Cây Phỉ (Witch Hazel)
35 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Cây Phỉ có nguồn gốc từ đông Bắc Mỹ, các sản phẩm có nguồn gốc từ cây phỉ hay chiết xuất cây phỉ đang ngày càng được úng dụng nhiều trong điều trị da liễu, làm đẹp da. Ngoài ra, cây phỉ còn có nhiều tác dụng khác như chống oxy hóa, chống khối u, kháng khuẩn.... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Cây Phỉ.
1 Cây Phỉ hay là cây gì? Hamamelis virginiana là gì?
Cây Phỉ có tên khoa học là Hamamelis virginiana L. Ngoài ra, cây phỉ còn có nhiều tên gọi khác như: Cortex Hamamelis, Folium Hamamelis, Hamamelis, Hamamelis water, Magician's rod, Snapping hazel, Spotted alder, Tobacco wood, White hazel, Winter bloom, Witch hazel.
Cây nổi tiếng với thành phần Witch Hazel Extract, là chiết xuất từ cây phỉ, thành phần rất hay xuất hiện trong các chế phẩm mỹ phẩm làm đẹp da.
2 Mô tả thực vật
Witch hazel hay cây phỉ là loại cây bụi rụng lá nhiều nhánh, cây nhỏ, thường đạt chiều cao khoảng 6 m. Vỏ cây phỉ màu nâu nhạt, thân cây nhẵn, có vảy, vỏ bên trong màu đỏ tía. Các cành con lúc đầu mới mọc nhẵn, màu nâu cam nhạt, có các chấm trắng lác đác, về sau trở thành màu nâu sẫm hoặc đỏ.
Lá phỉ rộng, có răng, hình trứng hay bầu dục, dài 3,7 – 16,7 cm và rộng 2,5 – 13 cm, lá có màu xanh đậm ở trên và hơi nhạt ở dưới, vào mùa thu, lá chuyển sang màu vàng với những đốm gỉ màu
Những bông hoa màu vàng, từ vàng nhạt đến vàng tươi, có hình dạng giống như sợi chỉ dài 1 - 2 cm, có 4 nhị ngắn, mọc thành cụm, hoa nở vào mùa thu.
Quả phỉ là quả nang gỗ cứng màu nâu, dài khoảng 1 - 1,4 cm và khi chín thì phóng 2 hạt đen nhánh ra khỏi cây, có thể đẩy hạt ra xa cách cây mẹ đến 10 m
3 Phân bố, thu hái
3.1 Cây phỉ thường mọc ở đâu?
Loài cây này có nguồn gốc từ bờ biển Đại Tây Dương và được tìm thấy trong các khu rừng ẩm ướt trên khắp Bắc Mỹ.
3.2 Thu hái
Lá khô, vỏ cây và cành cây được sử dụng theo y học truyền thống.
Lá của cây Phỉ thúy Virginian được thu hái vào mùa thu, vỏ cành và cành cây chỉ thu hoạch vào mùa xuân.
3.3 Bào chế
Lá thô và vỏ của cây phỉ được sử dụng dưới nhiều hình thức; được chiết xuất chất lỏng, thuốc đắp, và thường làm nước cây Phỉ. Cành cây được làm nước Hamamelis hoặc chiết xuất cây Phỉ chưng cất.
Nước cây phỉ được bào chế bằng cách đem nguyên liệu ngâm trong nước ấm, sau đó chưng cất và có thể thêm rượu vào
4 Thành phần hóa học
Vỏ cây phỉ chủ yếu chứa polyphenol, bao gồm tanin, axit phenolic và Flavonoid. Ít nhất 27 thành phần phenolic đã được xác định bằng phương pháp sắc ký lỏng cao áp, sắc ký lỏng và phương pháp khối phổ. Các phương pháp định lượng axit galic, hamamemelitannin (khoảng 1,5% trong lá và lên đến 65% trong vỏ cây) và các proanthocyanidin đã được mô tả. Các gallotannins không bền với nhiệt.
Vì nước cây phỉ là sản phẩm chưng cất hơi nước của chiết xuất nên nó không chứa tanin.
Các thành phần khác bao gồm kaempferol, quercetin, các chất đồng phân axit chlorogenic và axit hydroxycinnamic. Dầu dễ bay hơi chứa một lượng nhỏ safrole và eugenol cũng như nhiều thành phần nhỏ khác, chẳng hạn như Nhựa, sáp và choline
5 Hamamelis Virginiana có tác dụng gì?
5.1 Theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, nước cây phỉ được người dân Bắc Mỹ bản địa sử dụng như một phương pháp điều trị khối u và viêm mắt.
Các ứng dụng khác bao gồm điều trị bệnh trĩ, bỏng, ung thư, bệnh lao, cảm lạnh và sốt.
