Muồng Hoàng Yến (Bọ Cạp Nước - Cassia fistula)
2 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Muồng Hoàng Yến là cây thân gỗ, có tên khoa học là Cassia fistula L. Cây được trồng làm cảnh ở nhiều thành phố lớn của nước ta. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ giới thiệu cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Muồng Hoàng Yến
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Cassia fistula L.
Tên gọi khác: Muồng Bọ Cạp, Bọ Cạp Nước.
Họ thực vật: họ Vang Caesalpiniaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Muồng Hoàng Yến thuộc dạng cây nhỡ, có độ cao từ 6 đến 12 mét.
Cành xum xuê, vỏ thân nhẵn.
Lá thuộc dạng kéo lông chim, lá mọc so le, có khoảng 5-6 đôi lá, phiến lá dài 7-12cm, rộng 4-8cm. Mặt trên lá nhẵn, mặt dưới có lông. Cuống lá dài từ 15 đến 30cm.
Cụm hoa Muồng Hoàng Yến mọc ở kẽ lá tạo thành từng chùm, mỗi cụm hoa dài 15 đến 30cm. Hoa có màu vàng nổi bật.
Đài 5, tràng 5.
Nhị 10.
Quả hình trụ, hạt nhiều.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Quả, rễ, hạt và vỏ.
1.3 Đặc điểm phân bố
Muồng Hoàng Yến phân bố ở nhiều nơi như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia,...
Tại nước ta, cây được tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, các tỉnh thuộc Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, cây cũng được trồng ở các tỉnh như Hà Nội, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh để làm cảnh và lấy bóng mát.
Muồng Hoàng Yến là loại cây gỗ nhỡ, mọc ở các rừng thứ sinh hoặc rừng thưa nửa rụng lá. Có bản chất là cây ưa sáng, thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới. Có khả năng chịu khô hạn.
Trồng cây Muồng Hoàng Yến từ hạt, sau 4-6 năm bắt đầu đơm hoa, hoa ra hàng năm.
Gỗ cây được sử dụng làm đồ gia dụng, vỏ cây được sử dụng để chiết tanin.
2 Thành phần hóa học
Hạt Muồng Hoàng Yến chứa hàm lượng calci hữu cơ tương đối cao.
Thịt quả chứa acid amin như aspartic, glutamic, lysin.
Vỏ hạt chứa acid fistulic là thành phần quan trọng.
Lá chứa tanin, anthraquinon.
Vỏ rễ chứa tanin, oxo-anthraquinon.
3 Tác dụng - Công dụng của cây muồng hoàng yến
3.1 Tác dụng dược lý
Cơm quả Muồng Hoàng Yến có tác dụng nhuận tràng do thành phần có chứa nhiều pectin và chất nhầy.
Hạt có tác dụng diệt amip.
Muồng Hoàng Yến cũng có tác dụng diệt côn trùng và diệt giun.
Khi nghiên cứu trên động vật thí nghiệm là chuột cống trắng đã làm tăng cholesterol máu toàn phần, Muồng Hoàng Yến đã chứng minh tác dụng làm giảm nồng độ lipid toàn phần trong gan và máu. Tuy nhiên, mức giảm lipid ở máu, thận, lách lại ít hơn. Nồng độ triglyceride sau khi sử dụng Muồng Hoàng Yến được cải thiện rẽ.
Bên cạnh đó, loại cây này cũng có tác dụng làm giảm hoạt độ của GOT, GPT khi chúng tăng cao.
Cao nước có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ sốt nhờ chứa Flavonoid.
Cao chiết với cồn ethylic và chloroform có tác dụng kháng nấm khi nghiên cứu trên in vitro.
3.2 Công dụng
Quả Muồng Hoàng Yến dùng sống có tác dụng chữa táo bón với liều nhuận tràng là 4-6g, liều tẩy là 10-20g.
Quả ngâm rượu có tác dụng kích thích ăn ngon, thuốc bổ, giảm đau lưng, đau nhức mỏi người.
Sử dụng 1kg cơm quả và hạt sắc với 1 lít nước, cô đặc cách thủy giúp chữa đau lưng, đau mình.
Lá tươi sau khi thu hái, đem về rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước bôi lên vùng bị hắc lào hoặc lá tươi sắc lấy nước uống giúp nhuận tràng và chữa đau lưng với liều khuyến cáo là 15-20 lá.
Một số nước Đông Nam Á sử dụng vỏ quả khi chí và hạt để làm thuốc nhuận tràng. Vỏ rễ và lá của cây có tác dụng nhuận tràng kém hơn.
Người dân Philippin sử dụng lá cây để trị nấm da.
Người dân Thái Lan sử dụng lõi gỗ của cây để trị giun.
Theo Y học hiện đại, cơm quả có tác dụng làm thuốc nhuận tràng ở trẻ, tuy nhiên cần sử dụng thận trọng để tránh tình trạng nhờn thuốc.
Người dân Ấn Độ sử dụng cao từ cơm quả để làm thuốc nhuận tràng.
Người dân Nepal sử dụng cơm quả để làm thuốc mềm phân và trị tiểu tiện có máu.
Tại Guatemala, người dân sử dụng vỏ cây Muồng Hoàng Yến để chữa bệnh liên quan đến đường tiết niệu.
Người dân Panama sử dụng Bọ Cạp Nước để trị đái tháo đường.
4 Một số câu hỏi về Muồng Hoàng Yến
4.1 Cây Muồng Hoàng Yến có độc không?
Lá, hoa, quả và hạt của Muồng Hoàng Yến đều chứa chất độc. Nếu sử dụng không đúng cách có thể gây nguy hiểm.
4.2 Cây Muồng Hoàng Yến nở vào mùa nào?
Muồng Hoàng Yến thường ra hoa vào tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.
4.3 Quả cây Muồng Hoàng Yến có ăn được không?
Quả Muồng Hoàng Yến được sử dụng để làm thuốc chữa táo bón hoặc ngâm cùng với rượu để làm thuốc bổ. Tuy nhiên, việc sử dụng một lượng lớn quả Muồng Hoàng Yến có thể gây độc.
4.4 Giá cây Muồng Hoàng Yến là bao nhiêu?
Giá thành của cây tùy thuộc vào đường kính cây, dao động từ 800.000 đến 2.000.000 đồng một cây.
5 Tài liệu tham khảo
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1. Bọ Cạp Nước, trang 215-217. Truy cập ngày 25 tháng 3 năm 2024.