Rau Mùi Tàu (Eryngium foetidum)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Rau Mùi Tàu là loại rau không còn xa lạ trong bữa ăn của gia đình người Việt, giúp khử mùi tanh, tăng hương vị cho món ăn. Trong Đông y, Rau Mùi Tàu còn giúp trị bệnh về Đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu hóa kém, tiêu chảy... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Rau Mùi Tàu.
1 Giới thiệu về Rau Mùi Tàu: Rau Mùi Tàu tiếng Trung là gì?
Mùi Tàu hay Rau Mùi Tàu còn gọi là Ngò Gai, Ngò Tàu, Ngò Tây, Rau Mùi Cần.
Trong tiếng Anh, Rau Mùi Tàu có tên là Eryngo, Spirit Weed, Feedweed. Còn trong tiếng Trung, rau có tên là 芫茜/yuánqiàn/.
Danh pháp khoa học của Rau Mùi Tàu là Eryngium foetidum L., thuộc họ Hoa tán - Apiaceae.
1.1 Mô tả thực vật
Mùi Tàu là cây thảo, sống hàng năm, có thể cao 20 - 50 cm. Rễ hơi phình hình thoi. Thân mọc đứng, có khía, ít khi phân nhánh. Lá mọc sát đất thành hình hoa thị, hình mác hẹp dài, không cuống, dài 7 - 15 cm, rộng 1 -2 cm, gốc thuôn thành bẹ, đầu tù, mép khía răng đều, cứng và sắc, hai mặt gần như cùng màu lục.
Cụm hoa mang trên một cán dài, nhẵn, chẽ 3, rồi chia thành xim 1- 2 ngả mang những tán hình đầu; lá bắc hình mác hẹp, hoa không cuống màu trắng lục; đài và tràng nhỏ; chỉ nhị ngắn.
Quả hình cầu hoặc hình trứng hơi dẹt, có vảy.
Mùa hoa quả vào tháng 9 - 11 hàng năm.
1.2 Phân bố, sinh thái
Mùi tàu có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, sau lan khắp các vùng nhiệt đới của thế giới. Cây mọc tự nhiên nhiều ở Ấn Độ, Malayxia, Indonesia, Philippin, Thái lan, Lào, Nam Trung Quốc và Việt Nam,
Ở Việt Nam, mùi tàu có rải rác ở khắp các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng. Độ cao phân bố khoảng 1000 m ở Tam Đảo, hay 1300m ở Mường Lống - Nghệ An. Mùi tàu là cây ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng, thường mọc tập trung thành những đám nhỏ ở đất trống ven rừng, nương rẫy cũ hay các vườn cây ăn quả.
Cây cũng cũng được trồng ở nhiều nơi để làm rau gia vị. Cây mọc tự nhiên có lá dày và gai lá sắc nhọn hơn cây trong quần thể trồng. Mùi tàu ra hoa qua nhiều hàng năm, quả già tự nở để hạt rơi xuống đất và nảy mầm vào mùa mưa ẩm.
2 Rau Mùi Tàu cách trồng
Mùi tàu được nhân giống bằng hạt. Hạt mùi tàu khô có thể gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm rồi đánh cây con ra trồng. Gieo hạt vào mùa xuân hoạc mùa thu đều được.
Đất cần cày bừa kỹ, để ải, đập nhỏ lên luống cao 20 - 25 cm, rộng 1 - 1,2 m, bón lót một ít phân chuồng thật hoai, tưới ẩm rồi gieo hạt hoặc trồng cây con. Khoảng cách trồng 5 - 7 x 10 cm. Thường xuyên làm cỏ, tưới đủ ẩm. Ở chỗ có bóng râm, cây sinh trưởng nhanh hơn. Sau mỗi lần thu hái, có thể bón thúc bằng nước phân chuồng, nước giải ngâm kỹ hoặc đạm. Tất cả đều được pha thật loãng. Nhân dân có kinh nghiêm ngâm nước gạo tưới cho mùi tàu rất tốt. Chú ý đề phòng rệp hút Nhựa làm xoăn lá. Cây tàn lụi về mùa đông, sang xuân lại có thể tái sinh chồi.
