Sa Sâm (Sa Sâm Nam - Launaea Sarmentosa)

4 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện thông tin nào chưa chính xác, vui lòng báo cáo cho chúng tôi tại đây
Sa Sâm (Sa Sâm Nam - Launaea Sarmentosa)

Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị bệnh hô hấp như ho, làm thuốc lợi sữa, giải khát, Sa sâm được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Sa sâm.

1 Giới thiệu về cây Sa sâm

Sa sâm còn có tên gọi khác là Sa sâm nam, Sa sâm việt, Sâm trường sa, mọc trên cát ở bãi biển, ở nơi nhiều phân chim như các đảo ngoài biển thì mọc rất tốt, nên còn được gọi là Sa sâm biển.

Tên khoa học của Sa sâm là Launaea sarmentosa (Willd.) Sch. - Bip. ex Kuntze, thuộc họ Cúc (Asteraceae). Dưới đây là hình ảnh cây Sa sâm.

Hình ảnh cây Sa sâm
Hình ảnh cây Sa sâm

1.1 Đặc điểm thực vật

Cây thân thảo sống lâu năm. Gốc rễ hơi dày lên, rễ mảnh, mềm, vàng nhạt. Thân dài 20-30cm, mảnh, mọc bò, đâm rễ và mang hoa ở các đốt và có thể mọc chồi thành cây mới. Lá mọc thành hình hoa thị ở gốc, xẻ thuỳ lông chim, dài 3-8cm, rộng 5-15mm, thuôn hẹp dần ở gốc, đầu tù tròn. Thuỳ tận cùng hình tam giác lớn hơn, các thuỳ bên hình tam giác tù, các thuỳ gốc càng xuống càng hep dần. 

Cụm hoa đầu màu vàng mọc ở gốc cây hoặc ở các đốt, thưa, có cuống ngắn, thường mọc đơn độc hoặc thành ngù ít hoa. Lá bắc ngoài không đều, lá bắc trong bằng nhau; mào lông màu trắng, tràng hình lưỡi có ống ngắn, 5 răng nhỏ, nhị 5. Quả bế hình trụ có cạnh, có mào lông dễ rụng. Mùa hoa quả vào tháng 6-12.

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Lá, rễ. Thu hái quanh năm, rửa sạch bằng nước vo gạo, đồ chín rồi phơi khô. Có nơi ngâm với nước phèn chua ⅕ hoặc ⅖, phơi cho se, xông diêm sinh hơn 1 giờ rồi mới phơi khô tạo Sa sâm khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Tại Việt Nam, cây có ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà vào tới Ninh Thuận, Bà Rịa-Vūng Tàu và Kiên Giang. Ngoài ra còn có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. 

2 Thành phần hóa học

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về thành phần và tác dụng của Sa sâm. Phân tích định tính của bột rễ cho thấy sự hiện diện của các alkaloid, axit amin, carbohydrate, glycoside, tanin và steroid.

Qua khảo sát thành phần hóa học rễ cây Sa sâm thu hái tại biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, TP.HCM đã phân lập được 9 hợp chất gồm α-amyrin acetat, β-amyrin acetat, lupeol acetat, ψ-taraksaterol axetat, luteolin, 4-allyl-2,6-dimethoxyphenol glucopyranoside, scorzoside, ixerisoside D và 9α-hydroxypinoresinol. 

== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Xạ can - Dược liệu hữu ích trong trị bệnh đường hô hấp

3 Sa sâm có tác dụng gì?

3.1 Tác dụng dược lý

3.1.1 Chống viêm, chống oxy hóa

Chiết xuất mehtanol của Sa sâm đã chứng minh hoạt động chống oxy hóa mạnh nhờ sự hiện diện của các thành phần polyphenolic và Flavonoid. Tiền xử lý với chiết xuất ức chế sự bài tiết oxit nitric qua trung gian LPS, các loại oxy phản ứng và yếu tố hoại tử khối u-α cũng như sự biểu hiện của các cytokine gây viêm. Hơn nữa, việc kích hoạt con đường nhân tố-kappa B và con đường phosphoinositide-3-kinase/protein kinase B đã bị chặn bởi chiết xuất bằng cách ức chế quá trình phosphoryl hóa Akt. Ngoài ra, con đường protein kinase được kích hoạt bằng mitogen đã bị ức chế và căng thẳng lưới nội chất bị suy giảm. Cuối cùng, dịch chiết đã thúc đẩy hoạt động của yếu tố 2 liên quan đến hồng cầu, dẫn đến sự điều chỉnh tăng của con đường heme oxygenase-1, dẫn đến việc ức chế stress oxy hóa và phản ứng viêm.

3.1.2 Giảm đau, hạ sốt

Chiết xuất methanol từ Sa sâm thể hiện sự gia tăng đáng kể thời gian phản ứng trong phương pháp quằn quại và cho thấy sự ức chế đau là 63,1% ở liều 400 mg/kg. Trong phương pháp nhúng đuôi, chiết xuất cho thấy thời gian giữ đuôi tối đa là 30 phút trong nước nóng tức là 6,93 giây trong khi pentazocine tiêu chuẩn cho thấy thời gian phản ứng là 7,62 giây.

Tiêm chiết xuất trong phúc mạc cho thấy nhiệt độ cơ thể giảm phụ thuộc vào liều ở sốt gây ra bởi men bia ở chuột; làm giảm đáng kể nhiệt độ cơ thể ở mức 400 mg/kg so với đối chứng.

