Ngân Nhĩ (Nấm tuyết - Tremella fuciformis)
12 sản phẩm
Dược sĩ Tăng Uyên Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Với công dụng hiệu quả trong hỗ trợ điều trị suy nhược, ho, bổ phế, Ngân nhĩ được rất nhiều người sử dụng mỗi ngày. Vì vậy, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến quý bạn đọc thông tin về đặc điểm, công dụng và các bài thuốc của Ngân nhĩ.
1 Ngân nhĩ là gì?
Ngân nhĩ còn có tên gọi khác là Mộc nhĩ trắng, Nấm tuyết, mọc trên gỗ cây đã chặt hạ, cành mục của các loài cây lá rộng trong rừng, trong hầm mỏ, nơi có độ ẩm cao.
Tên khoa học của Ngân nhĩ là Tremella fuciformis Berk., thuộc họ Ngân nhĩ (Tremellaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Thể quả dạng bản dẹp, phân nhánh với những thùy mỏng, lượn sóng, không theo quy luật, tạo thành dạng ngù, cao 3-6cm. Toàn bộ có màu trắng, sợi nấm có vách mỏng, kích thước rộng 2,5-3mcm, có nhiều khía trên vách ngăn ngang. Đảm có hình cầu hoặc hình trứng ngược, dài 10-12mcm, rộng 9,5-11,5mcm. Bào tử hình cầu, trong suốt, nhẵn bóng, dài 5-7mcm, rộng 4-6mcm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Thể quả, thường gọi là Bạch mộc nhĩ hoặc Ngân nhĩ.
Thu hái vào tháng 4-9 vào sáng sớm, chiều tối hoặc trong những ngày ẩm trời, râm mát. Dùng dao tre để gỡ nấm, rửa sạch, làm sạch, phơi hoặc sấy khô. Bảo quản nơi khô mát.
1.3 Đặc điểm phân bố
Tại Việt Nam, nấm có ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc.
2 Thành phần hóa học
Ngân nhĩ có giá trị dinh dưỡng cao và cũng có thể được sử dụng cho cả thuốc và thực phẩm, và nó được mệnh danh là “vua của các loại nấm”. Ngân nhĩ chứa một dạng toàn phần của vitamin D, ergosterol, có thể giúp hấp thu canxi. Ngoài ra còn chất xơ, triterpenoid, 1,3 / 1,6 beta glucans, polysacarit và protein. Nấm tuyết cũng chứa N-acetylglucosamine để hỗ trợ sức khỏe đường ruột, cũng như glucomannan và axit glucuronic để hỗ trợ giải độc tự nhiên.
2.1 Polysaccharide
Nghiên cứu cho thấy polysaccharide trong Ngân nhĩ chứa 0,72% axit uronic , 0,60% protein và 92,17% đường tổng số (bao gồm rhamnose, xylose, mannose và Glucose).
2.2 Tinh dầu
Trong tinh dầu Ngân nhĩ thu được từ chưng cất thủy phân, các hợp chất thơm chiếm thành phần chủ yếu (93,5%), tiếp theo là tecpen (5,7%), ankan (0,4%) và rượu (0,3%). Trong số đó, hydroxytoluene butylat hóa có nồng độ cao nhất (92,5%). Bên cạnh đó, các hợp chất được vi chiết pha rắn phát hiện có hàm lượng lớn nhất là este (57,7%), tiếp theo là rượu (19,0%), axit (7,0%) và andehit (6,3%).
== >> Mời bạn đọc tham khảo vị thuốc cùng công dụng: Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam bổ dưỡng, vị thuốc quý cho sức khỏe
3 Ngân nhĩ có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Ngân nhĩ thể hiện các hoạt động sinh học độc đáo và có tác dụng điều chỉnh tích cực đối với tình trạng viêm nhiễm, sự phát triển của khối u, tăng đường huyết và các bệnh khác.
