Nho Dại (Vitis flexuosa Thunb.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Thực vật có mạch) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Vitales (Nho) |
Họ(familia) | Vitaceae (Nho) |
Chi(genus) | Vitis |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Vitis flexuosa Thunb. |

Nho dại thuộc dạng cây nhỡ có cành leo, cây gần như không có lông. Nhánh cây có dạng hình trụ, có khía, các tua cuốn không mọc liên tục, thường chẻ làm đôi. Phiến lá có dạng hình tam giác. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Vitis flexuosa Thunb.
Tên gọi khác: Nho cong queo.
Họ thực vật: Vitaceae (Nho).
1.1 Đặc điểm thực vật

Nho dại thuộc dạng cây nhỡ có cành leo, cây gần như không có lông. Nhánh cây có dạng hình trụ, có khía, các tua cuốn không mọc liên tục, thường chẻ làm đôi.
Phiến lá có dạng hình tam giác đến hình trái Xoan, phần gốc lá hơi cụt hoặc hơi tù, nhọn ngắn, phủ một lớp lông nhung ở gân của mặt dưới lá, chiều dài khoảng từ 3,5 đến 11cm, rộng khoảng 2,5 đến 9,5cm, lá có dạng màng, các răng có dạng hình tam giác, gân gốc 5, những lá ở giữa có 4 đôi gân bên, gân mọc cong queo thành mạng, hơi lộ rõ, chiều dài mỗi cuống lá khoảng từ 3 đến 7cm, không có lông hay phủ lông mịn màu tro. Lá kèm dễ rụng.
Cụm hoa mọc thành chùm đối diện với lá, chiều dài khoảng 6-12cm, phủ một lớp lông mịn, hoa có kích thước nhỏ, đường kính mỗi hoa khoảng 2mm, hoa có màu vàng, cuống hoa mảnh. Đài có dạng hình đấu, hơi lượn. Cánh hoa 5, dính thành ống, nhị 5, bao phấn có dạng hình mắt chim. Đĩa mật có 5 cạnh. Hoa đực có bầu thô sơ, hoa cái có bầu hình trứng.
Quả thuộc dạng quả nạc, có dạng hình cầu, đường kính khoảng 6-8mm, có màu lục nâu hay đen, mỗi quả gồm 3-4 hạt có dạng hình tim ngược, chiều dài khoảng 4-5mm, rộng 4mm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Dịch thân dây, quả, rễ, lá.
1.3 Đặc điểm phân bố

Nho dại được tìm thấy ở Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Indonesia, Lào và Việt Nam. Tại nước ta, cây thường được tìm thấy ở Sơn La, Tây Ninh.
Nho dại thường mọc rải rác ở ven rừng, trong đó có các trảng cây bụi, ven hàng rào.
Thời điểm cây ra hoa là từ tháng 5 đến tháng 6.
2 Thành phần hóa học
Một tetrastilbenoid mới, flexuosol A (1), được phân lập từ thân cây Nho dại (Vitis flexuosa) cùng với gnetin A, (+)-epsilon-viniferin, vitisin A và hopeaphenol đã biết. Cấu trúc của 1 được làm sáng tỏ bằng phương pháp quang phổ.
3 Tác dụng của cây Nho dại

Một nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng chống oxy hóa của chiết xuất methanol từ lá và thân của 3 loại nho mọc hoang dại phổ biến (Vitis thunbergii, V. flexuosa (Nho dại) và V. kelungeusis) bằng nhiều phương pháp trong ống nghiệm khác nhau. Nghiên cứu cũng tìm cách xác định thành phần chống oxy hóa cụ thể. Kết quả cho thấy, trong số các mẫu đem nghiên cứu, chiết xuất thân của V. thunbergii thể hiện hiệu suất dọn gốc 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl và dọn gốc superoxide tốt và khả năng tạo phức ion Sắt (II), cũng như hàm lượng phenolic tổng số cao nhất (179,5 mg GAE/g). Chất chống oxy hóa chính, (+)-lyoniresinol-2a-O-β-D-glucopyranoside, đã được phân lập từ chiết xuất thân của V. thunbergii và được xác định. Việc loại bỏ hợp chất này khỏi các chiết xuất đã làm giảm hiệu suất chống oxy hóa khoảng 2 đến 5 lần. Điều này cho thấy rằng (+)-lyoniresinol-2a-O-β-D-glucopyranoside là chất chống oxy hóa chính trong các loài nho mọc dại đem nghiên cứu. Kết quả cũng chỉ ra rằng hiệu quả chống oxy hóa của (+)-lyoniresinol-2a-O-β-D-glucopyranoside mạnh hơn lignan aglycone (+)-lyoniresinol.
Do đó, Nho dại cũng là một loại dược liệu có tác dụng chống oxy hóa nhưng vẫn cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn để đánh giá.
4 Công dụng theo Y học cổ truyền

4.1 Tính vị, tác dụng
Dịch thân dây, quả, rễ của cây Nho dại có vị ngọt, tính bình.
Dịch thân dây và rễ có tác dụng bổ ngũ tạng, tiếp gân cốt, ích khí, trương cơ nhục, chỉ khái.
Lá cây có vị chua, tính bình, có tác dụng tiêu sưng, chỉ huyết, chống viêm.
4.2 Công dụng
Rễ và dịch thân dây dùng trong trường hợp khớp xương đau nhức, đòn ngã tổn thương, ngoài ra, rễ và dịch thân cây còn được dùng trong trường hợp viêm gan vàng da, viêm vú, tiêu hóa kém, mụn nhọt.
Lá và quả còn được dùng trong trường hợp bị ho, ăn uống không tiêu, thổ huyết, lá còn được dùng khi bị eczema. Liều dùng để uống là từ 15 đến 30g dưới dạng thuốc sắc.
Nho dại còn được dùng ngoài bằng cách lấy dịch lá bôi hoặc đem đun sôi lấy nước rửa.

5 Cây Nho dại trị bệnh gì?
5.1 Trị đau thấp khớp
15-30g rễ cây Nho dại đem sắc uống cùng với rượu. Đồng thời dùng rễ cây tươi đem giã rồi đắp vào chỗ đau.
5.2 Trị viêm gan và vàng da
15g rễ Nho dại.
15g Nhân Trần Trung Quốc.
15g Cà tàu.
Các vị đem sắc lấy nước uống.

5.3 Trị Eczema
Dùng lá cây Nho dại tươi đem giã rồi chiết dịch, chấm vào chỗ bị đau.
Có thể đun sôi lấy nước, thêm phèn và muối để rửa ngoài.
6 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Nho dại, trang 355-356. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả Ww Li và cộng sự (Ngày đăng tháng 5 năm 1998). Flexuosol A, a new tetrastilbene from vitis flexuosa, PubMed. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2025.
- Tác giả Yu-Tang Tung và cộng sự (Ngày đăng tháng 6 năm 2011). Comparison and characterization of the antioxidant potential of 3 wild grapes--Vitis thunbergii, V. flexuosa, and V. kelungeusis, PubMed. Truy cập ngày 7 tháng 3 năm 2025.