Tác dụng của Sa sâm
Tác dụng của Sa sâm

== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Bồ Công Anh và các tác dụng thần kỳ với sức khỏe con người

3.2 Công dụng theo y học cổ truyền

Sa sâm nam có tính mát, vị ngọt, nhạt, hơi đắng, mùi thơm, quy vào kinh phế, có tác dụng bổ mát phổi, chỉ ho, long đờm, lợi sữa, nhuận tràng, lợi tiểu, tăng lực.

Ở Ấn Độ, Sa sâm được thay thế Bồ công anh dùng làm thuốc lợi sữa. Lá trị tạng bạch huyết; rễ phơi khô, sao vàng làm thuốc giải khát, lợi tiêu hóa, tăng lực. Toàn cây nghiền ra trị vết cắn của sứa. Dịch cây đắp trị đau thấp khớp.

4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Sa sâm

4.1 Cách dùng

Lá ăn sống như rau xà lách hoặc nấu canh ăn. Liều dùng toàn cây là 20-30g mỗi ngày; giã nát đắp chữa đau khớp phồng rộp do sứa. 

Liều dùng của rễ là 15-20g mỗi ngày, sao vàng, sắc uống chữa sốt, hao phổi, ho khan, ho đờm. Rễ sống nhuận tràng, lợi tiểu, không cần sao.

4.2 Bài thuốc

4.2.1 Trị bệnh hô hấp

Lao phổi, giãn phế quản và viêm phế quản mãn tính: Sa sâm 20g, ngọc trúc, tang diệp, thiên hoa, biển đậu mỗi vị 12g, Cam Thảo 4g. Sắc uống.

Chứng phế vị táo nhiệt sinh ra miệng khát, họng khô và ho khan có ít đờm: Mạch Môn, thiên hoa phấn, sa sâm, ngọc trúc, tang diệp mỗi vị 12g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Phổi yếu, mất tiếng và chứng hư nhược khí ngắn: Sa sâm, Sinh Địa mỗi vị 20g, tri mẫu, ngưu bàng tử, Huyền Sâm mỗi vị 12g, Hoàng Kỳ 4g, Xuyên Bối Mẫu 6g. Sắc uống.

Tức ngực, ho có đờm và viêm phổi: Sa sâm 16g, sinh địa 20g, mạch đông, ngọc trúc mỗi vị 12g. Sắc uống.

Chữa viêm phổi, ho đờm tức ngực: Rễ Sa sâm nam 15g, Tía Tô 10g, Gừng nướng 5 lát, cửu lý hương sao 4g, chè tàu 2g, chanh non 1 quả (thái mỏng sao). Sắc uống, chia 2 lần trong ngày.

4.2.2 Trị cảm sốt

Nóng sốt, khó thở, hư lao, thổ huyết, phổi yếu: Mạch môn, sa sâm, mỗi vị 20g. Sắc uống.

Trị ho sốt: Đường phèn 15g, sa sâm 25g. Cho vào nồi, thêm chút nước, đun trên lửa nhỏ trong 15 phút, uống.

Thuốc bổ mát chữa cảm sốt: Rễ Sa sâm nam, rễ vú bò, Hà Thủ Ô, Bạch Truật nam, rễ gai mỗi vị 20g, Hoài Sơn, rễ Sài Hồ nam, cam thảo mỗi vị 12g, Trần Bì 8g, gừng 4g. Phơi khô, thái nhỏ, sắc uống làm 2 lần trong ngày. Hoặc tán thành bột, trộn với Mật Ong làm viên hoàn, mỗi lần uống 10-20g, ngày 2-3 lần.

Trị ho sốt từ Sa sâm
Trị ho sốt từ Sa sâm

4.2.3 Trị bệnh khác

Vàng da và thiếu máu: Sa sâm, bột nghệ vàng mỗi vị 12g, hồi hương, nhục Quế mỗi vị 4g. Sắc uống.

Bụng đầy, sán khí và ợ chua: Sa sâm, mạch đông, Đương Quy mỗi vị 12g, Câu Kỷ Tử 24g, xuyên luyện tử 6g, sinh địa 20g. Sắc uống.

Đau nhức răng: Sa sâm 60g, trứng gà 3 quả. Nấu thành canh, ăn tới khi hết đau.

Sản phụ ít sữa: Thịt nạc 100g và sa sâm 12g. Nấu nhừ, thêm gia vị, ăn.

5 Tài liệu tham khảo

1. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Sa sâm nam trang 638-639, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2023. 

2. Tác giả Golam Sarwar Raju và cộng sự (Ngày đăng 28 tháng 10 năm 2014). Assessment of pharmacological activities of two medicinal plant of Bangladesh: Launaea sarmentosa and Aegialitis rotundifolia roxb in the management of pain, pyrexia and inflammation, PubMed. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2023. 

Các sản phẩm có chứa dược liệu Sa Sâm (Sa Sâm Nam - Launaea Sarmentosa)

An Phế Đan
An Phế Đan
Liên hệ
Inco Lungtonic
Inco Lungtonic
95.000₫
MACA 6 Old Truths
MACA 6 Old Truths
Liên hệ
Siro Ong Nâu Mom and baby new brand (Chai 100ml)
Siro Ong Nâu Mom and baby new brand (Chai 100ml)
65.000₫
1 1/1
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633