Nghệ (Curcuma longa L.)
314 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Linh Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nghệ được biết đến khá phổ biến với công dụng chữa khó thở, đau liên sườn dưới, đau nhức vùng ngực và bụng, ứ máu, bế kinh, kinh nguyệt không đều. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về Nghệ.
1 Giới thiệu về cây Nghệ
Nghệ còn được biết đến với các tên gọi khác như Nghệ vàng, Khương hoàng và có tên khoa học là Curcuma longa L. Nó thuộc vào họ Gừng - Zingiberaceae.
Vị thuốc thân rễ của Nghệ theo Dược điển Việt Nam có tên khoa học là: Rhizoma Curcumae longae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây thảo này có thân rễ phát triển thành củ hình khối, mọc nhiều rễ trụ màu vàng cam. Cây có chiều cao khoảng 1m và thường sống nhiều năm. Lá mọc đơn lẻ, hình dải rộng, có bẹ. Hoa màu vàng được xếp thành bông hình trụ ở ngọn thân, lá bắc màu lục hoặc màu trắng nhạt pha hồng ở chóp lá. Quả của cây có hình cầu và có 3 ô.
Thân rễ Nghệ có hình trụ thẳng hay hơi cong, cũng có khi phân nhánh dạng chữ Y, dài 2 - 5 cm, đường kính 1 - 3 cm. Mặt ngoài máu xám nâu, nhăn nheo có các đường vòng ngang sít nhau, đôi khi còn vết của các nhánh và rễ. Mặt cắt ngang có thể thấy rõ 2 vùng vỏ và trụ giữa, trụ giữa chiến 2/3 đường kính. Chất của thân rễ chắc, nặng, mặt bẻ bóng, màu vàng cam, mùi hơi hắc, vị hơi đắng, hơi cay.
1.2 Thu hái và chế biến
Phần được sử dụng của cây nghệ là Thân rễ - Rhizoma Curcumae Longae. Thân rễ này được gắn liền với gốc lá và thường được gọi là Khương hoàng. Còn phần rễ củ mọc từ thân rễ của cây nghệ được gọi là Uất kim.
Thường thì thân rễ được thu hoạch vào tháng 8, tháng 9 và cắt bỏ hết các rễ khác để tách riêng phần thân rễ. Nếu muốn lưu giữ thân rễ trong thời gian dài, bạn cần hấp chúng trong nước từ 6 đến 12 giờ, sau đó rán và phơi nắng hoặc sấy khô.
Bào chế: Rửa sạch, ngâm 2-3 giờ sau đó ủ mềm, thái lát, phơi khô. Ngâm trong đồng tiện 3 ngày 3 đêm (mỗi ngày thay đồng tiện một lần), thái lát rồi phơi khô, sao vàng (hành huyết).
1.3 Đặc điểm phân bố
Cây thích nơi bóng râm và độ ẩm cao, thường được trồng để thu hoạch củ dùng làm thực phẩm và thuốc.
Loài này phân bố rộng rãi trên khắp các vùng ở nước ta và còn được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Indônêxia, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan.
2 Thành phần hóa học
Củ nghệ có tinh dầu màu vàng nhạt, mang mùi thơm đặc trưng. Thành phần của tinh dầu này bao gồm 25% carbur terpenic, zingiberen và 65% ceton sesquiterpenic, cùng với các chất turmeron và arturmeron. Ngoài ra, trong củ nghệ còn chứa các chất curcuminoid bao gồm curcumin (0.3-1.5%) và desmethoxycurcumin. Curcumin có dạng tinh thể màu đỏ ánh tím, không tan trong nước nhưng lại tan được trong acid và kiềm.
3 Công dụng - Tác dụng của củ Nghệ
3.1 Tác dụng dược lý của nghệ tươi
Các tính chất của cây Nghệ là khả năng hạ cholesterol trong máu, tăng tiết mật, chống loét dạ dày, chống viêm cấp và mạn. Tinh dầu Nghệ còn có khả năng diệt khuẩn ngoài da và chống nấm. Trong Nghệ, Curcumin đã được chứng minh là có nhiều tác dụng, bao gồm khả năng nhanh lên da non, hỗ trợ làm lành vết thương, ngăn ngừa ung thư, kháng viêm, chống oxy hóa...
Curcumin là một polyphenol có khả năng tác động đến nhiều phân tử tín hiệu đồng thời và hoạt động ở cấp độ tế bào, giúp hỗ trợ nhiều lợi ích sức khỏe. Nó có tác dụng chống viêm, giảm đau, kiểm soát các tình trạng viêm và thoái hóa mắt, cũng như hỗ trợ cho các tình trạng chuyển hóa và thận. Mặc dù có nhiều lợi ích điều trị khi bổ sung curcumin, tuy nhiên hầu hết chúng đến từ tác dụng chống oxy hóa và chống viêm của nó.
