Sá Sùng (Sipunculus nudus)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Eukaryota (Sinh vật nhân thực) Animalia (Động vật) Sipuncula (Giun biển) Sipunculidea (Giun biển) |
Bộ(ordo) | Golfingiida (Giun biển đối xứng hai bên) |
Họ(familia) | Sipunculidae (Sá sùng) |
Chi(genus) | Sipunculus |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Sipunculus nudus |

Sá sùng (tên khoa học là Sipunculus nudus, tên gọi khác là Sâm đất) thuộc loài động vật không xương sống, không phân đốt, chúng thường sinh sống ở khu vực có thủy triều lên xuống. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Sá sùng là con gì?
Sá sùng (tên khoa học là Sipunculus nudus, tên gọi khác là Sâm đất) thuộc loài động vật không xương sống, không phân đốt, chúng thường sinh sống ở khu vực có thủy triều lên xuống, nơi có nền đáy là cát hoặc cát bùn. Tại nước ta, Sá sùng được biết đến là một loại hải sản đắt đỏ và quý hiếm, có giá trị thương mại lớn, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân khu vực ven biển.
1.1 Đặc điểm sinh học

Sá sùng thuộc nhóm động vật biển, thường sống chui rúc trong những khu vực đất bùn cát, những con trưởng thành có chiều dài lên đến 25cm, đường kính thân dao động khoảng từ 1 đến 1,5cm, thân có màu hồng tím đến màu hồng trắng nhạt.
Sá sùng có hình dạng gần giống con giun, không chia đốt, phần đầu có kích thước nhỏ hơn thường được gọi là vòi, trên vòi có lỗ miệng, còn lỗ hậu môn nằm trên phần lưng gần với gốc vòi.
Thành cơ thể của Sá sùng có lớp biểu mô có 3 lớp bao gồm cơ vòng, cơ xiên, cơ dọc.
Ống tiêu hóa kéo dài sau đó cuộn khúc ở phần cuối của cơ thể, thức ăn của Sá sùng thường lẫn với đất.
Sá sùng có thể thần kinh phát triển yếu, Sá sùng có hạch não, vòng hầu, dây thần kinh bụng, loài động vật này chỉ có một giác quan độc nhất đó chính là vành xúc tu ở quanh miệng.
Sá sùng hô hấp trên khắp bề mặt của cơ thể, chúng dịch chuyển nhờ áp suất của dịch thể, ngoài ra, dịch thể xoang còn có vai trò làm thay nhiệm vụ của các tế bào máu.
Sá sùng vốn là loài đơn tính, sản phẩm sinh dục được hình thành trong thể xoang, sau khi chín sẽ được chuyển ra ngoài do đó, quá trình thụ tinh cũng sẽ diễn ra bên ngoài cơ thể.
Trứng Sá sùng có đặc điểm là phân cắt xoắn ốc, ấu trùng sống nổi, trải qua quá trình biến thái phức tạp để phát triển thành Sá sùng trưởng thành.
1.2 Sá sùng và Giun biển, Bông thùa khác nhau như thế nào?

Sá sùng còn có tên gọi khác là Sâm đất, Giun biển thường được tìm thấy ở Quảng Ninh, đây là loài có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, mọi người còn hay nhầm lần Sá sùng với Bông thùa (Sá sùng đen, Sâu đất, Giun đất biển) do có hình dạng gần giống nhau, tuy nhiên, 2 loài này hoàn toàn khác nhau cả về đặc điểm hình thái và giá trị kinh tế.
Về hình dạng, Sá sùng và Bông thùa có hình dạng gần giống nhau, chỉ khác nhau về kích thước và màu sắc. Sá sùng thường có màu trắng hồng đến trắng ngà trong khi đó Bông thùa có màu nâu sẫm đen, kích thước thường nhỏ hơn Sá sùng.
Bông thùa thường có thân nhẵn, không có phần phụ, thường sinh sống ở Hải Phòng, Vũng Tàu, Quảng Ninh, Cà Mau, Bến Tre,...
Về hương vị, Sá sùng có vị ngọt còn Bông thùa lại có vị hơi chát, thường dùng để xào su hào, ít khi dùng để nấu phở hay nấu canh.
Giá thành của Bông thùa thường rẻ hơn Sá sùng rất nhiều, tuy nhiên, nhiều người lại nhầm lẫn một cách khách quan hoặc chủ quan dẫn đến nhiều người nhầm tưởng Bông thùa là Sá sùng.
2 Kỹ thuật nuôi Sá sùng
Sá sùng có giá trị kinh tế cao do đó nhiều các nhân và hộ gia đình có nhu cầu phát triển mô hình nuôi trồng Sá sùng để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Dưới đây là quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm Sá sùng:
2.1 Chuẩn bị ao nuôi
Ao nuôi nên nằm ở vùng trung triều hoặc hạ triều dọc theo các bờ biển, nằm xa nguồn nước ngọt và các khu vực có nguồn nước ô nhiễm, tránh những nơi có sóng to.
Diện tích ao nuôi khoảng từ 500 đến 2000 mét vuông, độ sâu tối thiểu của ao nuôi là 1, mét, phần đáy là cát bùn hoặc cát pha vỏ của động vật thân mềm.
Tiến hành cải tạo ao nuôi trước khi nuôi trồng, nhiệt độ của ao nuôi nên dao động khoảng từ 26 đến 29 độ C, pH khoảng 7,5 đến 8,5, độ mặn khoảng từ 28 đến 32 ppt.
2.2 Lựa chọn giống

