Rau Ngổ Trâu (Ngổ Nước, Ngổ Hương, Ngổ Đất - Enydra fluctuans Lour.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) | Enydra |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Enydra fluctuans Lour. |

Rau ngổ trâu thuộc dạng cây thảo, thường sống nổi hay sống ở vùng ngập nước, chiều dài mỗi cây có khi lên đến hàng mét, cây phân cành nhiều, có đốt. Thân cây có dạng hình trụ. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Enydra fluctuans Lour.
Tên gọi khác: Ngổ đất, Ngổ hương, Ngổ nước.
Họ thực vật: Asteraceae (Cúc).

1.1 Đặc điểm thực vật
Rau ngổ trâu thuộc dạng cây thảo, thường sống nổi hay sống ở vùng ngập nước, chiều dài mỗi cây có khi lên đến hàng mét, cây phân cành nhiều, có đốt.
Thân cây có dạng hình trụ, bề mặt thân có nhiều rãnh.
Lá của cây Rau ngổ trâu mọc đối, lá không có cuống, chiều dài mỗi lá khoảng 2-6cm, chiều rộng khoảng 0,3 đến 1,5cm, gốc lá hơi rộng và thường ôm lấy thân, các mép lá có khía răng cưa.
Cụm hoa mọc thành đầu, không có cuống, có lá bắc hình trái Xoan bao ở bên ngoài. Hoa cái và hoa lưỡng tính đều có khả năng sinh sản.
Quả bế, không có mào lông.
Dưới đây là hình ảnh cây Rau ngổ trâu:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hay phơi khô để dùng dần.
1.3 Đặc điểm phân bố
Rau ngổ trâu được tìm thấy ở nhiều nước Đông Nam Á, ngoài ra, cây còn phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc. Tại nước ta, cây mọc phổ biến ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ.
Rau ngổ trâu thường mọc hoang ở các ao hồ, sông suối, ruộng nương hoặc những nơi đất ẩm.
Cây ra hoa và kết quả vào tháng 4 đến tháng 11 hàng năm.

2 Cách trồng Rau ngổ trâu
Chuẩn bị đất bùn bằng cách thêm nước vào đất cho đến khi tạo thành hỗn hợp sền sệt.
Cắt từng đoạn thân có rễ rồi trồng vào chậu đất bùn
Trong quá trình trồng thì không cần chăm sóc nhiều, chỉ cần không để đất khô là được.
3 Thành phần hóa học
Rau ngổ có chứa các thành phần như:
- Nước chiếm 92,2%.
- Protein chiếm 1,5%.
- Lipid chiếm 0,3%.
- Cellulose chiếm 2,0%.
- Dẫn xuất không protein chiếm 3,8%.
- Khoáng toàn phần chiếm 0,8%.
Ngoài ra, cây còn chứa Vitamin C, caroten, vitamin B.
Cây khô có chứa tinh dầu với hàm lượng là 0,21%, stigmasterol chiếm 0,05% và một lượng nhỏ chất đắng có tên gọi là enydrin.

4 Rau ngổ trâu có tác dụng gì?
4.1 Tác dụng dược lý
Chiết xuất thô và các hợp chất cô lập của cây Rau ngổ trâu được báo cáo là có hoạt tính dược lý chống lại các hoạt động bảo vệ tế bào, giảm đau và chống viêm, kháng khuẩn, chống ung thư, chống tiêu chảy, chống giun sán, ức chế thần kinh trung ương, bảo vệ gan, làm tan huyết khối, chống đái tháo đường, chống oxy hóa, thực bào và gây độc tế bào, và bảo vệ thần kinh.
Rau ngổ trâu còn thể hiện tác dụng chống lại ngộ độc chì axetat gây ra bởi thực nghiệm thông qua việc thúc đẩy quá trình thanh thải Pb kết hợp với việc khôi phục cân bằng oxy hóa khử.
4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.2.1 Tính vị, tác dụng
Rau ngổ trâu có vị đắng, tính mát, mùi thơm, cây không có độc thường dùng với tác dụng mát huyết, thông hoạt trung tiện, tiểu tiện, cầm máu.
4.2.2 Công dụng

Nhân dân thường trồng Rau ngổ trâu để hái cành lá non dùng để nấu canh chua, ngoài ra cũng có thể ăn sống như một loại rau gia vị.
Rau ngổ trâu được dùng để làm thuốc chữa cầm máu băng huyết, cảm sốt, thổ huyết. Hạt của cây Rau ngổ trâu được dùng để chữa bệnh lý về gan mật và thần kinh.
Lá cây Rau ngổ trâu được dùng để nghiền nát rồi đắp lên da trong trường hợp bị mụn rộp, phát ban.
Liều dùng được khuyến cáo là 12-20g dưới dạng thuốc sắc, nếu dùng ngoài thì không kể liều lượng.
5 Rau ngổ trâu trị bệnh gì?
5.1 Chữa bí đái, bí trung tiện, đái ra máu, băng huyết do nóng
30g Rau ngổ trâu tươi giã nát, thêm nước sôi để nguội, khuấy đều, lọc nước bỏ bã, thêm đường và uống.
5.2 Cầm máu
Cành và lá Rau ngổ trâu đem giã nát, gói vào miếng băng gạc rồi đắp lên vết thương.
5.3 Viêm tấy
Dùng Rau ngổ trâu tươi giã nát rồi đắp.
5.4 Ăn uống không tiêu, đầy bụng
16g Rau ngổ trâu.
16g Nam Mộc Hương.
750ml nước.
Các vị sắc còn 250ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

6 Một số câu hỏi thường gặp
6.1 Bà bầu ăn rau ngổ trâu được không?
Bà bầu không nên ăn rau ngổ trâu quá nhiều vì có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.
6.2 Rau ngổ trâu làm món gì?
Rau ngổ trâu có thể dùng để ăn sống như một loại rau gia vị hoặc xào tỏi cùng với thịt trâu ăn cũng rất đưa cơm.
7 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Rau ngổ, trang 532. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2025.
Tác giả Antica Barua và cộng sự (Ngày đăng năm 2022). Phytochemistry, Traditional Uses and Pharmacological Properties of Enhydra fluctuans Lour: a Comprehensive Review, PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2025.
Tác giả Tarun K Dua và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2016). Cytoprotective and Antioxidant Effects of an Edible Herb, Enhydra fluctuans Lour. (Asteraceae), against Experimentally Induced Lead Acetate Intoxication, PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2025.