Rau Mát (Monochoria vaginalis (Burm. f.) Presl ex Kunth)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) Commelinids (nhánh Thài lài) |
Bộ(ordo) | Commelinales (Thài lài) |
Họ(familia) | Pontederiaceae (Bèo lục bình) |
Chi(genus) | Monochoria |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Monochoria vaginalis (Burm. f.) Presl ex Kunth | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Monochoria ovata Kunth Pontederia vaginalis Burm. f. |
Rau mát thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 20 đến 30cm, một số cây có kích thước lên đến 45cm, thân rễ ngắn mọc ở trong bùn. Rễ cây thuộc dạng rễ chùm có màu trắng. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Monochoria vaginalis (Burm. f.) Presl ex Kunth
Tên đồng nghĩa: Monochoria ovata Kunth, Pontederia vaginalis Burm. f.
Tên gọi khác: Rau mát bao, Cây cùi dìa.
Họ thực vật: Pontederiaceae (Bèo lục bình).
1.1 Đặc điểm thực vật
Rau mát thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 20 đến 30cm, một số cây có kích thước lên đến 45cm, thân rễ ngắn mọc ở trong bùn.
Rễ cây thuộc dạng rễ chùm có màu trắng.
Lá cây mọc đơn, dạng phiến Xoan, gốc lá tròn hoặc hình tim, chiều dài mỗi phiến lá khoảng 4 đến 6cm, chiều rộng từ 3 đến 5cm, cuống lá dài khoảng 15 đến 20cm, gốc cuống phát triển thành bẹ ôm lấy thân.
Cụm hoa hình chùm, ít hoa, hoa có màu xanh hay tím, lá đài rộng hơn cánh hoa, nhị 6, đôi khi còn 3 hay 4 nhị, chỉ nhị có màu trắng, rời nhau, đính ở gốc bao hoa.
Bầu thượng, 3 ô, vòi nhụy có dạng hình trụ.
Quả nang, có dạng hình thuôn, chiều dài mỗi quả khoảng 1cm, bao hoa có tồn tại hạt, hạt có màu nâu nhạt.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Rau mát được tìm thấy ở Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Châu Phi và Việt Nam.
Tại nước ta, cây mọc phổ biến ở khắp cả nước, đặc biệt là những khu vực có bùn, đầm lầy, ao, ruộng, rạch, độ cao phân bố lên đến 1500 mét.
2 Thành phần hóa học
Rau mát có chứa 85,6% nước, 1,7% chất xơ, 3,1% protit, 1,4% tro, 8,2% glucid, 2,6mg% carotene, 26,2mg% Vitamin C.
3 Tác dụng của cây Rau mát
3.1 Tác dụng dược lý
Rau mát là một loại thảo dược được sử dụng để điều trị các vấn đề về gan ở Ấn Độ. Acetaminophen là một loại thuốc giảm đau và hạ sốt thường được sử dụng, ở liều cao, có thể gây hoại tử gan và thận ở người và động vật. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu nhằm mục đích đánh giá các thành phần thực vật và nghiên cứu các hoạt động bảo vệ thận và chống oxy hóa của chiết xuất Ethanol của cây Rau mát đối với độc tính do acetaminophen gây ra ở chuột. Các thành phần thực vật như axit n-hexadecanoic, 3-methyl-acetate-1-butanol, 1,1,3-triethoxy-propane, Z,Z,Z-1,4,6,9 - nonadecatetraene, axit undecanoic, 3-trifluoroacetoxy penta decane và 4-ethyl-5-octyl-2,2-bis (trifluoromethyl) - cis-1,3-dioxalone đã được xác định từ chiết xuất ethanol của cây Rau mát. Các nghiên cứu sinh hóa cho thấy có sự gia tăng nồng độ ure và creatinin huyết thanh cùng với sự gia tăng trọng lượng cơ thể và giảm nồng độ axit uric trong các nhóm được gây ra bởi acetaminophen. Các nghiên cứu chống oxy hóa cho thấy nồng độ SOD, CAT, GSH và GPx ở thận ở những động vật được điều trị bằng APAP tăng lên đáng kể cùng với hàm lượng MDA giảm trong chiết xuất ethanol của các nhóm được điều trị bằng chiết xuất Rau mát. Ngoài ra, những thay đổi về bệnh học mô học cũng cho thấy bản chất bảo vệ của chiết xuất của cây Rau mát chống lại tổn thương hoại tử do acetaminophen gây ra ở các mô thận. Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng, chiết xuất ethanol của cây Rau mát có thể ngăn ngừa tổn thương thận do độc tính trên thận do APAP gây ra ở chuột.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Rau mát có vị đắng, tính bình, cây có tác dụng tiêu thũng bài nung, thanh nhiệt giải độc, lợi niệu.
3.2.2 Công dụng
Thân và lá cây Rau mát thường dùng để làm thức ăn cho lợn, ngọn và lá non còn dùng để làm rau ăn, có thể đem xào, nấu hoặc muối dưa.
Nhân dân Campuchia sử dụng hoa và thân cây để ăn với lẩu mắm. Ngoài ra, cây còn được dùng để sắc lấy nước uống giúp giải nhiệt, chữa cảm nắng.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng rễ nhai trong trường hợp bị đau răng, vỏ cây ăn cùng với đường có tác dụng trị hen.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng cây Rau mát trong trường hợp bị lỵ, răng lợi có dấu hiệu mưng mủ, viêm ruột, sưng amidan cấp tính, ghẻ lở, viêm họng, rắn cắn.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Rau mát, trang 524-525. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2025.
Tác giả Subramani Palani và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2011). Evaluation of phytoconstituents and anti-nephrotoxic and antioxidant activities of Monochoria vaginalis, NCBI. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2025.