Ngũ Gia Bì Chân Chim (Schefflera heptaphylla)
27 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Ngũ gia bì chân chim được sử dụng rộng rãi bởi công dụng chữa cảm cúm, phong thấp. Vậy, vị thuốc này có tác dụng gì? Và sử dụng Ngũ gia bì chân chim thế nào mang lại hiệu quả tối ưu nhất? Mời quý bạn đọc tìm hiểu trong bài viết sau đây.
1 Giới thiệu về cây Ngũ gia bì chân chim
Ngũ Gia Bì Chân Chim còn có tên gọi khác là Chân chim, Cây đáng, Cây lằng, mọc nhiều trong các rừng thứ sinh ở độ cao dưới 1000m, thường mọc thành đám, cũng mọc ở ven rừng, chân núi, sườn đồi, đất hoang từ 100-1500m.
Tên khoa học của Ngũ gia bì chân chim là Schefflera heptaphylla (L.) Frodin (Schefflera octophylla (Lour.) Harms), thuộc họ Nhân Sâm (Araliaceae). Dưới đây là hình ảnh cây Ngũ gia bì chân chim.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây nhỡ cao 5-10m, hoặc cây to cao tới 15m, có ruột xốp. Vỏ cây màu xám, cành nhỏ có lỗ bì. Lá mọc so le, có cuống dài 8-25cm, kép chân vịt, thường có 8 lá chét, hình bầu dục nhọn 2 đầu, mép nguyên, hơi thon hẹp hoặc tròn ở gốc, dài 7-17cm, rộng 3-6cm, gân nổi rõ ở mặt dưới.
Hoa nhỏ, màu trắng thơm, tập trung thành chùy hoặc chùm tán ở đầu cành; trên cuống phụ của cụm hoa có khi có những bông hoa riêng lẻ, nhất là về phía ngọn. Đài hoa hình đầu gồm 5 răng có lông ở mặt ngoài, tràng hoa rời, 5 cánh nạc, nhị 5, dài hơn cánh hoa, bầu 6-8 ô. Quả mọng hình cầu, đường kính 3-4mm, khi chín màu tím đen, chứa 6-8 hạt. Toàn thân có mùi thơm đặc trưng. Mùa hoa tháng 11-3 năm sau, mùa quả tháng 4-6.
Ngoài ra cùng dùng một số loài khác cùng chi với cùng công dụng như Chân chim leo, Chân chim lá nhỏ, Chân chim Bắc Bộ.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Vỏ thân, vỏ rễ, rễ và lá.
Thu hái vỏ thân, vỏ rễ và rễ nhỏ vào mùa xuân hoặc thu, cạo bỏ lớp bần bên ngoài, đồ qua, thái miếng, ủ cho thơm rồi phơi trong râm đến khô. Lá thu hái quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
Tháng 5 và tháng 7 đi hái lấy ngọn cây, tháng 10 cắt gốc, bóc vỏ phơi khô trong bóng râm để sử dụng. Khi dùng thì chỉ dùng vỏ, lấy rượu rửa hoặc dùng nước cốt Gừng chế qua để dùng.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, cây có ở Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Indonesia.
2 Thành phần hóa học
2.1 Triterpenoid
Đây là nhóm hợp chất chính trong Ngũ gia bì chân chim, có nhiều hợp chất đã được xác định, chẳng hạn như: taraxerone, 3-epi-taraxerol, aleuritolic acid, 3-oxofriedelan-28-oic acid, 3β,19α -dihydroxy-urs-12-ene- 24,28-dioic acid, asiatic acid, 3α-hydroxylup-20(29)-ene-23,28-dioic acid và 3-epi-betulinic acid 3-O-sulfate…
2.2 Tinh dầu
Đã xác định 27 hợp chất chính chiếm 80,9% tổng lượng tinh dầu. Trong số đó, 8 hợp chất thuộc về monoterpene chiếm khoảng 40% tổng số thành phần dễ bay hơi và 9 hợp chất thuộc sesquiterpene chiếm khoảng 16% tổng số thành phần dễ bay hơi. Monoterpene, β-pinene, là thành phần dễ bay hơi chính (22,2%) trong tinh dầu Ngũ gia bì chân chim.
