Nho (Vitis vinifera L.)
133 sản phẩm
Dược sĩ Nguyễn Trang Dược sĩ lâm sàng - Đại học Dược Hà Nội
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Nho được biết đến khá phổ biến với công dụng hỗ trợ điều trị tiểu tiện bất lợi, động thai… Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Nho.
1 Giới thiệu về cây Nho
Nho có tên khoa học là Vitis vinifera L., thuộc họ Nho (Vitaceae). Cây được nhập trồng chủ yếu để lấy quả ngọt làm rượu chát, hoặc làm thực phẩm, có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao. Có nhiều giống trồng khác nhau. Dưới đây là hình ảnh cây Nho.
1.1 Đặc điểm thực vật
Dây leo bằng cành có tua cuốn. Vỏ lúc đầu màu lục, rồi màu tro khi hóa bần bong ra thành dải mỏng. Lá mọc so le thành hai dây có hai lá kèm sớm rụng; phiến lá chia 5-7 thùy, khía răng không đều ở mép; cuống lá dài. Tua cuốn mọc đối diện với lá, rẽ đôi 1-2 lần, ở chỗ rẽ có một lá giảm.
Hoa của cây Nho có màu gì? Hoa mọc thành chùm xim hai ngả; hoa đầu, lưỡng tính khác gốc, màu xanh. Quả mọng hình trứng hoặc hình cầu, khi chín có màu xanh, vàng hoặc đỏ hay đen tùy giống, chứa hạt hình quả lê, có vỏ rắn như xương.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả, rễ, dây, lá.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, Nho được trồng nhiều tại Ninh Thuận, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng, Sài Gòn.
2 Thành phần hóa học
2.1 Giá trị dinh dưỡng
Các thành phần dinh dưỡng khác nhau cũng được tìm thấy trong nho, bao gồm protein, lipid, carbohydrate, khoáng chất và vitamin. Mỗi phần của cây nho hoặc bất kỳ sản phẩm làm từ nho nào khác đều chứa các chất dinh dưỡng khác nhau.
Bộ phận cây | Thành phần dinh dưỡng |
Hạt | Khoáng chất, protein, lipid, carbohydrate và chất xơ |
Quả | Protein, chất béo, Vitamin C, calcium và boron phospho |
Nho khô | Đường, chất xơ không hòa tan và khoáng chất |
Lá | Đường khử và không khử, lipid, vitamin và khoáng chất (K, Mg, Zn) |
Thân | Chất xơ ăn kiêng |
Bã | Protein thô, xơ tẩy rửa trung tính, xơ tẩy axit, và khoáng (P, Mg, S, Na, Fe, Al) |
Bột bã | Protein, chất xơ, carbohydrate, pection, iron, potassium, zinc, Fructose và glucose |
2.2 Hóa thực vật
Nho chứa nhiều hợp chất phenolic và axit thơm trên nhiều bộ phận của cây. Các nhóm chính của nho là stilbenoid, Flavonoid, proanthocyanidin, axit hydroxybenzoic và axit hydroxycinnamic. Trái nho rất giàu polyphenol, anthocyanin, flavonol, stilben, axit phenolic, protein, chất béo và vitamin C.
Rễ: Chiết xuất rễ nho có chứa các hợp chất stilbenoid, bao gồm: resveratrol, vitisin A và B, picaetannol và miyabenol C. Các hợp chất stilbenoid khác trong rễ nho là trans-piecid, cis-piecid, vitisinol B, viniferether A và B, ampelopsin C và E, hopeaphenol, và isohopeaphenol.
Lá: Lá nho chứa axit hydroxybenzoic (axit quinic, axit galic, axit vanilic và axit syringic), axit hydroxycinnamic (axit caftaric, axit caffeic và axit fertaric), coumarin, dihydrochalcone, stilben monomeric, stilben dimeric, stilben trimeric, stilben tetrameric, hợp chất flavan-3-ol bao gồm gallocatechin, catechin, procyanidin, procyanidin B1 và A1, và epicatechin. Các hợp chất flavonol là quercetin, quercetin-3-O-glucoside, kaempferol và myricetin. Flavone (apigenin-7-O-glucoside và luteolin-7-O-glucoside), flavanone (taxifolin, naringenin và hesperetin), anthocyanin và coumarin (aesculin, fraxin, aesculutin và umbelliferone), tanin cô đặc cũng được tìm thấy trong lá.
