Cây Mướp Sát (Cebera manghas L.)

0 sản phẩm

Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Phân loại khoa học
Giới(regnum)

Plantae (Thực vật)

Angiospermae (Thực vật có hoa)

Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự)

Asterids (nhánh hoa Cúc)

Bộ(ordo)

Gentianales (Long đởm)

Họ(familia)

Apocynaceae (Trúc đào)

Chi(genus)

Cebera

Danh pháp hai phần (Tên khoa học)

Cebera manghas L.

Danh pháp đồng nghĩa

Cerbera odollam Gaertn.

Cây Mướp Sát (Cebera manghas L.)

Mướp sát thuộc dạng cây nhỡ hay cây to, chiều cao mỗi cây từ 5 đến 10 mét, đôi khi còn bắt gặp những cây có kích thước lớn hơn. Thân cây được bao bọc bởi một lớp vỏ dày, bên ngoài xù xì. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.

1 Giới thiệu

Tên khoa học: Cebera manghas L.

Tên đồng nghĩa: Cerbera odollam Gaertn.

Tên gọi khác: Hải qua tử.

Họ thực vật: Apocynaceae (Trúc Đào).

Hình ảnh cây Mướp sát
Hình ảnh cây Mướp sát

1.1 Đặc điểm thực vật

Mướp sát thuộc dạng cây nhỡ hay cây to, chiều cao mỗi cây từ 5 đến 10 mét, đôi khi còn bắt gặp những cây có kích thước lớn hơn. Thân cây được bao bọc bởi một lớp vỏ dày, bên ngoài xù xì.

Lá cây mọc so le, nhưng thường mọc tập trung ở đầu cành, phiến lá có dạng hình mác hoặc hình bầu dục thuôn, chiều dài mỗi lá khoảng từ 10-15cm, chiều rộng từ 2-4cm. Gốc và đầu lá thuôn nhọn, hai mặt của lá nhẵn, mặt trên có màu sẫm bóng.

Cụm hoa mọc thành xim ở đầu cành, phân nhánh nhiều, hoa có mùi thơm, màu trắng, quanh họng có màu hồng, đài 5, tràng 5 cánh, nhị 5, bầu 2 ô chứa hạt noãn riêng biệt.

Quả hạch có dạng hình trứng hay hình cầu, quả khi chín có màu vàng hồng, gồm 2 hạt.

Mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 6, mùa quả từ tháng 7 đến tháng 9.

Đặc điểm thực vật
Đặc điểm thực vật

1.2 Thu hái và chế biến

Bộ phận dùng: Hạt.

Thời điểm thu hái: Khi quả chín.

Hoa của cây Mướp sát
Hoa của cây Mướp sát

1.3 Đặc điểm phân bố

Chi Cerbera L, trên thế giới có khoảng 10 loài thường là cây bụi hay cây gỗ, được tìm thấy chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, đảo trên Thái Bình Dương, Australia.

Mướp sát là loài chỉ phân bố ở vùng ven biển của các nước nhiệt đới châu Á gồm Malaysia, Thái Lan, Nam Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam. Tại nước ta, cây được tìm thấy ở những bờ biển dọc từ Bắc vào Nam, Mướp sát còn được tìm thấy ở những đảo lớn. Tuy nhiên, cây thường chỉ mọc tập trung ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa trở ra.

Mướp sát là loài cây gỗ quan trọng đối với hệ thực vật ven biển. Cây có bản chất là loài ưa sáng, có khả năng chịu hạn và chịu mặn, ra hoa quả nhiều hàng năm. Vào đầu mùa mưa, những quả chín sẽ rụng, hạt sau khi rơi xuống đất sẽ nảy mầm tạo thành cây con xung quanh gốc cây mẹ. Những quả sau khi rơi xuống biển trôi dạt được vào cơ vẫn có khả năng nảy mầm.

Gỗ của cây chỉ dùng để làm củi nên ít bị chặt phá do đó nguồn Mướp sát ở ven biển phía Nam và các đảo tương đối phong phú.

Đặc điểm phân bố
Đặc điểm phân bố

2 Thành phần hóa học

Hạt của cây Mướp sát có chứa:

  • Neriifolin.
  • Thevetin B.
  • Cerberin.
  • Cerpain.

Vỏ thân chứa 17βH-neriifolin.

Lá chứa Thevesid, theviridosid.

Thân chứa nhựa mủ.

