Rì Rì (Homonoia riparia Lour.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) | Euphorbiaceae (Thầu dầu) |
Chi(genus) | Homonoia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Homonoia riparia Lour. |

Rì rì thuộc dạng cây bụi hay cây nhỡ, chiều cao mỗi cây chỉ từ 1 đến 2 mét, vỏ thân ráp. Phiến lá có dạng hình dài, chiều dài mỗi lá khoảng từ 1,5 đến 2,5cm, gốc lá tù, đầu nhọn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Homonoia riparia Lour.
Họ thực vật: Euphorbiaceae (Thầu Dầu).

1.1 Đặc điểm thực vật
Rì rì thuộc dạng cây bụi hay cây nhỡ, chiều cao mỗi cây chỉ từ 1 đến 2 mét, vỏ thân ráp.
Phiến lá có dạng hình dài, chiều dài mỗi lá khoảng từ 1,5 đến 2,5cm, gốc lá tù, đầu nhọn hay tù, mép lá nguyên hoặc hơi có răng. Cuống lá có phủ một lớp lông, lá kèm có dạng hình dùi, gốc lá hơi phình.
Hoa khác gốc, cụm hoa đực mọc ở nách lá tạo thành chùm bông, hoa đực có 2 loại lá bắc, cụm hoa cái mọc thưa hơn tạo thành bông.
Quả nang, có dạng hình cầu, quả có lông, tạo 3 mảnh hơi lồi.
Hạt của cây có dạng hình trứng.
Dưới đây là hình ảnh cây Rì rì:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ, lá, gỗ.
Thời điểm thu hái: Rễ và các bộ phận của cây có thể thu hái quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hay phơi khô.

1.3 Đặc điểm phân bố
Rì rì được tìm thấy ở Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippin và Việt Nam.
Tại nước ta, cây mọc ở Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum,...
Rì rì thường mọc dọc theo các bờ sông suối, có khả năng chịu được dòng chảy mạnh, độ cao phân bố từ 100 đến 1500 mét. Cây còn được trồng để giữ bờ sông hay bờ suối.

2 Thành phần hóa học
Dịch Nhựa của cây Rì rì có chứa toxalbumin.
Một hợp chất mới và mười hai hợp chất đã biết đã được phân lập từ chiết xuất etyl axetat của rễ cây Rì rì. Cấu trúc của chúng được xác định là hợp chất mới axit 1-oxo-aleuritolic (1) và mười hai hợp chất đã biết là axit aleuritolic (2), axit 3-acetoxy-aleuritolic (3), taraxerone (4), taraxerol (5), methyl 3-acetoxy-12-oleanen-28-oate (6), 3-acetoxy-12-oleanen-28-ol (7), axit ursolic (8), lupenol (9), 3beta-acetoxy-lupenol (10), cleomiscosin A (11), chrysophanol (12) và axit gallic (13), lần đầu tiên thu được từ loại cây này bằng các kỹ thuật quang phổ NMR, HMBC, IR và MS, riêng biệt.

3 Tác dụng của cây Rì rì
3.1 Tác dụng dược lý
Riparsaponin (RSP) là thành phần hoạt tính được phân lập từ cây Rì rì cho thấy có hoạt tính chống khối u đáng chú ý đối với ung thư biểu mô tế bào vảy miệng bằng cách gây apoptosis qua trung gian ty thể.

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Rễ cây có vị đắng, tính hàn, cây có tác dụng lợi đảm, thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, lợi niệu. Ở Ấn Độ người ta cho rằng rễ cây có tác dụng lợi niệu, nhuận tràng.

3.2.2 Công dụng
Nhân dân thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sử dụng rễ cây Rì rì trong trường hợp bị cảm, viêm gan mạn tính, viêm gan cấp tính, đòn giãn, giang mai, lậu, sỏi bàng quang.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng nước sắc từ rễ cây để trị sỏi bàng quang, trĩ, giang mai, lậu. Ngoài ra, Rì rì còn được dùng trong trường hợp đái són đau, loét, rối loạn đường tiết niệu.
Nhân dân Campuchia sử dụng các chồi non và lá để nấu nước gội đầu, gỗ của cây Rì rì còn được dùng làm nước hãm uống khi bị sốt rét.
Nhân dân Lào nấu nước từ lá cây Rì rì để trị ghẻ.
Nhân dân Indonesia sử dụng dịch của cây Rì rì để nhuộm răng đen, làm chắc răng đang bị lung lay.
Nhân dân Malaysia sử dụng lá và quả nghiền để đắp trị các bệnh ngoài da, ngoài ra còn dùng để sắc lấy nước uống.

4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Rì rì, trang 574-575. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2025.
Tác giả Tiecheng Li và cộng sự (Ngày đăng tháng 9 năm 2017). Riparsaponin isolated from Homonoia riparia Lour induces apoptosis of oral cancer cells, NCBI. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2025.
Tác giả Shu-Min Yang và cộng sự (Ngày đăng 2--7). Chemical constituents from the roots of Homonoia riparia, PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2025.