Rau Khúc Tẻ (Gnaphalium affine G. Don)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Asterales (Cúc) |
Họ(familia) | Asteraceae (Cúc) |
Chi(genus) | Gnaphalium |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Gnaphalium affine G. Don | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Gnaphalium multiceps Wall |

Rau khúc tẻ thuộc dạng cây cỏ, sống hàng năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 20 đến 30cm. Thân cây thường mọc thành từng cụm, phủ một lớp lông trắng như len. Lá cây mọc so le. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Gnaphalium affine G. Don
Tên đồng nghĩa: Gnaphalium multiceps Wall
Họ thực vật: Asteraceae (Cúc).
1.1 Cách nhận biết cây Rau khúc tẻ
Rau khúc tẻ thuộc dạng cây cỏ, sống hàng năm, chiều cao mỗi cây khoảng từ 20 đến 30cm.
Thân cây thường mọc thành từng cụm, phủ một lớp lông trắng như len.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục đến hình mũi mác, gốc lá thuôn, đầu lá tù hơi có mũi nhọn, chiều dài mỗi lá khoảng từ 4 đến 6cm, chiều rộng từ 0,5 đến 0,8cm, hai mặt của lá phủ lông như len dày, mặt dưới phủ nhiều lông hơn, gân chỉ ở giữa rõ.
Cụm hoa mọc thành ngù kép ở ngọn thân, gồm nhiều đầu có màu vàng, lá bắc có dạng hình bầu dục đến hình thuôn từ ngoài vào trong, lưng có lông len, đầu có mang hoa cái và hoa lưỡng tính, màu lông có màu trắng bẩn, sớm rụng. Tràng mảnh, 3 thùy, tràng hoa lưỡng tính có dạng hình trụ, 5 thùy.
Quả của cây Rau khúc tẻ thuộc dạng quả bế, hình trứng thuôn, có hạch nhỏ
Mùa hoa quả từ tháng 3 đến tháng 5.
Dưới đây là hình ảnh cây Rau khúc tẻ:

1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hay phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Gnaphalium L. trên thế giới đều là các loài cây thảo, thường phân bố rải rác ở nhiều nơi nhưng thường tập trung chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới. Tại Ấn Độ, chi này có 9 loài, Trung Quốc có hơn 10 loài và nước ta có khoảng 5 loài. Rau khúc tẻ thường được tìm thấy ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Myanmar,...
Tại Việt Nam, cây thường mọc chủ yếu ở các khu vực thuộc phía Bắc từ Hà Tĩnh trở ra, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng, trung du như Ninh Bình, Hà Tây, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Cao Bằng, Bắc Giang,...
Rau khúc tẻ thường mọc lẫn trong những ruộng trông hoa sau vụ đông xuân hay trên ruộng cao đã gặt. Cây còn được tìm thấy ở các bãi sông, ruộng ở vùng núi sau khi nước đã cạn.
Rau khúc tẻ có bản chất là loài ưa sáng, ưa khí hậu ẩm mát, thường mọc ở những thời điểm nhiệt độ trung bình thấp trong năm. Cây ra hoa quả nhiều, quả già thì cây cũng bắt đầu tàn lụi vào mùa hè thu, Rau khúc tẻ tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.
2 Cách trồng