Chiều dao con giống tối thiểu khoảng 1,5cm, nên chọn lô giống có kích thước đồng đều, có màu hồng nhạt, không bị trầy xước, con giống khỏe mạnh, bơi nhiều, ưu tiên mua giống ở những xưởng sản xuất quy mô lớn để có chất lượng ổn định nhất.
Trong quá trình vận chuyển Sá sùng từ trại giống thì cần chứa chúng trong các thùng xốp có lót lớp cát bùn ẩm, độ dày lớp cát khoảng từ 10 đến 15cm hoặc dùng các khay nhựa để vận chuyển, cần lưu ý rằng, khay nhựa cũng cần phải được lót một lớp cát bùn ẩm.
Tháng 4 là thời điểm thích hợp nhất để tiến hành thả giống. Mật độ thả là từ 50 đến 70 con/m2. Nên thả lúc trời mát để tránh Sá sùng bị sốc gây ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, cũng k nên thả giống khi trời mưa.
2.3 Chăm sóc
Mỗi ngày cho Sá sùng ăn khoảng 2-3 ngày một lần vào lúc 8 giờ sáng, thức ăn là cá tạp xay trộn với cám gạo, bột đậu nành, bột ngô đã hấp chín.
Vệ sinh bờ ao để đảm bảo môi trường sống cho Sá sùng, bắt các loài cá dữ khỏi ao như cá trác, cá chẽm, cá măng,...
Thay 50% định kỳ 2 lần một tháng để duy trì được môi trường sống thuận lợi cho Sá sùng, trường hợp mưa trong thời gian dài thì cần thay nước ao mới để duy trì được độ mặn phù hợp.
2.4 Thu hoạch
Sau 6 tháng có thể thu hoạch được Sá sùng thương phẩm, thời điểm thu hoạch là vào sáng sớm, bảo quản trong thùng xốp, duy trì độ ẩm và thoáng khí.
3 Cách chế biến Sá sùng tươi và khô

3.1 Sá sùng tươi nấu món gì?
Sá sùng tươi có thể nấu với cháo, xào su hào hoặc nấu súp tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi gia đình.
3.2 Sá sùng khô nấu món gì?
Trước đây, để nước dùng tăng thêm độ ngon ngọt, người ta thường dùng Sá sùng khô cho vào nồi nước, hương vị của món ăn từ đó cũng tăng lên đáng kể mà không loại gia vị nào có thể thay thế.
3.3 Sá sùng khô nấu nước lèo, nấu phở
Phở Nam Định hay phở Hà Nội đều là những món ăn nổi tiếng không chỉ vì hương vị thơm ngon đặc biệt mà còn gây ấn tượng với cách chế biến cầu kỳ.
Để có được nồi nước dùng ngon, dân nấu phở chắc hẳn đều biết đến một loại gia vị đắt đỏ có tên gọi là Sá sùng. Sá sùng khô sau khi rang thơm cho trực tiếp vào nồi nước dùng sẽ khiến hương vị của món ăn thêm phần ngon ngọt và đậm đà. Tuy nhiên, hiện nay, do số lượng Sá sùng ngày càng khan hiếm, giá thành đắt đỏ nên không phải quán phở nào cũng sử dụng Sá sùng để nấu nước dùng.
3.4 Sá sùng khô nấu canh
Thay vì cho hạt nêm hoặc mì chính, bạn có thể cho Sá sùng vào nồi canh để tăng thêm hương vị cho món ăn bằng cách dùng Sá sùng khô, rang thơm, bóp cho vụn rồi cho vào nồi canh.
3.5 Sá sùng ngâm rượu có tác dụng gì?
Sá sùng ngâm rượu có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Cách làm cũng rất đơn giản, dùng 1g Sá sùng khô ngâm với 1 lít rượu, có thể ngâm cùng với một số loại dược liệu khác để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, không nên lạm dụng rượu Sá sùng vì có thể gây ra một số tác dụng xấu đối với cơ thể, chỉ nên uống đúng liều lượng, không dùng rượu Sá sùng cho phụ nữ, trẻ em, người suy giảm chức năng gan,...
4 Con Sá sùng có tác dụng gì?

