Nhân trần (Herba Adenosmatis caerulei)
0 sản phẩm
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Tracheophyta (Ngành thực vật có mạch) Magnoliopsida (Lớp Hai lá mầm (Ngọc Lan)) |
Bộ(ordo) | Lamiales (Hoa môi) |
Họ(familia) | Plantaginaceae (Mã đề) |
Chi(genus) | Adenosma R.Br. |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Adenosma caeruleum R.Br. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Adenosma glutinosum (L.) Druce |
Dược liệu Nhân trần (Herba Adenosmatis caerulei) là phần thân, cành mang lá và hoa đã được phơi hoặc sấy khô của cây Nhân trần (Adenosma caeruleum R.Br.), thuộc họ Mã đề (Plantaginaceae). Nhân trần có vị cay nhẹ, hơi đắng, mùi thơm, tính ấm. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây Nhân trần có mấy loại?
Cây Nhân trần có 3 loại phổ biến tại Việt Nam là Nhân trần, Nhân trần Tía và Nhân trần Bắc.
Nhân trần Tía hay còn gọi là Nhân trần nhiều lá bắc, Nhân trần Tây Ninh, có tên khoa học là Adenosma bracteosum Bonati, thuộc họ Mã đề - Plantaginaceae. Vị thuốc Nhân trần tía trong Dược điển Việt Nam 5 tập 2 có tên là Herba Adenosmatis bracteosi.
Nhân dân miền núi phía Bắc sử dụng cây Nhân trần, tên khoa học là Adenosma caeruleum, vị thuốc trong Dược điển Việt Nam 5 là Herba Adenosmatis caerulei.
Ở một số nơi khác còn sử dụng cây Bồ Bồ (gọi là nhân trần đực) có tên khoa học là Adenosma indianum (Lour.) Merr.
Trong khi đó, cây Nhân trần Bắc (Yinchen) được biết đến với nhiều tên gọi như Nhân trần Hao hay Ngải lá kim, và có tên khoa học là Artemisia capillaris Thunb., thuộc họ Cúc - Asteraceae. Dược liệu sử dụng là phần trên mặt đất của Nhân trần hao (Artemisia capillaris Thunb.) và Trư mao hao (Artemisia scoparia Wadlst. & Kit).
1.1 So sánh 3 loài nhân trần
Đặc điểm | Nhân trần | Nhân trần Tía | Nhân trần Bắc |
Tên khoa học | Adenosma caeruleum R. Br. | Adenosma bracteosum Bonati | Artemisia capillaris Thunb. |
Họ thực vật | Mã Đề (Plantaginaceae) | Mã đề (Plantaginaceae) | Cúc (Asteraceae) |
Chiều cao cây | Gần 1 m | 20–30 cm | 0.5–1.5 m |
Thân cây | Thân trụ, có thể phân nhánh | Thân không lông, có 4 cạnh, màu tím đỏ | Thân đứng, phân nhánh, không lông |
Lá | Lá dưới mọc đối, lá trên mọc so le, hình trái xoan | Không cuống, phiến thon, mép có răng nhọn | Xẻ lông chim, thùy dạng sợi, phủ lông tơ dày |
Hoa | Hoa tím hoặc lam, mọc thành chùm hay bông dài | Hoa lam, nhiều lá bắc có lông và tuyến | Hoa đầu hình cầu hoặc trứng, màu trắng hoặc vàng nhạt |
Quả | Quả nang, hình trứng, nhiều hạt nhỏ | Quả nang nhỏ, không lông, chứa nhiều hạt | Quả bế, hình bầu dục, không mào lông |
Phân bố | Phổ biến khắp Việt Nam, từ vùng núi đến đồng bằng | Kon Tum, TP. Hồ Chí Minh; Lào, Campuchia | Lào Cai, Hà Giang, Lâm Đồng; có ở Trung Quốc, Nhật Bản |
Thành phần hóa học | Tinh dầu (1%), saponin, Flavonoid, coumarin, acid nhân thơm | Tinh dầu (0.25%), cineol (18%), flavonoid, coumarin | Tinh dầu (0.23–0.30%), capillarisin, acid chlorogenic |
Tính vị, tác dụng | Cay, đắng, ấm; thanh nhiệt, tiêu thũng, tiêu viêm | Cay, đắng, ấm; kích thích tiết mật | Cay, đắng, hơi hàn; giải nhiệt, chống vàng da |
Công dụng chính | Thanh nhiệt, chữa hoàng đản, tiêu thũng, lợi tiểu | Tương tự nhân trần thường, hỗ trợ tiêu hóa | Chữa viêm gan, vàng da, bệnh túi mật, mụn nhọt, ghẻ ngứa |
Thời gian ra hoa | Tháng 4–9 | Tháng 10–12 | Tháng 9–10 |
1.2 Nhận xét
1.2.1 Điểm chung
- Cả ba loài đều có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và hỗ trợ điều trị các bệnh về gan và túi mật.
- Đều chứa tinh dầu và các hợp chất flavonoid, coumarin, có giá trị y học cao.
