Nhội (Nhội Tía, Quả Cơm Nguội - Bischofia javanica Blume)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Malpighiales (Sơ ri) |
Họ(familia) | Euphorbiaceae (Thầu dầu) |
Chi(genus) | Bischofia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Bischofia javanica Blume | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Bischofia trifoliata (Roxb.) Hook f. |
Nhội thuộc dạng cây to, chiều cao mỗi cây khoảng từ 15 đến 20 mét, cây xanh tốt quanh năm. Vỏ thân có màu nâu đen, bề mặt nhẵn. Lá kép mọc so le, gồm 3 lá chét có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây nhội là cây gì?
Tên khoa học: Bischofia javanica Blume
Tên đồng nghĩa: Bischofia trifoliata (Roxb.) Hook f.
Tên gọi khác: Nhột tía, Quả cơm nguội, Xích mộc, Bích hợp, Trọng dương mộc.
Họ thực vật: Euphorbiaceae (Thầu Dầu).
1.1 Đặc điểm thực vật
Nhội thuộc dạng cây to, chiều cao mỗi cây khoảng từ 15 đến 20 mét, cây xanh tốt quanh năm. Vỏ thân có màu nâu đen, bề mặt nhẵn.
Lá kép mọc so le, gồm 3 lá chét có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, chiều dài lá chét khoảng 8 đến 13cm, chiều rộng từ 4 đến 8cm, gốc lá tròn, đầu lá nhọn. Lá chét ở tận cùng có kích thước lớn hơn, mép là có khía răng cưa, hai mặt của lá nhẵn, mặt dưới có màu nhạt hơn, cuống lá kép có chiều dài khoảng từ 7 đến 9cm, phình ở gốc, lá kèm hình tam giác, sớm rụng.
Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá, chiều dài cụm hoa khoảng từ 6 đến 13cm, hoa đơn tính khác gốc, có màu lục nhạt, hoa đực mọc thành đôi hoặc riêng lẻ, 5 lá đài úp kín nhị, khi nở thì xòe gập xuống dưới, không có cánh hoa, nhị 5, bầu 3 ô có dạng hình trứng hơi nhọn, mỗi ô có 2 lá noãn.
Quả cây Nhội ăn được không? Quả có dạng hình cầu, quả thịt, đường kính mỗi quả khoảng từ 6 đến 7,5mm, vỏ ngoài có màu nâu hoặc nâu đen khi chín, mỗi quả gồm 2-3 hạt.
Hạt hình trứng, nhẵn, bề mặt bóng.
Mùa hoa từ tháng 2 đến tháng 5, mùa quả từ tháng 6 đến tháng 8.
Dưới đây là hình ảnh cây Nhội:
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Vỏ, rễ, thân, lá.
Thời điểm thu hái: Quanh năm.
Chế biến: Dùng tươi hoặc phơi sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Bischofia Blume trên thế giới chỉ có một loài là cây Nhội, được tìm thấy ở nhiều nước thuộc vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á bao gồm một số quốc gia như Malaysia, Ấn Độ, Lào, Indonesia và Việt Nam, cây cũng được tìm thấy ở một số tỉnh thuộc phía Nam Trung Quốc.
Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các vùng núi, trung du và đồng bằng. Nhội thường mọc ở những khu rừng kín thường xanh, đặc biệt là những khu rừng thứ sinh, có khả năng sinh trưởng và phát triển được trên nhiều loại đất, độ cao phân bố có thể lên đến 1000 mét.
Nhội ra hoa quả hàng năm cây thụ phấn nhờ gió hoặc côn trùng. Nhội có khả năng tái sinh tự nhiên bằng hạt, phần gốc và rễ cây còn lại sau khi bị chặt vẫn có khả năng đâm chồi mới.
Nhội sinh trưởng nhanh trong 3 đến 4 năm đầu, cây hơi chịu bóng sau mọc vươn lên khỏi những tán cây khác. Hệ thống rễ cọc phát triển giúp cây chịu được những tác động bất lợi của môi trường như gió, bão. Nhân dân thường trồng Nhội để làm bóng mát ven đường, trong công viên hay đình chùa.
2 Thành phần hóa học
Lá cây Nhội có chứa:
- 76,9% nước.
- 13% glucid.
- 2,1% tro.
- 4,1% protid.
