Ớt Rừng (Ớt Làn Lá Nhỏ - Tabernaemontana pallida Pierre ex Pit.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Asterids (nhánh hoa Cúc) |
Bộ(ordo) | Gentianales (Long đởm) |
Họ(familia) | Apocynaceae (Trúc đào) |
Chi(genus) | Tabernaemontana |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Tabernaemontana pallida Pierre ex Pit. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Tabernaemontana bufalina Lour. |
Ớt rừng thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 2 mét. Những cành khi còn non có thể chết mềm, hơi dẹt, có khía dọc đồng thời có màu lục nhạt, những cành già tròn, có ngấn. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Tabernaemontana pallida Pierre ex Pit.
Tên đồng nghĩa: Tabernaemontana bufalina Lour.
Tên gọi khác: Ớt làn lá nhỏ, Mác mùng đông (Tày).
Họ thực vật: Apocynaceae (Trúc Đào).
1.1 Đặc điểm thực vật
Ớt rừng thuộc dạng cây nhỏ, chiều cao mỗi cây khoảng từ 1 đến 2 mét. Những cành khi còn non có thể chết mềm, hơi dẹt, có khía dọc đồng thời có màu lục nhạt, những cành già tròn, có ngấn, màu xám nhạt.
Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình mác thuôn, chiều dài khoảng từ 9 đến 18cm, chiều rộng từ 2,5 đến 4,5cm, gốc lá thuôn, đầu lá nhọn, mặt dưới gân lá nổi rõ, hai mặt của lá nhẵn, mặt trên của lá có màu lục sẫm, cuống ngắn.
Cụm hoa mọc thành xim ở đầu cành và kẽ lá, hoa có màu trắng, đài tạo thành hình ống dài, nhị 5, bầu 2 ô.
Quả là hai đại, mọc choãi ngang, chiều dài mỗi quả khoảng từ 2-3cm, quả hơi cong, bề mặt nhẵn, quả có màu vàng nhạt, mỗi quả gồm 4-6 hạt, rãnh ở giữa xẻ sâu.
Mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 6, mùa quả từ tháng 7 đến tháng 8.
Dưới đây là hình ảnh cây Ớt rừng (Ớt làn lá nhỏ):
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Đem rửa sạch sau đó thái nhỏ, dùng tươi.
Ngoài ra, vỏ thân và cành của cây Ớt rừng cũng được sử dụng.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tabernaemontana L. trên thế giới được phân bố chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới, đây là một chi nhỏ, được tìm thấy ở châu Á bao gồm Nam Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á, bán đảo Đông Dương, Australia. Tại nước ta, chi này có khoảng 4-5 loài.
Ớt rừng hay Ớt làn lá nhỏ được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh phía Nam Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các vùng núi thấp và trung du, độ cao phân bố dưới 1000 mét từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Kạn, đến tận phía nam của tỉnh Lâm Đồng.
Ớt rừng là loài ưa sáng, khi còn nhỏ có khả năng chịu bóng nhẹ, thường mọc lẫn trong những đám cây bụi khác ở các khu rừng thứ sinh, đồi, nương rẫy. Bộ rễ phát triển mạnh giúp cây chịu được khô hạn và chặt phá, phần gốc còn lại có khả năng tái sinh khỏe, tuy nhiên chỉ những cây ít bị chặt mới ra hoa quả thường xuyên.
2 Thành phần hóa học
Nghiên cứu các nhánh và lá của cây Ớt rừng cho thấy sự xuất hiện của một ancaloit indole monoterpenoid chưa được mô tả, cụ thể là (3R, 7S, 14R, 19S, 20R) -19-hydroxypseudovincadifformine.
3 Tác dụng của cây Ớt rừng
3.1 Tác dụng dược lý
Chế phẩm Ervatin được bào chế từ cây Ớt rừng hay Ớt làn lá nhỏ khi tiến hành thử nghiệm trên chuột lang ở trong buồng phun khí dung histamin 0,1% cho thấy tác dụng thời gian chống co thắt, chuột thí nghiệm sau 40 phút vẫn không có hiện tượng co giật, lô chuột đối chứng xuất hiện hiện tượng co giật sau 5 đến 7 phút nhưng tác dụng của Ớt rừng yếu hơn khi so sánh với Phenergan.
Cao Ớt rừng có tác dụng an thần, làm giảm các hoạt động tự nhiên khi nghiên cứu trên chuột nhắt trắng trên thử nghiệm lồng cử động.
Ớt rừng còn cho thấy tác dụng chống co thắt phế quản gây ra bởi histamin khi nghiên cứu trên mô hình gây co thắt phế quản thực nghiệm.
Khi nghiên cứu trên ruột của chuột lang đã được cô lập, Ớt rừng còn cho thấy tác dụng ức chế co thắt cơ trơn gây ra bởi histamin.
Ở mô hình vi choáng phản vệ, loại cây này cũng kéo dài thời gian an toàn.
Ở phản ứng ngưng kết hồng cầu, Ớt rừng thể hiện tác dụng ức chế miễn dịch thể dịch.
Khi tiêm tĩnh mạch cao lỏng Ớt rừng cho thỏ thí nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy rằng, cây có tác dụng hạ áp. Hô hấp ban đầu có giảm nhưng sau biến đổi theo hướng bù trừ.
Ớt rừng còn có tác dụng giảm tần số tim, lợi tiểu nhẹ.
Ở những bệnh nhân hen phế quản có thông khí tắc nghẽn rõ rệt nhưng ở mức độ nhẹ, sau khi cho uống cao Ớt rừng (tên biệt dược là Ervatin) thì thấy tác dụng tăng thông khí phổi nhưng tác dụng cắt cơn hen vẫn chưa rõ rệt.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
Rễ cây Ớt rừng dùng tươi, giã nhỏ, chắt lấy nước sau đó ngậm trong trường hợp đau họng (không được nuốt).
Khi bị rắn cắn, có thể dùng rễ tươi của cây Ớt rừng, đem giã nhỏ, thêm nước, gạn để uống còn bã để đắp vào chỗ rắn cắn.
Vỏ thân và cành của cây Ớt rừng đem thái nhỏ, nghiền nát, nấu với 2 lần nước sau đó cô thành cao lỏng, dùng trong trường hợp hen suyễn nhẹ. Ngoài ra, cao lỏng còn có tác dụng cắt cơn hen ở thể nhẹ và trung bình, loãng đờm, giảm tình trạng khò khè. Cao Ớt rừng không có độc, do đó có thể sử dụng lâu dài.
4 Chữa kiết lỵ ra máu từ cây Ớt rừng (Ớt làn lá nhỏ)
20-30g lá cây Ớt rừng.
10-20g lá Huyết dụ.
10-20g Ngải Cứu.
10-20g Hạt vải.
Các vị đem phơi khô, sau đó sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 lần.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Ớt làn lá nhỏ, trang 508-509. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Jian Xu và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2019). Chemical Constituents from Tabernaemontana bufalina Lour, PubMed. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2024.