27 hợp chất đó bao gồm: Dodecanal, 3-Hexen-1-ol, 1-Hexanol, α-Phellandrene, 3-Carene, β-Pinene, β-Myrcene, 1-Methyl-4-(1-methylethylidene)-cyclohexene, Limonene, 3,7-Dimethyl-1,3,7-octatriene, 1-Methyl-4-(1-methylethyl)-1,4-cyclohexadiene, 3,7-Dimethyl-1,6-octadien, 2-Methyl-1,6-heptadiene, 4-Methyl-1-(1-methylethyl)-3-cyclohexene, α-4-Trimethyl-α-3-cyclohexene-1-methanol, 3,7-Dimethyl-2,6-octadien-1-ol, 4-Ethenyl-4-methyl-3-(1-methylethenyl)-1-(1-methylethyl)-cyclohexene, α-Cubebene, 1-Ethenyl-1-methyl-2,4-bis(1-methylethenyl)-cyclohexane, β-Caryophyllene, α-Caryophyllene, Germacrene D, Isocaryophyllene, 1,2,3,5,6,8a-Hexahydro-4,7-dimethyl-1-(1-methylethyl)-naphthalene, Germacrene B, 3,7,11-Trimethyl-1,6,10-dodecatrien-3-ol, 1,2,3,4,4a,7,8,8a-Octahydro-1,6-dimethyl-4-(1-methylethyl)-1-naphthalenol.
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Cây Tế tân - Vị thuốc giảm đau, chữa cảm cúm, phong thấp
3 Tác dụng - Công dụng của Ngũ gia bì chân chim
3.1 Tác dụng dược lý
Nghiên cứu dược lý cho thấy Ngũ gia bì chân chim có nhiều hoạt tính sinh học khác nhau như kháng viêm, kháng khuẩn, kháng ung thư, kháng virus…
3.1.1 Chống viêm, chống nhiễm trùng
Chiết xuất Ethanol của Ngũ gia bì chân chim có hoạt tính chống viêm và chống hấp thụ phụ thuộc liều đáng kể. Ngoài ra còn ức chế đáng kể chứng quặn thắt ở bụng do axit axetic gây ra và chứng phù tai do xylen gây ra, đồng thời làm tăng ngưỡng đau trong thử nghiệm trên đĩa nóng trong 120 phút.
Chiết xuất etanol của Ngũ gia bì chân chim và phần CHCl3 đã chứng minh tác dụng chống viêm khớp dạng thấp theo cách phụ thuộc vào liều lượng. Mức TNF-α, IL-1β và IL-6 trong các nhóm chiết xuất ethanol và phân đoạn CHCl3 thấp hơn đáng kể so với nhóm mô hình.
3.1.2 Chống khối u
Tinh dầu của Ngũ gia bì chân chim có hoạt tính chống tăng sinh đáng kể chống lại các dòng tế bào ung thư MCF-7, A375 và tế bào HepG2 ở người. Mặt khác, các hợp chất dễ bay hơi chính, (–)-β-pinene và (+)-β-pinene, chỉ có hoạt tính chống tăng sinh từ trung bình đến yếu đối với các tế bào MCF-7 với giá trị IC50 là 176,5 và 242,6 μM, tế bào A375 với các giá trị IC50 lần lượt là 198,5 và 264,7 μM và tế bào HepG2 với giá trị IC50 lần lượt là 147,1 và 198,5 μM. Hoạt tính chống tăng sinh của tinh dầu có thể là do tác dụng tổng hợp của tất cả các terpene trong dầu, hoặc có lẽ có một số hợp chất hoạt động khác.
