Rau Mồng Tơi (Basella rubra L.)

0 sản phẩm

Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Bộ(ordo)

Caryophyllales (Cẩm chướng)

Họ(familia)

Basellaceae (Mồng tơi)

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Basella rubra L.

Rau Mồng Tơi (Basella rubra L.)

Mồng tơi thuộc dạng cây thảo, cây sống một năm hay hai năm. Thân quấn, có màu lục hay màu hung đỏ. Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Basella rubra L.

Tên gọi khác: Rau mồng tơi.

Họ thực vật: Basellaceae (Mồng tơi).

1.1 Đặc điểm thực vật

Mồng tơi thuộc dạng cây thảo, cây sống một năm hay hai năm. Thân quấn, có màu lục hay màu hung đỏ.

Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, chiều dài mỗi lá khoảng từ 5 đến 7cm, chiều rộng từ 1 đến 3cm, gốc lá bằng hoặc hình tim, đầu lá hơi tù hoặc hơi nhọn, phiến lá nạc, nguyên, hai mặt của lá nhẵn, mặt trên có màu sẫm bóng.

Cụm hoa mọc thành bông ở kẽ lá, bông nạc nhưng rất thưa, hoa mọc cách xa nhau, hoa không có cuống, màu tím nhạt, có lá kèm, nhị 5, bầu nhớt.

Quả thuộc dạng quả bế, hình cầu, có màu tím, hạt có kích thước nhỏ.

Mùa hoa quả từ tháng 6 đến tháng 8.

1.2 Rau Mồng tơi có mấy loại?

Rau mồng tơi có mấy loại?
Rau mồng tơi có mấy loại?

Trên thực tế, Mồng tơi có 2 thứ bao gồm:

  • Basella rubra L. var. nigra Lour. với thân có màu hơi hung đỏ, hoa màu trắng tím, quả đen.
  • Basella rubra L. var. alba L. có thân màu lục, quả trắng.

Còn về màu sắc thì rau Mồng tơi có thêm một loại là Rau mồng tơi đỏ hay rau mồng tơi tím, loại này cũng được dùng để làm rau ăn và công dụng gần như tương tự nhau.

1.3 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Toàn cây.

Thời điểm thu hái: Quanh năm.

Chế biến: Dùng tươi.

Hạt thu hái ở quả chín sau đó đem phơi khô.

1.4 Đặc điểm phân bố

Mồng tơi có nhiều biến chủng trong quá trình sinh trưởng và trồng trọt. Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, hiện nay cây được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới của Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ để làm rau ăn. Malaysia, Việt Nam và Philippin là những nước trồng loại rau này nhiều nhất.

Mồng tơi có bản chất là loài nhiệt đới, biên độ sinh thái rộng. Cây ưa sáng, ưa ẩm, chỉ những cây không bị ngắt ngọn và hái lá thường xuyên mới ra hoa quả. Thời gian nở thường kéo dài khoảng từ 10 đến 13 tiếng, hoa tự thụ phấn hoặc thụ phấn nhờ côn trùng.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

2 Cách trồng

Mồng tơi được trồng phổ biến để làm rau ăn, cây sinh trưởng và phát triển được trên nhiều loại đất khác nhau trừ đất khô cằn, nhiều đá sỏi, đất không đủ ẩm.

Trong quá trình trồng, nếu muốn cây sinh trưởng khỏe mạnh, lá to thì nên trồng ở khu vực đất pha cát, nhiều màu, đất nhẹ.

Mồng tơi được trồng bằng hạt, hạt được gieo trong vườn ươm, khi cây con đủ lớn thì đánh đi trồng. Thường gieo trồng Mồng tơi vào tháng 2 đến tháng 3 và có thể kéo dài đến hết mùa hè. Gieo mồng tơi có thể được khoảng 2-3 lứa mỗi năm. Cây sinh trưởng nhanh vào mùa hè và đầu mùa thu.

Đất trồng cần tiến hành cày, bừa, lên luống cao khoảng 20 đến 25cm, rộng 1 đến 1,2 mét, bón phân, cây con trồng cách nhau 20x20cm.

Thường xuyên xới xáo, dọn cỏ, tưới nước để cây đủ ẩm.

Sau mỗi lần thu hái thì cần bón thúc bằng phân chuồng hoặc đạm pha loãng để cây nhanh lên chồi mới.

Nếu trồng thưa, có thể cắm giàn cho cây leo, trồng nhiều thì không cần mà thu hoạch theo lứa rồi trồng lứa mới.

Cây ít bị sâu bệnh phá hoại, chủ yếu là sâu xanh, châu chấu, do đó cần có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Cách trồng rau mồng tơi
Cách trồng rau mồng tơi

3 Thành phần hóa học

Mồng tơi chứa hàm lượng protein tương đối cao, sau khi phân tích thấy có hơn 13 loại acid amin trong đó có 8 acid amin chủ yếu.

Các nhà khoa học đã phát hiện trong quả của cây Mồng tơi có chứa glucosid betanilin.

Mồng tơi còn là nguồn thực phẩm có chứa nhiều pro-vitamin A. Ngoài ra, cây còn chứa Vitamin B3, vitamin A3, các chất vô cơ như Canxi, natri, Magie, Kali, Sắt, Kẽm, Mangan, photpho.

4 Tác dụng của cây Mồng tơi

Rau mồng tơi có mấy loại?
Rau mồng tơi có mấy loại?

Lấy nước ép từ lá Mồng tơi ở nồng độ 50g/lít rồi cho thẳng vào dạ dày của chuột cống trắng đã được gây sốt bằng men bia với liều 10 và 20ml/kg thì thấy chiết xuất Mồng tơi có tác dụng hạ sốt.