Hạt: Chiết xuất hạt nho chứa các thành phần sau: procyanidin, axit galic, epicatechin, catechin và quercetin. Chiết xuất hạt nho từ nho trắng có chứa flavonol glycoside. Khi có màu đen, hạt nho đã tiếp xúc với flavonol glycoside, resveratrol và anthocyanidin. Chiết xuất hạt nho chứa nhiều hợp chất phenolic, bao gồm axit caffeic, axit coumaric, axit coutaric, axit ferulic và axit fertaric, routine, quercetin-3-β-D-glucoside, quercitrin, myricetin, catechin, và epicatechin. Ngoài ra, axit linoleic, axit primaric, axit caffeic, axit p-hydroxyphenylacetic và axit gallic đã được tìm thấy trong chiết xuất hạt nho.
Các bộ phận khác: Vỏ nho chứa flavonol, anthocyanin, flavan-3-ols, stilbenes và axit phenolic. Trong khi chiết xuất bã nho đã tìm thấy quercetin, axit vanillic, kaempferol, axit syringic và axit gallic. Dịch nho chứa axit caffeic, axit coumaric, axit ferulic, axit caftaric, axit coutaric, axit fertaric, (-)epicatechin, (+)catechin, resveratrol, procyanidin, và flavonol như quercetin, Rutin, kaempferol, quercetin-3-O-glucoside và quercetin-3-O-glucuronide.
Dây: Thân nho chứa axit gallic, axit syringic, axit caftaric, axit chioric, gallocatechin, axit caffeic, axit syringic, axit ferulic, procyanidin A1-C1, epicatechin, catechin, catechin gallate, anthocyanin, flavanone, flavone và flavonol (quercetin, quercetin-3-O-glucoside và kaempferol). Các hợp chất stilbenic cũng được tìm thấy trong các bộ phận của thân cây như trans-astringin, trans-resveratrol side, ampelopsin A, D và F, vitisin A-C và miyabenol C.
Mật nho chứa axit galic, axit protocatechuic, axit vanillic, axit ellagic, axit caftaric, axit coutaric, axit caffeic, axit syringic, axit ferulic, flavan-3-ol (procyanidin A1-C1, procyanidin B2, catechin, và epicatechin), và flavonol bao gồm quercetin-3-O-galactoside và quercetin-3-O-arabinose. Hợp chất stilbenic bao gồm trans-resveratrol-2-C-glucoside, trans-resveratrol và ampelopsin A và D.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Việt quất - Loại quả thơm ngon, giàu chất chống oxy hóa
3 Tác dụng - Công dụng của Nho
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Chống oxy hóa
Chiết xuất hạt nho đã được kiểm tra hoạt tính chống oxy hóa. Giá trị trung bình của hoạt tính chống oxy hóa trong mười giống nho năm 2017 cho thấy 11,624 µg/g GAE trên phương pháp DPPH, 14,807 µg/g GAE trên phương pháp FRAP, 6518 µg/g GAE trên phương pháp ABTS và 3084 µg/g GAE trên dạng CHFR. Chiết xuất Ethanol từ hạt nho có hoạt tính chống oxy hóa cao nhất bằng cách kiểm tra DPPH, FRAP và α-tocopherol.
3.1.2 Chống viêm
Chiết xuất lá ở liều cao cho thấy hoạt động chống viêm mạnh mẽ, thể hiện qua việc giảm phù nề ở liều 400 mg/kg (50,02%) sau 4 giờ thông qua thử nghiệm phù nề chân sau do carrageenan gây ra. Các thành phần đóng vai trò chống viêm là quercetin, kaempferol, resveratrol và axit quinic. Chiết xuất lá nho với nồng độ cao có hoạt tính chống viêm bằng cách giảm các cytokine gây viêm (IL-8, IL-6, IL-1β) trong các tế bào cảm ứng lipopolysacarit. Bã nho cũng có hoạt tính chống viêm. Các hợp chất đóng vai trò quan trọng như một chất chống viêm là miricetol và quercitrin.
