Sả (Hương Mao - Cymbopogon)
46 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Sả được sử dụng rộng rãi bởi công dụng hạ sốt, giảm đau, sát trùng. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Sả thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Sả
Sả còn có tên gọi khác là Sả chanh, Hương mao, mọc từ vùng thấp đến vùng cao ở khí hậu cận nhiệt hoặc nhiệt đới.
Tên khoa học của Sả là Cymbopogon spp., thuộc họ Lúa (Poaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Tại Việt Nam, phổ biến nhất là Sả chanh (Cymbopogon citratus). Đây là những cây thân thảo, sống lâu năm, cao đến 2m. Thân ngắn có đốt. Lá hình dải, ngắn hơn dóng thân, phẳng, gốc hẹp, đầu nhọn, dài 55-75cm, rộng 2,2-2,5cm, mép sắc, không lông hoặc có ít lông ở phần gốc; bẹ lá thuôn dài.
Cụm hoa mọc thành chùy dài 60-80cm hoặc hơn; bông giả hình chùm không đều, xếp từng đôi một, có một giẻ dài, một giẻ ngắn, có đốt ngắn. Hoa màu tím hoặc nâu hồng, lưỡng tính, hình mác nhọn, không có râu gai; hoa đực có cuống, hình elip hoặc hình mác, đỉnh có 2 răng ngắn, mép có lông, nhị 3, bao phấn 2 ô, xếp song song; bầu nhẵn, khi khô màu nâu sẫm. Mua hoa tháng 12-1 năm sau.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây, tinh dầu. Củ Sả thường được dùng làm thực phẩm, hoặc ép lấy tinh dầu.
1.3 Đặc điểm phân bố
Sả có nguồn gốc Đông Nam Á, được trồng khắp các châu lục. Tại Việt Nam, cây phân bố khắp các miền đất nước.
2 Thành phần hóa học
2.1 Alkaloid
Thân rễ của Sả chanh đã được báo cáo là chứa khoảng 0,52% alkaloid từ 300g nguyên liệu thực vật.
2.2 Flavonoid
Một số Flavonoid đã được phân lập từ các loài Cymbopogon. Isoorientin và tricin được phân lập từ chiết xuất dichloromethane của C.parkeri, đánh giá hai hợp chất này cho thấy hoạt động giãn cơ. Phân lập luteolin, cynaroside, isoscoparin và 2''-O-rhamnosyl isoorientin từ lá và thân rễ Sả chanh đã được báo cáo. Các hợp chất flavonoid khác được phân lập từ các bộ phận trên mặt đất của Sả chanh là quercetin, kaempferol và apigenin, elimicin, catechol, axit chlorogenic, axit caffeic và Hydroquinone được phân lập từ các bộ phận trên mặt đất của cùng một loài. Việc phân lập 4-phenylpropanoid từ các loài C.ambiguus ở Úc đã được báo cáo. Các hợp chất này là eugenol; elemicin; eugenol methylether và trans-iso-elemicin.
2.3 Terpenoid
Terpenoid không bay hơi: Nghiên cứu đã phân lập được một loại bis-monoterpenoid mới có tên là cymbodiacetal từ Sả hoa hồng. Các triterpenoid cymbopogone và cymbopogonol cũng được báo cáo từ lá của Sả chanh.
Terpenoid dễ bay hơi: Các dạng hóa học khác nhau của các loài Cymbopogon chứa các hợp chất chính khác nhau như citral, geraniol, citronellol, piperitone và elemin. Trong tài liệu, phần lớn Sả chanh được phân tích cho thấy tỷ lệ neral và geranial cao đáng kể. Lượng piperitone cao đặc trưng cho dầu của C.parkeri và C.olivieri từ Iran. Nghiên cứu đã báo cáo sự hiện diện đáng kể của cis-p-mentha-1(7),8-dien-2-ol và đồng phân của nó trans-p-mentha-1(7),8-dien-2-ol trong dầu của C.giganteus. Các thành phần chiếm ưu thế được quan sát thấy trong Cymbopogon bao gồm δ-2-carene,linalool, Limonene và elemicin.
2.4 Tanin
Sả chanh đã được báo cáo là chứa 0,6% tanin. Đây là loài duy nhất của Cymbopogon được khai thác nhiều nhất về hàm lượng tanin.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Rau Kinh giới - Vị thuốc trị mụn và cảm cúm hiệu quả
3 Tác dụng - Công dụng của Sả
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Hoạt động bảo vệ
Một số thử nghiệm sinh học đã xác nhận tiềm năng của các loài Cymbopogon cho một số mục đích sử dụng của chúng. Sả chanh được phát hiện có hoạt tính bảo vệ bằng cách ngăn chặn các tổn thương tế bào gan do diethylnitrosamine (DEN) gây ra ở chuột. Ở Nam Phi, chiết xuất từ Sả chanh đã được áp dụng để điều trị bệnh tưa miệng ở những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với HIV/AIDS và đã cho thấy hiệu quả.
3.1.2 Diệt côn trùng bao gồm muỗi
Hoạt động diệt côn trùng là một trong những tác dụng sinh học của hầu hết các loài thực vật thuộc chi Cymbopogon; nó được áp dụng như là biện pháp kiểm soát dịch hại đối với cây trồng được lưu trữ hoặc là thuốc chống muỗi/thuốc trừ sâu. Tinh dầu của Sả hoa hồng đã được nghiên cứu và phát hiện có hoạt tính kháng giun cao đối với Caenorhabditis elegans ở giá trị ED50 là 125,4 µg/mL, tinh dầu C.schoenanthus, C.giganteus và Sả chanh cho thấyb khoảng 100% tỷ lệ tử vong đối với Anopheles gambiae trưởng thành. Tinh dầu từ C.winterianus gây ra tỷ lệ chết phụ thuộc vào liều lượng của Culex quinquefasciatus với LC50 là 0,9%.