3 Bộ phận sử dụng
Toàn cây thu hái vào mùa hạ, có thể dùng tươi hay phơi khô đều được.
4 Thành phần hoá học
Hương vị và mùi thơm đặc biệt của mùi tàu là do một thành phần hóa học chủ yếu có trong tinh dầu của lá, chủ yếu được tìm thấy dưới dạng aldehyde aliphatic gọi là eryngial hay (2E)-2-dodecenal.
Trong lá và rễ mùi tàu chứa (2E)-2-dodecenal, 13-tetradecenal, trans-2-tetradecenal, 2,3,4-trimetylbenzaldehyd, 2,4,5-trimetylbenzaldehyd, dodecanal, 1, trimetylbenzaldehyd, - cadinol và α -cadin.
Ở Ấn Độ, 93 hợp chất đã được phát hiện trong các mẫu lá và rễ của mùi tàu từ hai địa phương (Port Blair và Nadugani): (2E)-2-dodecenal (2,9%), trimethylbenzaldehyd (16,5%), dodecanal (4,7%) và caryophyllene oxit (2,6%) được tìm thấy trong lá của cây trồng ở Port Blair. Dầu từ lá của các mẫu từ Nadugani rất giàu thành phần trimethylbenzaldehyde (14,3%), dodecanal (3,3%), (2E)-2-dodecenal (14,3%), - cadinol (5,1%) , và α-cadinol (6,9%). Các hợp chất chính của dầu từ rễ cây từ Port Blair là đồng phân trimethyl benzaldehyde (57,0%) và dodecanal (2,3%). Dầu từ rễ cây được thu thập ở Nadugani có thành phần tương tự như của lá, với việc bổ sung (2E)-2-dodecenal (2,8%), - cadinol (7,3% ) và α -cadinol (10,2%) là hợp chất chính.
Dữ liệu tương tự cũng được tìm thấy trong các mẫu lá của E . foetidum ở Colombia, nơi có tỷ lệ cao aldehyt ((2E)-2-dodecenal, 5-dodecene, tetradecanal, tetradecenal) và chất thơm (2,4,6-trimethylbenzaldehide, 3,4,5-trimethylphenol).
Rau mùi tàu có hàm lượng chất xơ thô cao (tối đa là 6,32% và tối thiểu là 0,51%); hàm lượng protein dao động trong khoảng từ 5,25% đến 0,13% và chất béo thô của lá dao động trong khoảng từ 1,95% đến 0,06%. Các khoáng chất khác như Kali (K), phốt pho (P), coban (Co), Mangan (Mn), đồng (Cu), natri (Na), Kẽm (Zn), Canxi (Ca), Sắt (Fe), vanadi (V) và magiê (Mg) cũng được tìm thấy.
5 Tính vị, công năng
Mùi tàu có vị cay, đắng, tính ôn, có tác dụng hành khí, kiện vị, kích thích tiêu hoá, sơ phong, giải biểu.
6 Công dụng: Hoa mùi tàu có tác dụng gì?
Mùi tàu là một loại rau gia vị thường dùng để làm mất mùi tanh và tăng mùi vị thơm ngon của thức ăn. Có thể ăn sống hoặc nấu chín.
Ngoài ra mùi tàu còn được dùng làm thuốc chữa tiêu hoá kém, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, viêm ruột. Liều dùng hàng ngày 10 - 20g, sắc nước uống.
Phụ nữ thường dùng cây mùi tàu phối hợp với quả Bồ Kết làm nước gội đầu, để làm sạch gàu và thơm tóc.
Ở Trung Quốc, mùi tàu được dùng để chữa bụng dày hơi, tiêu hoá kém, viêm ruột, tiêu chảy, sốt cảm mạo. Ở Malaysia, rễ mùi tàu phối hợp với Cam Thảo nam chữa bệnh đau dạ dày. Ở Ấn Độ, rễ mùi tàu cũng được dùng làm thuốc kiện vị.
