Qua Lâu (Trichosanthes kirilowii Maxim.)
8 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) |
Bộ(ordo) | Cucurbitales (Bí) |
Họ(familia) | Cucurbitaceae (Bí) |
Chi(genus) | Trichosanthes (Qua lâu) |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Trichosanthes kirilowii Maxim. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Trichosanthes japonica Regel |
Qua Lâu còn có tên gọi khác là Dưa trời. Các vị thuốc từ Qua Lâu có thể kể đến như Qua Lâu Nhân (hạt của cây), Qua Lâu Bì (vỏ quả),.... Nhân dân sử dụng để làm thuốc cầm máu, chữa đái tháo đường. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Qua Lâu
1 Giới thiệu về cây Qua Lâu
Tên khoa học: Trichosanthes kirilowii Maxim.
Tên gọi khác: Dưa trời, Hóa bát, Dây bạc bát,...
Họ thực vật: Bí Cucurbitaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Qua Lâu thuộc dạng dây leo, chiều dài từ 3-10 mét.
Rễ thuộc dạng rễ củ. Trên thân có khía rãnh và có nhiều chấm trắng.
Lá cây mọc so le, phiến lá dày, có độ dai nhất định, đường kính từ 10-12cm, gốc lá Qua Lâu có dạng hình tim, đầu lá hơi nhọn. Phiến lá xẻ thành 5 thùy nông, các thùy có răng cưa. Mặt trên và mặt dưới của lá đều nhẵn. Cuống lá của cây Qua Lâu có chiều dài khoảng 3-4cm, có tua cuốn.
Hoa đơn tính có màu trắng, phần đầu những cánh hoa có những sợi dài ra. Hoa cái mọc đơn độc. Đài và tràng của hoa cái và hoa đực giống nhau.
Bầu có dạng hình trứng kèm theo lông mịn.
Quả của cây Qua Lâu có dạng hình cầu hoặc hình trứng, quả có màu lục, trên vỏ quả có những sọc màu trắng. Khi quả chín sẽ chuyển sang màu đỏ.
Hạt nhiều có dạng hình trứng dẹt, hạt có màu nâu nhạt.
Mùa hoa rơi vào tháng 3 đến tháng 6. Mùa quả rơi vào tháng 7 đến tháng 10.
1.2 Thu hái và chế biến
1.2.1 Thu hái
Qua Lâu Nhân (Hạt).
Qua Lâu Bì (Vỏ quả).
Thiên Hoa Phấn hay Qua Lâu Can (Rễ củ).
Quả thu hái vào tháng 9 đến tháng 10, sau khi thu hái về lấy vỏ quả và hạt đem phơi khô.
Thời điểm thu hái rễ củ là vào mùa đông: Rễ sau khi đem về thì rửa sạch, gọt vỏ, cắt nhỏ thành từng đoạn dọc, phơi khô.
Nếu trồng để lấy rễ củ (Thiên Hoa Phấn) thì sau khi cây ra hoa, ngắt hết hoa, không cho cây kết quả để lấy dinh dưỡng nuôi rễ.
1.2.2 Chế biến Qua Lâu
Theo Y học cổ truyền, Qua Lâu được thu hái như sau:
Qua Lâu thái sợi | Dùng quả, bỏ hạt, dùng miếng khăn ẩm để lau sạch bụi bẩn bên ngoài vỏ quả (không dùng nước để rửa), sau đó thái thành từng sợi có chiều dài 5-7cm, rộng từ 2-3mm, đem phơi nắng hoặc phơi ẩm cho khô |
Qua Lâu chưng | Dùng quả, bỏ hạt, bỏ cuống, sau đó chưng trong vòng từ 1-2 giờ cho đến khi mềm, ép dẹp, thái thành từng sợi và đem phơi khô |
Qua Lâu chích mật | 10kg Qua Lâu, 2kg mật ong. Trộn Mật Ong cùng với Qua Lâu sợi sau đó để 30 phút cho ngấm, đem sao trên lửa nhỏ cho đến khi không dính tay. |
Qua Lâu sao vàng | Qua Lâu sợi sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng sẫm và chấm có màu nâu cánh gián |
Qua Lâu Nhân sao thơm | Sao Qua Lâu Nhân đến khi có màu vàng, mùi thơm, thêm một lượng Thiên Hoa Phấn đồng lượng để giữ chất dầu của dược liệu |
Qua Lâu Nhân sao cháy | Cho Qua Lâu Nhân vào nồi đã rang nóng già, tiếp tục sao cho đến khi bề mặt có màu đen nhánh |
Qua Lâu Nhân sao cám | 10kg Qua Lâu Nhân, 0,5kg Cám gạo, trộn cám với Qua Lâu Nhân và sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng |
Qua Lâu Nhân chích mật ong | 10kg Qua Lâu Nhân, 0,3kg Mật ong, 1 lít nước Hòa mật ong với nước, cho Qua Lâu Nhân vào trộn đều, tiếp tục cho hỗn hợp vào nồi đã đun nóng già, sao cho đến khi không dính tay |
Qua Lâu sương | Tán Qua Lâu Nhân thành bột mịn, sau đó gói bột vào giấy bản hay vải gạc, rang bột ở nhiệt độ 100 đến 105 độ C hoặc đồ đến khi bột chín rồi ép 4 lần cho hết dầu. Sau đó, đem phơi khô hoặc sấy bột thu được Qua Lâu sương |
1.3 Đặc điểm phân bố
Qua Lâu là loài ưa ẩm, ưa sáng tuy nhiên vẫn có khả năng chịu bóng. Cây thường mọc leo lên những loài cây khác tại những vùng rừng núi đá vôi có khí hậu ẩm ướt. Qua Lâu cũng được tìm thấy ở những khu vực khác như ven rừng, bờ nương rẫy giáp núi đá vôi với độ cao phân bố khoảng 300 đến 1300 mét.
