Rau Má Lá Rau Muống (Nhất Điểm Hồng - Emilia sonchifolia (L.) DC.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) | Emilia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Emilia sonchifolia (L.) DC. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Cacalia sonchifolia L. Senecio sonchifolius Moench. |
Rau má lá rau muống thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 0,3 đến 0,5 mét. Thân cây có dạng hình trụ, cây mọc đứng, phân cành nhiều, cành nhẵn, có màu lục hoặc màu tím tía. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây Rau má lá rau muống là cây gì?
Tên khoa học: Emilia sonchifolia (L.) DC.
Tên đồng nghĩa: Cacalia sonchifolia L., Senecio sonchifolius Moench.
Tên gọi khác: Nhất điểm hồng, Hoa mặt trời, Dương đề thảo
Họ thực vật: Asteraceae (Cúc).
1.1 Đặc điểm thực vật
Rau Má lá rau muống thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng từ 0,3 đến 0,5 mét.
Thân cây có dạng hình trụ, cây mọc đứng, phân cành nhiều, cành nhẵn, có màu lục hoặc màu tím tía.
Lá cây mọc so le, phiến lá nhẵn hoặc hơi có lông, mép khía răng không đều. Những lá ở gần gốc có kích thước lớn, phiến lá hình tròn hoặc hình trứng, những lá ở giữa lại có hình bầu dục, đầu lá nhọn, các lá này đều chia thùy có kích thước không đều, lá không có cuống.
Cụm hoa mọc thành đầu hình trụ ở ngọn thân, có 8-9 lá bắc, hoa lưỡng tính, có màu hồng tím, mào lông rậm, tràng hình ống, nhị 5, bầu hình thoi, có cạnh.
Quả bế, có gai ngắn.
Mùa hoa quả gần như quanh năm.
Dưới đây là hình ảnh của cây Rau má lá rau muống (Nhất điểm hồng):
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây bỏ rễ.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Rửa sạch, phơi hoặc đem sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Emilia Cass. gồm các loài đều là cây thảo, được tìm thấy ở hầu khắp khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới ở các châu lục. Tại nước ta, chi này có 4 loài.
Rau má lá rau muống được tìm thấy ở nhiều khu vực nhiệt đới của châu Á như Ấn Độ, Nam Trung Quốc, Myanmar, Lào, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Tại nước ta, cây mọc ở nhiều địa phương, từ vùng đồng bằng đến các tỉnh miền núi với độ cao phân bố dưới 1000 mét. Cây thường mọc ở những khu vực đất ẩm, thường là các bãi hoang, nương rẫy, ven đường đi. Vào mùa xuân phát hiện được nhiều cây con mọc từ hạt, sang mùa thu thì bắt đầu tàn lụi sau khi có hoa quả. Hạt có túm lông giúp cây phát tán đi xa.
Tại nước ta, Rau má lá rau muống được coi là loài cỏ dại. Nhân dân Ấn Độ và một số khu vực khác thuộc Đông Nam Á thường hái ngọn non của cây về để làm rau ăn.
2 Thành phần hóa học
Thành phần hóa học của cây Rau má lá rau muống gồm:
- Alcaloid.
- Stearin.
- Glucosid.
- Các tác giả khác đã xác định được simiaral, acid palmitic, beta sitosterol, acid triacontanoic.
3 Tác dụng của cây rau má lá rau muống
3.1 Cây Nhất điểm hồng có tác dụng gì?
Cây có vị đắng, tính mát, quy vào kinh tâm, can, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, lợi thủy, tiêu độc.
3.2 Công dụng
Rau má lá rau muống được dùng trong trường hợp sốt, cảm mạo, viêm đau ở họng, ngứa lở, đậu lào, ung nhọt, tiêu chảy ra máu, tiểu buốt, kiết lỵ cấp, rắn cắn, có thể uống hoặc dùng ngoài.
Chú ý: Không dùng cho người suy nhược cơ thể.
Y học cổ truyền Ấn Độ, sử dụng nước sắc rau má lá rau muống để làm thuốc hạ sốt trong trường hợp trẻ em bị viêm tai giữa, trị viêm đường ruột. Rễ cây dùng trong trường hợp tiêu chảy. Dịch ép từ lá tươi của cây Rau má lá rau muống dùng trong trường hợp quáng gà, đau mắt, đau tai. Ngoài ra, cây còn được dùng trong trường hợp vết thương, vết đứt.
Nhân dân Nepal sử dụng dịch ép từ cây tươi nhỏ tai trong trường hợp tai chảy mủ.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Rau má lá rau muống trang 587-588. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Cây Rau Má Lá Rau Muống trang 111. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2024.