- 3,9% xơ.
- Vitamin C.
- Caroten.
- Các triterpenoid gồm acetat fridelinol,friedelin friedelinol,...
Ngoài ra, Nhội còn chứa chrysoerinol, triacontan.
Ở những cây Nhội tại Việt Nam, Viện Dược liệu đã phân tích được các thành phần gồm Vitamin C và tanin galic.
3 Tác dụng của cây Nhội
3.1 Lá cây Nhội có ăn được không?
Lá cây Nhội được chứng minh có tác dụng diệt trùng roi mạnh, thí nghiệm được thực hiện trên ống kính và trên các loại súc vật đã được cho gây nhiễm roi trùng.
Lá nhội có vị chua, chát, tính mát có tác dụng sát trùng, tiêu viêm, thấp nhiệt, có thể ăn được.
3.2 Lá cây Nhội chữa viêm phụ khoa
Lá cây Nhội nổi tiếng với công dụng điều trị viêm âm đạo gây ra bởi trùng roi, có thể dùng dưới dạng nước sắc, cao, bột, tinh thể chiết từ lá.
Nghiên cứu trên 147 trường hợp cho thấy rằng, dạng cao có tác dụng tốt nhất so với các dạng khác khi đánh giá trên tiêu chí giảm các triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân. Khi tiến hành so sánh tác dụng của cao lá Nhội với carbazole thì tỷ lệ khỏi bệnh là gần như tương đương nhau. Tuy nhiên, cao lá Nhội có nhiều ưu điểm hơn so với carbazole là tỷ lệ khỏi bệnh cao, khả năng diệt ký sinh trùng nhanh, không gây cảm giác đau rát cho người bệnh, không gây cương tụ, sau khi khỏi bệnh thì bệnh nhân không bị nhiễm nấm âm đạo. Tuy nhiên, nhược điểm của việc điều trị bằng cao lá Nhội là đòi hỏi bệnh nhân cần phải đến cơ sở y tế, không thể tự điều trị tại nhà như các dòng thuốc thông thường.
Phương pháp điều chế cao lá nhội:
- Sử dụng 1kg lá Nhội ngắt bỏ cuống, đem rửa sạch, để ráo.
- Sắc với một ít nước trong 3 tiếng.
- Lọc lấy nước.
- Tiếp tục cô trên bếp với lửa nhỏ để thu được 50ml cao.
Cách sử dụng:
- Bệnh nhân sau khi xét nghiệm cho kết quả dương tính với trùng roi được điều trị trong 10 ngày liên tục.
- Bệnh nhân lấy khí hư xét nghiệm, dùng thuốc để thụt rửa âm đạo vào mỗi buổi sáng, sau đó lau sạch rồi bôi cao lá Nhội vào cổ tử cung, thành âm đạo.
- Ngoài ra, có thể dùng dưới dạng thuốc uống bằng cách dùng 20-40g lá tươi đem sắc nước.
3.3 Tác dụng khác
Lá Nhội còn được dùng trong trường hợp tiêu chảy, lỵ với liều dùng được khuyến cáo là 40-60g nước sắc.
Ngoài ra, lá Nhội còn được phối hợp với Giâu gia, mỗi vị 50g sau đó giã nhỏ, trộn cùng giấm, bôi ngoài da trong trường hợp mẩn ngứa, dị ứng, mụn nhọt.
Vỏ thân cây Nhội phối hợp với lá của cây Đậu chiều trong trường hợp sâu quảng cho tác dụng rất tốt. Dùng vỏ cây Nhội băm nhỏ, nấu nước thật đặc để rửa vết thương, lá Đậu chiều đem phơi khô giòn, tán rồi rây thành bột mịn, rắc lên vùng da cần điều trị mỗi ngày.
Các tài liệu nước ngoài ghi chép rằng, lá Nhội đem sắc hoặc nấu thành cao dùng được trong trường hợp bị bỏng. Rễ cây còn có tác dụng lợi tiểu.
Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng 60g lá Nhội tươi phối hợp với 30g Tích tuyết thảo, 15g Hợp hoan bì, 15g Đường kính, các vị đem sắc nước uống có tác dụng rất tốt đối với bệnh nhân bị viêm gan siêu vi khuẩn.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Nhội, trang 469.470. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Nhội trang 61 – 62. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2024.