3.2 Vị thuốc, bột Nghệ - Công dụng theo y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Nghệ có vị đắng cay và hương thơm đặc trưng, quy kinh can, tỳ, tính ấm và có tác dụng làm thông kinh chỉ thống và hành khí phá ứ. Ngoài ra, lá của cây nghệ cũng có tác dụng tiêu mủ, tăng sự bài tiết mật của tế bào gan, phá vỡ cholesterol trong máu và nhanh lên da non. Tinh dầu từ nghệ có tác dụng diệt khuẩn ngoài da và giống như curcumin, nó cũng có tác dụng kháng khuẩn.
3.2.2 Công dụng của cây Nghệ
Nghệ thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng như khó thở, đau liên sườn dưới, đau nhức vùng ngực và bụng, ứ máu, bế kinh, kinh nguyệt không đều, không thể loại bỏ máu xấu sau khi sinh và chấn thương ứ huyết sau khi bị đòn ngã. Ngoài ra, nó còn được sử dụng để điều trị viêm loét dạ dày, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp và đau nhức tay chân. Liều dùng khuyến cáo từ 4 đến 12g dưới dạng thuốc sắc (Liều dùng theo Dược điển Việt Nam 5 tập 2 là từ 6 - 12g dạng bột hay thuốc sắc). Nếu dùng ngoài, có thể lấy nước ép từ nghệ tươi để bôi trị ung nhọt, viêm tấy và lở loét ngoài da. Đối với dạng bột, nên sử dụng từ 2 đến 4g, chia làm hai lần sử dụng.
Các lợi ích sức khỏe tiềm năng của Curcumin đã được công nhận và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, ở Ấn Độ, người ta sử dụng nghệ - có chứa curcumin - trong món cà ri; tại Nhật Bản, curcumin được sử dụng trong trà; ở Thái Lan, nó được sử dụng trong mỹ phẩm; tại Trung Quốc, nó được dùng làm chất tạo màu; ở Hàn Quốc, nó được sử dụng trong đồ uống; ở Malaixia, nó được dùng làm thuốc sát trùng; và tại Hoa Kỳ, curcumin được sử dụng trong nước sốt mù tạt, phô mai, bơ và khoai tây chiên, và cũng được sử dụng như một chất bảo quản và tạo màu thực phẩm, bên cạnh các dạng viên nang và bột khác.
Curcumin được cung cấp dưới nhiều dạng, bao gồm viên nang, viên nén, thuốc mỡ, nước tăng lực, xà phòng và mỹ phẩm. Các Curcuminoids đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt đạt "Chứng nhận an toàn" (GRAS), và khả năng dung nạp tốt cũng như tính an toàn đã được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng, ngay cả ở liều lên đến 12.000 mg/ngày với nồng độ 95% của ba curcuminoids: curcumin, bisdemethoxycurcumin và demethoxycurcumin.
4 Cách sử dụng nghệ tươi: Uống nghệ tươi bao nhiêu 1 ngày?
Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã chứng minh rằng một liều lượng curcumin lên đến 2.000mg là an toàn cho sự tiêu hóa và chuyển hóa thành các chất có ích cho sức khỏe. Curcumin là một thành phần quan trọng trong nghệ và được coi là một trong những chất bảo vệ sức khỏe tự nhiên hiệu quả nhất.
Dùng nghệ trong thực phẩm là thuận tiện và đơn giản, tuy nhiên khó để biết chính xác lượng nghệ cơ thể đang hấp thụ. Bổ sung nghệ vào đồ uống như trà, sinh tố, latte có thể giúp dễ dàng tiêu thụ hơn. Bạn có thể ép nghệ cùng với trái cây, gừng hoặc kết hợp với khoai lang, táo xanh và chanh để tận dụng lợi ích của nghệ hàng ngày.
5 Tác hại của nghệ
Những vấn đề liên quan đến việc sử dụng nghệ bao gồm:
- Vấn đề tiêu hóa như chướng bụng, trào ngược axit, đầy hơi và tiêu chảy nếu dùng liều hàng ngày vượt quá 1.000mg;
- Đau đầu và buồn nôn ở một số người ở liều 450mg hoặc cao hơn;
- Phát ban trên da nếu dùng liều 8.000mg curcumin hoặc hơn (rất hiếm);
- Nguy cơ hình thành sỏi thận do nghệ chứa khoảng 2% oxalat ở liều cao;
- Phản ứng dị ứng như phát ban và khó thở;
- Nguy cơ thiếu sắt, do nghệ có thể làm giảm khả năng hấp thụ Sắt của cơ thể.
