Rong Biển (Rong Mơ, Tảo Bẹ - Sargassum henslowianum)
19 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Hương Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Rong biển được biết đến là một loài thực vật sống ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới cùng với các tác dụng như bảo vệ đường tiêu ruột, bổ sung các vitamin và khoáng chất,... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Rong biển.
1 Giới thiệu về Rong biển
Rong biển hay còn gọi là Tảo bẹ, Rong mơ, với tên khoa học là Sargassum henslowianum J. Agardh, thuộc họ Rong mơ - Sargassaceae
Hiện nay trên thế giới có rất nhiều loài rong mơ như Rong mơ lá mềm, rong mơ nhánh bò, rong mơ Vachel,.....
1.1 Đặc điểm thực vật
Rong mơ là loại tảo cấu tạo bởi những sợi phân nhánh, có thân hình trụ tròn hoặc hơi dẹt, nhẵn hoặc có gai rất nhỏ, màu nâu hay nâu đen. Những sợi này mang những bộ phận mỏng, lá có một gân, mép nguyên hoặc khía răng không đều, trên mặt có những chấm đen, rải rác từng quãng có những bộ phận giống như quả mọc ở kẽ lá, nhưng thực ra đó chỉ là những phai hình tròn hoặc bầu dục trong chứa đầy không khí để rong mọc đứng trong nước biển.
Cơ quan sinh sản của rong biển hình trụ tròn hoặc lăng trị, nhẵn hoặc có gai, nguyên hoặc chia nhánh mọc thành chùm. Trên cơ quan sinh sản có thể có lá hoặc túi khí.
1.2 Đặc điểm phân bố, sinh thái
Chi rong mơ có gần 30 loài ở Việt nam, phân bố rải rác ở các vùng biển và xung quanh đảo. Cây rong mơ thường thấy ở các vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới, từ Nhật Bản đến Philippin.
Ở Việt Nam, rong biển có ở ngoài biển thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Phú Yên. Rong mơ thường phân thành nhiều nhánh, tạo thành những đám lớn bám trên đá. Do cấu tạo có những túi khí ở thân và cành, nên toàn bộ cơ thể tảo mặc dù ở nước biển nhưng vẫn có xu thế hướng lên trên; khi bị sóng biển làm gãy thường trôi vào bờ.
Nguồn rong mơ ở biển Việt nam rất phong phú. Cây đã từng được khai thác để sản xuất tốt ở Bình Định, Đà Nẵng, Hải Phòng.
1.3 Thu hái và chế biến
Rong biển thu hái vào mùa hạ, thu.
Dược liệu có dạng trụ tròn hoặc hơi dẹt, nhẵn hoặc có gai. Từ các nhánh mọc ra nhiều phiến phỏng, mép nguyên hoặc có răng cưa.
Sau khi thu hái, rong biển phải được rửa sạch bằng nước ngọt để loại bỏ muối và các tạp chất, rồi đem phơi hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.
2 Thành phần hóa học
Rong biển có chứa rất nhiều các thành phần hoạt chất như Iod, acid alginic, chất béo, Canxi, photphat, Sắt,.... Trong đó có chứa 45.3mg%-6 mg% iod được ứng dụng trong điều trị bướu cổ.
3 Tác dụng dược lý của Rong biển
Hoạt chất natri alginat và các thành phần đa đường chiết từ rong mơ đã được nghiên cứu như
- Ảnh hưởng đối với công năng thực bào của các đại thực bào
- Tác dụng đối với chuyển dạng tế bào lympho
- Ảnh hưởng đối với tế bào bạch cầu
- Tác dụng làm giảm cholesterol huyết
- Tác dụng chống khối u
- Tác dụng kháng độc tố botulin
- Tác dụng ức chế virus simplex herpes, Bacillus.
4 Công dụng của Rong biển theo Y học cổ truyền
4.1 Tính vị, tác dụng
Vị đắng, mặn, tính hàn
Tác dụng nhuyễn kiên, tiêu đờm, lợi thủy, tiết nhiệt, tác dụng ngược với Cam Thảo.
4.2 Công dụng của Rong biển
Hiện nay, trong y học hiện đại, người ta dùng rong biển chữa bướu cổ, dưới dạng viên có tên là iotamin chứa 50-70 microgram iod. Ngày dùng 2-4 viên trong vòng 3-5 tháng.
Trong y học cổ truyền, rong biển từ lâu đã được sử dụng làm thuốc chữa tràng nhạc, u bướu, thủy thũng, cước khí, tinh hoàn sưng đau. Liều dùng hằng ngày 6 -15g. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, dưới dạ thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Ngoài ra, rong biển còn là nguồn nguyên liệu để chiết alginat dùng trong công nghiệp hồ vải sợi.
Chú ý: Người tỳ vị hư hàn, có thấp trị không dùng.
5 Một số bài thuốc từ Rong biển
5.1 Chữa bệnh tràng nhạc, lở loét
Rong biển 2 phần, sao giòn với thóc rồi bỏ thóc tán bột; tắm vôi 1 phần (sao giòn), tán bột; quả mơ muối rửa nước sôi, bỏ hạt; lấy thịt giã nát trộn với bột trên làm viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 3-6 lần mỗi lần 5-6 viên với nước cơm, kiêng ăn đậu, gà, dê và uống rượu.
5.2 Chữa u giáp lành tính
Rong biển 15g, côn bố 15g, hải phù thạch 30g, Kim Ngân Hoa 15g, thủy Hồng Hoa tử 15g, đông qua bì 30g. Sắc nước uống ngày một thang.
5.3 Chữa lao hạch
Rong biển, thổ bối mẫu, Hương Phụ, Hạ Khô Thảo mỗi loại 9g. Sắc nước uống
5.4 Chữa cao huyết áp
Rong biển, côn bố, hạ khô thảo, mộc thông 30g; hà tử, Bạc Hà mỗi vị 15g, hạnh nhân 5g. Nghiền thành bột luyện với mật làm hoàn, mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần.
5.5 Chữa ung thư thực quản và trực tràng
Rong biển 30g, thủy tức 6g. Nghiền thành bột, mỗi lần uống 6g với rượu ngày 3 lần.
6 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Rong mơ (Rong biển), trang 633-635, cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2023.