Qua Lâu sinh trưởng và phát triển tốt trên những loại đất ẩm, tơi xốp, có nhiều mùn, có thể bắt gặp cây mọc trong những hốc đá của núi đá vôi.
Cây con thường mọc từ hạt.
2 Thành phần hóa học
Hạt của cây Qua Lâu còn được gọi là Qua Lâu Nhân chứa các hợp chất như:
- Các triterpenoid có tác dụng chống viêm.
- Chất dầu bao gồm acid béo no và acid béo không no.
Rễ chứa tinh bột, 1% saponozit (Do Viện Y học Bắc Kinh nghiên cứu).
3 Tác dụng - Công dụng
3.1 Tác dụng dược lý
Các protein trichosanthin và TAP-29 có đặc tính kháng HIV cùng kiểu nhưng điểm khác biệt ở tính chất độc hại tế bào.
Các nghiên cứu lâm sàng cũng chỉ ra rằng, cao nước từ rễ của cây sau khi tiêm bắp với liều 0,2mg/người cho 2500 phụ nữ mang thai thấy có tác dụng sảy thai với tỷ lệ là 96% ở giai đoạn cuối và 71% đối với những phụ nữ mang thai ở giai đoạn giữa.
Cao cồn 50 độ của quả có tác dụng giảm đau và chống viêm.
Cao chiết với nước nóng của rễ có tác dụng ức chế men aldose reductase của thủy tinh thể bò, sự ức chế là dưới 50%.
Các glyceride của hạt có tác dụng chống huyết khối.
Khi tiến hành gây thoái hóa cơ tim của thỏ bằng cách tiêm adrenalin-theophylin các nhà khoa học nhận thấy rằng, việc sử dụng Qua Lâu, Hồng Hoa, Cam Thảo với tỷ lệ 4:4:2 thấy các triệu chứng được cải thiện rõ, theo dõi hình ảnh thoái hóa cơ tim giảm đi đáng kể.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Qua Lâu Nhân có vị ngọt, đắng, tính mát, quy vào 2 kinh phế, vị.
Tác dụng: Nhuận phế, thanh nhiệt, hoạt trường, hóa đàm.
Rễ cây có vị chua, tính mát, có tác dụng sinh tân dịch, thanh nhiệt, lợi sữa.
3.2.2 Công dụng
Qua Lâu Nhân được sử dụng để trị táo bón, thổ huyết, ho khan, u nhọt với liều dùng là 12-16g dưới dạng thuốc sắc (lưu ý sử dụng Qua Lâu Nhân sau khi đã ép bỏ hết dầu).
Rễ cây dùng trong các trường hợp vàng da, tiêu khát, lở ngứa, nhiệt bệnh, sưng tấy với liều 13-20g dưới dạng thuốc sắc.
Vỏ quả dùng trong các trường hợp vàng da, sốt nóng, thổ huyết, ho, chảy máu cam. Thường kết hợp với các vị thuốc khác để chữa viêm họng mất tiếng.
Y học Trung Quốc sử dụng rễ và vỏ quả cùng với các loại dược liệu khác để trị ho, chống co thắt, long đờm, thuốc chống viêm. Hạt dùng trong các trường hợp có bệnh phổi, sát khuẩn, trị táo bón. Hạt sấy khô đem đi tán nhỏ để trị bệnh ngoài da. Nước hãm dùng để rửa các vết thương.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Qua Lâu
4.1 Chữa vàng da ở trẻ
10g Thiên hoa phấn.
Giã nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội.
Khuấy đều, để lắng, gạn lấy nước uống.
Có thể thêm mật ong.
4.2 Thiên hoa phấn chữa nám da, người đen sạm
16g Thiên hoa phấn.
Giã nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội.
Khuấy đều, uống luôn.
Nên dùng trong vài ngày.
4.3 Chữa lao phổi
- 8g Qua Lâu Nhân.
- 16g Sài Hồ.
- 16g Hạ Khô Thảo.
- 16g Huyền Sâm.
- 8g Bán Hạ chế.
- 8g Chỉ Xác.
- 8g Tang Bạch Bì.
- Sắc uống mỗi ngày một thang.
Hoặc:
- 20g Qua Lâu.
- 20g Sài Hồ.
- 20g Thanh Hao.
- 12g Hoàng Cầm.
