Nhục Thung Dung (Herba Cistanches Caulis Cistanchis)
104 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Nhục Thung Dung là vị thuốc không mấy phổ biến, tuy nhiên lại rất hay dùng trong những trường hợp yếu sinh lý, sinh dục. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Nhục Thung Dung.
1 Nhục Thung Dung là gì?
Nhục Thung Dung có tên khoa học là Herba Cistanches Caulis Cistanchis.
Vị thuốc nhục thung dung ít dùng, tuy nhiên, trong điều trị yếu sinh lý, sinh dục lại rất hay sử dụng nhục thung dung. Nhục thung dung được xếp vào loại "thượng phẩm" trong Sách thần nông bản thảo
2 Nhục Thung Dung có mấy loại?
2.1 Phân loại Nhục Thung Dung theo tên khoa học
Cây nhục thung dung toàn thân cây có mang lá vẩy Caulis Cistanchis. Trên thị trường người ta khai thác:
- Cây thung dung- Cistanche deserticola Y. G. Ma thuộc họ thuộc họ Nhục thung dung Orobranchaceae
- Cây mễ nhục thung dung có tên khoa học Cistanche ambigua G. Beck (Bge) cùng họ Nhục thung dung.
- Cây Nhục Thung Dung có tên khoa học Cistanche salsa (C. A. Mey.) G. Bek. Còn có tên Phelipaea salsa C. A. Mey. hay Orobranche Kuntz, đều thuộc họ Nhục Thung Dung Orobranchaceae.
Theo một số tác giả Trung Quốc thì Nhục Thung Dung lại mang tên khoa học là Boschniakia glabra C. A. Mey.
2.2 Phân loại Nhục Thung Dung ở Việt Nam
Tại Việt Nam, một cách đơn giản hơn để phân loại dược liệu Nhục Thung Dung, ta dựa vào trạng thái của dược liệu này:
2.2.1 Nhục Thung Dung tươi
Là những cây sau ngay sau khi thu hoạch được đem sử dụng hoặc mua bán, loại dược liệu tươi này rất được ưa chuộng bởi theo quan niệm của nhiều người, đây là dược liệu nguyên chất, không bị ngâm tẩm hóa chất hay những phụ liệu không có nguồn gốc rõ ràng.
Những cây Nhục Thung Dung tươi có hình dạng hơi giống cái chày, phần đầu cây nhọn, có phủ một lớp vảy màu vàng bên ngoài, và cao khoảng 15 - 30 cm.
2.3 Nhục Thung Dung khô
Là dược liệu sau khi thu hoạch, để bảo quản chất lượng tốt hơn mà Nhục Thung Dung được sơ chế sạch sẽ rồi đem phơi khô. Nhục Thung Dung khô có thể được ngâm, tẩm với những chất khác để bảo quản mà phổ biến nhất là ngâm Nhục Thung Dung với mật ong.
Sau khi ngâm với Mật Ong, phía ngoài của dược liệu chuyển sang màu đen tuyền, phần thịt bên trong có màu vàng nâu, toàn bộ dược liệu rất mềm, dẻo.
3 Phân bố, thu hái và chế biến
Vị thuốc nhục thung dung hiện nay Việt Nam còn hoàn toàn phải nhập. Theo những tài liệu của Trung Quốc thì những tỉnh có Nhục thung dung là Nội Mông Cổ, Thiểm Tây, Cam Túc, Tân Cương...
Vì vị thuốc này nung núc những thịt, tính chất bổ lại hòa hoãn từ từ, do đó có tên này. Tại những nơi có cây, người ta thu hoạch vào hai mùa xuân và thu, nhưng tháng 3 đến tháng 5 thu hoạch là tốt nhất. Quá thời gian đó thì chất lượng kém.
Nếu thu hái vào mùa xuân, thì chỉ cần loại bỏ đất cát, để khô trong mát là được, còn nếu thu hoạch vào mùa thu, nước nhiều rất khó làm khô. Người ta cho vào hũ với muối và muối từ 1 đến 3 năm. Khi nào dùng làm thuốc thì rửa sạch muối mới dùng. Có khi người ta đun cách thủy với rượu để khi rượu cạn mới dùng. Cứ 1kg nhục thung dung dùng 0,3 lít rượu.
4 Phân biệt Nhục Thung Dung thật và Nhục Thung Dung giả
Hiện nay, vị thuốc này ít bị làm giả, tuy nhiên, chúng ta cần nhận biết được Nhục Thung Dung thật và Nhục Thung Dung giả hay Nhục Thung Dung kém chất lượng để có thể phân biệt được khi cần thiết.
Dựa vào đặc điểm Nhục Thung Dung như sau: Phần thân mềm, vỏ phía ngoài nhiều vảy, kích thước to hơn ngón tay cái. Có màu đen tuyền bên ngoài do dược liệu Nhục Thung Dung ngâm mật ong để bảo quản, bên trong có màu trắng đục, những loại kém chất lượng phần thịt bên trong thường khô và cứng hơn, màu sắc nhạt hơn, thường là màu vàng nâu chứ không phải đen tuyền. Nhục Thung dung chất lượng cao sẽ thơm và vị hơi ngọt.
5 Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Một vài hoạt chất đơn lẻ trong nhục thung dung như echinacoside, acteoside và poliumoside... đã được nghiên cứu
Trong 1 nghiên cứu về các chất chuyển hóa Cistanches Deserticola và Cistanches Tubulosa là hai loài được ghi trong dược điển Trung Quốc, tổng cộng có 71 chất chuyển hóa từ Cistanches Deserticola bao gồm 25 thành phần nguyên mẫu và 46 chất chuyển hóa, và 45 chất chuyển hóa từ Cistanches Tubulosa bao gồm 18 thành phần nguyên mẫu và 27 chất chuyển hóa đã được xác định tạm thời.
