Quế Rừng (Hậu Phác Nam - Cinnamomum iners Reinw. ex Blume)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Magnoliidae (Thực vật một lá mầm)

Bộ(ordo)

Laurales (Long não)

Họ(familia)

Lauraceae (Long não)

Chi(genus)

Cinnamomum

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Cinnamomum iners Reinw. ex Blume

Quế Rừng (Hậu Phác Nam - Cinnamomum iners Reinw. ex Blume)

Quế rừng thuộc dạng cây nhỡ hay cây to, chiều cao mỗi cây khoảng từ 8 đến 10 mét, một số cây có kích thước lớn hơn. Cành cây có dạng hình trụ, bề mặt nhẵn, màu nâu đen. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Cây Quế rừng còn gọi là cây gì?

Tên khoa học: Cinnamomum iners Reinw. ex Blume

Tên gọi khác: Ô dước, Hậu phác nam, De hương.

Họ thực vật: Lauraceae (Long Não).

Lá cây Quế rừng
Lá cây Quế rừng

1.1 Đặc điểm của cây Quế rừng

Quế rừng thuộc dạng cây nhỡ hay cây to, chiều cao mỗi cây khoảng từ 8 đến 10 mét, một số cây có kích thước lớn hơn. Cành cây có dạng hình trụ, bề mặt nhẵn, màu nâu đen.

Lá cây mọc đối, đôi khi phát hiện những cây Quế rừng có lá mọc so le, phiến lá dai, có dạng hình bầu dục hoặc hình mũi giác, gốc lá tròn, đầu lá tù hoặc hơi nhọn, mặt trên của lá có màu lục sáng, nhẵn, bóng, mặt dưới của lá hơi bạc màu, phủ một lớp lông ngắn, mỗi phiến lá có 3 gân mờ chạy dọc đến gần đầu lá, cuống rất ngắn. Những lá khi còn non có màu hồng nhạt, khi vò vỏ và lá thấy có mùi quế nhẹ.

Hoa của cây Quế rừng có màu trắng, mùi thơm, mọc ở kẽ lá và đầu cành tạo thành từng chùm, mặt trong của hoa có màu vàng, cuống và bao hoa đều phủ lông.

Quả mọng, chiều dài mỗi quả khoảng từ 1 đến 1,5cm, quả có dạng hình bầu dục, đầu bẹt, bên ngoài được bao bọc bởi các lá đài ngắn, dính nhau ở gốc.

Mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 4, mùa quả từ tháng 5 đến tháng 6.

Dưới đây là hình ảnh cây Quế rừng:

Hình ảnh cây Quế rừng
Hình ảnh cây Quế rừng

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Vỏ thân, thu hái ở những cây có kích thước lớn, vỏ dày.

Thời điểm thu hái: Mùa hè.

Chế biến: Phơi hoặc sấy khô.

1.3 Đặc điểm phân bố

Quế rừng được tìm thấy ở Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.

Tại nước ta, Quế rừng có khu vực phân bố tương đối rộng từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Thái Nguyên, Yên Bái, Tuyên Quang đến các tỉnh thuộc khu vực phía Nam như Tây Ninh, Bình Dương.

Quế rừng có bản chất là loài ưa sáng, khi còn nhỏ có khả năng chịu bóng, thường mọc rải rác ở những quần thể rừng kín thường xanh hoặc những khu rừng thứ sinh, cây sinh trưởng và phát triển tốt trên những khu vực có đất màu mỡ, tơi xốp. Quế rừng không chịu được hạn, cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên từ hạt. Những cây còn non sau khi bị chặt vẫn có khả năng đâm chồi mới.

Đặc điểm phân bố
Đặc điểm phân bố

2 Thành phần hóa học

Phân lập từ lá cây Quế rừng cho thấy hoạt chất xanthorrhizol [5-(1,5-dimethyl-4-hexenyl)-2-methylphenol].

3 Tác dụng của cây Quế rừng

3.1 Tác dụng dược lý

Quế rừng có tác dụng kháng khuẩn, kháng siêu vi khuẩn, chống co thắt phế quản, giãn phế quản.

Cả cây trừ rễ sau khi nghiên cứu cho thấy tác dụng trị giun đối với giun và kháng virus, ngoài ra, Quế rừng còn có hoạt tính chống co thắt khi nghiên cứu trên hồi tràng cô lập chuột lang, đồng thời có tác dụng hạ nhiệt và ức chế hệ thần kinh trung ương.

Các nghiên cứu cho thấy rằng, chiết xuất lá cây Quế rừng cũng như hợp chất xanthorrhizol cô lập thể hiện hoạt động kháng khuẩn đối với cả mầm bệnh Gram âm và Gram dương, đặc biệt là đối với các chủng Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA).

Tác dụng của cây Quế rừng
Tác dụng của cây Quế rừng

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

3.2.1 Tính vị, tác dụng

Vỏ thân có vị ngọt, cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm nóng, tán phong hàn, giảm đau.

3.2.2 Công dụng

Vỏ thân cây Quế được dùng trong trường hợp đau bụng, cảm sốt, ăn không tiêu, nôn mửa, đầy bụng, tiêu chảy. Quế rừng còn được sử dụng trong trường hợp không còn Quế nhà. Liều dùng hàng ngày được khuyến cáo là 10-20g dưới dạng nước sắc.

Lưu ý: Phụ nữ có thai không được dùng.

Y học dân gian Indonesia sử dụng lá của cây Quế rừng như một thành phần trong thuốc xức dùng để bôi ngoài da trong trường hợp vàng da.

Lá cây Quế rừng
Lá cây Quế rừng

4 Cây Quế rừng trị bệnh gì?

4.1 Chữa cảm sốt, háo khát, ra nhiều mồ hôi

20g Quế rừng.

20g Hương Nhu.

20g Đậu ván trắng.

20g Sâm bố chính.

12g quả Dành dành.

10g Mạch Môn.

4g Ngũ Vị Tử.

Các vị sắc lấy nước uống trong ngày, chia làm 2 lần.

Hoa của cây Quế rừng
Hoa của cây Quế rừng

4.2 Chữa táo bón, đầy bụng, đau bụng

12g Quế rừng.

12g Chỉ Xác.

12g Đại hoàng hoặc Chút chít.

Các vị đem sắc nước uống.

4.3 Chữa phù thũng ở bệnh nhân viêm thận mạn tính

20g Quế rừng.

20g Hoài Sơn.

20g Đậu đen.

12g Hạt Sen.

12g Mạch nha.

12g Ý dĩ.

8g Trần Bì.

4g Gừng nướng.

Quế rừng thái mỏng, hãm với nước sôi trong vòng 10 phút sau đó trộn lẫn với nước sắc của các vị thuốc còn lại.

Toàn cây Quế rừng
Toàn cây Quế rừng

4.4 Chữa sốt rét mạn tính

12g Quế rừng.

12g Trần bì.

12g Bán Hạ chế.

12g Ngải máu.

12g Nghệ đen.

12g Chỉ xác.

12g Rẻ quạt.

12g Hạt cau.

12g Vỏ rụt.

6g Thảo quả.

Các vị đem sắc nước uống.

Sau khi bệnh đỡ thì tán thành bột, mỗi lần dùng 10g, ngày dùng 2 đến 3 lần.

5 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024.

Tác giả Fazlina Mustaffa và cộng sự (Ngày đăng tháng 4 năm 2011). An Antimicrobial Compound Isolated from Cinnamomum Iners Leaves with Activity against Methicillin-Resistant Staphylococcus Aureus, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Quế Rừng (Hậu Phác Nam - Cinnamomum iners Reinw. ex Blume)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633