Rau Muống (Ipomoea reptans (L.) Poir.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Solanales (Cà) |
Họ(familia) | Convolvulaceae (Bìm bìm) |
Chi(genus) | Ipomoea |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Ipomoea reptans (L.) Poir. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Ipomoea aquatica Forsk. |

Rau muống thuộc dạng cây thảo, sống ở nước, cây mọc bò, các mấu có bén rễ. Thân cây có dạng hình trụ, phần giữa rỗng, bề mặt nhẵn, có nhiều đốt, đôi khi có hình chữ chi. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Ipomoea reptans (L.) Poir.
Tên đồng nghĩa: Ipomoea aquatica Forsk.
Họ thực vật: Convolvulaceae (Bìm Bìm).
1.1 Đặc điểm thực vật
Rau muống thuộc dạng cây thảo, sống ở nước, cây mọc bò, các mấu có bén rễ. Thân cây có dạng hình trụ, phần giữa rỗng, bề mặt nhẵn, có nhiều đốt, đôi khi có hình chữ chi.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình mũi tên, chiều dài mỗi lá khoảng từ 7 đến 9cm, rộng từ 3,5 đến 7cm, có hai tai nhỏ ở gốc, đầu lá thuôn nhọn, hai mặt của lá gần như trùng màu, gân gốc khoảng 5-7, chiều dài mỗi cuống lá có khi lên đến 6cm.
Cụm hoa của cây Rau muống mọc ở kẽ lá, hoa có màu hồng, 2 lá bắc, đài hoa có dạng hình chén, 5 răng nhọn không đều nhau, tràng hợp, 5 cánh hoa hàn liền, nhị có kích thước không bằng nhau, bầu nhẵn.
Quả của cây Rau muống thuộc dạng quả nang, hình cầu, hạt có phủ lông màu hung.
Mùa hoa quả từ tháng 9 đến tháng 11.
Dưới đây là hình ảnh cây Rau muống:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Rau muống là loài có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới của châu Á, sau sinh trưởng và mở rộng môi trường sống ra khắp các khu vực nhiệt đới khác bao gồm cả châu Phi và khu vực Trung Mỹ.
Ngày nay, Rau muống trở thành một trong số những loại rau ăn phổ biến ở hầu khắp các nước Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippin, Indonesia.
Rau muống được trồng có nhiều thứ trong đó nổi bật nhất là loại Rau muống trắng được trồng bằng hạt và loại rau muống được trồng bằng ngọn hay đoạn thân. Ở giống Rau muống trồng bằng đoạn thân cũng có giống màu trắng, giống màu xanh và giống màu tím. Cả 3 giống này đều ra hoa, kết quả nhưng quả không có hạt.
Hiện nay, ở các nước nư Thái Lan, Malaysia, Indonesia có những quần thể Rau muống mọc hoang dại hoàn toàn.
Tại nước ta, các giống Rau muống được trồng rộng rãi ở hầu khắp các địa phương nhưng giống Rau muống hạt thường chỉ được trồng ở khu vực thuộc phía Nam.
Rau muống có bản chất là loài ưa sáng, ưa nước, nhưng cây trồng bằng hạt ở trên cạn cần phải tưới nước thường xuyên. Rau muống là loài sinh trưởng và phát triển tốt ở điều kiện khí hậu nóng và ẩm, nhiệt độ thích hợp là từ 23 đến 30 độ C, những khu vực có nhiệt độ trung bình năm dưới 20 độ C thì cây thường phát triển kém.
Cây thường được trồng vào cuối mùa xuân, đầu hè và đến tận mùa thu. Tại một số khu vực có khí hậu mát như Lào Cai, Lai Châu thì ngay cả vào mùa hè cũng không trồng được rau muống.
Rau muống là loài có khả năng tái sinh vô tính khỏe, chỉ từ một đoạn thân hay đoạn cành là đã có thể phát triển thành một khóm rau muống mới, những cây bị ngắt ngọn thì chỉ sau khoảng 1 tuần cây đã phát triển một ngọn mới. Thân cây Rau muống có dạng hình ống nên cây có thể mọc nổi trên nước.
Rau muống là một loại rau mùa hè gần như không thể thiếu đối với nhân dân ta.

