Quao Nước (Dolichandrone spathacea (L.f.) K. Schum)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) | Bignoniaceae (Hoa chùm ớt) |
Chi(genus) | Dolichandrone |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Dolichandrone spathacea (L.f.) K. Schum | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Dolichandrone rheedii Seem. |
Quao thuộc dạng cây to, rụng lá, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 15 mét. Thân cây có dạng hình trụ, vỏ ngoài có màu nâu xám, trên thân xuất hiện những nốt sần nhỏ. Cành cây mập, nhẵn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây Quao nước là cây gì?
Tên khoa học: Dolichandrone spathacea (L.f.) K. Schum
Tên đồng nghĩa: Dolichandrone rheedii Seem.
Họ thực vật: Bignoniaceae (Hoa chùm ớt).
1.1 Đặc điểm thực vật
Quao thuộc dạng cây to, rụng lá, chiều cao mỗi cây có thể lên đến 15 mét. Thân cây có dạng hình trụ, vỏ ngoài có màu nâu xám, trên thân xuất hiện những nốt sần nhỏ. Cành cây mập, nhẵn, trên cành có nhiều vết sẹo do lá rụng tạo thành.
Lá cây mọc kép lông chim lẻ, lá chét mọc đối, dài khoảng 20 đến 30cm, gồm 5-9 lá chét (thường là 7 lá chét), phiến lá chét có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, chiều dài mỗi phiến lá khoảng từ 7 đến 10cm, chiều rộng từ 3 đến 4cm, gốc lá tròn, đầu lá thuôn nhọn, mép nguyên hoặc khía răng cưa rất sít nhau, hai mặt của lá nhẵn.
Cụm hoa mọc thành xim ngắn dạng ngù ở đầu cành, hoa có kích thước lớn, mỗi cụm hoa gồm 4-8 bông hoa có màu trắng, đài úp kín, tràng hình phễu, 5 cánh hoa có kích thước gần bằng nhau, chỉ nhị cong, bầu nhẵn.
Quả nang, có dạng hình trụ, tròn dẹt, có thể thẳng hoặc cong, mọc thõng xuống, chiều dài quả khoảng từ 30 đến 50cm.
Hạt nhiều, có dạng hình chữ nhật dẹt, mỗi hạt đều có cánh dày.
Cần chú ý cây dễ nhầm lẫn với cây Quao nước là cây Quao núi có tên khoa học là Stereospermum neuranthum Kurz) có cùng họ nhưng hoa màu tím nhạt, ống tràng ngắn, cánh hoa có vân đỏ, quả 4 cánh, hạt có cánh mỏng.
Dưới đây là hình ảnh cây Quao nước:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Lá, vỏ thân, hạt, rễ.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Phơi hoặc sấy khô, ngoài ra có thể dùng dưới dạng cao lỏng.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Dolichandrone Seem. trên thế giới gồm một số loài thuộc dạng thân gỗ, được tìm thấy chủ yếu ở vùng nhiệt đới của Châu Á. Quao nước mọc rải rác ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Malaysia, Campuchia, Việt Nam. Tại nước ta, Quao nước chỉ được tìm thấy ở các tỉnh phía Nam, từ Quảng Nam trở vào các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là khu vực Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, An Giang,...
Quao nước thường mọc dọc theo bờ kênh rạch có nước thủy triều hoặc vùng nước lợ, cây sinh trưởng và phát triển tốt trên nền đất phèn.
Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, quả chín tự mở, hạt phát tán nhờ nước. Những cây bị chặt, phần gốc vẫn có khả năng tái sinh chồi mới.
2 Thành phần hóa học
Năm hợp chất mới, ba iridoid glycoside và hai Saponin triterpenoid, cùng với ba mươi hai hợp chất đã biết đã được phân lập từ chiết xuất methanol của lá cây Quao nước. Cây thuốc truyền thống này được sử dụng rộng rãi ở Châu Á và Ấn Độ như một chất khử trùng, để điều trị viêm phế quản và tưa miệng, và chiết xuất methanol đã được chứng minh là có hoạt tính kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus kháng methicillin. Các iridoid mới là các dẫn xuất este hóa của 6-ajugol và 6-catalpol, và các saponin mới là glucoside của hai polyhydroxy triterpen có khung ursan.
3 Cây Quao nước có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Hạt của cây Quao nước được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn, chống co thắt.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Quao nước thường được phối hợp với các bị thuốc khác để làm thuốc nhuận gan, điều trị sỏi thận, trừ ho.
Nếu dùng để giải độc thì sử dụng vỏ cây Quao nước kết hợp với cây Ô rô, 2 vị đem nấu nước tạo thành cao lỏng sau đó uống.
Y học cổ truyền Ấn Độ sử dụng hạt của cây Quao nước cùng với Gừng để trị các bệnh co thắt.
Lá Quao nước có tác dụng gì? Nhân dân Indonesia sản xuất chế phẩm thuốc súc miệng với thành phần chứa lá cây Quao nước, dùng trong trường hợp bị tưa lưỡi. Ngoài ra, nước sắc từ vỏ của cây Quao nước được dùng để bảo quản lưới đánh cá.
4 Cây Quao nước trị bệnh gì?
4.1 Thuốc nhuận gan
Sử dụng vỏ thân Quao nước chế thành cao đặc, thêm rượu, thêm đường để uống.
Sử dụng 20g vỏ thân hoặc rễ của cây Quao nước, 20g lá hoặc quả Dành dành, 20g vỏ cây Chân chim, 20g dây Bìm biếc. Các vị đem sắc nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
4.2 Chữa ho
30g lá Quao nước.
30g Lạc Tiên.
30g Bọ mắm.
30g Huyết dụ.
30g Cỏ chân vịt.
30g Mía lau.
Các vị dùng tươi, đem sắc nước uống mỗi ngày 2 lần.
4.3 Chữa sỏi thận
30g rễ Quao nước.
30g rễ Rau ngót sao tẩm mật.
20g rễ Thài lài trắng.
20g Hà Thủ Ô đỏ chế với đậu đen.
Các vị đem sắc nước uống, ngày uống 1 thang.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Quao nước, trang 541-542. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Dam Phuc Nguyen và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2018). Antimicrobial Constituents from Leaves of Dolichandrone spathacea and Their Relevance to Traditional Use, Research Gate. Truy cập ngày 13 tháng 11 năm 2024.