3.1.3 Kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus
Chiết xuất hạt nho có khả năng chống lại vi khuẩn Leuconostor sp rất mạnh. Chiết xuất lá chống lại Porphyromonas gingivalis, Enterococcus faecalis, Staphylococcus aureus, Streptococcus mutans và Escherichia coli.
Chiết xuất từ các bộ phận khác nhau của nho có thể chống lại virus gây cảm cúm, virus MERS-CoV gây viêm đường hô hấp.
Chiết xuất ethanol có thể chống lại các chủng nấm như Botrytis cinerea, Alternaria solani, Rhizoctonia solani, Fusarium solani, F.coeruleum, F.sporotrichioides, F.culmorum, F.oxysporum, F.tabanicum, và F.verticillioides.
3.1.4 Các tác dụng khác
Trị tiểu đường: Hạt, vỏ và thịt quả nho có hoạt tính trị đái tháo đường trong việc ức chế α-amylase và α-glycosidase. Các hợp chất cyanidin và delphinidin làm giảm tỷ lệ Albumin và HbA1c được đo trong cơ thể sống (chuột mắc bệnh tiểu đường) và trong ống nghiệm (xét nghiệm ELISA). Tăng tiết Insulin cũng xảy ra ở những con chuột mắc bệnh tiểu đường do alloxan được điều trị bằng chiết xuất vỏ nho.
Chống tăng huyết áp: Chiết xuất nước vỏ nho có thể ngăn ngừa tăng huyết áp tâm thu ở chuột tăng huyết áp tự nhiên. Hàm lượng myricetin có trong nho khô có thể làm giảm huyết áp tâm thu ở chuột bị nhiễm fructose và cả ở chuột bị tăng huyết áp do muối deoxycortisone axetat.
Chiết xuất vỏ nho có thể ngăn ngừa tăng cân khi tăng cân gây béo phì và nguy cơ gan nhiễm mỡ. Chiết xuất lá nho còn có hoạt tính hạ sốt, giảm đau, ngăn ngừa mất xương…
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Mâm xôi - Loại quả giúp bổ thận, tăng sinh lý, khỏe tiêu hóa
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Quả có tính bình, vị ngọt, chua, có tác dụng bổ khí huyết, cường gân cốt, lợi tiểu, nhuận tràng, lợi tiêu hóa. Rễ và dây có tính bình, vị ngọt, chát; rễ có tác dụng khư phong thấp, nối gân, lợi niệu; dây giải độc, lợi niệu. Lá Nho đỏ có tác dụng bổ thần kinh và mạch máu, hoạt huyết, làm săn da, lợi tiểu và làm mát.
Trong đông y, quả được dùng làm thuốc chữa khí huyết hư nhược, ho do phế hư, choáng váng ra mồ hôi, động thai, phong thấp đau nhức, phù thũng, sởi chậm mọc, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu. Rễ trị phong thấp đau nhức, thủy thũng, tiểu tiện bất lợi, dùng ngoài trị gãy xương. Rễ và các cành bên dùng làm thuốc nôn, an thai. Dây và lá trị thủy thũng, tiểu tiện bất lợi, đau mắt đỏ và ung thũng.
4 Các bài thuốc từ cây Nho
4.1 Chữa đau lưng, mỏi gối, thũng đầy, nôn ọe, buồn nôn, động thai
Dùng lá, dây, rễ Nho 20-40g, sắc lấy nước uống.
4.2 Chữa động thai, nôn nghén
Quả Nho 40g, ăn trực tiếp hoặc sắc lấy nước uống.
4.3 Chữa tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu
Nguyên liệu: Nho tươi, ngó Sen, Sinh Địa hoàng lượng vừa đủ, Mật Ong 150g.
Cách làm: Giã nát từng vị thuốc, vắt lấy nước đủ 1000ml, thêm mật ong khuấy đều, sắc nhừ, mỗi ngày dùng 3 lần, mỗi lần 100ml, uống trước khi ăn 30 phút, chiêu thuốc với nước ẩm.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Muhamad Insanu và cộng sự (Ngày đăng 1 tháng 3 năm 2021). Phytochemical Compounds and Pharmacological Activities of Vitis vinifera L.: An Updated Review, Biointerface Research in Applied Chemistry. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2023.
2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Nho trang 353-354, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2023.