Hỗ trợ làn da: Ngân nhĩ hoạt động giống như nhiều chất bổ sung chăm sóc da và thuốc bôi phổ biến ở chỗ nó giữ trọng lượng gấp hàng trăm lần trong nước. Trên thực tế, nấm tuyết được sử dụng theo truyền thống ở Trung Quốc để hỗ trợ làn da khỏe mạnh, mềm mại.
Tăng cường sức khỏe của xương: Nấm tuyết chứa một dạng thực phẩm toàn phần của Vitamin D có thể giúp hấp thu Canxi và hỗ trợ mức canxi huyết thanh và mật độ xương bình thường.
Hỗ trợ sức khỏe tế bào và não bộ: Ngân nhĩ đã được chứng minh là có đặc tính bảo vệ thần kinh hỗ trợ sức khỏe não bộ; đồng thời thúc đẩy các tế bào thần kinh khỏe mạnh và hỗ trợ quá trình tái tạo tế bào bình thường.
Tăng khả năng thích nghi: Adaptogens là một nhóm thực vật, thảo mộc và nấm giúp hỗ trợ cơ thể duy trì cân bằng nội môi để đối phó với các tác nhân gây căng thẳng bên ngoài không thường xuyên. Bằng cách giúp hỗ trợ cân bằng nội môi, các chất thích ứng giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
Thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh và hỗ trợ quá trình giải độc tự nhiên của cơ thể: Ngân nhĩ chứa hợp chất quan trọng N-acetylglucosamine để hỗ trợ sức khỏe đường ruột, và glucomannan và axit glucuronic để hỗ trợ giải độc tự nhiên.
== >> Mời bạn xem thêm dược liệu: Nấm hương - Thực phẩm dinh dưỡng cũng là vị thuốc hữu ích
3.2 Công dụng theo y học cổ truyền
Ngân nhĩ có tính bình, vị ngọt nhạt, có tác dụng tư âm nhuận phế, thanh nhiệt nhuận tràng, cường cân bổ thận.
Trong đông y, Ngân nhĩ được dùng trong trị suy nhược sau ốm, khô miệng; khô cổ, đờm rãi có máu; táo bón; huyết áp cao, xơ cứng động mạch.
4 Cách dùng và bài thuốc từ Ngân nhĩ
4.1 Cách dùng
Mỗi ngày dùng 10-15g dạng thuốc sắc. Cũng có thể xào với thịt, ăn như món ăn hàng ngày.
4.2 Bài thuốc
4.2.1 Hỗ trợ trị ung thư dạ dày, giúp nhuận phế
Cách 1: 15g ngân nhĩ, 40g đường phèn (có thể thêm 15g mộc nhĩ). Sắc uống ngày 1 thang.
Cách 2: 25g ngân nhĩ, 15g tổ yến, đường phèn vừa đủ. Ngâm nở ngân nhĩ, tổ yến, thêm đường phèn vào chưng hoặc hầm cách thủy ăn.
4.2.2 Chữa ho, bổ phế
Ho khan không đờm: Ngân nhĩ, bạch mao căn mỗi vị 40g, tỳ bà 20g, 50g đường trắng (hoặc Mật Ong). Tỳ bà bỏ lông, sắc cùng với ngân nhĩ và bạch mao căn, gạn lấy nước, thêm đường (hoặc mật ong) uống, chia 2 lần mỗi ngày.
Chữa ho khan: Ngân nhĩ 3-10g, đun nước, thêm đường uống.
Âm hư phế khô, trong đờm có máu: Ngân nhĩ, bách hợp mỗi vị 40g, 25g sa sâm, 15g Mạch Môn đông. Sắc nước uống, mỗi ngày 2 lần.
Khô họng, khản tiếng, ho khan: Ngân nhĩ vừa đủ, 1 quả trứng vịt. Nấu canh ăn.
Vị âm hư suy, khô họng khát nước, ho do phế nhiệt, táo bón: 40g ngân nhĩ, 50g đường phèn (có thể thêm 20g hạt đông quỳ). Hầm nhừ, ăn 2 lần mỗi ngày.