1.2.2 Điểm khác biệt
- Nhân trần và Nhân trần Tía thuộc họ Mã đề, trong khi Nhân trần Bắc thuộc họ Cúc, với hình thái và đặc điểm sinh thái khác biệt.
- Nhân trần Bắc có kích thước lớn hơn, mọc thành bụi và thường được tìm thấy ở vùng cao hơn so với hai loài kia.
- Thành phần hóa học và mùi thơm giữa các loài khác nhau, dẫn đến một số tác dụng phụ trợ riêng biệt (như nhân trần Tía có tác dụng kích thích tiết mật mạnh hơn).
2 Đặc điểm nhận diện dược liệu Nhân trần (Herba Adenosmatis caerulei)
Thân: Hình trụ, rỗng bên trong, có màu nâu đen, được bao phủ bởi lớp lông nhỏ, mịn.
Lá:
- Mọc đối, bề mặt lá nhăn nheo.
- Phiến lá hình trái xoan, kích thước dài từ 3,5–4,5 cm, rộng khoảng 2–3 cm.
- Mặt trên lá có màu nâu sẫm, trong khi mặt dưới nhạt hơn, cả hai đều có lông phủ.
- Mép lá có khía răng cưa tròn tù, gân lá hình lông chim.
- Cuống lá ngắn, dài 0,3–0,5 cm.
Hoa: Tập trung thành cụm dạng chùm hoặc bông mọc ở kẽ lá. Cánh hoa thường dễ rụng, để lại phần lá bắc và đài hoa xẻ thành 5 thùy.
Quả: Dạng nang, chứa nhiều hạt nhỏ, tuy nhiên ít gặp trong dược liệu.
Nhân trần có màu tím nâu đặc trưng, hương thơm nhẹ, vị cay mát, hơi đắng pha chút ngọt.
3 Đặc điểm thực vật của cây Nhân trần
Tên khoa học: Adenosma caeruleum R.Br.
Tên đồng nghĩa: A. glutinosum (L.) Druce
Họ: Mã đề (Plantaginaceae)
Nhân trần là loài cây thân thảo, chiều cao có thể đạt gần 1m. Thân cây hình trụ, có thể mọc đơn lẻ hoặc phân thành nhiều nhánh. Lá phía dưới thường mọc đối xứng, trong khi lá phía trên mọc xen kẽ.
Lá Nhân trần có dạng hình trái Xoan nhọn đầu, mép lá có khía tai bèo hoặc răng cưa, cuống lá dài từ 4-15mm. Hoa thường mọc thành chùm hoặc bông dài tại các nách lá, có thể đạt chiều dài 40-50cm. Cánh hoa màu lam hoặc tím, chia thành hai môi, với 4 nhị và bầu nhụy có vòi hơi phình ở đầu. Quả nang có hình trứng thuôn, với phần mỏ ngắn, khi chín tách ra thành 4 phần. Hạt rất nhỏ, hình trứng, số lượng nhiều.
4 Sinh thái và mùa vụ
Cây nhân trần phát triển mạnh ở những nơi đất trống, vùng đất hoang, ven đường hoặc các khu vực có ánh sáng tốt và độ ẩm cao. Loài cây này có thể sinh trưởng ở độ cao tới 1.500m. Thời điểm ra hoa và tạo quả của cây rơi vào khoảng tháng 4 đến tháng 9 hàng năm.
5 Phân bố địa lý
Nhân trần được tìm thấy ở nhiều địa phương trên cả nước như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Dương, Tây Ninh và Đồng Nai. Ngoài Việt Nam, loài cây này còn phân bố tại Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.
6 Bộ phận sử dụng và thu hái
Phần lớn cây nhân trần được sử dụng làm thuốc, bao gồm cả thân, lá và hoa (Herba Adenosmatis Caerulei). Cây thường được thu hoạch vào mùa hè khi bắt đầu nở hoa. Sau khi thu hái, cây được rửa sạch và phơi khô trong bóng râm để giữ nguyên dược tính (Nhân trần khô)
7 Thành phần hóa học của Nhân trần
Thành phần chính của cây bao gồm Saponin triterpenic, flavonoid, axit nhân thơm, coumarin và tinh dầu. Hàm lượng tinh dầu chiếm khoảng 1%, với mùi thơm đặc trưng của cineol, trong đó thành phần chính là các loại terpen và alcol.
Thành phần và đặc điểm của tinh dầu nhân trần:
- Tinh dầu nhân trần có tỷ trọng 0,8042 (25°C), ηD = 1,4705 (20°C), [α]D = +4,8.
- Thành phần bao gồm acid nhân thơm, coumarin, một số sesquiterpen và flavonoid.
Ngoài ra, Adam G, Porzel A, Sung TV đã phân lập được một mono-terpenoid peroxyd từ phần trên mặt đất của cây nhân trần.
8 Nhân trần có tác dụng gì?
8.1 Tăng tiết mật
Thí nghiệm thực hiện trên chuột lang, thuốc được đưa trực tiếp vào dạ dày. So sánh lượng dịch mật và cặn khô của mật trước và sau khi sử dụng thuốc.
Kết quả: Liều 10 g/kg giúp tăng tiết mật, với mức tăng 24,4%.
