Ngót Nghẻo (Gloriosa superba L.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) |
Bộ(ordo) | Liliales (Loa kèn) |
Họ(familia) | Colchicaceae (Tỏi độc) |
Chi(genus) | Gloriosa |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Gloriosa superba L. |
Ngót nghẻo mọc ở đất, thân mọc bò, có thể leo cao từ 1 đến 1,5 nhờ đầu lá biến thành những vòi ngắn, có màu trắng hay màu vàng. Hoa của cây Ngót nghẻo có kích thước lớn, đẹp. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Cây Ngót nghẻo là cây gì?
Tên khoa học: Gloriosa superba L.
Tên gọi khác: Ngắc nghẻo, Ngọt nghẽo, Vinh quang rực rỡ.
Họ thực vật: Tỏi Độc (Melanthiaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Ngót nghẻo mọc ở đất, thân mọc bò, có thể leo cao từ 1 đến 1,5 nhờ đầu lá biến thành những vòi ngắn, có màu trắng hay màu vàng.
Hoa của cây Ngót nghẻo có kích thước lớn, đẹp, đính ở các cạnh của lá ở ngọn. Đài và tràng giống nhau, có màu vàng dưới gốc, khi mới nở có màu đỏ ở đầu, sau đó đỏ đậm, mép cánh nhăn nheo. Nhị to, chỉ nhị có màu đỏ, vòi nhụy ngang.
Quả nang, chiều dài khoảng 4-5cm, có 3 ô, mở vách.
1.2 Thu hái và chế biến
Rễ củ, thời điểm thu hái là vào mùa thu, sau khi hoa quả đã tàn héo, đem phơi khô. Ngoài ra, còn dùng lá cây.
1.3 Đặc điểm phân bố
Ngót nghẻo được tìm thấy ở Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Indonesia, Châu Mỹ và Việt Nam. Tại nước ta, cây phân bố ở nhiều tỉnh thành khác nhau bao gồm Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận.
Ngót nghẻo là loài cổ nhiệt đới, thường mọc trên những đồng cát dựa biển hoặc các vùng đất trống, trảng nắng ở các tỉnh thuộc phía Nam Trung Bộ của nước ta. Ngoài ra, Ngót nghẻo cũng được trồng ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do có hoa đẹp.
Cây nhân giống bằng thân rễ.
2 Thành phần hóa học
Rễ củ thu hái ở Srilanka có chứa Colchicin chiếm 0,3%. Ngoài ra, rễ củ của cây còn chứa một thành phần khác là gloriosin, N-formyl desacetyl colchicin.
Theo một số tài liệu khác, rễ củ của cây Ngót nghẻo còn chứa colchicin ( 0,9%), đây được coi là nguyên liệu để tổng hợp colchicin, hoạt chất này có hàm lượng cao nhất vào thời gian đầu khi cây phát triển.
Trường hợp xử lý hạt bằng giberelin 1-3 ppm hoặc đem chiếu tia bằng cường độ 42% ánh sáng thiên nhiên thì năng suất rễ củ sẽ tăng lên.
Hạt của cây là nguyên liệu dùng để chiết colchicin.
Một số alcaloid khác cũng được tìm thấy trong rễ và hạt bao gồm:
- 1,2 - didemethylcolchicin.
- 2,3 - didemethylcholchicin.
- Colchicosid.
Rễ củ còn chứa tinh dầu, Acid benzoic, Acid salicylic, acid palmitic, acid béo chưa no.
Lá chứa colchicin, lumicolchicin.
3 Tác dụng của cây Ngót nghẻo
3.1 Giảm sinh tinh trùng
Cao khô chiết từ cồn của rễ của khi nghiên cứu trên chuột nhắt gerbil với liều tiêm 3mg vào màng bụng, cách ngày tiêm một lần trong 11 ngày. Kết quả cho thấy rằng, sự sinh tinh trùng giảm rõ rệt, các ống sinh tinh co ngắn lại so với lô chứng.
3.2 Tác dụng gây sảy thai
Sử dụng 1 đoạn rễ củ khoảng 1cm, đem nghiền thành bột nhão, trộn với 1 nửa thìa cà phê bột hồ tiêu rồi uống cùng với sữa đã cho thấy tác dụng gây sảy thai đến tận tháng thứ 4. Tuy nhiên, vẫn cần có nghiên cứu chính xác hơn.
3.3 Tác dụng độc với cá
Sử dụng một ít bột rễ củ cho vào chậu nuôi cá, cá chết rất nhanh.
3.4 Tác dụng kháng khuẩn
Dịch chiết rễ củ cho thấy tác dụng ức chế sự phát triển của Staphylococcus aureus.
Tác dụng đối với hồi tràng chuột lang cô lập
Dịch chiết có tác dụng làm tăng co bóp hồi tràng tương đối mạnh.
3.5 Tác dụng làm tăng thời gian ngủ do pentobarbital
Cao khô khi dùng liều 45mg/kg cho thấy tác dụng làm tăng thời gian ngủ.
3.6 Tác dụng hạ thân nhiệt
Cao khô dịch chiết từ cồn của toàn cây Ngót nghẻo cho thấy tác dụng hạ thân nhiệt ở chuột nhắt trắng khi dùng liều 30mg/kg.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Ngót nghẻo
Rễ củ có vị đắng, rất độc, có tác dụng kích thích dạ dày ruột, trừ giun, lợi mật.
Nhân dân ta ít sử dụng loài cây này làm thuốc. Nhân dân Ấn Độ sử dụng trong một số trường hợp sau:
4.1 Thúc đẻ, gây sảy thai, làm rau thai nhanh ra
Sử dụng rễ củ cây Ngót nghẻo tán bột, chế thành bột nhão, đắp vào rốn phần trên xương mu hoặc 2 lòng bàn tay bàn chân để thúc đẻ hoặc gây sảy thai.
4.2 Chữa lậu
Sử dụng rễ củ đem nghiền thành bột, rửa nhiều lần thu được bột trắng. Dùng liều 0,75g đem trộn cùng Mật Ong.
4.3 Chữa rắn cắn, côn trùng đốt, trĩ
Dùng bột nhão từ rễ cây, đem trộn cùng nước, đắp để giảm đau.
Lưu ý: Rễ củ và lá của cây rất độc, những người không có kinh nghiệm không được dùng đặc biệt dưới dạng thuốc uống. Đã có báo cáo về trường hợp tử vong do ăn nhầm củ. Các triệu chứng ngộ độc bao gồm khó thở, đau bụng, co giật, mạch nhanh, mất tri giác.
5 Tài liệu tham khảo
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Ngót nghẻo, trang 316-317. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Ngọt nghẽo, trang 401-403. Truy cập ngày 17 tháng 10 năm 2024.