3.1.3 Cầm máu
Dịch chiết ethanol, pha ethyl acetat và pha n-butanol của Ngũ gia bì chân chim và hợp chất betulinic acid 3-O-sulfate có tác dụng chống đông máu đáng kể thông qua xét nghiệm các thông số đông máu Plasma trong ống nghiệm. Từ đó chứng tỏ cây hiệu quả trong chữa chảy máu do chấn thương và tác dụng của quá trình đông máu có liên quan đến sự điều hòa mạch máu, hoạt chất nội mô và các thông số huyết học.
3.1.4 Kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm
Chiết xuất từ lá của Ngũ gia bì chân chim thể hiện hoạt tính kháng virus mạnh nhất chống lại virus hợp bào hô hấp (RSV). Ngoài ra, triterpenoid từ cây có khả năng chống lại virus cúm A (H1N1), virus Coxsackie B3 và virus Herpes simplex loại 1 (HSV-1).
Chiết xuất cũng đã được chứng minh là có tác dụng ức chế đối với Staphylococcus cholermidis, Escherichia coli và Candida albicans.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Cây Phòng phong - Vị thuốc trị cảm mạo, đau nhức và bệnh chàm
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Ngũ Gia Bì Chân Chim có tính mát, vị đắng, chát, hơi thơm, có tác dụng giải nhiệt, làm ra mồ hôi, tiêu viêm, tiêu sưng, làm tan máu ứ; kích thích tiêu hóa, ăn ngủ ngon, làm thuốc bổ.
Ngũ gia bì chân chim dùng trong các trường hợp trẻ 3 tuổi chưa biết đi, chứng tâm phúc sán khí, đau bụng. Ngoài ra còn có tác dụng mạnh gân xương, cao cường chí khí,...
Ngũ gia bì còn có tác dụng trục huyết ứ trên da và gân đã bị từ lâu, chứng đau buốt trong chân do phong tý, chữa yếu liệt vì phong, trẻ em còn xương chậm đi, chữa di niệu và tăng cường sinh lý nam.
Trong đông y, vỏ thân, vỏ rễ Ngũ gia bì chân chim được dùng trong chữa sổ mũi, cảm cúm phát sốt, đau họng; phong thấp đau nhức xương, té ngã tụ máu sưng đau, tê liệt hoặc gân xương co quắp; viêm hạch bạch huyết cấp, viêm tinh hoàn, liệt dương, ngứa âm hộ; phù thũng; giải độc lá ngón, lá sắn. Rễ làm thuốc bổ, thuốc mát, thông tiểu tiện, gọi là Sâm hay Nam sâm. Lá Ngũ gia bì có uống được không? Lá dùng ngoài trị viêm da dị ứng, chàm, bỏng.
Dân gian có câu 'Thà được một nắm Ngũ gia bì còn hơn vàng bạc chẩt đầy xe' là do cây có tác dụng hóa đờm, tốt cho xương khớp, trục huyết ứ trên da, giảm tình trạng co quắp gân xương.
4 Cách dùng và bài thuốc từ cây Ngũ gia bì chân chim
4.1 Cách dùng
Dùng vỏ thân 10-20g, vỏ rễ 6-12g, dạng thuốc sắc. Rễ dùng pha hoặc sắc lấy nước uống; có thể phối hợp với các vị thuốc khác. Lá đun sôi lấy nước rửa, tắm.
Người ta dùng vỏ chế dạng rượu ngọt (1ml chứa 0,2g bột dược liệu khô) với tên Langtonic (chai 500ml ngày uống 2 lần, mỗi lần 15-30ml) và dạng elixia (1ml chứa 2g bột dược liệu khô) với tên Langosin (lọ 150ml, ngày uống 5ml). Không dùng cho phụ nữ mang thai.
Tác dụng của Ngũ gia bì ngâm rượu là giúp giảm đau nhức xương khớp, đau lưng mỏi gối, giúp an thần, ngủ ngon.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Chữa sổ mũi, sốt, đau họng
Rễ Ngũ gia bì chân chim 15g, Cúc Hoa vàng (toàn cây) 35g. Sắc uống.
