Nghệ Trắng (Nghệ Xanh, Nghệ Rừng, Nghệ Độc Thân - Curcuma aromatica Salisb.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Monocots (Thực vật một lá mầm) Commelinids (nhánh Thài lài) |
Bộ(ordo) | Zingiberales (Gừng) |
Họ(familia) | Zingiberaceae (Gừng) |
Chi(genus) | Curcuma |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Curcuma aromatica Salisb. |
Nghệ trắng thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét. Thân rễ to, nhiều rễ dài mang củ nhỏ, củ có dạng hình trứng, màu vàng nhạt, có mùi rất thơm. Thân khí sinh được tạo thành bởi bẹ lá. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Curcuma aromatica Salisb.
Tên gọi khác: Nghệ xanh, Nghệ độc thân, Nghệ rừng, Nghệ Lào.
Họ thực vật: Zingiberaceae (Gừng).
1.1 Nghệ trắng (Nghệ độc) là gì?
Nghệ trắng thuộc dạng cây thảo, chiều cao mỗi cây khoảng 1 mét.
Thân rễ to, nhiều rễ dài mang củ nhỏ, củ có dạng hình trứng, màu trắng vàng nhạt, có mùi rất thơm.
Thân khí sinh được tạo thành bởi bẹ lá.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình bầu dục, thuôn hoặc hình mũi mác rộng, chiều dài mỗi lá khoảng 40-50cm, chiều rộng khoảng 10 đến 15cm, đầu lá nhọn, mặt dưới có phủ một lớp lông nhung, cuống và bẹ ngắn.
Cụm hoa nghệ xanh mọc từ thân rễ, điểm đặc biệt của cây Nghệ trắng là cụm hoa mọc trước khi cây ra lá, cụm hoa có dạng hình trụ, chiều dài khoảng 15 đến 20cm. Lá bắc nhiều, lá phía dưới mang hoa màu lục, lá phía trên không mang hoa, hoa màu vàng.
Quả ít gặp.
Mùa hoa quả từ tháng 3 đến tháng 6.
Dưới đây là hình ảnh cây Nghệ trắng:
1.2 Cách chế biến củ nghệ trắng
Bộ phận dùng: Thân rễ.
Thời điểm thu hái: Mùa thu đông.
Chế biến: Loại bỏ rễ con sau đó rửa sạch, ngâm nước trong vòng 2-3 giờ, ủ mềm, thái mỏng rồi phân loại, sau đó sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây được tìm thấy chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á.
Tại nước ta, cây phát triển chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, tập trung ở một số tỉnh thành bao gồm Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.
Nghệ trắng có bản chất là loài ưa ẩm, ưa sáng, có khả năng chịu bóng nhẹ, thường mọc ở trên những vùng đất ẩm, màu mỡ ở vùng nương rẫy. Độ cao phân bố có khi lên đến gần 1000 mét.
Nghệ trắng thường mọc tập trung thành từng đám do cây phân nhánh và sự phát triển mạnh của bộ rễ.
Nghệ trắng ra hoa hàng năm cho đến nay vẫn chưa quan sát được cây con mọc từ hạt.
2 Cách trồng cây Nghệ trắng rừng
Nghệ trắng thường được trồng phổ biến ở vùng trung du và miền núi với mục đích làm thuốc. Phương pháp trồng nghệ trắng cũng tương tự như trồng nghệ vàng nhưng khoảng cách trồng sẽ thưa hơn (thường là 30x40cm), ít khi bón phân nên năng suất thường thấp.
Nghệ trắng có khả năng sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh, thời điểm thu hoạch thường là từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm.
3 Thành phần hóa học
Sau khi phân tích thành phần của củ Nghệ trắng thì thấy thành phần như sau:
- Cao ether 12%.
- Cao cồn 1,14%.
- Độ ẩm 13,33%.
- Cao nước 6,5%.
- Albunoid 30,63%.
- Sợi.
- Tinh bột.
- Tro.
Cất kéo bằng hơi nước thì thu được 6% tinh dầu có đặc điểm như sau:
- Màu xanh nâu.
