Mù Mắt (Hoa Dài)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Cây Mù Mắt có tên khoa học là Laurentia longiflora (L.) Peterm. Mù Mắt thuộc dạng cây thảo, có chiều cao khoảng 40 đến 50cm, có độc, khi tiếp xúc có thể gây mù mắt. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Mù Mắt
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Laurentia longiflora (L.) Peterm.
Tên gọi khác: Hoa Dài.
Họ thực vật: Lôbêli Lobeliaceae.
1.1 Đặc điểm thực vật
Mù Mắt thuộc dạng cây thảo, có chiều cao khoảng 40 đến 50cm. Cây có Nhựa và lông. Mù Mắt thuộc dạng phân nhánh nhiều.
Lá cây mọc so le, phiến lá có dạng hình mũi mác, gốc lá thuôn, đầu lá nhọn. Lá của cây Mù Mắt có đặc điểm là mép có răng nhưng thưa, mặt trên của lá có màu thẫm, mặt dưới nhạt hơn.
Hoa mọc ở kẽ lá, đơn độc, hoa có màu trắng. Đài 5, tràng 5, nhị 5.
Quả thuộc dạng quả nang, giống hình trứng hoặc hình cầu, trên quả vẫn còn đài tồn tại. Mỗi quả có 2 ngăn và chứa nhiều hạt nhỏ.
Mùa hoa rơi vào tháng 5 đến tháng 6, mùa quả rơi vào tháng 7 đến tháng 8.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Thời điểm thu hái: Lúc quả gần chín.
Chế biến: Thái nhỏ, đem phơi hoặc sấy khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Chi Laurentia Adans tại nước ta chỉ có một loài là cây Hoa Dài. Là loại cây phân bố gốc ở Trung Mỹ, sau đó được du nhập sang các khu vực khác như Châu Phi, Địa Trung Hải.
Tại châu Á, cây được tìm thấy ở Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia,...
Mù Mắt là cây mọc tự nhiên, chủ yếu tìm thấy ở các vùng núi có độ cao trên 1300 mét như Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai,...
Mù Mắt thường mọc ở những vùng đồi núi, nương rẫy, ven đường đi, lẫn vào các đám cỏ.
Cây ra hoa quả nhiều, khi quả già sẽ tự mở và phát tán hạt ra xung quanh. Vào mùa đông, cây có hiện tượng rụng lá và tàn lụi.
Hoa Dài hay Mù Mắt là loại cây được xếp vào loại hiếm ở nước ta, chỉ thỉnh thoảng gặp một vài cá thể, do đó, cần có biện pháp để bảo tồn.
2 Thành phần hóa học
Toàn cây có chứa nhựa mủ đắng có thể gây kích ứng mắt.
Người ta đã chiết được một chất độc từ cây có tên là alcaloid isotomin có tính chất tương tự như lobelin.
3 Tác dụng - Công dụng của cây mù mắt
3.1 Tác dụng dược lý
Theo các tài liệu nước ngoài, Mù Mắt là loài cây có độc, khi sử dụng theo đường uống có tác dụng xổ mạnh, gây tử vong.
Cây cũng thuộc loài độc với ngựa. Khi tiếp xúc với dịch ngựa có thể xuất hiện tình trạng bỏng, viêm ở môi và mắt, có thể gây mù mắt.
Isotomin khi sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch có tác dụng tăng biên độ, tăng tần số hô hấp, đồng thời nó cũng đã được phát hiện làm tăng huyết áp, giải phóng adrenalin. Khi sử dụng liều cao, ban đầu gây tăng huyết áp và sau đó gây hạ huyết áp. Bên cạnh đó, thuốc cũng có tác dụng làm liệt cơ vân
3.2 Công dụng
Cây Mù Mắt ít được sử dụng ở nước ta. Tuy nhiên, vẫn có thể nghiên cứu để chiết xuất thành phần isotomin để sử dụng trong các trường hợp như khó thở, hen suyễn vì chất này có tác dụng kích thích hô hấp.
Lưu ý: Cây có độc nên cần cẩn thận.
4 Tài liệu tham khảo
Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 1. Hoa Dài, trang 915-916. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2024.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, tác giả Đỗ Tất Lợi. Mù Mắt trang 786. Truy cập ngày 26 tháng 4 năm 2024.