Rau Cần Trôi (Ráng Gạc Nai - Ceratopteris thalictroides (L.) Brongn.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Pteridophyta (Thực vật hoa ẩn có mạch) Polypodiopsida (Dương xỉ) |
Bộ(ordo) | Polypodiales (Dương xỉ) |
Họ(familia) | Ceratopteridaceae (Rau cần trôi) |
Chi(genus) | Ceratopteris |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Ceratopteris thalictroides (L.) Brongn. |
Rau cần trôi thuộc dạng cây thủy sinh, sống hàng năm, cây mọc đứng, thân rễ ngắn. Lá cây mọc thành túm, cuống dày, xốp, mọng nước, phiến lá không sinh sản thì mọc nổi hoặc mọc đứng. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Ceratopteris thalictroides (L.) Brongn.
Tên gọi khác: Quyết gạc nai.
Họ thực vật: Ceratopteridaceae (Rau cần trôi).
1.1 Đặc điểm thực vật
Rau cần trôi thuộc dạng cây thủy sinh, sống hàng năm, cây mọc đứng, thân rễ ngắn.
Lá cây mọc thành túm, cuống dày, xốp, mọng nước, phiến lá không sinh sản thì mọc nổi hoặc mọc đứng, xẻ hai lần lông chim sâu đặc biệt ở những cây trưởng thành, nhìn rất giống cây rau cần ta, các thùy xẻ có kích thước không đều nhau, đầu nhọn. Phiến lá làm nhiệm vụ sinh sản thì có các đoạn co lại, có dạng hình dải, mép cong.
Túi bào tử có dạng hình cầu, không có cuống, bào tử có 4 cạnh, mặt ngoài có màu vàng nhạt.
Mùa sinh sản từ tháng 6 đến tháng 8.
Dưới đây là hình ảnh cây Rau cần trôi:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Ceratopteris Brongn. trên thế giới có 8 loài sống dưới nước, được tìm thấy chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Tại nước ta, chi này chỉ có một loài duy nhất là Rau cần trôi.
Rau cần trôi về bản chất là một loại dương xỉ mọng nước, được tìm thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam. Tại nước ta, Rau cần trôi phân bố chủ yếu ở vùng núi hoặc vùng trung du, độ cao phân bố dưới 1000 mét như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mai Châu (Hòa Bình), Chùa Hương, Thanh Sơn (Phú Thọ), các vùng núi thuộc tỉnh Cao Bằng và một số khu vực khác.
Rau Cần Tây thường mọc thành từng đám trên mặt đất đặc biệt là các vùng đất ngập nước gần bờ suối, gần ruộng nước ở chân núi hoặc các vũng lầy trong thung lũng.
Rau cần trôi có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh, đẻ nhiều nhánh, đặc biệt alf những nơi có nhiều bùn, tốc độ sinh trưởng của cây càng mạnh hơn, có khi xuất hiện những khóm cây có chiều cao lên đến mét, cây tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng bào tử.
2 Thành phần hóa học
Rau cần trôi có chứa:
- Caroten chiếm 2,6mg%.
- Vitamin C chiếm 7,5mg%.
- Các hợp chất antheridogen và antherozoid.
Các nhà khoa học cũng đã xác định được một số chất vô cơ như photpho, nito.
3 Rau cần trôi có tác dụng gì?
3.1 Tính vị, tác dụng
Theo Y học cổ truyền, Rau cần trôi có vị ngọt đắng, tính hàn có tác dụng chỉ lỵ, hoạt huyết, giải độc.
3.2 Công dụng
Rau cần trôi được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc. Con người cũng có thể hái lá non của cây để làm rau ăn như các loại rau cải, nhiều món ăn được chế biến từ Rau cần trôi như luộc, xào hoặc nấu canh. Ngoài ra, Rau cần trôi còn được dùng để làm cảnh trong các bể nuôi cá.
Y học cổ truyền sử dụng Rau cần trôi để làm thuốc giải độc, thuốc chữa hen suyễn hoặc thuốc chữa rắn cắn.
Liều dùng thông thường là 15 đến 30g đem sắc nước uống. Có thể dùng ngoài để đắp tại chỗ.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng Rau cần trôi trong trường hợp ho hen, ho có đờm, hen, lỵ, chứng đái ra nước tiểu đục. Bên cạnh đó, Rau cần trôi còn được dùng ngoài trong trường hợp vết thương chảy máu.
Nhân dân Malaysia và Ấn Độ còn sử dụng Rau cần trôi để chữa các bệnh ngoài da.
4 Rau cần trôi trị bệnh gì?
4.1 Chữa rắn độc cắn
Bài thuốc 1:
- 30g Rau cần trôi.
- 30g Dây thần thông (tuốt hết lá).
- Các vị đem giã nát, chắt lấy nước uống còn bã đắp vào vết rắn cắn.
Bài thuốc 2:
- 30g Rau cần trôi.
- 30g Rau Đắng biển.
- 30g Dây mơ lông.
- 30g lá Mướp Đắng.
- 20g đọt non của cây Sậy.
- 20g Rau Má.
- Các vị để tươi, giã nát, chắt lấy nước uống, bã đắp ngoài, thay bã 1 giờ 1 lần.
4.2 Chữa hen suyễn
20-30g Rau cần trôi.
20-30g rễ Tầm sét.
20-30g Hoa cúc vạn thọ.
20-30g Nhân Trần.
20-30g Thài lài tía.
20-30g rễ Bạch đồng nữ.
Các vị đem sắc với 400ml cho đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày. Đây là bài thuốc theo kinh nghiệm của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Rau cần trôi, trang 568-569. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2024.