Ung thư phổi, ho khan, ho ra máu: 15g ngân nhĩ, 50g đường phèn (hoặc thêm 25g củ sen). Ngâm ngân nhĩ trong nước ấm khoảng 60 phút, nấu đặc, cho đường phèn vào dùng.
Ho do âm hư, đau đầu, hoa mắt, béo phì: Ngân nhĩ, mộc nhĩ, hoa cúc tươi mỗi vị 100g, hành, Gừng, rượu, muối, hạt nêm, dầu vừa đủ. Ngâm và sơ chế nguyên liệu. Xào chín các thứ. Sau cùng cho hoa cúc vào, ăn.
Ho do phế nhiệt, ho khan: 40g ngân nhĩ, 50g bách hợp tươi, đường phèn/mật ong vừa đủ. Bách hợp ngâm 5 tiếng, rửa sạch, thêm ngân nhĩ, đường trắng vào ninh nhừ, ăn, dùng trong 5 ngày. Có thể dùng cho người ho máu, chảy máu cam.
4.2.3 Chữa bệnh mắt
Xuất huyết đáy mắt: Ngân nhĩ, mộc nhĩ mỗi vị 25g. Rửa sạch, ngâm qua đêm, rửa lại, chưng trong 60 phút, có thể thêm đường phèn, ăn trước khi ngủ.
Đục thủy tinh thể: 40g ngân nhĩ, 75g lá cải thảo, 4g lá trà (hoặc thêm 15g câu kỷ). Sắc nước uống, mỗi ngày 2 lần.
4.2.4 Bồi bổ, chữa bệnh khác
Chứng ra nhiều mồ hôi: 375g ngân nhĩ, 50g đường phèn (cũng có thể thêm 25g long nhãn, 6 quả táo). Nấu lên ăn.
Xuất huyết tử cung: Ngân nhĩ, mộc nhĩ, sơn trà mỗi vị 20g. Ngâm ngân nhĩ và mộc nhĩ 60 phút, rửa sạch, nấu chung với sơn trà, cho đường vào ăn.
Chứng giảm bạch cầu sau hóa trị ung thư: 15g ngân nhĩ, Đảng Sâm, Hoàng Kỳ, ý dĩ mỗi vị 35g, Giảo Cổ Lam, gạo mỗi thứ 50g. Cho 4 vị thuốc đầu tiên vào sắc, lọc lấy nước, thêm ý dĩ, gạo vào nấu cháo. Mỗi ngày ăn 1 lần.
Bệnh tê liệt ở người già: 25g ngân nhĩ, 50g hạt sen. Nấu nhừ ngân nhĩ và Hạt Sen, sau đó cho thêm đường trắng, ăn lúc bụng đói.
Âm hư hỏa vượng, tâm phiền, mồ hôi trộm, tim đập nhanh, mất ngủ: 25g ngân nhĩ, 15 quả táo. Sắc nước uống, dùng trong 10 – 15 ngày.
Chữa suy nhược sau ốm: Ngân nhĩ, linh chi mỗi vị 6g, mộc nhĩ 15g, táo tàu 30g, vài lát gừng. Nấu chín, ăn.
Cao huyết áp, xơ cứng động mạch: Ngân nhĩ, Hà Thủ Ô sống mỗi vị 25g, 40g mè đen. Ngân nhĩ và hà thủ ô sắc lấy nước, thêm bột vừng rang chín vào dùng.
5 Tài liệu tham khảo
1. Tác giả Ariane Lang (Ngày đăng 16 tháng 2 năm 2021). White Fungus: Benefits, Uses, and What to Know, Heathline. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2023.
2. Bài thuốc từ Ngân nhĩ của Lương y Phạm Ngọc Duy - Phòng khám Tâm Y Đường.
3. Tác giả Võ Văn Chi (Xuất bản năm 2021). Ngân nhĩ trang 275, Từ điển cây thuốc Việt Nam tập 2. Truy cập ngày 19 tháng 4 năm 2023.