Trong Đông Y, Sá sùng được dùng như một loại thuốc bổ có tác dụng tăng cường sức khỏe, tăng cường sinh lý.
4.1 Tại sao Sá sùng lại đắt?
Sá sùng không chỉ là nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe mà còn là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân thuộc vùng biển Quảng Ninh. Đây là một loại hải sản quý, được ví như ‘nhân sâm’ của vùng biển. Đối với hệ sinh thái rừng ngập mặn, Sá sùng đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ các mùn bã hữu cơ cũng như xới xáo đất. Đối với sức khỏe, Sá sùng là loài động vật có giá trị dinh dưỡng cao. Ngày nay, việc khai thác và nuôi trồng Sá sùng ngày càng phổ biến nhằm mục đích tăng thu nhập, tăng kinh tế cho người dân vùng biển Quảng Ninh.
4.2 Thành phần dinh dưỡng
Các nghiên cứu cho thấy, Sá sùng có chứa protein cao hơn nhiều so với các loại thực phẩm khác. Ngoài ra, Sá sùng còn chứa acid amin, trong đó có nhiều loại acid amin không thay thế rất cần thiết đối với cơ thể con người như Lysine, Valine, Leucine, Methionine, Histidine, Isoleucine, Threonine, Tryptophan với hàm lượng tương đối cao. Các loại acid amin rất cần thiết đối với hoạt động hằng ngày, giúp tăng cường hấp thụ và duy trì hàm lượng Canxi trong cơ thể. Ngoài ra, Sá sùng còn chứa glutamic với hàm lượng cao, đây là loại acid amin đóng vai trò quan trọng đối với quá trình chuyển hóa tế bào thần kinh và não bộ, đồng thời giúp giải các độc tố do não bộ tiết ra.
4.3 Vai trò đối với sức khỏe
Dựa vào thành phần dinh dưỡng, có thể nói Sá sùng là một trong những thực phẩm đắt đỏ với hàm lượng dưỡng chất cao, giúp bổ sung các loại acid amin cần thiết, duy trì sức khỏe tổng thể đồng thời giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
4.4 Tác dụng của Sá sùng khô
Thay vì sử dụng Sá sùng tươi thì Sá sùng khô có ưu điểm là dễ bảo quản, ước tính 10-11kg sá sùng tươi mới làm ra được 1kg Sá sùng khô.
Sá sùng khô thường được dùng để làm ngọt nước trong một số món ăn đặc biệt là món phở truyền thống của người Nam Định và Hà Nội.
5 1kg sá sùng giá bao nhiêu?
5.1 Giá Sá sùng tươi là bao nhiêu?
Giá Sá sùng tươi dao động từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng 1kg tùy thời điểm. Để mua Sá sùng chất lượng, bạn nên mua tại những cơ sở uy tín, được đánh giá cao về chất lượng.
5.2 Giá Sá sùng khô Quảng Ninh là bao nhiêu?
Sá sùng được coi là đặc sản của Quảng Ninh đặc biệt là khu vực Quan Lạn, Vân Đồn. Sá sùng ở đây được coi là có chất lượng tốt nhất vì có hương vị thơm ngon đặc biệt. Ước tính khoảng 10-11kg Sá sùng tươi mới cho ra 1kg Sá sùng khô thành phẩm, do đó, giá thành Sá sùng khô loại 1 có thể lên đến vài triệu đồng 1kg.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Chen-Xiao Zhang và cộng sự (Ngày đăng tháng 10 năm 2011). Anti-inflammatory and anti-nociceptive activities of Sipunculus nudus L. extract, PubMed. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2025.