Rau Xương Cá (Stellaria Aquatica (L.) Scop)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Cây rau Xương Cá có tên khoa học là Stellaria Aquatica (L.) Scop). Nhân dân ta thường sử dụng để nấu canh chua hoặc dùng làm thuốc chữa viêm phần phụ. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Rau Xương Cá
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Stellaria Aquatica (L.) Scop.
Tên gọi khác: Phồn Lâu, Rau Hến.
Họ thực vật: Cẩm chướng Caryophyllaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Rau Xương Cá thuộc dạng cây thảo, có độ cao khoảng 20 đến 25cm, sống lâu năm.
Thân cây mọc bò trên mặt đất, sau mọc thẳng, thân mảnh.
Phần dưới thân có bề mặt nhẵn, phần trên thân có tuyến. Rễ mọc bén ở các đốt.
Lá mọc đối, phiến lá dài khoảng 2,5cm và rộng 2cm. Gốc lá có dạng hình tim, đầu lá nhọn. Trên mỗi phiến lá có 3 gân, gân ở giữa thường to hơn những gân còn lại. Những lá ở phía dưới có cuống nhưng những lá ở trên lại không có.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc ở ngọn cành. Hoa mọc chùm, thưa, có màu trắng, kích thước hoa nhỏ.
Đài 5, tràng 5, nhị 10.
Bầu có dạng hình cầu, 1 ô.
Quả nang, dạng hình cầu.
Hạt có dạng hình thận.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
1.3 Đặc điểm phân bố
Rau Xương Cá được phân bố chủ yếu ở vùng có khí hậu mát mẻ, cận nhiệt đới của châu Á. Cây được tìm thấy ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, vùng núi cao của Thái Lan và Việt Nam.
Tại nước ta, cây được phân bố tập trung ở các tỉnh thuộc miền núi của phía Bắc, có độ cao từ 600 đến 1600 mét như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái, Cao Bằng, Sơn La, Nghệ An,...
Là loại cây ưa ẩm, có khả năng chịu bóng, Rau Xương Cá thường mọc tập trung thành từng đám dày ở ven đường đi, ven nương rẫy hoặc ven rừng.
Cây mọc từ hạt vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Rau Xương Cá sinh trưởng và phát triển nhanh vào mùa xuân-hè. Sau khi ra hoa quả, cây bắt đầu héo úa và tàn lụi.
Hạt có khả năng tồn tại trên mặt đất trong 6-7 tháng, có khả năng sống được ở nhiệt độ thấp vào mùa đông.
Đây được coi là loại cỏ dại đối với cây trồng, tuy nhiên, Rau Xương Cá lại có tác dụng phủ đất, tránh xói mòn ở những vùng trồng cây.
2 Thành phần hóa học
Một số thành phần có trong Rau Xương Cá bao gồm:
- Nước chiếm 89,7%.
- Protein chiếm 3,3%.
- Glucid 1,4%.
- Chất xơ 3,7%.
Ngoài ra còn có thêm Canxi, Phospho, Caroten, Vitamin C.
3 Tác dụng - Công dụng của rau xương cá
3.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Vị nhạt, tính bình.
Tác dụng: Thanh nhiệt, tiêu thũng, hoạt huyết, giải độc.
3.2 Công dụng
Rau Xương Cá được nhân dân sử dụng để nấu canh ăn. Kinh nghiệm dân gian sử dụng rau xương cá để:
3.2.1 Chữa mụn nhọt
60g Rau Xương Cá tươi, giã nát, sau đó thêm rượu, sắc lấy nước uống, sử dụng thêm bã để đắp ngoài.
3.2.2 Chữa kiết lỵ
30g Rau Xương Cá tươi.
Sắc với nước, thêm đường để uống.
3.2.3 Chữa trĩ
90-120g Rau Xương Cá tươi.
Sắc lấy nước đặc.
Thêm muối.
Sử dụng nước để rửa và xông.
Nhân dân Trung Quốc còn sử dụng Rau Xương Cá để chữa cao huyết áp, viêm phổi, kinh nguyệt không đều với liều dùng được khuyến cáo là 15-30g dưới dạng nước sắc.
Rau Xương Cá non xào để ăn trong thời gian dài có tác dụng chữa bạc tóc sớm.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Rau Xương Cá
4.1 Chữa viêm nội mạc tử cung, viêm phần phụ, viêm cổ tử cung
60g Rau Xương Cá.
6g Đào Nhân.
9g Mẫu Đơn Bì.
Các vị sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần uống trong ngày.
4.2 Chữa hạch bạch huyết cổ sưng đau
30g Rau Xương Cá.
30g Côn Bổ.
Đường kính.
Sắc lấy nước uống hàng ngày.
5 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Rau Xương Cá, trang 613-614. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.