- Mùi Long Não.
Chứa các sesquiterpen.
Chất màu chủ yếu là Curcumin.
Các tài liệu Trung Quốc cho thấy rằng, Nghệ trắng có chứa zingiberol, curcumyl alcol, curcumin.
Lá cây có chứa limonen.
Năm 1990, các nhà khoa học đã tổng hợp toàn phần một hợp chất thể hiện tác dụng chống khối u trong Nghệ trắng là curdion từ carvon.
4 Tác dụng của củ Nghệ trắng
4.1 Nghệ rừng (Nghệ xanh) có tác dụng gì?
4.1.1 Chống viêm, ức chế miễn dịch
Dạng chiết cồn của cây Nghệ trắng thể hiện tác dụng chống viêm thực nghiệm gây ra bởi formaldehyde ở chuột cống trắng sau khi tiêm bắp thịt với liều 6g/kg.
Trên tiêu bản tử cung chưa cô lập của thỏ và chuột cống trắng thì dạng chiết cồn lại thể hiện tác dụng làm giảm biên độ co bóp, giảm trương lực tử cung, ngoài ra còn đối kháng với tác dụng gây co bóp tử cung gây ra bởi PGF2.
Dạng chiết cồn sau khi tiêm tĩnh mạch cho thấy tác dụng ức chế quá trình thực bào của macrophage khi nghiên cứu trên xoang bụng của chuột cống trắng. Các tác dụng này cho thấy, Nghệ trắng có tác dụng ức chế miễn dịch.
4.1.2 Tác dụng trên tim mạch
Dịch chiết cồn của cây Nghệ trắng thể hiện tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở mạc treo ruột khi tiêm với liều 3-5g/kg ở chuột cống trắng đã gây mê. Dịch chiết còn có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn.
Nghệ trắng còn cho thấy tác dụng chống loạn nhịp trên thực nghiệm.
4.1.3 Giảm đau
Dạng thuốc tiêm làm từ tinh dầu nghệ cho thấy tác dụng giảm số lần quặn đau rõ rệt khi tiêm liều 0,2ml/kg trên chuột nhắt trắng đã gây đau bằng phương pháp tiêm xoang bụng bằng acid acetic.
4.1.4 Đối với gan
Tinh dầu của cây Nghệ trắng cho thấy tác dụng bảo vệ gan, giúp chống lại các tổn thương gây ra bởi tetrachloride carbon gây ra.
4.1.5 Ngừa thai
Nước sắc từ cây nghệ trắng khi dùng liều 5-10g/kg bằng cách tiêm xoang bụng trong 2 ngày liên tiếp thì thấy tác dụng ngừa thai, khi sử dụng đường uống với 50g/kg thì không có tác dụng.
4.1.6 Tác dụng khác
Tinh dầu nghệ trắng khi dùng liều 0,0015ml/chuột bằng cách tiêm xoang bụng trong 7 ngày liên tiếp thì thấy tăng hàm lượng cAMP ở gan, tim, lách của chuột nhắt trắng.
4.1.7 Tác dụng của Nghệ trắng trong làm đẹp
Nghệ trắng giúp sáng da, giúp giảm các vết thâm mụn trên da, giúp da đều màu và trắng sáng.
4.1.8 Độc tính
Dạng thuốc tiêm từ tinh dầu Nghệ trắng khi sử dụng theo đường tiêm bụng thì liều LD50 ở chuột nhắt trắng là 237ml/kg.
4.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
4.2.1 Tính vị, tác dụng
Nghệ trắng có vị đắng, cay, tính hàn, quy vào kinh can, phế, giải uất, hành khí, phá ứ, lương huyết.
4.2.2 Công dụng
Tại Việt Nam, người dân đồng bào thường thu hái rễ về đem rửa sạch sau đó thái mỏng nấu cùng với cá cho thơm và làm giảm mùi tanh của cá.