4.2.2 Chữa phong thấp đau nhức xương
Vỏ rễ Ngũ gia bì chân chim 180g ngâm trong 500ml rượu. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 40ml.
4.2.3 Chữa chứng phong hàn, thấp gây nên tê bại
Ngũ gia bì.
Thương truật,
Thạch xương bồ.
Tỳ giải.
Bạch tật lê.
Ý dĩ nhân.
Cam cúc hoa.
Khương hoạt.
Phòng phong.
Độc hoạt.
Thajchh hộc.
Bạch biểu bì.
Các vị bằng nhau.
Đem sắc thành thang hoặc làm viên để uống.
4.2.4 Chữa chứng thận hư, hàn thấp làm đau lưng
Ngũ gia bì.
Tục đoạn.
Đỗ trọng.
Ngưu tất.
Phá cố chỉ.
Thừ nhục.
Ba Kích thiên.
Các cị bằng nhau, dùng theo kiểu thuốc thang hoặc làm thành thuốc viên để uống.
4.2.5 Chữa chứng thấp nhiệt tê bại từ thắt lưng trở xuống
Ngũ gia bì.
Mộc qua.
Mạch Môn đông.
Hoàng bá.
Ý dĩ nhân.
Sinh Địa hoàng.
Hoài sơn.
Thạch hộc.
Các vị bằng nhau, đem sắc nước uống hoặc nghiền thành bột làm hồ thành viên bằng hạt nhãn, mỗi lần uống 30 viên, cùng với rượu hoặc nước.
4.2.6 Giải độc lá ngón, say sắn
Vỏ Ngũ gia bì chân chim giã nát, sắc nước uống.
4.2.7 Toàn ấu tâm giám phương - chữa người bị chứng ngũ lao thất thương
Ngày mùng 5/5 âm lịch đi hái ngọn của cây Ngũ chân chim.
Ngày 7/7 âm lịch đi hái lá.
Ngày 9.9 đi lấy gốc chế biến theo hướng dẫn.
Tán bột, rây.
Mỗi lần uống 1 thìa, mỗi ngày 3 lần.
4.2.8 Thụy trúc đường phương - chữa trẻ con chậm biết đi
5 đồng cân Ngũ gia bì (1 đồng cân tương đương 3,75g).
Ngưu tất, Mộc qua mỗi vị 2 đồng cân rưỡi.
Tán bột, trộn đều, mỗi lần uống 1 đồng cân vùng với nước cơm, thêm ít rượu càng tốt.
4.2.9 Chữa chứng cước khí, nhức mỏi gân xương
4 lạng ngũ gia bì đem tẩm rượu.
4 lạng Viễn Chí bỏ lõi, tẩm rượu, sao, tán bột.
Luyện với hồ làm thành viên bằng hạt ngô.
Mỗi lần uống 30 viên.
4.2.10 Chữa cước khí, chân sưng đau
Ngũ gia bì chân chim, lõi thông, hạt cau, Hương Phụ, tử tô, Chỉ Xác, Ké Đầu Ngựa, mỗi vị 8-16g. Sắc uống.
4.2.11 Chữa chân tê buốt sưng đau, da lở ngứa do thấp nhiệt
Vỏ thân Ngũ gia bì chân chim, Bạch Chỉ nam, Hy Thiêm, phòng kỷ, tỳ giải mỗi vị 20g. Sắc uống. Dùng ngoài lấy lá nấu nước ngâm rửa.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Yao-Lan Li và cộng sự (Ngày đăng 23 tháng 9 năm 2008). Chemical Composition and Antiproliferative Activity of Essential Oil from the Leaves of a Medicinal Herb, Schefflera heptaphylla, Phytother. Res. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2023.
2. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Chân chim trang 409-410, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2023.