3.1.3 Chống ung thư
Các đặc tính chống ung thư của các loài Cymbopogon cũng đã được nghiên cứu. Tinh dầu của C.flexuosus có hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển và tiêu diệt tế bào khối u Ehrlich và Sarcoma-180. Người ta phát hiện ra rằng ở liều 200 mg/kg, Ehrlich ức chế khối u rắn khoảng 57,83% so với mức ức chế 45,23% quan sát được với 5-fluorouracil (22 mg/kg). Sự ức chế giai đoạn đầu của quá trình sinh ung thư gan cũng được quan sát thấy ở Sả chanh. Kết quả tích cực trong một số xét nghiệm sinh học khác như chống độc tố, chống viêm, kháng khuẩn, chống vi khuẩn, chống đái tháo đường, kháng cholinesterase, hoạt động diệt nhuyễn thể, kháng nấm và diệt ấu trùng cũng nổi bật.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Cúc Hoa Vàng Và Những Lợi Ích Tuyệt Vời Cho Sức Khỏe
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Sả chanh có tính ấm, vị cay, mùi thơm, quy vào kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng làm ra mồ hôi, thông tiểu, hạ khí tiêu đờm.
Cây Sả trị bệnh gì? Trong đông y, Sả được dùng trong chữa cảm sốt, đau bụng, đi ngoài, đầy hơi, trướng bụng, nôn mửa, trẻ em kinh phong, ho, viêm phổi, thủy thũng, ngộ độc rượu. Hiện được dùng nhiều trong các chế phẩm tinh dầu thư giãn, chống muỗi,
4 Cách sử dụng cây Sả và các bài thuốc
4.1 Chữa bụng trướng to, chân tay gầy gò
Nguyên liệu: Cây Sả, Diêm tiêu, vỏ Bưởi, Xạ hương, Quế, Bồ hóng, Hồi hương, Trạch Tả, Mộc thông, cỏ Bấc.
Cách làm: Sắc cách thủy rồi uống. Kiêng cơm nếp và muối, nên ăn một khúc mía trước khi uống thuốc.
4.2 Chữa cảm cúm, cảm lạnh, sốt gai rét không ra mồ hôi
Dùng tinh dầu Sả 10-15 giọt, uống cùng 1 cốc nước ấm, đắp chăn để ra mồ hôi giúp giải cảm sốt.
4.3 Thuốc xông giải cảm
Dùng: Lá Sả, lá Bưởi, lá Chanh, Cúc tần, Hương Nhu hoặc lá Bạch đàn, mỗi vị một nắm. Rửa sạch, cho vào nồi nước, đun sôi một lúc, trùm chăn xông hơi rồi lau khô, sau đó uống 1 bát nước thuốc, đắp chăn ngủ để ra mồ hôi là khỏi.
Hoặc: Lá Sả, lá Bưởi, Tía Tô, Bạc Hà, Kinh Giới, mỗi thứ một nắm. Đun sôi, xông trong 5-10 phút.
4.4 Chữa tiêu chảy
Dùng: Rễ Sả, Trần Bì, Hậu phác mỗi vị 6g, Hương Phụ 10g, vỏ Rụt 8g. Sắc đặc, uống làm nhiều lần trong ngày.
Hoặc: Rễ Sả, Gừng mỗi vị 10g. Sắc đặc, chia 2 lần uống trong ngày.
Nếu tiêu chảy nước nhiều: Rễ Sả 16g, búp Ổi, củ Riềng mỗi vị 8g. Sao qua, sắc uống, có thể truyền nước nếu mất nước nhiều.
4.5 Chữa phù nề chân, tiểu ít, thấp thũng
Dùng lá Sả 2 nắm, Cỏ xước 1 nắm, Bạch mao căn hoặc bông Mã Đề 1 nắm. Sắc uống 3 ấm.
4.6 Chữa ho
Nguyên liệu: Bách Bộ (bỏ lõi, thái nhỏ, sao khô) 500g, Mạch Môn (bỏ lõi) 300g, Tang bạch bì (tẩm mật, sao vàng) 200g, rễ Sả, Trần bì, Sinh khương, Tô tử mỗi vị 250g.
Cách làm: Bách bộ, Mạch môn, Tang bạch bì sắc với nước, cô thành 300ml cao lỏng; các vị còn lại giã nát, ngâm với rươu 40 độ vừa đủ để thu được 200ml rượu thuốc. Trộn cao lỏng với rượu thuốc, mỗi lần uống 10ml, ngày uống 2-3 lần.
4.7 Chữa đau dạ dày
Nguyên liệu: Rễ sả già (sao), Hậu phác (tẩm gừng, sao) mỗi vị 6g, Cám gạo (rang cháy khét) 12g, Hương phụ (sao) 10g, Thạch xương bồ, củ Riềng mỗi vị 4g, bao tử lợn 1 cái (sấy khô giòn).
Cách làm: Tất cả tán nhỏ thành bột mịn, mỗi ngày uống 12g.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Opeyemi Avoseh và cộng sự (Ngày đăng 23 tháng 4 năm 2015). Cymbopogon Species; Ethnopharmacology, Phytochemistry and the Pharmacological Importance, NCBI. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2023.
2. Nhận thức cây thuốc và dược liệu (Xuất bản năm 2021). Sả trang 258, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2023.