Rượu Thuốc
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Rượu thuốc hay tửu tễ là phương pháp sử dụng các bộ phận của dược liệu có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật, khoáng vật ngâm cùng với rượu để nhằm điều trị bệnh hoặc bồi bổ sức khỏe. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Rượu thuốc là gì?
Rượu thuốc trong một số cuốn sách còn được gọi là tửu tễ nghĩa là thang thuốc ngâm rượu. Về bản chất, rượu thuốc là việc sử dụng các bộ phận của dược liệu có nguồn gốc từ thực vật như hoa, lá, thân, rễ, quả hoặc nội tạng động vật, khoáng vật theo một tỷ lệ nhất định ngâm cùng với rượu để các thành phần có hoạt tính trong dược liệu sẽ hòa tan, sau một thời gian, tiến hành bỏ bã và thu được rượu thuốc.
Rượu là thành phần có tác dụng thông mạch, giúp phát huy các hoạt tính có lợi của dược liệu, do đó khi phối hợp rượu với thuốc sẽ giúp tăng cường hiệu lực của thuốc từ đó tăng cường tác dụng phòng và chữa bệnh, một số loại rượu thuốc còn có tác dụng bổ trợ sau khi khỏi bệnh, giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe.
Rượu thuốc thường được dùng để uống, một số loại dùng để xoa bóp bên ngoài, một số loại khác vừa dùng để uống vừa dùng để xoa bóp bên ngoài.
Ưu điểm của việc sử dụng rượu thuốc:
- Giảm việc phải sử dụng thuốc.
- Cách sử dụng dễ dàng, tiện lợi, một số thang thuốc có chứa nhiều vị thuốc khác nhau nhưng khi làm thành rượu thuốc thì các hoạt chất đã được hòa tan trong rượu nên dễ dùng hơn.
- Hấp thu nhanh, rượu sẽ tỏa khắp toàn thân, nhanh chóng phát huy tác dụng.
- Dễ bảo quản.
- Dễ uống do thường trộn thêm đường và mật.
2 Cách ngâm rượu thuốc bắc
Rượu thuốc có thể mua trực tiếp ngoài thị trường, tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều người tự ngâm rượu thuốc để sử dụng. Việc tự ý làm rượu thuốc cần phải lựa chọn được thang thuốc phù hợp, mỗi loại dược liệu có phương pháp chế biến khác nhau để giảm độc tính cũng như tăng hiệu quả sử dụng, nếu không rõ thì cần tham khảo hướng dẫn của người có chuyên môn. Tuyệt đối không tự ý sử dụng rượu thuốc thì còn chưa thực sự hiểu rõ về nó.
Phần lớn rượu thuốc hiện đại được ngâm từ rượu trắng 50-60% vì nếu dùng nồng độ cồn quá thấp thì không hòa tan được hết dược chất và ngược lại nếu dùng nồng độ cồn quá cao thì sẽ hút hết nước trong dược liệu.
Các vị thuốc trung dược được dùng để ngâm rượu thuốc thường được xắt mỏng, tán nhỏ, nếu dùng các vị tươi thì phải bảo chế.
Để ngâm rượu thuốc đúng quy trình, đảm bảo an toàn và hiệu quả thì trước tiên cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, cách sử dụng, tác dụng của từng vị thuốc.
Các phương pháp ngâm rượu thuốc phổ biến bao gồm:
2.1 Ngâm nguội
Đây là phương pháp đơn giản nhất, phù hợp cho những người tự ngâm rượu thuốc để dùng. Cách tiến hành như sau:
Các vị thuốc đem đi cắt mỏng hoặc tán nhỏ, sau đó cho vào lọ, thêm rượu trắng để ngâm, bịt kín lọ, ngâm trong khoảng 14 ngày là có thể dùng.
Trong quá trình ngâm thì thỉnh thoảng lắc lọ rượu ngâm.
Sau 14 ngày, tiến hành chắt lấy rượu, bã đem vắt khô, thêm rượu vào ngâm tiếp.
Nếu muốn rượu có vị ngọt thì đun đường với rượu cho sôi, lọc bỏ cặn, hòa nước rượu thuốc với nước đường để uống.
