Móc Mèo Núi (Vuốt Hùm - Caesalpinia bonducella Flem.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 1 phút đọc, Ngày đăng:
Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây
Phân loại khoa học | |
---|---|
Giới(regnum) | Plantae (Thực vật) Angiospermae (Thực vật có hoa) Eudicots (Thực vật hai lá mầm thật sự) Rosids (nhánh hoa Hồng) |
Bộ(ordo) | Fabales (Đậu) |
Họ(familia) | Fabaceae (Đậu) |
Phân họ(subfamilia) | Caesalpiniaceae (Vang) |
Chi(genus) | Caesalpinia |
Danh pháp hai phần (Tên khoa học) | |
Caesalpinia bonducella Flem. |
Móc mèo núi thuộc dạng cây nhỡ, cành mọc vươn dài, cành có dạng hình trụ, bề mặt có phủ một lớp gai nhỏ, gai có dạng hình nón. Lá kép mọc hai lần lông chim, mọc so le, có lá kèm. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Giới thiệu
Tên khoa học: Caesalpinia bonducella Flem.
Tên gọi khác: Vuốt hùm.
Họ thực vật: Caesalpiniaceae (Vang).
1.1 Đặc điểm thực vật
Móc mèo núi thuộc dạng cây nhỡ, cành mọc vươn dài, cành có dạng hình trụ, bề mặt có phủ một lớp gai nhỏ, gai có dạng hình nón.
Lá kép mọc hai lần lông chim, mọc so le, có lá kèm, cuống chung có chiều dài khoảng 30-40cm, gồm 8 đến 11 đôi lá chét, lá chét mọc đối, phiến lá có dạng hình bầu dục hoặc hình trứng, chiều dài mỗi phiến lá chét khoảng 2,5 đến 4,5cm, chiều rộng từ 1,5 đến 2,5cm, gốc lá tròn hoặc hơi lệch, đầu lá tù hoặc nhọn, mặt dưới lá có phủ một lớp lông nhỏ.
Cụm hoa mọc thành chùm dài ở kẽ lá, chiều dài cụm hoa khoảng từ 12 đến 20cm, đài 5 răng, tràng 5 cánh mỏng, nhị 10, nhụy ngắn có lông.
Quả của cây Móc mèo núi có dạng gần giống hình cầu, hơi dẹt, chiều dài khoảng 7-8cm, chiều rộng 4cm, hai mặt lồi, có nhiều gai nhọn phủ quanh vỏ, mỗi quả gồm 2 hạt, rất rắn.
Mùa hoa quả từ tháng 6 đến tháng 8.
1.2 Thu hái, chế biến
Bộ phận dùng: Hạt.
1.3 Đặc điểm phân bố
Móc mèo núi được tìm thấy chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, gồm các quốc gia như Myanmar, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc và Việt Nam.
Tại nước ta, cây phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi, trung du, đôi khi còn được tìm thấy ở vùng đồng bằng. Các tỉnh có Móc mèo núi phân bố bao gồm Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Hà Tây, Nghệ An.
Móc mèo núi là loại cây mọc dựa, thân và cành cây vươn dài. Cây đặc biệt ưa sáng, những cây nhỏ có khả năng chịu bóng nhẹ, Móc mèo núi thường mọc thành từng bụi lớn, mọc lấn át những cây khác trong khu vực rừng thứ sinh, ven đồi, bờ nương rẫy hoặc những lùm bụi quanh làng.
Vào mùa xuân hè, cây mọc nhiều chồi và lá non, sang mùa thu thì cây bắt đầu ra quả, Móc mèo núi thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng, tỷ lệ đậu quả kém (dao động khoảng từ 5 đến 20%). Những quả già khó rụng, quả nứt dọc khi gặp thời tiết khô hanh giúp phát tán hạt đi xa. Vào mùa xuân hè năm sau thì hạt bắt đầu nảy mầm, cây có khả năng tái sinh khỏe ngay cả khi đã bị chặt.
2 Thành phần hóa học
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, hạt của cây Móc mèo núi có chứa dầu béo chiếm 23,92%, Nhựa chiếm 1,888%, muối vô cơ chiếm 4,521%, đường chiếm 5,452%, chất đạm hòa tan và chất đạm không hòa tan lần lượt là 3,412% và 37,795%, tinh bột chiếm 37,795%.
Rễ cây chứa furanoditerpene có tên là caesalpinin.
Quả của cây Móc mèo núi có chứa D - (+) - pinitol.