Lá của cây Mướp sát
Lá của cây Mướp sát

3 Tác dụng của cây Mướp sát

3.1 Tác dụng dược lý

Hạt có độc do heterosid trong đó chủ yếu là Cerberin. Thành phần này khi dùng liều vừa đủ cho thấy tác dụng trợ tim, làm tăng co bóp, nhưng lại rất dễ gây độc, khi sử dụng liều cao có thể gây chết.

Dầu hạt không độc, tuy nhiên do chứa glycosid tim mà có thể gây độc, do đó không dùng để uống.

Nhựa mủ của cây có tác dụng tẩy mạnh và gây nôn.

Vỏ thân và lá dùng dưới dạng dịch ép cũng có tác dụng gây nôn và tẩy.

Hoa của cây Mướp sát
Hoa của cây Mướp sát

Lá bánh tẻ của cây Mướp sát đem đi phơi khô, xay nhỏ tạo thành bột, sau đó đem chiết bằng cồn 70 độ, cô thành cao lỏng theo tỷ lệ 1:1 (nghĩa là 1ml tương đương với 1g bột lá) đã được thử một số tác dụng sau:

3.1.1 Thử độc tính cấp

Khi tiêm vào màng bụng của chuột nhắt trắng thí nghiệm, các nhà khoa học đã xác định được liều gây chết trung bình LD50 là 20.8ml/kg, liều tối thiểu có tác dụng gây chết 100% động vật thí nghiệm là LD100 = 31ml/kg.

3.1.2 Tác dụng trên tim và độc tính với tim

Khi thử trên chó đã được gây mê bằng cloralose, tiến hành tiêm tĩnh mạch liều từ 0,1ml đến 1ml/kg thì tác dụng cho thấy như sau:

  • Từ 0,1 đến 0,3ml/kg: Chưa thấy có biểu hiện gì.
  • Liều 0,4ml/kg: Nhịp tim chậm hơn, khoảng PR kéo dài, hiệu áp tăng trong khoảng 30 phút, sau đó huyết giảm bắt đầu giảm. Nhịp thở ban đầu tăng, sau giảm.
  • Với liều 0,5ml/kg thì nhịp tim chậm, nhịp thở giảm, hiệu áp tăng. 15 phút sau, nhịp tim tăng ít, chó không chết.
  • Liều 1ml/kg: Chỉ 5 giây sau khi tiêm chó bắt đầu có biểu hiện giảm nhịp tim đột ngột, huyết giảm xuống bằng 0, sau 9 phút thì chó chết.
Hình ảnh hoa và lá cây Mướp sát
Hình ảnh hoa và lá cây Mướp sát

3.1.3 Tác dụng trên tim chó in situ

Tiến hành gây mê chó thí nghiệm bằng cloralose. Tiến hành mở lồng ngực, hô hấp nhân tạo, ghi lại sức co của tim chó. Sau đó, tiêm 0,2ml/kg vào tĩnh mạch chó, không thấy tác dụng trên tim. Tuy nhiên, trường hợp gây suy tim bằng nembutal thì liều này lại làm tăng biên độ co bóp rõ.

3.1.4 Tác dụng trên cơ trơn ruột cô lập

Khi sử dụng liều 2,5µl/ml thấy tác dụng làm tăng co bóp ruột.

Hình ảnh cây Mướp sát
Hình ảnh cây Mướp sát

3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền

Toàn cây có chứa glycosid rất độc với tim đặc biệt là hạt của cây Mướp sát. Các bộ phận khác như vỏ thân, quả, cành, nhựa mủ, lá đều độc, khi dùng gây nôn và xổ mạnh.

Hạt của cây Mướp sát được dùng để làm duốc cá. Dầu hạt của cây cũng có độc, nhân dân trước đây thường dùng để thắp đèn. Ngoài ra, có thể dùng dầu hạt trong trường hợp côn trùng cắn, lở loét ngoài da, ngứa ngáy, diệt chấy.

Cerberin và cerberosid có tác dụng trợ tim tương tự như digitoxin nhưng lại rất độc, khi dùng cần thận trọng.

Mướp sát là loài có độc
Mướp sát là loài có độc

4 Tài liệu tham khảo

Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Mướp sát, trang 344-345. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2024.

Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Cây Mướp Sát trang 596-597. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2024.

Các sản phẩm có chứa dược liệu Cây Mướp Sát (Cebera manghas L.)

1/0
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633