2 Cách trồng
Rau muống là loài rau phổ biến và tương đối dễ trồng. Cây có thể nhân giống bằng hạt hoặc bằng nhánh tùy giống. Rau muống có thể trồng trên cạn, dưới nước hoặc cây có thể mọc thành bè trên mặt nước.
Rau muống có thể được trồng quanh năm trừ những tháng mùa đông thời tiết lạnh, thời gian trồng chủ yếu là từ tháng 3 đến tháng 4.
Trước khi trồng cần làm đất, bón phân (chủ yếu là bón phân chuồng) rồi tiến hành gieo hạt hoặc trồng bằng đoạn thân với khoảng cách trồng là 20x15cm, tưới ẩm thường xuyên cho cây là được.
Rau muống là loài dễ trồng nhưng cũng cần phải lưu ý một số điểm sau đây:
Thu hoạch thành đợt, cắt hết phần trên mặt đất, chỉ để lại khoảng 3-5cm phần gốc. Đối với ruộng rau muống bè thì cần phát hết lá.
Sau khi thu hoạch thì cần bón thúc, chủ yếu là dùng phân chuồng, hạn chế sử dụng phân vô cơ.
3 Thành phần hóa học
Rau muống có chứa nước, chất béo, carbohydrate, chất xơ, trơ, Canxi, Magie, Sắt, provitamin A, Vitamin C. Rau muống còn chứa lipid với hàm lượng cao hơn so với nhiều loại rau ăn khác.
4 Tác dụng của cây Rau muống

Cao rau muống thể hiện tác dụng ức chế sinh tổng hợp leukotriene và prostaglandin in vitro, các tác dụng này có được là do sự hiện diện của các hoạt chất N-trans và N-cis feruloyl ramin. Ngoài ra, cao ở phần trên mặt đất không còn tươi của cây Rau muống sau khi cho vào dạ dày chuột cống thể hiện tác dụng chống tăng đường huyết với liều 3,4g/kg.
Trong Y học cổ truyền, Rau muống được sử dụng như một loại dược liệu có tác dụng chống đầy hơi và làm giảm viêm và có nhiều lợi ích đối với bệnh nhân vàng da, đau mật, viêm phế quản, suy giảm chức năng gan,..Rau muống còn là nguồn cung cấp dồi dào vitamin, khoáng chất, protein, chất xơ, Carotenoid và Flavonoid với nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
5 Công dụng theo Y học cổ truyền
5.1 Tính vị, tác dụng
Rau muống có vị ngọt, nhạt, tính mát có tác dụng sinh da thịt, giải độc, lợi tiểu, nhuận tràng.
5.2 Công dụng
Rau muống được dùng làm rau ăn có tác dụng trị táo bón, mụn nhọt chóng sinh da thịt, trị đái rắt. Một số trường hợp ngộ độc hoặc say sắn có thể giã Rau muống rồi vắt lấy nước cốt để uống, uống càng nhiều càng tốt, nước Rau muống có tác dụng giải độc rất tốt.
Nhân dân các nước Đông Nam Á đều dùng rễ cây Rau muống để trị nhuận tràng, lá cây dùng để đắp khi bị mụn lở, trĩ, loét, bệnh áp xe, vết thương sưng tấy.
Nhân dân Indonesia thường dùng nước sắc rễ để làm thuốc nhuận tràng, giải độc khi ngộ độc thuốc phiện hoặc ngộ độc thạch tín hoặc khi uống phải nguồn nước bị ô nhiễm, nước sắc này cũng dùng để trị trĩ.
Ăn nhiều rau muống hoặc uống nước sắc toàn cây có tác dụng an thần, giúp dễ ngủ, giảm stress, giảm nhức đầu, cải thiện sức khỏe. Nước sắc lá có tác dụng trị ho. Lá cây dùng vùng với ngọn non của cây Vòi Voi giã nát có tác dụng trị nấm da bằng cách đắp ngoài. Thân cây giã cùng ít vôi bột, lá khoai lang và Dền Gai dùng khi bị mụn nhọt.
Nhân dân Campuchia sử dụng Rau muống đắp trị mê sảng, lá non trị nấm da.
Nhân dân Ấn Độ cũng dùng nước ép Rau muống để giải độc, làm mát, ngoài ra, cây cũng được dùng trong trường hợp suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể.
Uống dịch ép rau muống tươi 2-5ml mỗi lần, ngày 4 lần để trị bệnh gan.

6 Những người không nên ăn rau muống
Rau muống là một trong những loại rau mùa hè phổ biến của nước ta, loại rau này có thể chế biến thành được nhiều món ăn ngon, gắn liền với hương vị của bữa cơm nhà như rau muống luộc dầm sấu, Rau muống xào tỏi, Rau muống xào thịt bò,...
Tại sao không nên ăn rau muống? Rau muống có tác dụng sinh da thịt, làm mát, nhuận tràng nên những người có cơ địa sẹo lồi, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy thì không nên ăn rau muống.
7 Tác hại của việc ăn nhiều rau muống
Ăn rau muống quá nhiều có thể gây nên tình trạng đi ngoài, cơ thể nhiễm lạnh dễ gây tiêu chảy.
8 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Rau muống, trang 598-600. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả Mital N Manvar và cộng sự (Ngày đăng tháng 4 năm 2013). Phytochemical and pharmacological profile of Ipomoea aquatica, PubMed. Truy cập ngày 8 tháng 3 năm 2025.