3 Cây Móc mèo núi (Vuốt hùm) có tác dụng gì?
3.1 Tác dụng dược lý
Dạng cao chiết từ lá của cây Móc mèo núi sau khi nghiên cứu đã cho thấy tác dụng kích thích co bóp tử cung khi nghiên cứu trên chuột cống trắng đang mang thai, tác dụng này của Móc mèo núi có thể so sánh với tác dụng của acetylcholin.
Cao chiết nước và cao chiết bằng cồn Ethanol 50% từ hạt của cây Móc mèo núi khi nghiên cứu trên chuột cống trắng bình thường và chuột cống trắng đã được gây tiểu đường bằng cách cho sử dụng streptozotocin đã cho thấy tác dụng hạ đường huyết, kiểm soát mức đường huyết, hạ lipid máu. Ở những con chuột bình thường, cả 2 dạng cao chiết nước và cao chiết cồn khi dùng liều 100mg/kg đều cho thấy tác dụng hạ đường huyết rõ rệt sau khi cho dùng thuốc 4 giờ. Tuy nhiên, dạng cao chiết nước cho thấy tác dụng kéo dài hơn so với cao chiết cồn. Ở nhwunxg con chuột cống đã gây tiểu đường thực nghiệm, cả 2 dạng cao chiết nước và cao chiết cồn đều thể hiện tác dụng chống tăng đường huyết một cách có ý nghĩa ở ngày 5 sau khi cho dùng thuốc. Dạng cao chiết nước trên thí nghiệm cho chuột đã được gây tiểu đường thực nghiệm còn cho thấy tác dụng chống tăng cholesterol huyết, kiểm soát triglyceride.
Thành phần đắng của cây Móc mèo núi được chia làm 4 chất bao gồm:
- Chất A có tác dụng kháng khuẩn.
- Chất B khi nghiên cứu trên thỏ thí nghiệm cho thấy tác dụng kháng khuẩn, lợi tiểu, hạ sốt.
- Chất D cho thấy tác dụng diệt giun.
Thành phần đắng và dạng chiết cồn từ hạt của loài cây này khi nghiên cứu trên chó thí nghiệm cho thấy tác dụng hạ huyết áp nhẹ, trên tim ếch cô lập thì thấy tác dụng ức chế co bóp.
Chiết xuất methanol của lá cây Móc mèo núi đã được đánh giá về hoạt tính chống khối u đối với chuột bạch Thụy Sĩ mang ung thư cổ trướng Ehrlich (EAC). Chiết xuất được dùng với liều lượng 50, 100 và 200 mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày trong 14 ngày sau 24 giờ tiêm khối u. Sau liều cuối cùng và nhịn ăn 18 giờ, những con chuột này đã bị giết. Kết quả cho thấy chiết xuất methanol của lá cây Móc mèo núi thể hiện hoạt động chống khối u và chống oxy hóa đáng kể ở những con chuột mang ung thư cổ trướng Ehrlich.
3.2 Tính vị, công dụng
Móc mèo núi có vị đắng, tính mát, hơi the có tác dụng chỉ thống, khư ứ, giải độc, chỉ thống, sát trùng.
Hạt của cây Móc mèo núi được dùng trong trường hợp sốt, có thể dùng làm thuốc bổ với liều 0,5 đến 1,0g/lần, ngày dùng 2-3 lần. Ngoài ra, hạt của cây Móc mèo núi còn được dùng để chữa lỵ, ho hoặc tẩy giun. Dược liệu này thường được phối hợp cùng Hồ tiêu với lượng bằng nhau.
Nhân dân Philippin sử dụng hạt của cây Móc mèo núi để chữa bệnh dạ dày, thuốc còn có tác dụng tẩy nhẹ. Khi dùng dưới dạng bột, hạt của cây Móc mèo núi còn có tác dụng bổ dùng khi bị sốt.
Nhân dân Thái Lan sử dụng lá cây để làm thuốc gây trung tiện, dùng trong trường hợp đầy bụng, tiểu tiện khó khăn.
Nhân dân Indonesia sử dụng lá hoặc bột để tẩy giun sán.
Nhân dân Ấn Độ sử dụng lá và vỏ cây được dùng làm thuốc điều hòa kinh nguyệt.
4 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Huy Bích và cộng sự. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc ở Việt Nam tập 2. Móc mèo núi, trang 285-286. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam. Móc Mèo Núi trang 713-714. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2024.
Tác giả Malaya Gupta và cộng sự (Ngày đăng tháng 2 năm 2024). Antitumor activity and antioxidant status of Caesalpinia bonducella against Ehrlich ascites carcinoma in Swiss albino mice, PubMed. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2024.