Quýt Gai (Gai Tầm Xoọng, Quýt Rừng - Severinia monophylla Tanaka)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Sapindales (Bồ hòn) |
Họ(familia) | Rutaceae (Cam) |
Chi(genus) | Severinia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Severinia monophylla Tanaka | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Severinia buxifolia (Poir.) Ten. Atalantia bilocularis Miq. Atalantia buxifolia Oliv. |
Quýt gai thuộc dạng cây bụi nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng tầm 1 mét. Thân và cành cây đều cứng, có gai thẳng ở kẽ lá, vỏ thân có màu nâu xám. Cây có tác dụng trị sốt rét, chữa phong thấp. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Severinia monophylla Tanaka
Tên đồng nghĩa: Severinia buxifolia (Poir.) Ten., Atalantia bilocularis Miq., Atalantia buxifolia Oliv.
Tên gọi khác: Gai tầm xoọng, Quýt rừng, Cam trời, Độc lực, Tửu binh lặc.
Họ thực vật: Rutaceae (Cam).
1.1 Đặc điểm thực vật
Quýt gai thuộc dạng cây bụi nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng tầm 1 mét. Thân và cành cây đều cứng, có gai thẳng ở kẽ lá, vỏ thân có màu nâu xám.
Lá cây mọc so le, phiến lá dày, cứng, có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, thường có xu hướng gập xuống, chiều dài mỗi phiến lá khoảng 3-4cm, chiều rộng từ 2 đến 2,5cm, hai mặt của lá nhẵn, mặt trên có màu sẫm bóng, mặt dưới nhạt, gân rõ, mọc sít nhau. Khi soi thấy những tuyến trong mờ.
Cụm hoa mọc thành chùm ngắn ở kẽ lá, hoa kích thước nhỏ, có màu trắng, đài hình đầu gồm 5 răng, tràng 5 cánh mọc rời, nhị 10, bầu tròn, 2 ô.
Quả mọng, có dạng hình cầu, quả khi chín có màu đen bóng, gồm 2 hạt.
Toàn cây Quýt gai có chứa tinh dầu thơm.
Mùa hoa từ tháng 6 đến tháng 8, mùa quả từ tháng 9 đến tháng 12.
Dưới đây là hình ảnh cây Quýt gai rừng:
1.2 Thu hái và chế biến
Rễ có thể thu hái quanh năm còn quả Quýt gai thì thu hái khi còn xanh sau đó đem phơi khô. Ngoài ra, còn dùng lá cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Quýt gai có bản chất là loài ưa sáng, có khả năng chịu hạn, thường mọc lẫn trong các lùm bụi ven đồi, chân núi đá vôi. Cây ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên từ hạt. Những cây bị chặt vẫn có khả năng tái sinh chồi từ phần gốc còn lại.
2 Thành phần hóa học
Toàn cây trừ rễ có chứa tinh dầu thơm, có mùi như mùi quýt.
Quả xanh chứa chất nhầy.
Vỏ rễ chứa severifolin, N-methylatalaphylin.
3 Cây Quýt gai (Gai tầm xoọng) có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Quýt gai có tác dụng chống co thắt cơ trơn khi nghiên cứu trên tiêu bản ruột thỏ cô lập theo phương pháp Magnus, sự ức chế co thắt này còn có tác dụng khi làm thí nghiệm gây co thắt bởi histamin và acetylcholin.
Khi tiến hành thí nghiệm trên súc vật, Quýt gai còn cho thấy tác dụng chống choáng phản vệ.
Các tài liệu nước ngoài ghi chép rằng, Quýt gai có tác dụng giảm ho.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Quýt gai có vị cay, tính ấm, mùi thơm, có tác dụng chỉ thống, tán ứ, chỉ khái, hóa đàm, triệt sốt rét.
3.2.2 Công dụng
Nhân dân thường dùng lá và rễ để làm thuốc giảm sưng tấy, đau phong thấp, ho đờm, cảm mạo, đau dạ dày, rắn cắn, sốt rét.
Liều dùng hàng ngày là 6-12g sắc nước uống. Rễ cây có thể dùng ngoài, ngậm cùng với muối trong trường hợp bị sâu răng. Lá cây nấu với các loại lá thơm khác như sản, cúc tần, đại bi, Hương Nhu sau đó đem xông khi bị nhức đầu, cảm cúm, làm ra mồ hôi.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng rễ của cây Quýt gai để chữa sốt rét với liều dùng được khuyến cáo là 30-40g đem sắc nước uống trước khi xuất hiện cơn sốt khoảng 4 giờ, dùng liên tục trong vòng 3-5 ngày để có hiệu quả tốt nhất.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng nước ép từ lá để xoa bóp khi bị liệt, dịch chiết dùng để chữa thấp khớp, nước sắc từ lá dùng để chữa mẩn ngứa và các bệnh ngoài da.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Quýt gai
4.1 Chữa ho, tiêu đờm
Dùng 8-16 quả Quýt gai vẫn còn xanh, trộn cùng đường kính hoặc Mật Ong, thêm muối ăn, bồ hóng.
Đem hỗn hợp hấp cơm trong 15 phút.
Nghiền nát.
Uống 2-3 lần mỗi ngày.
4.2 Chữa rắn cắn
Dùng lá cây Quýt gai rừng rửa sạch, sau đó giã nhỏ, thêm muối và 1 chén nước đun sôi để nguội. Chắt nước uống, bã dùng để đắp vào vết rắn cắn.
4.3 Chữa sưng tấy, ứ huyết
Sử dụng một lượng bằng nhau lá Quýt gai và lá bạc thau tươi, 2 vị đem giã nát đắp tại chỗ. Đồng thời cũng sử dụng 2 loại lá này, mỗi loại 20g đem sao vàng sắc nước uống. Dùng liên tục trong 3-4 ngày.
4.4 Chữa phong thấp, đau mình mẩy
16g rễ Quýt gai.
12g Thổ Phục Linh.
12g Ngưu Tất.
8g Thiên niên kiện.
Các vị đem thái nhỏ, ngâm rượu uống.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Gai tầm xoọng, trang 849-850. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Gai Tầm Xoọng trang 766. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2024.