2.2 Ngâm nóng
Là phương pháp làm rượu thuốc từ thời xưa. Các vị thuốc được cho vào ngâm với rượu sau đó đun lên trong một khoảng thời gian đã được tính toán trước rồi để nguội. Cách này giúp nhanh thu được rượu thuốc đồng thời làm cho các hoạt chất dễ hòa tan trong rượu.
2.3 Phương pháp sắc nấu
Các vị thuốc đem tán qua sau đó cho vào nồi, đổ nước ngập mặt thuốc, ngâm trong 6 giờ, đem đun sôi trong 1-2 giờ, lọc lấy nước, cho thêm nước và đun thêm 1 lần nữa, để nguyên trong vòng 8 giờ, lọc lấy nước, đem cô lại thành hỗn hợp hơi sệt, chờ nguội rồi đổ một lượng rượu bằng với lượng thuốc đem ngâm, khuấy đều, đậy kín bình và đem để trong 7 ngày là có thể dùng được. Tuy nhiên, phương pháp này ít dùng do thành phẩm thu được ít có vị rượu, các vị thuốc lại tiết ra mùi của tinh dầu.
2.4 Ủ rượu
Cho thuốc vào nồi, thêm nước, đun nhừ, lọc lấy nước thuốc.
Dùng gạo nếp nấu thành cơm nếp sau đó đem trộn cơm nếp với nước thuốc và men rượu, đem đi ủ trong 10 ngày, sau khi lên men thì bỏ bã, chắt lấy nước.
2.5 Ngâm lọc
Thường dùng ở các xưởng sản xuất lớn.
3 Các loại rượu thuốc
Xét về tác dụng thì rượu thuốc được chia thành rượu thuốc dùng để điều trị bệnh và rượu thuốc giúp tẩm bổ sức khỏe, bao gồm:
- Rượu thuốc thường dùng để chữa bệnh là chính, tác dụng của rượu thuốc bao gồm dưỡng huyết, khử phong, tán hàn, hoạt huyết, thư giãn gân cốt, thông kinh lạc.
- Rượu dưỡng sinh mỹ dung có tác dụng bổ huyết, dưỡng vị sinh tinh, khỏe tim an thần như rượu long phượng, rượu ích thọ, rượu đại bổ gà rừng, rượu thập toàn đại bổ.
- Rượu bồi bổ, tăng cường sức đề kháng như rượu đinh lăng.
- Rượu bổ tỳ ích khí bao gồm rượu trường thị, rượu Đương Quy Hoàng Kỳ, rượu Nhân sâm, rượu bổ trường thọ, rượu sâm Quế dưỡng vinh.
- Rượu bổ âm dưỡng huyết gồm rượu tắc kè, rượu đương quy.
- Rượu bổ thận tráng dương gồm rượu sâm nhung, rượu bao tử dê, rượu tam tiên, rượu Quy Bản, rượu minh mạng.
- Rượu bổ tâm an thần như rượu Ngũ Vị Tử, rượu đầu khỉ, rượu Nhân Sâm ngũ vị tử.
- Tuy nhiên, việc lựa chọn rượu thuốc để dùng còn phụ thuộc vào tình trạng thân thể của người bệnh. Ví dụ người cao tuổi khí huyết hư nhược có thể chọn loại rượu bổ cả khí và huyết.
Xét về nguyên liệu thì có thể sử dụng các vị thuốc từ thực vật, động vật, khoáng vật hoặc kết hợp các loại với nhau để làm thành rượu thuốc.
4 Lưu ý khi sử dụng rượu thuốc
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh cũng cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
- Những người bị bệnh gan thì không nên uống rượu nhiều.
- Người bị huyết áp cao phải kỵ uống rượu.
- Người bị bệnh mạch vành không nên uống nhiều rượu.
- Người bị trúng phong kỵ uống nhiều rượu.
- Những cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ không được uống nhiều rượu.
- Người mới bị gãy xương thì không uống nhiều rượu hoạt huyết.
- Không nên dùng rượu Hùng Hoàng để uống: Một số người thường dùng rượu Hùng hoàng để diệt sâu bọ, tuy nhiên, rượu Hùng hoàng chỉ nên dùng xoa bóp ngoài vì đây là một loại khoáng vật có độ.