Không dùng Nghệ cho người cơ thể suy nhược, không có ứ trệ.
6 Bài thuốc từ Nghệ
6.1 Viên trị vàng da từ nghệ
Có thể dùng những loại nguyên liệu như Nghệ, Củ gấu, Nghệ đen và quả Quất non để tán bột và trộn với Mật Ong để làm viên trị vàng da. Còn với Cao dán nhọt, ta cần chuẩn bị Nghệ 60g, Nhựa thông 40g, Sáp ong 40g, Dầu Vừng 80g, củ Ráy 80g. Tiến hành gọt sạch củ Ráy, giã nhuyễn và nấu chung với nhựa, dầu và sáp. Sau đó, lấy Nghệ đập dập và phết đều lên giấy mỏng để dán mụn nhọt.
6.2 Thuốc rửa âm đạo từ Nghệ
Để tạo nên thuốc rửa âm đạo, ta cần pha trộn Bột Nghệ vàng (Nghệ xà cừ) 30g, Hàn the 20g, Phèn chua phi 20g cùng với 500ml nước. Sau đó, hãy nấu chung hỗn hợp này trong 15 phút và lọc sạch. Tiếp tục đun sôi một lần nữa trước khi để nguội. Nước này có thể được sử dụng để bơm rửa trong âm đạo.
6.3 Bài thuốc chữa đau dạ dày từ Nghệ
Để chữa đau dạ dày, bạn có thể dùng Nghệ và mật ong. Hãy trộn 12g Nghệ với 6g mật ong để tạo thành viên uống. Kết quả sẽ rất tốt nếu bạn uống thường xuyên, bởi nó cũng giúp bổ dưỡng và lành vết loét dạ dày.
7 Phân biệt Khương hoàng và Uất kim
Rất nhiều người lầm tưởng rằng Khương Hoàng và Uất kim chỉ là tên gọi khác nhau của một loại dược liệu được chế biến từ thân rễ của cây Nghệ vàng có tên khoa học là Curcuma longa L.. Trên thị trường dược liệu hiện nay, nhiều thương lái mặc định rằng Khương hoàng là 'củ cái', còn Uất kim là 'củ nhánh con' của cây Nghệ.
Theo Y học cổ truyền Trung Quốc và nhiều tài liệu khác, đây là 2 vị thuốc hoàn toàn khác nhau, cụ thể:
- Khương hoàng là vị thuốc chế biến từ thân rễ (Rhizoma) của cây Nghệ vàng (Curcuma longa), có tên khoa học là Rhizoma Curcumae longae
- Uất kim là vị thuốc chế biến từ rễ (Radix) của một số loài thuộc chi Nghệ (Curcuma longa; Curcuma wenyujin; Curcuma kwangsiensis; Curcuma phaeocaulis), có tên khoa học là Radix Curumae longae
Do đó, tính vị và công năng của Khương hoàng và Uất kim cũng không hoàn toàn giống nhau.
Điểm giống nhau của 2 vị thuốc này là đều có vị cay đắng, tuy nhiên, Khương hoàng có tính ấm quy vào kinh can, tỳ còn Uất Kim có tính hàn quy vào kinh can tâm. Do đó, tác dụng của 2 loại dược liệu này cũng sẽ khác nhau, Khương hoàng có tác dụng hoạt huyết, thống kinh còn Uất Kim có tác dụng hóa ứ, thanh tâm giải uất.
Do đó, ứng dụng trong điều trị của Khương Hoàng và Uất Kim cũng không giống nhau:
- Khương Hoàng thường được dùng trong các trường hợp đau bụng, đau hạ sườn, đau do chấn thương.
- Uất Kim thường được dùng trong trường hợp tiểu ra máu, chảy máu cam, rối loạn tâm thần.
8 Tài liệu tham khảo
- Nhận thức cây thuốc và dược liệu, chủ biên Trần Hùng (Xuất bản năm 2021). Nghệ trang 74 - 75, Nhận thức cây thuốc và dược liệu. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1, tác giả Võ Văn Chi, Nhà xuất bản y học (Xuất bản năm 2021). Nghệ trang 90 - 91, Từ điển Cây thuốc Việt Nam Tập 1. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2023.
- Tác giả Susan J. Hewlings, Douglas S. Kalman (Đăng ngày 22 tháng 10 năm 2017). Curcumin: A Review of Its’ Effects on Human Health, PubMed. Truy cập ngày 13 tháng 04 năm 2023.
- Dược Điển Việt Nam 5 tập 2 (Xuất bản năm 2017). Nghệ (Thân rễ), trang 1264 - 1265, Dược điển Việt Nam 5 tập 2. Truy cập ngày 22 tháng 09 năm 2023.