8.2 Tăng cường chức năng thải trừ của gan
Sử dụng nghiệm pháp BSP trên chuột lang. Nhân trần được cho uống trước khi tiêm BSP 30 phút.
Sau 15 phút tiêm BSP, xác định lượng thuốc còn lại để đánh giá mức thải trừ.
Kết quả: Liều 10 g/kg giúp tăng chức năng thải trừ của gan lên 187,5% so với đối chứng.
8.3 Chống viêm
Trong giai đoạn cấp tính: Gây phù bàn chân chuột bằng kaolin, liều ED50 = 6,3 g/kg giúp ức chế phù 50%.
Trong giai đoạn mạn tính: Gây u hạt bằng amiăng cấy dưới da chuột, liều ED50 = 25,5 g/kg giúp giảm trọng lượng u hạt 50%.
Trên mô hình chuột non: Liều 15 g/kg gây teo tuyến ức đạt 31,4%.
8.4 Kháng khuẩn
Phương pháp khuếch tán thuốc trong môi trường nuôi cấy cho thấy dịch chiết nhân trần (nồng độ 1,1%) có khả năng ức chế vi khuẩn với các đường kính vòng vô khuẩn:
- Shigella dysenteriae: 16,27 mm
- Shigella shigae: 15,00 mm
- Shigella sonnei: 11,92 mm
- Streptococcus hemolyticus: 24,08 mm
- Staphylococcus aureus: 17,58 mm
- Diplococcus pneumoniae: 15,75 mm
- Enterococcus: 11,55 mm
- Bacillus subtilis: 11,00 mm
Không hiệu quả với Shigella flexneri.
8.5 Diệt giun
Thử nghiệm trên giun đũa lợn (Ascaris suum) cho thấy nhân trần có tác dụng diệt giun hiệu quả.
8.6 Độc tính cấp
Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng với liều cao gấp 20 lần liều thường dùng cho thấy không có dấu hiệu bất thường.
Trong thử nghiệm độc tính bán mãn tính trên thỏ (liều 10 g/kg/ngày trong 4 tuần), không phát hiện các dấu hiệu nhiễm độc qua kiểm tra chỉ số máu, chức năng gan, thận và xét nghiệm vi thể các cơ quan.
9 Công dụng của Nhân trần
9.1 Tính vị và công năng
Nhân trần có vị cay nhẹ, hơi đắng, mùi thơm, tính ấm. Loài cây này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, giảm sưng và chống ngứa hiệu quả.
9.2 Công dụng và cách dùng
Trong y học cổ truyền, nhân trần được sử dụng để chữa trị:
- Vàng da cấp tính.
- Nước tiểu vàng, đục và ít.
- Phụ nữ sau sinh bị rối loạn tiêu hóa hoặc khó tiêu.
Liều dùng hàng ngày thường dao động từ 20-30g, chế biến dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng hoặc hoàn tán. Nhân trần cũng thường được kết hợp với các dược liệu khác để tăng hiệu quả.
Trong dân gian, nước sắc nhân trần thường được dùng cho phụ nữ sau sinh nhằm bổ máu, tăng cường tiêu hóa và kích thích cảm giác thèm ăn. Khi kết hợp với quả dành dành, loài cây này còn hỗ trợ điều trị viêm gan vàng da – một bệnh lý thường gặp ở trẻ em.
10 Bài thuốc từ Nhân trần
10.1 Viêm gan siêu vi
Sử dụng 63g nhân trần sắc uống để trị viêm gan siêu vi.
10.2 Trị vàng da do viêm gan
Sử dụng 24g nhân trần, 8g đại hoàng và 12g Chi Tử, sắc uống để trị vàng da do viêm gan siêu vi, tiểu tiện ít, vàng đậm, đầy bụng, bí đại tiện.
11 Uống nước trà nhân trần có tác dụng gì và có tốt không?
Pha nước nhân trần - trà nhân trần: Sử dụng nhân trần 30g sau đó cắt nhỏ, sau đó đun với nước sôi trong một bình kín trong vòng 15 phút, pha thêm một chút đường phèn và uống thay cho trà hàng ngày. Có tác dụng thanh nhiệt, dùng để phòng bệnh do thấp nhiệt gây ra và điều trị viêm gan.
12 Ứng dụng tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc, nhân trần được sử dụng trong các trường hợp:
- Giai đoạn khởi phát bệnh bại liệt ở trẻ em hoặc đau nhức xương khớp do thấp khớp.
- Đau dạ dày.
- Điều trị rắn cắn, chấn thương phần mềm hoặc các bệnh nhiễm trùng da có mủ.
- Bệnh eczema và tình trạng nổi mề đay.
Liều dùng phổ biến là 15-30g dưới dạng thuốc sắc. Đối với các bệnh ngoài da, nhân trần tươi có thể được giã nhuyễn để đắp lên vùng tổn thương hoặc nấu nước để tắm và rửa.
13 Tài liệu tham khảo
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Nhân trần trang 1280 - 1281, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 13 tháng 01 năm 2025.
- Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Nhân trần, trang 351-352. Truy cập ngày 13 tháng 01 năm 2025.