Ngưu Hoàng (Bos taurus domesticus Gmelin)
6 sản phẩm
Dược sĩ Khánh Huyền Dược sĩ chuyên môn
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Ngưu hoàng là sạn ở bên trong ống mật/ gan của con bò hoặc con trâu. Đây là dược liệu quý hiếm và có giá thành đắt đỏ. Theo kinh nghiệm dân gian, ngưu hoàng có tác dụng thanh nhiệt, thông khiếu, tiêu đờm và định kinh, được dùng để trị chứng sốt cao gây co giật, hôn mê, ung nhọt có độc và chứng trúng phong bất tỉnh. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc thông tin chi tiết về Ngưu hoàng.
1 Tổng quan
1.1 Tên gọi, danh pháp
Tên gọi khác: Tây hoàng, Quản hoàng, Sạn mật bò, Tô hoàng, Đởm hoàng, Sửu bảo.
Tên tiếng anh: Calculus Bovis
Tên khoa học: Bos taurus domesticus Gmelin
1.2 Mô tả đặc điểm
Ngưu hoàng là phần sạn nằm bên trong ống gan và ống mật của con Bò tót (Bos Taurus domesticus Gmelin) hoặc con trâu (Bubalus bubalis).
Ngưu hoàng có thể to bằng quả trứng gà ta hoặc nhỏ như hạt sạn. Kích cỡ của sỏi trong túi mật thường phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng con bò. Thông thường, ngưu hoàng được dùng làm thuốc có màu vàng, xốp nhẹ, đắng, thơm. Loại sỏi màu đen sẫm, nứt nẻ, không thơm thường không được dùng để làm thuốc.
1.3 Phân bố, thu bắt, điều chế
Những quốc gia nuôi bò và trâu đều có thể cho dược liệu ngưu hoàng, tập trung nhiều nhất ở Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Tuy nhiên rất ít con trâu/ bò có sạn mật tự nhiên vì vậy hiện nay dược liệu chủ yếu được tổng hợp nhân tạo.
Sau khi mổ thịt trâu/ bò, nếu thấy sạn mật thì để riêng ra. Sau đó âm can ở nơi mát, tránh nắng/ sấy lửa và gió nếu không dược liệu có thể bị đổi màu, nứt nẻ và mất dược tính.
Ngoài ra, ngưu hoàng còn được tổng hợp từ mật heo và mật bò gia công. Tuy nhiên dược liệu tổng hợp theo cách này thường không được ưa chuộng.
Hiện tại nhiều người đã nuôi ngưu hoàng bằng cách cấy Hoàng hạch vào túi mật trâu/ bò, sau đó bơm E. coli không gây bệnh vào khiến enzyme trong mật bám vào Hoàng hạch và tạo thành sạn. Dược liệu này được gọi là ngưu hoàng thiên nhiên nhân tạo và được ưa chuộng hơn so với ngưu hoàng tổng hợp từ mật, được bảo quản trong gói kín để trong lọ màu, phía dưới có vôi cục hoặc gạo rang để hút ẩm.
2 Thành phần hóa học
Trong Ngưu hoàng chứa thành phần hóa học rất đa dạng, bao gồm cholesterol, cholic acid, bilirubine, desoxycholic acid, tauroccholic acid, asparagine, Methionine,alanine, glycine, sodium, Sắt, Amino acid, carotene, calcium, phosphate, magnesium,…
3 Công dụng
3.1 Vị thuốc Ngưu hoàng
Tính vị: Vị đắng, tính mát.
Quy kinh: Quy vào kinh Tâm và Can.
Công dụng: Chống co giật, tiêu đờm, giải độc, trừ phong nội sinh, thông khiếu, định kinh và thanh nhiệt.
Chủ trị: Sốt cao gây mất ý thức, co giật, nhọt độc, loét họng, đau họng, phát cuồng, trúng phong, tai biến mạch máu não, viêm não,…
3.2 Tác dụng dược lý
Tác dụng đối kháng với nhóm thuốc làm hưng phấn trung khu thần kinh. Do đó ngưu hoàng có tác dụng an thần, giảm sốt và chống co giật.
Ngăn chặn cơn co giật ở chuột được tiêm caffeine và Camphor. Tuy nhiên không nhận thấy tác dụng phòng co giật đối với strychnine.
Kháng viêm và ức chế tính thẩm thấu của mao mạch. Thí nghiệm trên thỏ cho thấy, ngưu hoàng làm giãn mạch ngoại biên, hạ huyết áp và ức chế tác dụng của thuốc Epinephrine đối với hệ tim mạch.
Thực nghiệm trên thỏ nhận thấy, số lượng huyết sắc tố và hồng cầu tăng lên đáng kể. Tuy nhiên dùng liều lượng cao lại gây ức chế sản sinh hồng cầu.
Acid cholic trong Ngưu hoàng có tác dụng hưng phấn hệ hô hấp và giảm ho suyễn.