Ngoài phương pháp khai thác trong tự nhiên, Rau khúc tẻ hiện nay cũng được trồng nhiều nhằm mục đích cung cấp đủ nguyên liệu đặc biệt là khi hiện nay các khu vực đều thâm canh 2 vụ, ruộng trồng màu cũng được xới xáo thường xuyên dẫn đến khu vực sinh sống của cây bị thu hẹp.
Rau khúc tẻ được trồng bằng hạt, hạt có khả năng sinh trưởng mạnh, sau khi rụng xuống đất 1 năm vẫn còn khả năng nảy mầm. Thời điểm gieo trồng tốt nhất là cuối đông hay đầu xuân.
Đất trồng tốt nhất là đất trồng rau, sau khi cày bừa thì tiến hành lên luống hoặc để nguyên cả ruộng rồi tiến hành gieo vãi.
Rau khúc tẻ sau khi trồng không cần chăm sóc nhiều, chỉ tưới nước khi đất quá khô hạn. Nếu có điều kiện thì dùng nước phân, nước pha đạm loãng để tưới.
Sau 1 đến 1 tháng rưỡi thì có thể thu hoạch lá non để làm bánh.
Nếu dùng làm thuốc thì có thể dùng cả lá già, lá bánh tẻ, đem phơi khô hoặc dùng tươi.
3 Thành phần hóa học
Toàn cây có chứa Flavonoid, alcaloid vết, tinh dầu, sterol vết, vitamin B, Vitamin C, caroten, chất không xà phòng hóa, chất diệp lục, dầu béo, chất nhựa.
Theo một số tác giả, Rau khúc tẻ còn chứa thành phần có tác dụng ức chế ngưng kết tiểu cầu.
4 Tác dụng của cây Rau khúc tẻ
4.1 Tác dụng giảm ho
Nước sắc từ Rau khúc tẻ liều tính ra dược liệu khô là 4g/kg thể hiện tác dụng giảm ho khi cho chuột cống trắng uống.
4.2 Tác dụng kháng khuẩn
Khi sử dụng phương pháp đục lỗ trên môi trường thạch, nước sắc theo tỷ lệ 1:1 (1kg rau khúc tẻ khô đem sắc, cô đặc còn 1ml dịch) thể hiện tác dụng ức chế đối với Staphylococcus aureus và trực khuẩn lỵ Shigella.
4.3 Tác dụng khác
Chiết xuất G. affine cho thấy tác dụng đáng kể trên các mô hình được đánh giá và do đó có thể là tác nhân hoạt động để điều trị tăng axit uric máu và viêm khớp gút cấp tính.

5 Công dụng theo Y học cổ truyền
5.1 Tính vị, tác dụng
Rau khúc tẻ có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, có tác dụng quy vào kinh phế, tỳ, cây có tác dụng tiêu viêm, thanh nhiệt, tiêu đờm, thư phế, chỉ khái, điều kinh, khu phong hàn, hạ huyết áp.
5.2 Công dụng
Nhân dân thường sử dụng Rau khúc tẻ để đồ với gạo tẻ làm bánh khúc, lá cũng được dùng để làm rau ăn.
Rau khúc tẻ cũng được dùng làm thuốc trong các trường hợp như cảm sốt, ho, viêm khí quản mạn tính, viêm họng, hen suyễn có đờm, huyết áp cao, phong thấp tê đau.
Liều dùng là 15 đến 30g đem sắc lấy nước uống hoặc hãm uống. Ngoài ra, có thể dùng Rau khúc tẻ đem thái nhỏ, trộn thêm với đường, hấp cơm rồi uống.
Lá cây Rau khúc tẻ có thể dùng ngoài bằng cách giã nát sau đó đắp vào vết thương trong trường hợp bị bầm giập, có vết chém, vết rắn cắn.
6 Rau khúc tẻ trị bệnh gì?

6.1 Chữa cảm sốt, viêm họng, ho
30g Rau khúc tẻ khô.
10g Gừng.
10g Hành.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
6.2 Chữa viêm khí quản, viêm phế quản, hen suyễn có đờm
15g Rau khúc tẻ.
15g Khoản đông hoa.
15g Tỳ bà diệp.
10g Hạt mơ.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
7 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Rau khúc tẻ, trang 516-517. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2025.
- Tác giả Hong-Jian Zhang và cộng sự (Ngày đăng tháng 5 năm 2017). Effects of Gnaphalium affine D. Don on hyperuricemia and acute gouty arthritis, PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 2 năm 2025.