Rau Muối (Chenopodium ficifolium Sm.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheobionta (Thực vật có mạch) Magnoliopsida (Thực vật hai lá mầm) |
Bộ(ordo) | Caryophyllales (Cẩm chướng) |
Họ(familia) | Chenopodiaceae (Rau muối) |
Chi(genus) | Chenopodium |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Chenopodium ficifolium Sm. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Chenopodium album L. |
Rau muối thuộc dạng cây thảo mọc hàng năm, cây thường mọc đứng, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét, thân cây mọng nước, phủ một lớp lông nhìn như có bột ở các bộ phận còn non. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Chenopodium ficifolium Sm.
Tên đồng nghĩa: Chenopodium album L.
Họ thực vật: Chenopodiaceae (Rau muối).
1.1 Đặc điểm thực vật
Rau muối thuộc dạng cây thảo mọc hàng năm, cây thường mọc đứng, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét, thân cây mọng nước, phủ một lớp lông nhìn như có bột ở các bộ phận còn non.
Lá cây mọc so le, phiến lá có chiều dài khoảng 3 đến 6cm, chiều rộng khoảng 2,5 đến 5cm, những lá mọc ở phía trên có kích thước nhỏ hơn, những lá ở gốc có phiến thon hẹp, đầu tù mũi nhọn cứng, mép lá có thùy lượn sóng, mặt trên của lá có màu lục, mặt dưới có phủ lông màu xám dạng như bột. Cụm hoa phân nhánh nhiều, lá mọc ở dưới. Bao hoa chia thùy, vẫn tồn tại cho đến khi hoa nở, nhị 5, bầu hình tròn dạng hình trứng.
Quả bế nằm trong bao hoa, hạt tròn, đường kính mỗi hạt khoảng 0,8 đến 1mm, hạt có màu đen óng ánh.
Dưới đây là hình ảnh cây Rau muối:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Rau muối được tìm thấy ở Trung Quốc, các nước á nhiệt đới, ôn đới của châu Á và châu Âu. Ngoài ra, cây còn phân bố ở Campuchia, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Tại nước ta, Rau muối thường mọc phổ biến đặc biệt là khu vực thuộc vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.
Rau muối thường mọc ở các ruộng bỏ hoang, các thung lũng hoặc các nương rẫy cũ. Ngoài ra, cây còn mọc ở những bãi đất màu, bãi ven sông và ruộng muối.
Thời điểm ra hoa là từ tháng 2 đến tháng 6, cây có quả vào mùa thu.
Xem thêm: Cây Dầu Giun (Rau Muối Dại - Chenopodium ambrosioides) - tẩy giun hiệu quả
2 Thành phần hóa học
Phần thân có lá chứa các thành phần hóa học gồm:
- Nước chiếm 87,7%.
- Protein chiếm 5,3%.
- Glucid 1,2%.
- Cellulose 3,6%.
- Khoáng toàn phần chiếm 2,2%.
- Muối Khoáng gồm calci, phospho và một số loại vitamin như caroten, Vitamin C.
Hạt của cây có chứa tinh dầu, ngoài ra còn có hydrat carbon, protein, chất béo và tro.
3 Tác dụng của cây Rau muối
3.1 Tác dụng dược lý
Nghiên cứu hiện tại nhằm mục đích điều tra tác dụng của lá cây Rau muối đối với sự phát triển của dòng tế bào ung thư vú ở người phụ thuộc estrogen (MCF-7) và không phụ thuộc estrogen (MDA-MB-468). Các chiết xuất dung môi khác nhau (ether dầu mỏ, etyl axetat và metanol) đã được đánh giá về độc tính tế bào của chúng bằng cách sử dụng TBE (loại trừ xanh Trypan) và xét nghiệm sinh học MTT [3-(4, 5-dimethyl thiazol-2-yl)-2, 5-diphenyl tetrazolium]. Các tế bào này được nuôi cấy trong môi trường MEM (môi trường thiết yếu tối thiểu) và ủ với chuỗi chiết xuất pha loãng (10–100 mg/ml) trong tủ ấm CO 2 ở 37°C trong 24 giờ. Trong số các chiết xuất khác nhau được nghiên cứu cho hai dòng tế bào, chiết xuất methanol của lá cây Rau muối cho thấy hoạt động chống ung thư vú tối đa có giá trị IC 50 (nồng độ của một hợp chất riêng lẻ dẫn đến ức chế 50%) là 27,31 mg/ml đối với dòng tế bào MCF-7. Những phát hiện này đóng vai trò quan trọng trong việc sử dụng cây Rau muối trên lâm sàng như một tác nhân sinh học chống ung thư vú.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Rau muối có vị ngọt, tính bình có độc nhưng ít, cây có tác dụng lợi thấp, thanh nhiệt, chống ngứa, chỉ tả lỵ, sát trùng, ngoài ra, Rau muối còn thể hiện tác dụng trừ giun và nhuận tràng.
3.2.2 Cây Rau muối ăn được không?
Người ta thường hái ngọn non và lá non của cây để làm rau ăn, có thể chế biến Rau muối thành nhiều món ăn khác nhau như luộc, xào hay nấu canh.
Nhân dân Myanmar và Ấn Độ thường trồng Rau muối rồi thu hoạch hạt, hạt sau đó được chế thành bột.
Rau muối khi dùng làm rau ăn có tác dụng lợi tiêu hóa, ngoài ra, còn dùng để làm thuốc trị di mộng tinh, ỉa chảy, trị lỵ, trị rắn cắn, côn trùng độc cắn, thấp sang dương chẩn,...
Thân và rễ dùng làm thuốc trị bệnh lậu ở phụ nữ.
4 Cách chế biến Rau muối
Rau muối nấu với gì? Rau muối là một loại rau mọc hoang dại thường được người dân hái về để làm rau ăn có tác dụng rất tốt cho tiêu hóa. Rau muối có thể chế biến được thành nhiều món ăn ngon khác nhau như Rau muối luộc, canh rau muối,... Dưới đây là cách chế biến cụ thể mà bạn có thể tham khảo:
4.1 Rau muối luộc
Rau sau khi hái về thì bỏ những cọng già, rửa sạch.
Cho lên bếp luộc, chấm kèm nước mắm chua ngọt.
4.2 Canh rau muối nấu tôm
Tôm dùng loại tôm nhỏ, xào với hành tím cho thơm, thêm nước đun sôi rồi thả rau muối thái khúc vào là được một bát canh ngon cho cả gia đình.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Rau muối, trang 526-527. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2025.
Tác giả Menka Khoobchandani và cộng sự (Ngày đăng tháng 8 năm 2009). Chenopodium album prevents progression of cell growth and enhances cell toxicity in human breast cancer cell lines, NCBI. Truy cập ngày 3 tháng 1 năm 2025.