Giãn cơ vòng của ống mật và kích thích mật tiết enzyme. Tác dụng chống co thắt cơ trơn của ngưu hoàng là do hoạt chất desoxycholic acid và cholic acid.
Thực nghiệm trên chuột cho thấy, dùng ngưu hoàng lượng lớn có thể gây nhẹ cân. Tiếp tục tăng liều nhận thấy chuột bị tiêu chảy, hôn mê và một số ít bị chết. Khi giải phẫu chuột chết không nhận thấy bất thường ở các tạng phủ.
4 Cách dùng và liều dùng
Vị thuốc Ngưu hoàng thường được dùng ở dạng tán hoặc viên hoàn. Có thể được dùng ngoài để bôi lên vùng da bị bệnh. Liều dùng trung bình từ 0.2 – 0.5g/ ngày.
5 Bài thuốc có Ngưu hoàng
5.1 Trị sốt cao gây co giật, hôn mê
Bài thuốc 1: Chuẩn bị Hoàng Liên 5g, uất kim, Chi Tử và Hoàng Cầm mỗi vị 10g, ngưu hoàng 0.3g, chu sa 3g. Làm thành viên hoàn và dùng theo liều lược được thầy thuốc bác sĩ.
Bài thuốc 2: Dùng chu sa 3g, yết vĩ 1.5g, ngưu hoàng 0.3g, thiên trúc hoàng 10g, xạ hương 0.1g, Câu Đằng 15g. Đem tán bột, mỗi lần dùng 0.5 – 3g uống với nước đun sôi để nguội.
5.2 Chữa chứng trúng phong khiếu bế, hôn mê và kích động
Chuẩn bị: Hoàng liên 20g, hoàng cầm 12g, ngưu hoàng 1g, chu sa 6g, uất kim 8g, sơn chi 12g.
Thực hiện: Tán thuốc thành bột mịn, sau đó làm thành viên to bằng hạt gạo. Mỗi lần dùng từ 8 – 10 viên.
5.3 Trị mụn đậu đinh
Chuẩn bị: Trân châu 0.8g, thần sa 3.2g, ngưu hoàng 4.8g và nhi trà 7.2g.
Thực hiện: Đem tán thành bột mịn, sau đó trộn với dầu yên chỉ. Dùng kim lấy nốt đinh trên mụn nhọt rồi rắc thuốc vào.
5.4 Chữa thần trí hỗn loạn, đờm dãi nhiều, hoa mắt, kinh phong, lời nói không chuẩn, choáng đầu, điên giản và hôn mê
Chuẩn bị: Xạ hương, chu sa, ngưu hoàng và linh dương giác bằng lượng nhau.
Thực hiện: Chế thành viên, mỗi lần dùng 1 – 2 viên trong liên tục 3 – 4 tuần. Sau đó ngưng 1 tuần và lặp lại liệu trình.
5.5 Hoa mắt, tai ù, miệng lưỡi sưng nhọt, đầu đau, mắt đỏ, hầu họng sưng thũng và đại tiện táo
Chuẩn bị: Cúc Hoa, hoàng liên, ngưu hoàng, chi tử và hoàng cầm bằng lượng nhau.
Thực hiện: Tán thành bột mịn, luyện với mật làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 6g.
5.6 Trị chứng nhọt độc và viêm họng
Chuẩn bị: Cam Thảo 5g, ngưu hoàng 1.5g, thất diệp nhất chi hoa 6g và Kim Ngân Hoa 30g.
Thực hiện: Tán nhỏ làm thành viên, ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần uống khoảng 3g.
5.7 Trị co giật, trúng phong, sốt cao, mê sảng và đột quỵ
Chuẩn bị: Sừng trâu 20g, trân châu 50g, ngưu hoàng 10g, xạ hương 25g, băng phiến 25g, chi tử, hoàng liên, uất kim, hùng hoàng và hoàng cầm mỗi vị 100g.
Thực hiện: Tán thành bột mịn, chế với Mật Ong làm thành viên hoàn, mỗi viên 3g. Mỗi ngày dùng 1 viên, sử dụng liên tục trong 5 ngày.
5.8 Trị lợi sưng đau, hỏa nhiệt nội thịnh, miệng lưỡi nổi mụn nhọt và mắt sưng đỏ
Chuẩn bị: Hùng hoàng và cam thảo mỗi thứ 50g, ngưu hoàng 5g, Cát Cánh 100g, đại hoàng và thạch cao mỗi vị 200g, băng phiến 25g, hoàng cầm 150g.
Thực hiện: Chế thành viên, mỗi ngày dùng từ 4 – 6 viên.
6 Tài liệu tham khảo
1. Cây thuốc và động vât làm thuốc ở Việt Nam tập 1 (Xuất bản năm 2006). Bò trang 1072 - 1074, Cây thuốc và động vât làm thuốc ở Việt Nam. Truy cập ngày 21 tháng 6 năm 2023.