Mộc Miết Tử (Hạt Gấc - Semen Momordicae)
1 sản phẩm
Dược sĩ Thanh Huyền Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Mộc Miết Tử hay còn gọi là Hạt Gấc có tác dụng chữa mụn nhọt, tiêu thũng, chữa trĩ... Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin về Mộc Miết Tử.
1 Giới thiệu về Mộc Miết Tử
Mộc Miết Tử còn gọi là hạt gấc, mộc tốt tử, thổ mộc miết, mặc biệt tử, mắc cao, mặc khấu
Mộc miết tử (Semen Momordicae) là hạt lấy từ quả gấc chín, phơi hay sấy khô, tên khoa học là Momordica cochinchinch (Lour) Spreng (Muricia cochichinensis Lour., Muricia mixta Roxb). Thuộc họ Bí - Cucurbitaceae.
2 Mô tả dược liệu
Trong quả có gấc, nhiều hạt xếp thành hàng dọc, quanh hạt có màng màu đỏ máu; khi bóc màng đỏ thấy có một lớp vỏ cứng đen, quanh mép có răng cưa tù và rộng.
Hạt dài chừng 25-35mm, rộng 19-31mm, dày 5- 10mm, trông gần giống con ba ba nhỏ bằng gỗ, do đó có tên mộc miết tử (mộc là gỗ, miết là con ba ba).
Trong hạt có nhân màu trắng ngà, chứa nhiều dầu và không bị thối đen
3 Thu hái, chế biến
Quả hái về, mổ lấy hạt với cả màng màu đỏ, nếu để nấu xôi thì dùng tươi Sắt với gạo. Nếu để chế thuốc thì cần phải sảy hay phơi khô cả hạt và màng cho đến khi cầm hạt không thấy dính tay nữa thì dùng dao nhọn bóc lấy mảng đỏ, phơi hay sấy khô ở nhiệt độ thấp (60-70 độ C).
Với màng này người ta dùng chế Dầu Gấc.
Còn lại hạt với lớp vỏ đen cũng đem phơi khô để dành dùng làm thuốc hay ép dầu.
4 Thành phần hóa học
Trong nhân hạt gấc (mộc miết tử) có 6% nước, 2.9% chất vô cơ, 55,3% chất béo, 16,6% chất protit, 2,9% đường toàn bộ, 1,8% tanin, 2,8% xenluloza và 11,7% chất không xác định được.
Ngoài ra còn có các men photphatase, invectase và peroxydase, một chất không tan trong ête dầu hỏa, trong ete etylic, tan trong cồn metylic và có những tính chất cho các phản ứng của một sapotoxin với chỉ số bọt 5.600, chỉ số chết cá 16.600, chỉ số phá huyết 62.500 (F. Guichard và Đào Sĩ Chu, Hà Nội, 1941).
Theo Baines (Kew Bull, 1920: 6-12) trong hạt gấc không có ancaloit, chứa 47% so với nhân hoặc 29% (so với trọng lượng hạt cả vỏ cứng) dầu béo đặc ở nhiệt độ thường, khi mới ép có màu xanh lục nhạt, nhưng để lâu do tác dụng của ôxy và ánh sáng sẽ sẫm màu. Nếu đun nóng dầu cũng chóng sẫm màu. Dầu có tính chất nửa khô, nếu trộn với dầu khô, triển vọng có thể dùng trong kỹ nghệ sơn và vécni.
5 Tác dụng dược lý
Một nghiên cứu đã nghiên cứu về hoạt tính chống khối u ở hạt gấc. Hạt gấc và chiết xuất của hạt gấc cho thấy tác dụng trên ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư thực quản, khối u ác tính và ung thư biểu mô cổ tử cung...Ngoài ra, hạt gấc còn có tác dụng chống oxy, chống viêm
Chiết xuất hạt gấc có tác dụng chống viêm dạ dày trong các mô hình động vật gặm nhấm khác nhau, mang lại tác dụng bảo vệ đáng chú ý, có thể so sánh với tác dụng của Rebamipide, trong viêm dạ dày cấp tính do Ethanol và Diclofenac gây ra. Ngoài ra, nó đã chứng minh tác dụng bảo vệ trong mô hình viêm dạ dày mãn tính do Helicobacter pylori gây ra. Chiết xuất hạt gấc cũng cho thấy tác dụng chữa lành vết thương đối với tổn thương da của chuột và kích thích các thụ thể peptide và Somatostatin liên quan đến gen Calcitonin, có thể liên quan đến tác dụng chống viêm dạ dày của nó. Những điều này cho thấy chiết xuất hạt gấc có thể là một loại thuốc thảo dược bảo vệ dạ dày đầy hứa hẹn.
6 Công dụng và liều dùng
6.1 Tính vị, công năng
Nhân hạt gấc: Theo các sách cổ hạt gấc vị đắng, hơi ngọt, tính ôn, hơi độc, vào 2 kinh can và đại tràng.
6.2 Hạt gấc có tác dụng gì?
Mộc miết tử có tác dụng chữa mụn nhọt, tiêu thũng, tràng nhạc, eczema, viêm da thần kinh, trĩ, dùng trong những trường hợp ngã, bị thương, sang độc, phụ nữ sưng vú, hậu môn sung thũng, chai bàn chân.
Uống trong bằng cách chế thuốc viên hay tán bột, liều 0,8g - 1,2g và dùng ngoài. Chủ yếu dùng bôi ngoài.
Uống trong ngày 1 nhân nướng chín. Dùng ngoài với lượng vừa đủ.
7 Đơn thuốc có hạt gấc
7.1 Chữa trĩ lòi dom
Hạt gấc giã nát thêm một ít dấm thanh gói bằng vải đắp vào nơi bị trĩ (hậu môn) để suốt đêm.
7.2 Chữa sưng vú
Giã nhân hạt gấc với một ít rượu (30-40 độ) đắp lên nơi sưng đau
7.3 Chữa mụn nhọt, ghẻ lở
Dùng nhân hạt gấc mài với nước bôi ngoài da
7.4 Chữa sốt rét có báng
Dùng hạt gấc và vẩy tê tê với lượng bằng nhau, đem sấy khô rồi tán bột, mỗi lần uống 2g hòa với rượu ấm lúc đói
8 Tài liệu tham khảo
- Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam (Xuất bản năm 2004). Hạt gấc trang 885-887, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Truy cập ngày 29 tháng 06 năm 2023.
- Thực phẩm chức năng - Sức khỏe bền vững (Xuất bản năm 2010). Quả gấc (monordica cochinchinensis spreng) trang 125 - 129, Thực phẩm chức năng - Sức khỏe bền vững . Truy cập ngày 29 tháng 06 năm 2023
- Tác giả: Kiwon Jung và cộng sự (Ngày đăng: năm 2013). Anti-gastritis and wound healing effects of Momordicae Semen extract and its active component, Pubmed. Truy cập ngày 29 tháng 06 năm 2023
- Tác giả: Xiao-Rong Xu và cộng sự (Ngày đăng: năm 2019). A Potential Anti-Tumor Herb Bred in a Tropical Fruit: Insight into the Chemical Components and Pharmacological Effects of Momordicae Semen, Pubmed. Truy cập ngày 29 tháng 06 năm 2023