Một nghiên cứu khác về tác dụng nâng cao chất lượng của tinh dịch, tinh trùng chó đực giống American bully. Khi bổ sung cao khô nhục thung dung (chiết xuất sử dụng dung môi Ethanol 70%) ở liều lượng 50 mg/ngày/chó vào khẩu phần ăn trong 10 ngày trước khi khai thác làm tăng chất lượng tinh dịch chó đực giống American Bully. Thể tích tinh dịch/lần khai thác tăng hơn so vớiđối chứng mức tăng 0,62 mL. Tổng số tinh trùng tiến thẳng/lần khai thác tăng hơn so với đối chứng với mức tăng 208,83 triệu tinh trùng.
6 Công dụng và liều dùng
Hiện vẫn chỉ thấy được sử dụng trong y học cổ truyền.
6.1 Tính vị, công năng
Nhục thung dung vị ngọt, chua, tính hơi ôn. Không có độc. Có tài liệu nói vị nhục thung dung cay, ôn, đại nhiệt. Có tác dụng tư âm, bổ thận, ích tinh, huyết, tráng dương hoạt trường (mạnh dương chơn ruột).
6.2 Cách sử dụng nhục thung dung
Dùng Nhục thung dung trong những trường hợp liệt dương, lưng gối lạnh đau (nam giới), vô sinh bạch đới khí hư (nữ giới), huyết khô, táo bón.
Ngày dùng 8-12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc hoàn.
Kiêng kỵ: Những người thận dương vương, đại tiện lỏng, dương vật dễ cương lại di mộng tinh.
6.3 Cách ngâm rượu Nhục Thung Dung
Nguyên liệu gồm 1kg nhục thung dung, rượu (khoảng trên 40 độ) cần 8-10 lít
Cách làm rượu nhục thung dung:
- Sơ chế nhục thung dung, rửa với nước rồi để ráo
- Hơ qua lửa cho ấm lên
- Thái lát nhục thung dung rồi cho vào bình thủy tinh có nắp đậy
- Đổ rượu vào bình, ngâm 1 tháng là có thể sử dụng
Ngoài cách ngâm một mình vị nhục thung dung, cũng có thể kết hợp ngâm với các vị khác như Phục Linh, long cốt, tỏa dương, lộc nhung, Nhân Sâm...
6.4 Nhục Thung Dung ngâm rượu có tác dụng gì?
Khi ngâm rượu và sử dụng rượu Nhục Thung Dung, không chỉ đem lại công dụng tăng cường sinh lực cho nam giới mà còn hỗ trợ nữ giới điều trị khí hư, lãnh cảm, hiếm muộn. Sử dụng với liều lượng thích hợp, đều đặn ở cả hai giới sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, tăng cường chức năng sinh sản, tăng khoái cảm cho "chuyện ấy".
6.5 Nhục Thung Dung ngâm mật ong
Ngoài cách ngâm rượu, Nhục Thung Dung có thể kết hợp với mật ong để sử dụng hỗ trợ chữa đại tiện táo kết . Dùng 30g Mật Ong, 15g mỗi loại Nhục Thung Dung và Đương Quy.
Đem tất cả sắc uống mỗi ngày một thang. Sau khi sắc chia 2 lần uống trong ngày.
7 Đơn thuốc có Nhục Thung Dung
Dùng 10g Nhục thung dung, 5g Sơn Thù du, 4g thạch xương bồ, 6g phục linh, 8g Thỏ Ty Tử, sắc với 600ml nước, sắc tới khi còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày. Hâm nóng thuốc khi uống. Có tác dụng chữa suy nhược thần kinh.
8 Mua Nhục Thung Dung ở đâu?
Nhục Thung Dung được nhập khẩu từ Trung Quốc và hiện nay được bán rất nhiều tại Việt Nam, bạn có thể đến bất kỳ hiệu thuốc đông y nào trên toàn quốc cũng có thể tìm mua được vị thuốc này.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các trang web bán các dược liệu ngay trên internet cũng vô cùng thuận tiện như: duoclieuthaison.com, dongamruou.com.vn, tamminhduong.com, nongsandungha... Bạn có thể dễ dàng tham khảo giá cả, hay đặt ship về tận nhà rất tiện lợi.
9 Tài liệu tham khảo
- Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Nhục thung dung trang 933-934, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 28 tháng 06 năm 2023
- Tác giả: Yang Li và cộng sự (Ngày đăng: năm 2016). Rapid screening and identification of the differences between metabolites of Cistanche deserticola and C. tubulosa water extract in rats by UPLC-Q-TOF-MS combined pattern recognition analysis, Pubmed. Truy cập ngày 28 tháng 06 năm 2023.
- Tác giả: Nguyễn Thanh Hải và cộng sự (Ngày đăng: năm 2019). SỬ DỤNG DƯỢC LIỆU Sâm Cau (Curculigo orchioides) VÀ NHỤC THUNG DUNG (Herba Cistanches Caulis Cistanchis) NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CỦA TINH DỊCH, TINH TRÙNG CHÓ ĐỰC GIỐNG AMERICAN BULLY, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam 2019, 17(6): 502-508. Truy cập ngày 28 tháng 06 năm 2023.