Phòng Kỷ (Stephania tetrandra S. Moore)
1 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị đau nhức xương khớp, đau thần kinh, Phòng kỷ được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Phòng kỷ.
1 Giới thiệu về cây Phòng kỷ
Phòng kỷ còn có tên gọi khác là Phấn phòng kỷ, Phòng kỷ Bắc, Củ dòm, Củ gà ấp, mọc rải rác trong rừng thứ sinh cây bụi, trên núi đá vôi.
Tên khoa học của Phòng kỷ là Stephania tetrandra S. Moore, thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Dây leo thân thảo sống nhiều năm, cao khoảng 1-3m, có rễ phình thành củ nằm ngang mặt đất, thuôn dài hơn củ bình vôi, hình giống tư thế con gà mái đang ấp trứng, khi cắt ngang có màu vàng rõ hơn, ít xơ hơn, đường kính tới 6cm, mặt ngoài màu tro nhạt hoặc nâu. Thân mềm, có thể dài tới 2.5-4m; vỏ thân màu xanh nhạt, phía gốc hơi đỏ. Lá mọc so le, hình khiên, dài 4-6cm, rộng 4.5-6cm, gốc hình tim, đầu lá nhọn, mép nguyên, hai mặt lá đều có lông ngắn mềm, toàn màu lục, mặt dưới màu tro; gân gốc 5; cuống lá dài 3-7cm, dính vào phía trong của phiến lá, cách mép đáy khoảng 1cm.
Hoa nhỏ mọc thành tán đơn, khác gốc, màu xanh nhạt; hoa đực có 4 lá đài, 4 cánh hoa; hoa cái có bao hoa nhỏ như hoa đực và một lá noãn. Quả hạch, hình cầu, hơi dẹt, khi chín màu đỏ. Mùa hoa quả vào tháng 4-9.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ củ, thường có tên là Phấn phòng kỷ. Thu hái rễ quanh năm, rửa sạch dùng tươi hay thái phiến và phơi khô.
Phân biệt để tránh nhầm lẫn hay thay thế với một số vị thuốc khác cũng được gọi là Phòng kỷ:
- Quảng phòng kỷ: Rễ cây Aristolochia westland Hemsl, Aristolochiaceae (họ Nam Mộc Hương), có ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn...
- Hán trung phòng kỷ: Rễ cây Aristolochia heterophylla Hemsl., Aristolochiaceae; có ở Phú Thọ, ven suối cạn.
- Hán phòng kỷ: Rễ cây Sinomeniumn acutum Rehs et Wils, Menispermaceae (họ Tiết dê), có công dụng như Phòng kỷ.
- Mộc phòng kỷ: Rễ cây Dây xanh – Cocculus trilobus D.C. Menispermaceae.
- Nam phòng kỷ: Rễ cây Gấc (Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng, Cucurbitaceae).
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Nhật Bản.
2 Thành phần hóa học
Các thành phần chính của Phòng kỷ là alkaloid, hầu như tất cả đều được xác định trong rễ. Dường như chỉ có 5 thành phần không phải alkaloid được phân lập từ phần trên mặt đất của Phòng kỷ, bao gồm hai bisflavone, β-sitosterol, stigmasterol và n-pentatriaeontane. Chưa có nghiên cứu hóa học thực vật nào báo cáo về hoa và quả củaPhòng kỷ. Cho đến nay, tổng số 67 alkaloid và 5 loại không phải alkaloid đã được xác định trong Phòng kỷ.
2.1 Alkaloid
Các alkaloid được phân thành 6 lớp cấu trúc, bao gồm monobenzyltetrahydroisoquinolines, bisbenzyltetrahydroisoquinolines, aporphines, protoberberine và tetrahydroprotoberberine.
Lớp alkaloid | Thành phần |
Monobenzyltetrahydroisoquinolin | N-methylcoclaurine; juziphine; coclaurine; protosinomenine; reticuline; coclaurine-7-O-β-D-glucopyranoside; oblongine; oblongine chloride |
Bisbenzyltetrahydroisoquinoline | Homoaromaline, stephibaberine, obaberine, isotetrandrine, northalrugosdine, 2-norcepharanthine… |
Aporphine | Isoboldine, corytuberine, magnoflorine, dehydrocrebanine, dehydrodicentrine, roemerine… |
Protoberberine | Stepharanine, dehydrodiscretamine |
Tetrahydroprotoberberine | Cyclanoline chloride… |
Khác | Aporphine alkaloid |
2.2 Thành phần khác alkaloid
5 hợp chất không phải alkaloid được báo cáo trong phần trên mặt đất của Phòng kỷ: Stephaflavone A - B, β-sitosterol, stigmasterol và n-pentatriaeontane.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Hoàng kỳ - Vị thuốc chữa bệnh đái tháo đường hiệu quả
3 Phòng kỷ có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus
Các hợp chất chính trong Phòng kỷ đã được chứng minh về tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm và chống virus.
