keo Đậu, lá Dâu.
Các vị đem nấu thành cao và làm thành viên.
5 Một số câu hỏi thường gặp
5.1 Giá Sâm Đại Hành tươi là bao nhiêu?
Sâm Đại Hành là loại dược liệu ưa ẩm và sáng, giá thành trên thị trường hiện nay thường dao động khoảng từ 200.000 đến 250.000 đồng cho 1kg cây giống.
5.2 Mua cây giống Sâm Đại Hành ở đâu?
Quý bạn đọc có thể mua Sâm Đại Hành ở các nhà vườn uy tín trên thị trường để đảm bảo chất lượng cũng như có giá thành ổn định nhất.
6 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Sâm Đại Hành, trang 698-701. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2024.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, tác giả Đỗ Tất Lợi. Tỏi đỏ, trang 145-146. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2024.