Mạy Chỉ Chăm (Viburnum odoratissimum Ker. Gawl.)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 0 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Cây Mạy Chỉ Chăm hay còn được gọi là Cây Vót Thơm được sử dụng để chữa eczema, phong thấp. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin giới thiệu đến bạn đọc những thông tin chi tiết về cây Mạy Chỉ Chăm
1 Giới thiệu
Tên khác: Răng Cưa Thơm, Cây Vót Thơm.
Tên khoa học: Viburnum odoratissimum Ker. Gawl.
Họ thực vật: Họ Cơm Cháy (Caprifoliaceae).
1.1 Đặc điểm thực vật
Cây bụi thường xanh hoặc cây nhỏ, cao tới 10-15 mét.
Cành màu xám hoặc nâu xám, có những nốt sần nổi lên, không có lông hoặc đôi khi hơi phủ những chùm lông màu nâu
Chồi mùa đông có 1-2 cặp vảy hình trứng hoặc hình mác.
Lá có nhiều lông, hình elip hoặc thuôn dài, dài 7-20cm, đầu nhọn ngắn, có răng cưa nông gợn sóng hoặc gần như nguyên mép ở mép trên, phía trên màu xanh đậm, không có lông cả hai mặt hoặc từng cụm vi lông rải rác trên gân.
Cuống lá dài 1-2cm, không có lông hoặc có lông tơ.
Cụm hoa dạng chùm hoặc trên các cành ngắn bên, hình chóp rộng, không có lông hoặc có chùm lông rải rác, hoa có mùi thơm, thường mọc trên các cành cấp 2 đến cấp 3 của trục dãy, không cuống hoặc cuống ngắn.
Đài hoa hình ống, hình chuông, dài 2-2,5 mm.
Quả lúc đầu màu đỏ sau chuyển sang màu đen, hình bầu dục hoặc bầu dục elip, dài khoảng 8mm, đường kính 5 - 6mm, lõi hình bầu dục hoặc hình elip, dài khoảng 7mm, đường kính khoảng 4mm.
1.2 Thu hái và chế biến
Bộ phận dùng: Rễ, cành, lá.
Thu hái quanh năm, dược liệu sau khi thu hái có thể dùng ở dạng tươi hoặc phơi khô.
1.3 Đặc điểm phân bố
Phân bố rải rác ở các vùng nhiệt đới và ôn đới ẩm như Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ, Lào.
Tại Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh thành như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn và một số tỉnh thành khác.
Mạy Chỉ Chăm thường mọc ở các vùng đất ven rừng ẩm, núi đá vôi, với độ cao khoảng 800 đến 1500m.
Mạy Chỉ Chăm có khả năng tái sinh sau khi chặt.
Cây ra hoa quả nhiều, có thể trồng bằng phương pháp cắm cành.
2 Thành phần hóa học
Các nhà khoa học của Nhật Bản đã phân lập được 8 hoạt chất Flavonoid trong một số loài Viburnum.
3 Tác dụng - Công dụng của cây mạy chỉ chăm
3.1 Tác dụng dược lý
Tác dụng đối với thực khuẩn Bacteriophage:
- Bacteriophage là loại virus sinh sống trong vi khuẩn, khi vi khuẩn chết sẽ giải phóng các thực khuẩn mới.
- Cao nấu từ thân và cành của Mạy Chỉ Chăm có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại thực khuẩn khác nhau.
- Cao nấu từ lá chỉ có tác dụng ức chế đối với thực khuẩn T2.
3.2 Công dụng theo Y học cổ truyền
3.2.1 Tính vị, tác dụng
Tính vị: Mạy Chỉ Căn có vị cay, tính ấm.
Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, khử thấp, sinh cơ, thông kinh hoạt lạc.
3.2.2 Công dụng
Chữa eczema, lở loét, phong thấp.
4 Một số cách trị bệnh từ cây Mạy Chỉ Chăm
4.1 Chữa eczema, lở loét
Chuẩn bị 1kg lá Mạy Chỉ Chăm băm nát, nấu lá với 5 đến 6 lít nước.
Đun nhỏ lửa, đun liên tục trong vòng 24 giờ.
Sau đó, vớt bỏ bã, lọc lấy nước, cô cho đến khi thu được cao sánh đặc.
Sử dụng tăm bông để bôi lên vết thương, ngày 2 lần.
4.2 Chữa phong thấp, vết thương bầm dập, rắn cắn, cảm mạo
Sử dụng 9 đến 15g lá hoặc 30 đến 60g rễ, cành, sau đó, sắc lấy nước uống.
5 Tài liệu tham khảo
Cây thuốc và động vật làm thuốc, tập 2, xuất bản năm 2006. Mạy Chỉ Chăm, trang 237-238. Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2024.