- Nếu đang dùng thuốc tây thì không nên uống rượu thuốc vì có thể làm giảm tác dụng của thuốc hoặc xuất hiện một số tác dụng không mong muốn.
5 Những ai không nên uống rượu thuốc?
Rượu thuốc có nhiều tác dụng đối với sức khỏe cũng như được sử dụng từ lâu trong Y học cổ truyền, tuy nhiên, không phải ai cũng nên dùng rượu thuốc, các đối tượng này bao gồm:
- Phụ nữ có thai.
- Phụ nữ đang cho con bú.
- Trẻ em.
- Người lớn tuổi.
- Người mắc bệnh viêm gan, xơ gan, loét Đường tiêu hóa.
- Người mắc các bệnh ngoài da.
- Trường hợp cảm mạo, sốt, đi ngoài, tiêu chảy, nôn mửa thì không nên dùng rượu thuốc.
6 Một số câu hỏi thường gặp
6.1 Rượu thuốc ngâm lâu có tốt không?
Thông thường, các phương pháp ngâm rượu thuốc chỉ cần từ 15-30 ngày là đã có thể sử dụng được. Việc ngâm rượu thuốc trong thời gian dài có thể làm cho các hoạt chất khác hòa tan trong rượu, khi dùng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
6.2 Rượu thuốc uống trước hay sau bữa ăn?
Rượu thuốc nên uống trước khi ăn cơm. Uống rượu thuốc thì cũng không nên uống quá nhiều mà còn phải căn cứ vào thể trạng của từng người. Liều dùng thông thường là 10-30ml một lần, ngày uống 2 lần hoặc phụ thuộc vào bệnh lý điều trị của người bệnh.
Không lạm dụng rượu thuốc vì có thể gây ra nhiều phản ứng bất lợi, ví dụ uống nhiều rượu nhân sâm có thể gây chướng bụng, làm giảm cảm giác ngon miệng hay uống nhiều rượu Nhung Hươu thì có thể làm cho người bệnh bị sốt, nóng trong, chảy máu mũi.
Uống rượu thuốc để điều trị bệnh thì khi hết bệnh cũng cần ngưng uống, không nên sử dụng lâu dài.
6.3 Tác dụng và tác hại của rượu thuốc trị mụn
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều người quảng cáo về sản phẩm rượu thuốc trị mụn cho hiệu quả nhanh, đặc biệt là ở những người bị mụn trứng cá nhiều, mụn trứng cá lâu năm. Khi sử dụng thì mụn giảm rất nhanh nhưng nếu ngừng bôi thì mụn lại lên. Các chuyên gia khuyến cáo rằng, việc sử dụng rượu thuốc bôi mặt có thể làm cho da bị bong tróc, ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da, nguy hiểm hơn có thể gây biến chứng trên da.
Cách nhận biết rượu thuốc trị mụn: Thường được đóng trong những lọ nhỏ, có màu nâu đen, bao bì đóng gói rất sơ sài, sau khi bôi thì da có cảm giác châm chích khó chịu.
7 Một số bài rượu thuốc phổ biến
7.1 27 vị thuốc bắc ngâm rượu
Đây là rượu thập toàn đại bổ có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường miễn dịch, bổ thận, điều hòa kinh nguyệt, các vị gồm:
- 12g Đương quy.
- 12g Xuyên Khung.
- 12g Bạch Thược.
- 12g Bạch Linh.
- 12g Đảng Sâm.
- 12g Bạch Truật.
- 20g Thục Địa.
- 10 Hoàng kỳ.
- 10g Cam Thảo.
- 6g Nhân sâm.
- Trên thực tế có gia thâm một số vị khác như Đại táo, kỳ tử,...
7.2 Rượu bách bộ
100g Bách bộ.
1000g rượu trắng.
Bách Bộ đem thái mỏng, sao sơ cho vào bình, đổ rượu, ngâm trong 7 ngày.
Rượu bách bộ có công dụng nhuận phổi, sát trùng, dùng để chữa viêm khí quản, ho lao.
8 Tài liệu tham khảo
999 bài thuốc ngâm rượu, Nhà xuất bản văn hóa dân tộc. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2024.