Sâm Béo Trắng (Sâm Bổ Béo, Bùi Béo - Gomphandra tonkinensis Gagnep.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Icacinales (Thụ đào) |
Họ(familia) | Icacinaceae (Thụ đào) |
Chi(genus) | Gomphandra |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Gomphandra tonkinensis Gagnep. |
Sâm béo trắng thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 2 đến 4 mét. Rễ cây mọc thẳng, rễ mập, thể chất mềm, nhiều nạc, có màu trắng ngà. Những cành non có phủ một lớp lông tơ. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Gomphandra tonkinensis Gagnep.
Tên gọi khác: Bổ béo, Cây béo trắng, Bùi béo, Tiến tùng, Trai dang, Lô nội.
Họ thực vật: Icacinaceae (Thụ đào).
1.1 Đặc điểm thực vật
Sâm béo trắng thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 2 đến 4 mét.
Rễ cây mọc thẳng, rễ mập, thể chất mềm, nhiều nạc, có màu trắng ngà.
Những cành non có phủ một lớp lông tơ.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình ngọn giáo, cuống lá ngắn, mép lá nguyên, đầu lá nhọn, phủ một lớp lông mịn, mặt trên của lá có màu lục sẫm, mặt dưới có màu xám nhạt.
Cụm hoa mọc thành ngù kép ở đối diện lá, mỗi cụm gồm nhiều hoa nhỏ, hoa có màu trắng, nụ hoa có dạng hình trứng ngược gồm 5 cánh hoa, hình tam giác có mũi nhọn ở đầu, nhị 5 mọc thò ra ngoài, bao phấn có dạng hình trái Xoan, phần nửa trên của chỉ nhị có lông mềm.
Quả của cây Sâm béo trắng thuộc dạng quả thoi, có đài tồn tại ở gốc, có lông.
Mùa hoa quả từ tháng 5 đến tháng 9.
Ngoài Sâm béo trắng thì có một số loài cũng cho rễ và công dụng tương tự như Gomphandra annamensis Gagnep., Gomphandra hainanensis Merr. Các loài này có đặc điểm là kích thước cây nhỏ hơn cây Sâm béo trắng, mặt dưới là có phủ một ít lông.
Cần phân biệt để tránh nhầm lẫn cây Sâm béo trắng với một số cây sau:
- Bổ béo đen (tên khoa học là Goniothalamus vietnamensis Ban., thuộc họ Na (Annonaceae) với đặc điểm là cây nhỏ, hoa gồm nhiều nhị và nhiều lá noãn.
- Bổ béo tía (tên khoa học là Polygala aureocauda Dunn. thuộc họ Viễn Chí Polygalaceae với đặc điểm là cây nhỡ, thân cây có màu vàng xám. Cụm hoa mọc thõng xuống dưới, hoa có màu vàng, quả thuộc dạng quả dẹt.
Dưới đây là hình ảnh cây Sâm béo trắng:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ.
Thời điểm thu hái: Quanh năm nhưng tốt nhất là vào mùa thu.
Chế biến: Rễ sau khi đào về thì đem rửa sạch, cắt bỏ gốc, đầu rễ và rễ con sau đó đem thái mỏng, ngâm cùng với nước vo gạo trong 24 giờ, sau đó vớt ra rửa sạch, đem phơi hoặc sấy khô. Tiến hành tẩm cùng với nước Gừng (50g gừng trong 100ml nước), đun trên bếp nóng trong vòng 10 đến 15 phút rồi phơi khô. Sau đó lại ngâm tiếp trong nước gừng, phơi nhiều lần đến khi hết nước tẩm, để nguội, đem phơi hoặc sấy khô, cuối cùng đem sao vàng.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Gomphandra Wall. ex Lindl. tại nước ta có khoảng 5 loài, đều thuộc dạng cây bụi nhưng chỉ có 2-3 loài là thấy có rễ củ và được ứng dụng để làm thuốc.
Bổ béo thuộc dạng cây ưa ẩm, có khả năng chịu bóng, cây thường mọc ở dưới những tán rừng kín thường xanh thuộc rừng nguyên sinh hoặc rừng thứ sinh. Sâm béo trắng còn được phát hiện ở những khu rừng núi đá vôi, bờ nương rẫy ở sát bìa rừng, độ cao phân bố từ vài chục đến hơn 1000 mét. Các tỉnh thuộc nước ta tìm thấy cây Sâm béo trắng như Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh. Sâm béo trắng ít được tìm thấy ở các tỉnh phía Nam hơn, cây còn được tìm thấy ở một số quốc gia khác như Lào và Trung Quốc.
Sâm béo trắng là loài ra hoa hàng năm tuy nhiên số lượng quả lại ít. Người ta phát hiện thấy xung quanh gốc cây mẹ có nhiều cây con ở các độ tuổi khác nhau. Sâm béo trắng mọc ở những nơi đất tốt, có độ tơi xốp thì cho rễ củ to, thẳng, ngược lại, những cây mọc ở đồi cây bụi thì rễ củ có lỗi gỗ to, ít nạc. Sâm béo trắng là loài có khả năng tái sinh chồi mạnh sau khi chặt.
2 Tác dụng của cây Sâm béo trắng
2.1 Công dụng theo Y học cổ truyền
2.1.1 Tính vị, tác dụng
Rễ cây Sâm béo trắng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, không có độc. Rễ có tác dụng bồi bổ cơ thể, dưỡng tỳ, sinh tân dịch, nhuận tràng, kích thích ăn ngon, lợi sữa, lợi tiểu.
2.1.2 Công dụng
Nhân dân thường đào lấy củ để ăn cho mát với mục đích giải nhiệt, giải khát đồng thời tránh mệt mỏi.
Nhân dân thường dùng rễ cây để làm thuốc bổ, uống trong thời gian dài giúp cơ thể béo khỏe. Liều dùng được khuyến cáo là 10-12g rễ khô đem sắc thành thuốc hoặc tán bột, trộn với mật làm thành viên. Sâm béo trắng có thể dùng để ngâm rượu để uống.
3 Cây Sâm béo trắng trị bệnh gì?
3.1 Chữa kém ăn, mất ngủ, người mệt mỏi, phụ nữ sau sinh
20g rễ Sâm béo trắng.
20g rễ cây Ké hoa vàng.
20f thân cây Khế rừng.
20g cành lá cây Dạ cẩm.
10g nhân quả Giun.
Các vị đem sắc nước uống.
3.2 Thuốc lợi sữa
20g rễ Sâm béo trắng.
10g thân cây Ớt làn lá to.
10g rễ Xích đồng nam.
10g rễ Hà Thủ Ô trắng.
Các vị đem sắc thành nước uống.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Bổ béo, trang 249-251. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Bổ Béo trang 900 -901. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2024.