Tetrandrine thể hiện tác dụng hiệp đồng chống lại Staphylococcus aureus kháng methicillin. Roemerine đã được chứng minh là có hiệu quả chống lại Escherichia coli trong ống nghiệm. Ngoài ra, cycleanine cho thấy tác dụng diệt khuẩn rộng rãi đối với Bacillus subtilus, Cornynebacterium diphtheria, Klebsiella pneumonia, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella typhi, Streptococcus pyogenes.
Cho đến nay, tác dụng kháng nấm của Phòng kỷ chủ yếu tập trung vào nấm Candida albicans. Tetrandrine thể hiện tác dụng hiệp đồng với Fluconazole chống lại cả C.albicans nhạy cảm với fluconazole và kháng fluconazole. Cycleanine ở nồng độ 3215,4 μM cho thấy tác dụng diệt nấm rộng đối với Trichophyton longiformis, C.albicans, Aspergillus flavis, Microsperum canis, Fusanum solani var lycopersici-tomato, Emoniliform spp.
Fangchinoline thể hiện hoạt tính kháng virus chống lại các chủng phòng thí nghiệm HIV-1 NL4-3, LAI và Bal trong các tế bào MT-4 và PM1. So với thuốc kiểm soát dương tính, coclaurine thể hiện hoạt tính kháng HIV mạnh. Trong ống nghiệm, cepharanthine đã chứng minh khả năng ức chế mạnh các chủng virus viêm gan B (HBV) hoang dã và kháng Lamivudine phân lập trên lâm sàng, virus herpes simplex týp 1 (HSV-1) và virus herpes simplex type-2 (HSV-2).
3.1.2 Chống viêm
Các chiết xuất nước và alkaloid của Phòng kỷ đã được chứng minh là có tác dụng trung gian chống viêm do lipopolysacarit (LPS) gây ra trong tế bào RAW264.7, thông qua việc ức chế giải phóng oxit nitric, yếu tố hoại tử khối u (TNF)-α và Interleukin (IL)-6. Chiết xuất Phòng kỷ, tetrandrine và fangchinoline cũng có tác dụng chống viêm bằng cách can thiệp vào quá trình sản xuất các loại oxy phản ứng (ROS) và dòng Ca2+ qua protein G điều chế để ngăn chặn sự điều chỉnh tăng của phân tử kết dính đại thực bào-1 (Mac-1) trong bạch cầu trung tính đã hoạt hóa.
3.1.3 Chống ung thư/Chống tăng sinh
Phòng kỷ và các alkaloid của nó có tác dụng chống ung thư và chống tăng sinh trong các tế bào khối u ác tính khác nhau. Tetrandrine có tác dụng chống ung thư phổ rộng trong nhiều loại tế bào ung thư, bao gồm cả ung thư gan ở người, sarcoma xương, ung thư miệng, ung thư biểu mô ruột kết, ung thư dạ dày, ung thư glioblastoma đa dạng GBM 8401 ở não và ung thư biểu mô phổi. Do sự tương đồng về cấu trúc với tetrandrine, fangchinoline cũng có hoạt tính chống khối u đáng kể trong nhiều loại ung thư.
3.1.4 Tác dụng trên hệ thần kinh
Bảo vệ thần kinh: Tetrandrine và fangchinoline bảo vệ chống lại sự thoái hóa thần kinh xảy ra trong bệnh Alzheimer và Parkinson.
Tăng cường giấc ngủ và hiệu ứng thôi miên: Tetrandrine cải thiện rõ rệt chất lượng giấc ngủ bằng cách tăng tổng thời gian ngủ, giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) và giấc ngủ không REM; đồng thời làm tăng đáng kể khả năng thôi miên do pentobarbital gây ra.
Giảm đau: Tetrandrine thể hiện tác dụng chống cảm giác đau đối với chứng tăng cảm giác đau do LPS gây ra ở chuột.
3.1.5 Tác dụng trên tim mạch
Chiết xuất của Phòng kỷ làm giảm cả tần suất loạn nhịp tim và kích thước của vùng nhồi máu do thiếu máu cơ tim và tái tưới máu. Truyền tetrandrine vào dạ dày làm giảm đáng kể huyết áp của chuột bị tăng huyết áp tự nhiên bằng cách ức chế hệ noradrenergic, thay vì phong tỏa kênh Canxi.
Tetrandrine đã được chứng minh là có tác dụng đối kháng với chứng phì đại tế bào cơ tim do angiotensin II gây ra bằng cách làm giảm tốc độ xung, kích thước tế bào, tổng hàm lượng protein và tốc độ tổng hợp protein do angiotensin II gây ra.
3.1.6 Điều hòa miễn dịch
Chiết xuất của Phòng kỷ và các thành phần hoạt chất chính của nó, tetrandrine và fangchinoline, đã được chứng minh là có tác dụng điều hòa miễn dịch, có lợi cho bệnh viêm khớp dạng thấp. Chẳng hạn như dịch chiết Phòng kỷ có thể làm giảm đáng kể mức peroxide lipid, mức elastase bạch cầu hạt trong huyết tương của con người, số lượng bạch cầu hạt và tỷ lệ bạch cầu hạt trong máu ngoại vi của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, đồng thời tăng tỷ lệ bạch cầu/elastase và tỷ lệ bạch cầu hạt/elastase.