- 12g Cát Cánh.
- 12g Chỉ Xác.
- 8g Bán Hạ chế.
- Mỗi ngày sắc nước uống 1 thang.
4.4 Chữa đau ở tim
20g Qua Lâu Nhân.
12g củ Hẹ.
12g nhân hạt Đào.
12g vỏ chanh già.
Các vị đem sắc lấy nước uống trong ngày.
4.5 Chữa xơ cứng động mạch vành hoặc người bệnh sau nhồi máu cơ tim đã ổn định
- 8g Qua Lâu.
- 20g Vỏ Trai.
- 8g Thiên Ma.
- 8g Câu Đằng.
- 8g Thiên Môn.
- 8g Hoàng Tinh.
- 8g Sung Úy Tử.
- 8g Đan sâm.
- 8h Hồng Hoa.
- 6g Bán Hạ chế.
- 6g củ Hẹ.
- Sắc lấy nước uống trong ngày.
Hoặc:
- 8g Qua Lâu.
- 16g Hà Thủ Ô.
- 12g Trinh Nữ Tử.
- 12g Cỏ Nhọ Nồi.
- 12g Tang Ký Sinh.
- 12g Hoàng Tinh.
- 12g Kê Huyết Đằng.
- 12g Tang Thầm.
- 8g Rễ Gai.
- 8g Thiên Môn.
- 8g Củ hẹ.
- 8g Uất Kim.
- 8g Hồng Hoa.
- Sắc nước uống trong ngày.
4.6 Chữa đái tháo đường
8g Thiên hoa phấn.
20g Thục Địa.
20g Hoài Sơn.
12g Đan bì.
12g Kỳ Tử.
12g Thạch Hộc.
8g Sơn Thù.
8g Sa Sâm.
Sắc uống mỗi ngày một thang.
4.7 Chữa sốt rét, thể rét nhiều có thể sốt ít hoặc không sốt
Hoặc:
- 8g Thiên hoa phấn.
- 12g Mẫu Lệ.
- 8g Sài Hồ.
- 8g Quế Chi.
- 8g Hoàng Cầm.
- 6g Can Khương.
- 6g Cam Thảo.
- Sắc lấy nước uống.
4.8 Chữa viêm tắc động mạch
16g Qua Lâu Nhân.
20g Đương Quy.
20g Cam Thảo.
16g Kim Ngân Hoa.
16g Xích Thược.
16g Ngưu Tất.
12g Huyền Sâm.
12g Đào Nhân.
12g Đan Bì.
12g Đan Sâm.
8g Bình Lang.
8g Chỉ Xác.
Sắc uống mỗi ngày một thang.
4.9 Chữa quai bị
8g Thiên hoa phấn.
16g Thạch Cao.
12g Ngưu Bàng.
12g Cát Căn.
8g Thăng Ma.
8g Liên Kiều.
8g Hoàng Cầm.
8g Cát Cánh.
4g Sài Hồ.
4g Cam Thảo.
Sắc uống trong ngày.
5 Thiên hoa phấn - vị thuốc bổ cho cơ thể
Thiên hoa phấn còn được gọi là qua lâu can (bộ phận dùng của thiên hoa phấn chính là rễ củ của cây Qua lâu), tên khoa học của thiên hoa phấn là Radix Trichosanthes Kirilowii. Thiên hoa phấn có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh tâm và phế. Khi sử dụng thiên hoa phấn thì không nên phối hợp với các vị Can khương, Ngưu Tất, không phối hợp với Ô Đầu do có thể phản tác dụng của nhau.
Thiên hoa phấn được sử dụng nhằm mục đích tiêu huyết ứ, nhưng vị thuốc này lại không phù hợp với chứng tiêu khác.
Thiên hoa phấn giúp nhuận táo, long đờm nhưng chỉ phù hợp với những người có chứng dương dư thừa, không phù hợp với chứng chân hàn giả nhiệt.
Thiên hoa phấn đã được nghiên cứu và chứng minh có nhiều tác dụng đối với cơ thể con người, cụ thể:
5.1 Hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Thiên hoa phấn từ lâu đã được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường và ngăn ngừa biến chứng do đái tháo đường. Các nghiên cứu cho thấy rằng, thiên hoa phấn (rễ cây Qua lâu) có tác dụng làm hạ đường huyết ở chuột bình thường hoặc ở chuột đã bị gây tăng đường huyết bởi alloxan.
5.2 Chống viêm
Qua lâu là dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, làm loãng đờm. Rễ cây có tác dụng chống viêm và được sử dụng để làm thuốc trị ho thông qua việc ức chế các chất trung gian gây viêm.
6 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam (xuất bản năm 2006). Qua Lâu, trang 530-535. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2024.
Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (tác giả Đỗ Tất Lợi). Qua Lâu Nhân, trang 646-648. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2024.
Tác giả Hsin-Yi Lo và cộng sự (Ngày đăng năm 2017). Hypoglycemic effects of Trichosanthes kirilowii and its protein constituent in diabetic mice: the involvement of insulin receptor pathway, NCBI. Truy cập ngày 22 tháng 7 năm 2024.