6.1 Tác dụng dược lý
Mười chín nghiên cứu về việc sử dụng và ứng dụng dược lý của rau mùi tàu đã được tìm thấy, với sự nhấn mạnh vào các hoạt động kháng khuẩn, chống oxy hóa, kháng nấm và chống viêm.
7 Uống nước lá ngò gai có tác dụng gì: Trẻ sơ sinh có uống được lá mùi tàu không?
Lá mùi tàu hay ngò gai đun nước có tác dụng hỗ trợ long đờm.
Cách nấu nước ngò gai như sau:
Dùng ngò gai khô, sao trên lửa cho vừa héo tới, rồi cho vào ấm đun cùng 450ml nước lọc, đun đến khi còn 150ml thì rót ra, uống sau bữa ăn.
Đối với trẻ sơ sinh, chưa có khuyến cáo cụ thể liệu có thể cho trẻ uống nước lá mùi tàu hay không, bài thuốc này thường dành cho những trẻ lớn hơn.
8 Rau mùi tàu bà bầu có ăn được không? Mẹ cho con bú có ăn mùi tàu được không?
Loại rau này được khuyến cáo là không nên dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Bởi một số nghiên cứu đã chỉ ra, sử dụng rau mùi tàu sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Vậy nên bà bầu hay bà bầu 3 tháng đều không nên ăn rau mùi tàu.
Còn với mẹ cho con bú, loại rau này có thể gây giảm tiết sữa, mất sữa cho sản phụ sau sinh. Vì vậy, những mẹ cho con bú cũng không nên ăn mùi tàu.
9 Tác hại của rau ngò gai: Rau mùi tàu kỵ với gì?
Rau mùi tàu kỵ với một số thực phẩm sau, khi chế biến, chúng ta nên tránh kết hợp rau mùi tàu với: nội tạng động vật, thịt lợn, thực phẩm giàu vitamin K như măng tây, súp lơ, cải xanh, trứng...
Tinh dầu của ngò gai có thể gây kích ứng da, vì vậy khi thu hái, ta nên sử dụng găng tay và không nên dùng mùi tàu cho người bị viêm phổi, hen phế quản...
10 Bài thuốc có mùi tàu
10.1 Chữa tiêu hoá kém, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy
Mùi tàu 20g, củ sả 12 g, tử tô 12 g, Gừng sống 12g, Sắc nước chia làm nhiều lần uống trong ngày.
10.2 Chữa sốt cảm mạo, ăn không tiêu
Mùi tàu khô 10 g, cam thảo nam 6 g, nước 300 ml. Đun sôi trong vòng 15 phút. Uống lúc nóng làm 3 lần trong ngày.
10.3 Chữa đái dầm
Mùi tàu 20 g, rau ngổ 20 g, cỏ Mần Trầu 20 g, cỏ sữa lá nhỏ 10g, thái nhỏ phơi khô, sắc uống sau bữa ăn chiều.
10.4 Rau mùi tàu trị nám
Đem 1 nắm lá rau mùi tàu tươi, thái vụn rồi ngâm vào nước ấm trong 2 giờ, lọc lấy nước, pha nước cốt chanh rồi thoa lên mặt để 15 - 20 phút, dùng 2 lần mỗi ngày vào mỗi sáng và tối.
11 Tài liệu tham khảo
- Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam Tập 2 (Xuất bản năm 2006). Mùi Tàu trang 311 - 313, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam Tập 2. Truy cập ngày 04 tháng 08 năm 2023.
- Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Rau Mùi Tàu trang 687 - 688, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 04 tháng 08 năm 2023.
- Tác giả Thiara L. M. Rodrigues và cộng sự (Đăng ngày 14 tháng 03 năm 2022). Eryngium foetidum L. (Apiaceae): A Literature Review of Traditional Uses, Chemical Composition, and Pharmacological Activities, Hindawi. Truy cập ngày 04 tháng 08 năm 2023.