Nguyên Hoa (Daphne genkwa Siebold & Zuccarini.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Malvales (Bông) |
Họ(familia) | Thymelaeaceae (Trầm) |
Chi(genus) | Daphne |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Daphne genkwa Siebold & Zuccarini. |
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Daphne genkwa Siebold & Zuccarini.
Họ thực vật: Trầm Thymelaeaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Nguyên hoa thuộc dạng cây bụi, chiều cao từ 0,3 đến 1 mét. Cây phân cành nhiều, vỏ thân và vỏ cành có màu nâu, không có lông. Cành hình trụ, nhỏ, cành còn non có màu vàng xanh hoặc màu nâu tím, phủ lông tơ màu vàng nhạt, các cành khi già có màu nâu tím đến đỏ tím, không có lông.
Lá cây mọc đối, phiến lá có dạng hình trứng hoặc hình mác, chiều dài lá khoảng 3-4cm, chiều rộng 1-2cm, gốc lá rộng.
Hoa có màu tím nhạt, gồm 3-6 bông mọc thành chùm ở nách lá. Cuống hoa ngắn, cso lông màu vàng xám, đài hoa mỏng, hình ống.
Quả nhiều thịt, thịt quả màu trắng, chiều dài khoảng 4mm, có 1 hạt.
Thời kỳ ra hoa từ tháng 3 đến tháng 5 và thời kỳ đậu quả từ tháng 6 đến tháng 7.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Nụ hoa.
Thời điểm thu hái: Mùa xuân trước khi hoa nở.
Chế biến: Loại bỏ tạp chất, đem phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Nguyên hoa phân bố ở Trung Quốc, chủ yếu ở các tỉnh An Huy, Hà Nam, Giang Tô, Sơn Đông.
1.4 Cách trồng
Nhân giống bằng hạt. Thời gian gieo hạt từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Gieo hạt đều, phủ đất cho đến khi hạt nảy mầm. Tỉa thưa và làm cỏ, tiến hành bón thúc 2-3 lần một năm.
2 Thành phần hóa học
Các thành phần chính của Daphne genkwa bao gồm Flavonoid, lignan, coumarin, diterpenoid, sterol và tinh dầu dễ bay hơi.
3 Tác dụng - Công dụng của cây Nguyên hoa
3.1 Tác dụng dược lý
3.1.1 Tác dụng lợi tiểu
Khi nghiên cứu trên chuột thí nghiệm, các nhà khoa học cho thấy rằng, nước sắc Nguyên hoa làm tăng tỷ lệ đi tiểu và tăng bài tiết natri, Kali so với nhóm chứng.
Khi sử dụng ở liều 20g/kg, lượng nước tiểu và tốc độ bài tiết natri, kali tăng đáng kể nhưng việc sử dụng liều 2,5 hoặc 5g/kg đều không có tác dụng.
3.1.2 Tác dụng giảm ho, long đờm
Thông qua thí nghiệm phun amoniac để gây ho cho chuột, các nhà khoa học nhận thấy rằng, Nguyên hoa có tác dụng làm giảm ho.
3.1.3 Tác dụng chống ung thư
Chiết xuất Ethanol 95% của Nguyên hoa đã trải qua quá trình phân chia dung môi liên tiếp thành ete dầu mỏ, dichloromethane, n-butanol và các phân đoạn hòa tan trong nước. Mỗi phân đoạn được thử nghiệm bằng cùng một mô hình hoạt động sinh học và phân đoạn dichloromethane có hoạt động cao nhất. Phân đoạn dichloromethane đã trải qua quá trình tách sắc ký tiếp theo để phân lập ra 13 các hợp chất. Trong số 13 hợp chất, các este diterpene (hợp chất 10 – 13 ) cho thấy hoạt động chống ung thư, trong khi các flavonoid, lignanoid và peptide cho thấy hoạt động vừa phải. Hợp chất 13 là một daphnane diterpenoid mới, được đặt tên là genkwanin VIII.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Có độc.
Tác dụng: Giảm ho, long đờm, điều trị vết loét, tẩy giun.
3.2.2 Công dụng
Nguyên hoa được sử dụng với mục đích nhuận tràng, lợi tiểu, giảm phù nề. Dược liệu này cũng được sử dụng để làm thuốc phá thai và thuốc long đờm.
Lưu ý: Không sử dụng Nguyên hoa cho phụ nữ có thai, không phối hợp cùng với Cam Thảo.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Simeng Li và cộng sự (Ngày đăng năm 2013). Isolation of anticancer constituents from flos genkwa (Daphne genkwa Sieb.et Zucc.) through bioassay-guided procedures, NCBI. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.
Tác giả Yue Hu và cộng sự (Ngày đăng tháng 9 năm 2024). Daphne genkwa: Ethnopharmacology, phytochemistry and pharmacology of an important traditional Chinese medicine, NCBI. Truy cập ngày 25 tháng 9 năm 2024.