Nước ép Mồng tơi có tác dụng ức chế phản ứng phù một cách rõ rệt sau khi nghiên cứu trên mô hình gây phù bằng cách tiêm ovalbumin hoặc formaldehyde.

Nước ép Mồng tơi còn có tác dụng ức chế tính thẩm thấu tăng cao của các mao mạch trong ổ bụng của chuột nhắt gây ra bởi acid acetic.

Khi tiến hành nghiên cứu thí nghiệm trên chuột cống trắng, các nhà khoa học nhận thấy rằng, nước ép Mồng tơi khi dùng liên tục trong 7 ngày thì thấy tác dụng ức chế hình thành tổ chức u hạt bằng phương pháp cấy dưới da.

5 Rau Mồng tơi trị bệnh gì?

5.1 Tính vị, tác dụng

Hạt của cây Rau mồng tơi
Hạt của cây Rau mồng tơi

Mồng tơi có vị ngọt, chua, tính hàn, có tác dụng hóa tràng, thanh nhiệt, giải độc, lương huyết.

5.2 Công dụng

Nhân dân ta thường dùng Mồng tơi để làm rau ăn, ngoài ra, đây cũng là một vị thuốc phổ biến trong Y học cổ truyền.

Mồng tơi được dùng trong trường hợp tiểu tiện khó khăn, táo bón, đi ngoài ra máu, mụn nhọt, ban da.

Đối với trường hợp táo bón, dùng lá và cành non của cây Mồng tơi đem nấu canh ăn hoặc dùng bài thuốc:

  • 50g Mồng tơi.
  • 50g Rau đay.
  • 1-2 củ Khoai sọ.
  • Các loại đem rửa sạch, thái nhỏ rồi nấu để ăn trong ngày.

Ngoài ra, có thể phối hợp 4 loại rau bao gồm Rau Má, Rau mồng tơi, Rau lang, Rau đay, mỗi thứ 50g, đem thái nhỏ, sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml rồi uống trong ngày.

Người lớn tuổi gặp tình trạng táo bón, dùng rau Mồng tơi ăn hàng ngày rất tốt.

Mồng tơi còn có thể dùng ngoài bằng cách lấy 50g lá Mồng tơi, 50g Lá tới, 1 khúc Xương rồng bà có gai (lấy đoạn sạch gai) đem rửa sạch, giã nát rồi đắp khi bị mụn nhọt, mụn đinh. Mỗi ngày thay 1 lần. Uống thêm nước sắc từ 20g lá Bồ Công Anh, 20g Măng tre, 8g Gừng. Dùng liên tục từ 3-5 ngày.

Ngoài ra, lá cây Mồng tơi còn dùng để giã nát đắp trong trường hợp vú đau nứt nẻ.

Nhân dân Malaysia dùng lá cây Mồng tơi giã nát, đắp ngoài chữa mụn nhọt.

Nhân dân Indonesia sử dụng nước sắc từ lá của cây Mồng tơi để làm thuốc tẩy nhẹ ở trẻ em.

Dịch ép từ lá cây Mồng tơi, thêm một ít nước chanh và nước dưa có thể dùng cho phụ nữ có thai. Các bà đỡ thường dùng dịch ép từ lá Mồng tơi và lá Dâm Bụt cho phụ nữ sau sinh uống.

Nhân dân Philippin sử dụng rễ cây Mồng tơi giã nát đắp ngoài khi bị sưng viêm, dịch ép từ rễ dùng để bôi khi bị mụn trứng cá.

5.3 Tác dụng của rau mồng tơi với da

Hạt mồng tơi bỏ vỏ phơi khô còn được chị em phụ nữ dùng để đắp mặt bằng giã tán hạt thành bột mịn, thêm Mật Ong và bôi hàng ngày.

Bột mồng tơi đem trộn với phấn xoa để giảm rôm sảy.

Nhân dân Trung Quốc thường dùng chất màu của cây Mồng tơi tía để chế thành phấn bôi da, son môi. Quả dùng để nhuộm màu cho các loại bánh, mứt, khi làm thì thêm ít dịch chanh sẽ giúp màu tươi hơn, tuy nhiên, không được dùng quá nhiều.

6 Cách nấu canh mồng tơi

Các món ăn từ rau mồng tơi
Các món ăn từ rau mồng tơi

Rau mồng tơi rửa sạch, thái khúc.

Đun sôi nước.

Cho rau mồng tơi vào nồi, thêm gia vị vừa ăn.

Để sôi 1-2 phút rồi múc ra bát và thưởng thức.

Ngoài ra, rau Mồng tơi có thể nấu cùng với các loại rau khác như rau Đay, mướp hương,.. hoặc nấu cùng với ngao giúp nước dùng ngon ngọt, giúp giải nhiệt vào mùa hè.

7 Những người không nên ăn rau mồng tơi

Những người cơ thể tỳ lạnh, đi ngoài phân lỏng thì không dùng Mồng tơi do đây là loại rau có tính hàn, nếu ăn thì càng làm cho triệu chứng bệnh nặng hơn.

8 Tài liệu tham khảo

  1. Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Việt Nam tập 2. Mồng tơi, trang 295-297. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2025.
  2. Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Mồng Tơi trang 466-467. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2025.
  3. Tác giả Sandopu Sravan Kumar và cộng sự (Ngày đăng năm 2016). Phytoconstituents and stability of betalains in fruit extracts of Malabar spinach (Basella rubra L.), Pubmed. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2025.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Rau Mồng Tơi (Basella rubra L.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0927.42.6789