Kinh nghiệm nhân dân thường dùng Nghệ trắng trong trường hợp kinh nguyệt không đều, tê thấp, viêm gan mạn tính, sai khớp, bong gân. Liều dùng là 6-12g đem sắc nước uống hoặc dùng thuốc dưới dạng hoàn tán. Có thể phối hợp Nghệ trắng với các vị thuốc khác.
Nhân dân ở Sầm Nưa (Lào) dùng Nghệ trắng như một vị thuốc bổ cho phụ nữ sau khi sinh.
Nhân dân Trung Quốc sử dụng Nghệ trắng trong trường hợp bụng đầy trướng, tức ngực, nôn ra máu, vàng da, đi tiểu ra máu, kinh nguyệt không đều, động kinh.
4.3 Nghệ trắng ngâm mật ong có tác dụng gì?
Nghệ trắng ngâm Mật Ong có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, kháng khuẩn, cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày.
Ngoài ra, nghệ trắng ngâm mật ong còn có một số tác dụng sau:
- Tăng cường miễn dịch.
- Giúp làn da trắng sáng, mịn màng.
- Hỗ trợ tiêu hóa.
5 Những ai không nên dùng Nghệ trắng?
Không sử dụng Nghệ trắng cho các đối tượng sau:
- Người âm hư thiếu máu.
- Người không có khí trễ.
- Người huyết ứ.
6 Cây Nghệ trắng trị bệnh gì?
6.1 Chữa băng huyết, đau bụng kinh, máu xấu
20g Nghệ trắng.
20g Nhọ nồi đã sao cháy.
20g Củ gấu chế với giấm, rượu, nước muối và nước tiểu của trẻ.
16g Tô mộc.
12g Ngải Cứu sao đen.
Các vị thái nhỏ, đem sắc cùng 400ml nước cho đến khi còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
6.2 Chữa đau vùng gan, viêm gan mạn tính
12g Nghệ trắng.
12g Nga truật.
12g Chỉ Xác.
12g Sơn Tra.
12g Lá móng tay.
12g Quyết minh tử sao.
12g Mộc thông.
12g Huyết Giác.
12g Tô mộc.
Các vị đem sắc nước uống.
6.3 Chữa ho gà
Dùng 20g Nghệ trắng tươi, giã nhỏ, tẩm với rượu vừa đủ ướt sau đó cho vào lọ, đậy kín nắp rồi hấp cách thủy trong 1 giờ, chắt lấy nước uống.
6.4 Chữa sỏi túi mật
30g Nhân Trần.
30g Kim tiền thảo.
9g Nghệ trắng.
9g Chỉ xác.
9g Đại hoàng.
9g Xuyên luyện tử.
9g Nguyên hồ.
6g Mộc Hương.
8g Sài Hồ.
Các vị đem sắc lấy nước uống.
6.5 Chữa kinh nguyệt không đều
6g Nghệ trắng.
6g Sinh Địa.
Các vị đem hầm với xương lợn để ăn.
6.6 Chữa bệnh mạch vành gây đau vùng ngực, đau ở các điểm cố định
9g Nghệ trắng.
9g Đan sâm.
9g Hồng Hoa.
9g Diên hồ.
9g Đương Quy.
4-5g Giáng hương.
3g Điền tam thất.
3g Hổ phách.
Tam Thất và hổ phách đem nghiền thành bột, chia làm 2 phần uống cùng với nước sắc các vị thuốc trên.
7 Nghệ trắng (Nghệ xanh) giá bao nhiêu 1kg?
Nghệ trắng tươi có giá khoảng 60.000 đến 150.000 đồng 1kg.
Giá bột nghệ trắng tươi khoảng 250.000 đến 300.000 đồng 1kg.
8 Nghệ trắng, Nghệ vàng hay Nghệ đen tốt hơn?
Nghệ trắng, Nghệ vàng và Nghệ đen đều thuộc họ Gừng, tuy nhiên, mỗi loại đều có những đặc điểm thực vật và công dụng khác nhau. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết sau để hiểu rõ hơn về 3 loại nghệ này:
9 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Nghệ trắng, trang 391-393. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2024.
Tác giả Võ Văn Chi. Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 1. Nghệ trắng, trang 302-303. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2024.