Các chế phẩm từ cây phỉ đã được sử dụng tại chỗ để điều trị triệu chứng ngứa và viêm da khác, hay trong các chế phẩm nhãn khoa để điều trị kích ứng.
5.2 Theo các nghiên cứu hiện đại
Các nghiên cứu in vitro đã cho thấy đặc tính kháng khuẩn của chiết xuất thực vật (cả lá và vỏ cây phỉ) trên Escherichia coli, Staphylococcus aureus (bao gồm cả các chủng kháng thuốc), Bacillus subtilis và Enterococcus faecalis. Tác dụng chống lại vi khuẩn gây bệnh nha chu cũng đã được báo cáo
Các mô hình động vật đã được sử dụng để chứng minh tính chất làm se và cầm máu của chiết xuất thực vật cây phỉ. Kết quả chỉ ra, ở nồng độ thấp, chiết xuất cây phỉ làm giảm tính thấm của tế bào, trong khi ở nồng độ cao hơn, tác dụng chữa bệnh được tạo ra do ảnh hưởng đến protein và mô keo.
Ở những người tình nguyện khỏe mạnh, chất chiết xuất của Hamamelis dùng tại chỗ làm giảm ban đỏ do tia cực tím (UV).
Trong một nghiên cứu nhãn mở, thuốc mỡ Hamamelis 6,25% có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng liên quan đến vết thương nhẹ trên da, viêm da tã lót và viêm da cục bộ ở trẻ em.
Witch hazel là một trong 3 loại thảo mộc phổ biến nhất được các nữ hộ sinh sử dụng để chữa lành và giảm khó chịu ở tầng sinh môn dựa trên các cuộc khảo sát trên toàn tiểu bang ở California, Texas và Bắc Carolina. Kem Hamamelis đã được sử dụng làm thuốc giảm đau sau khi rạch tầng sinh môn hoặc chấn thương tầng sinh môn sau khi sinh con.
Đặc tính chống oxy hóa đã được mô tả cho chiết xuất Hamamelis. Dòng nghiên cứu này là trong bối cảnh các chế phẩm da liễu chống lão hóa; tuy nhiên, hoạt động của nước cây phỉ dường như thấp hơn so với các chế phẩm khác.
Các phần chiết xuất Hamamelis đã được đánh giá trong ống nghiệm về hoạt tính chống ung thư và chống tia cực tím.
Chiết xuất glycolic từ vỏ cây phỉ đã ức chế sự giải phóng IL-6 do Cutibacterium acnes (một trong những tác nhân chính gây ra phản ứng viêm da ở mụn trứng cá) gây ra (IC 50 : 136,90 μg/mL), bằng cách làm suy yếu một phần quá trình kích hoạt NF-κB. Qua đó, cho thấy tiềm năng sử dụng cây phỉ trong điều trị mụn trứng cá.
5.3 Tác dụng của cây phỉ trong làm đẹp
Cây phỉ trong mỹ phẩm đã ứng dụng những đặc tính chống oxy hóa, giảm ban đỏ do tia cực tím, chống tia cực tím và kháng khuẩn...
Cây phỉ hay cụ thể là chiết xuất cây phỉ đã đã được sử dụng rộng rãi trong mỹ phẩm, các sản phẩm có thể kể đến như toner (Witch Hazel Toner), sữa rửa mặt, kem dưỡng da, kem chống nắng... không khó để tìm thấy thành phần cây phỉ trong những sản phẩm này trên thị trường.
6 Liều dùng - Cách dùng
Người lớn:
- Đối với kích ứng da: Sử dụng kem dưỡng da sau khi đi nắng có chứa 10% nước cây phỉ.
- Đối với ngứa và khó chịu liên quan đến bệnh trĩ và các rối loạn hậu môn khác: Nước cây phỉ được thoa lên đến 6 lần mỗi ngày hoặc sau mỗi lần đi tiêu. Thuốc đạn đặt vào hậu môn 1-3 lần mỗi ngày.
Trẻ em từ 2-11 tuổi:
- Trẻ bị kích ứng da có thể sử dụng thuốc mỡ chứa cây phỉ
6.1 Lưu ý
Một số phản ứng phụ đã được ghi nhận khi dùng cây phỉ hay sản phẩm chứa cây phỉ như: Nôn, buồn nôn, nước tiểu sẫm màu, táo bón, đau dạ dày...
7 Tài liệu tham khảo
- Tác giả: Chuyên gia Drugs (Ngày đăng: Ngày 16 tháng 08 năm 2022). Witch Hazel, Drugs.com. Truy cập ngày 12 tháng 07 năm 2023.
- Tác giả: Stefano Piazza và cộng sự (Ngày đăng: Ngày 05 tháng 06 năm 2022). Anti-Inflammatory and Anti-Acne Effects of Hamamelis virginiana Bark in Human Keratinocytes, Pubmed. Truy cập ngày 12 tháng 07 năm 2023.