3.1.7 Trị tiểu đường
Tetrandrine làm giảm nồng độ Glucose trong huyết tương ở chuột mắc bệnh tiểu đường do streptozotocin gây ra. Hơn nữa, fangchinoline bảo vệ chống lại tổn thương nephron bằng cách làm suy yếu những thay đổi trong con đường MAPK p38 giúp giảm stress oxy hóa và viêm ở chuột mắc bệnh thận do tiểu đường.
3.1.8 Kháng tiểu cầu
Tetrandrine và fanchinoline được biết là có tác dụng ức chế sự hình thành thromboxane A2, ức chế sự kết tập tiểu cầu và hình thành huyết khối. Dicentrine có thể ức chế sự hình thành thromboxane và tăng nồng độ AMP vòng trong tiểu cầu thỏ. Vì vậy, nó mang lại tiềm năng điều trị như một tác nhân kháng tiểu cầu.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Bình vôi - Vị thuốc an thần, giảm đau nhức hữu hiệu
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Phòng kỷ có vị đắng, tính hàn, quy kinh tỳ, thận, can, bàng quang; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu tiêu thũng, khư phong trừ thấp, tán ứ chỉ thống.
Trong đông y, Phòng kỷ được dùng trong chữa thuỷ thũng, giảm niệu; phong thấp tê đau; đau dạ dày, loét hành tá tràng; viêm dạ dày ruột cấp tính, lỵ; viêm tuyến nước bọt, sưng amygdal; đau thần kinh; bệnh đường niệu sinh dục, bạch đới; huyết áp cao. Dùng ngoài trị rắn cắn, mụn nhọt, cụm nhọt.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Phòng kỷ
4.1 Cách dùng
Liều dùng 5-15g. Dạng thuốc sắc. Dân gian thường dùng rễ sắc nước uống chữa đau lưng, mỏi nhức chân, đau hông, đau bụng (uống vào ngủ rất say). Dùng đắp chỗ sưng, bắp chuối, nhọt cứng, apxe do tiêm (thêm chút muối, Gừng), dùng cho gia súc như trâu bò uống mỗi khi chúng kém ăn, chê cỏ. Có nơi còn dùng củ băm nhỏ nấu nước uống chữa kiết lỵ ra máu, Đau Bụng Kinh niên và đau dạ dày.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Phòng kỷ hoàng kỳ thang chữa khí hư, tiểu ít, ra mồ hôi
Phòng kỷ 12g, hoàng kỳ 12-40g, Bạch Truật 8-12g, Cam Thảo 4g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 quả. Sắc nước, chia 2 lần uống trong ngày.
4.2.2 Chữa thuỷ thũng sưng chân tay
4.2.3 Phòng kỷ, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo (nướng), mỗi vị 6g, sắc uống.
4.2.4 Chữa đau thần kinh
Phòng kỷ 23g, Diphenhydraninumn 25mg, chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
4.2.5 Chữa viêm khớp
Sinh khương, phòng kỷ, Bạch Linh, bạch truật mỗi vị 12g, Ô Đầu 6g, Quế chi 3g, cam thảo 9g. Sắc uống.
4.2.6 Chữa đau nhức xương khớp
- Bài 1: Kê Huyết Đằng 15g, uy linh tiên 12g, tàm sa, phòng kỷ mỗi vị 10g. Sắc uống.
- Bài 2: Mộc qua, Ngưu Tất mỗi vị 9g, ý dĩ nhân, phòng kỷ mỗi vị 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
4.2.7 Chữa tiểu tiện ít do chứng phù thũng
- Bài 1: Quế chi, Phục Linh, hoàng kỷ, phòng kỷ mỗi vị 10g, cam thảo 6g. Sắc uống.
- Bài 2: Cam thảo 5g, sinh hoàng kỳ 16g, bạch truật, phòng kỷ mỗi vị 10g. Sắc uống.
4.2.8 Chữa đau dây thần kinh và thấp khớp
Uy linh tiên 12g, phòng kỷ, tam sà mỗi vị 10g và kê huyết đằng 15g. Sắc uống, chia làm 2 – 3 lần uống trong ngày.Chữa thấp khớp cấp (trị nhiệt tý): Ngâm Phòng kỷ trong rượu (tỷ lệ 1:10). Mỗi lần dùng 10 – 20ml, ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi đợt dùng 10 ngày, nghỉ 4-5 ngày rồi uống tiếp đợt mới, khoảng 3-6 đợt là được.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Phấn phòng kỷ trang 409-410, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023.
2. Chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Phòng kỷ trang 247-248, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023.
3. Tác giả Yueping Jiang và cộng sự (Ngày đăng 24 tháng 4 năm 2020). A critical review: traditional uses, phytochemistry, pharmacology and toxicology of Stephania tetrandra S. Moore (Fen Fang Ji), Springer Link. Truy cập ngày 10 tháng 5 năm 2023.