Mật Gấu (Hùng Đởm, Hoàng Đởm - Fel Ursi)
0 sản phẩm
Dược sĩ Thùy Dung Dược sĩ lâm sàng
Ước tính: 2 phút đọc, Ngày đăng:
Cập nhật:
Mật gấu còn được gọi là Hùng đởm có tên khoa học là Fel Ursi, là túi mật của con gấu đã phơi hoặc sấy khô. Tùy thuộc vào trọng lượng của loài gấu mà kích thước mật gấu cũng sẽ to nhỏ khác nhau. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết.
1 Mật gấu là gì?
Mật gấu còn được gọi là Hùng đởm có tên khoa học là Fel Ursi. Mật gấu CÓ bản chất là túi mật đã phơi hay sấy khô của nhiều loại gấu.
Tại nước ta, Mật gấu mà mật của loài Gấu ngựa (có tên khoa học là Selenartos thibetanuc G. Cuvier.), loài này có một khoang trắng hình chữ V ở ngực. Đôi khi còn sử dụng mật của loài gấu chó (gấu đen), gấu xám thường hiếm sử dụng hơn (có tên khoa học là Ursus arctos lisiotus Gray.).
2 Phương pháp chế biến mật gấu
Tùy thuộc vào trọng lượng của loài gấu mà kích thước mật gấu cũng sẽ to nhỏ khác nhau. Mọi mùa trong năm đều có thể bắt gấu để lấy mật. Tuy nhiên, kinh nghiệm dân gian thường cho rằng, bắt gấu vào mùa đông thì mật gấu sẽ nhiều hơn, nếu bắt gấu vào mùa xuân thì số lượng mật ít nhưng lại có phẩm chất tốt hơn.
Vào năm 1983, Đỗ Khắc Hiếu (Trung tâm Sinh lý - Hóa sinh, Viện khoa học Việt Nam) đã nghiên cứu quy trình khai thác mật gấu mà không cần giết gấu bằng cách chế tạo một túi mật đặc biệt có màng bọc sau đó cấy vào dưới lớp da gấu, túi mật này được gọi là túi mật phụ được nối thông với túi mật thật trong cơ thể gấu. Khi thu mật gấu thì dùng ống tiêm hút mật từ túi mật phụ mà không cần giết chết gấu.
Mật gấu sau khi thu hoạch phải phơi khô trong mát sau đó gói kín để vào hộp, đáy hộp để một gói vôi chưa tôi để hút ẩm hoặc dùng chất hút ẩm chuyên dụng khác. Để hộp ở nơi mát. Trường hợp để mật gấu ở những nơi ẩm ướt, nhiệt độ cao sẽ khiến cho mật gấu bị chảy nước. Thành phẩm là một túi đã xẹp lép, cuống dài, chiều rộng có thể lên đến 5-6cm, chiều dài khoảng 14-15cm, dày từ 1-2mm.
Mật gấu có màu gì? Túi mật sau khi cắt có một lớp đen nhánh, xen kẽ các hạt óng ánh như màu hổ phách. Mật gấu có vị đắng, sau ngọt, khi ăn sẽ cảm thấy dính lưỡi, nếu ngậm sẽ tan hết trong miệng. Khi ngửi có thể thấy mùi khói do một số nơi bảo quản bằng cách phơi trên gác bếp. Mật gấu khi đem đốt không bị cháy.
Mật gấu được dùng ở một số nước của châu Á bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Tiêu chuẩn mật gấu của Triều Tiên như sau:
- Độ ẩm < 15%.
- Tro < 7%, tro không tan trong acid clohydric 4%.
- Cao rượu >60%.
3 Thành phần hóa học
Trong mật gấu có chứa: Cholestarola, muối kim loại của acid cholic, sắc tố mật như bilirubin.
Các acid cholic trong mật gấu gồm có acid chenodeoxycholic, acid cholic, Acid Ursodesoxycholic. Acid Ursodeoxycholic là loại acid chỉ được tìm thấy trong mật gấu, đây chính là điểm đặc biệt để giúp phân biệt mật gấu thật và mật gấu giả.
4 Cách nhận biết mật gấu thật và giả
Mật gấu là một loại dược liệu quý có nhiều công dụng đối với sức khỏe, giá thành cao do đó một số đối tượng đã làm giả mật gấu nhằm trục lợi cho bản thân. Dưới đây là một số phương pháp nhận biết Mật gấu thật và giả bạn đọc có thể tham khảo.
4.1 Kinh nghiệm nhân dân dùng để thử mật gấu
Khi nếm, ban đầu thấy có vị đắng sau ngọt, hơi dính lưỡi. Nếu ngậm lâu mật gấu sẽ tan hết trong miệng. Mật của những động vật khác đắng nhưng không mát, khi ăn không thấy dính lưỡi, không giòn, không bóng, có mùi tanh gây khó chịu.
Lấy một vài hạt mật gấu sau đó thả vào cốc nước sẽ tạo ra những sợi màu vàng rơi xuống đáy cốc, nếu các hạt này quay tít thì là loại mật gấu tốt.
Đem đốt mật gấu thì không bị cháy.
4.2 Phương pháp thử mật gấu bằng phản ứng hóa học
Sử dụng 0,5g mật gấu đem hòa tan trong Dung dịch Kali hydroxit 5%. Đem hỗn hợp đun sôi rồi lắc với ete etylic 3 lần, mỗi lần dùng 10ml. Hợp các dung dịch ete lại sau đó dùng nước để rửa sạch, tiến hành bốc hơi ete để thu được hỗn hợp acid chenodeoxycholic và acid ursodeoxycholic. Hòa tan cặn trong 10ml dung dịch amoniac 12%, thêm tiếp 10ml dung dịch bari clorua 10%. Lọc lấy tủa, thu được muối bari của các acid trên. Thêm tiếp 10ml dung dịch natri cacbonat 10% vào tủa, đem đun nóng nhằm mục đích loại bỏ bary. Sử dụng acid clohydric để acid hóa. Lắc cùng với ete etylic 3 lần, mỗi lần dùng 10ml, hợp các dung dịch và cất thu hồi ete. Hòa cặn cùng với etylaxetat, để yên cho kết tinh, lọc lấy tinh thể, acid chenodeoxycholic không kết tinh. Để cho khô, tiến hành đo độ chảy, độ chảy ở 202 độ C là của acid ursodeoxycholic.
Cân chính xác 0,05g mật gấu, làm tương tự như trên. Tiến hành cân acid ursodeoxycholic, phải thu được 0,1g acid ursodeoxycholic.
4.3 Thử bằng phản ứng màu
Phản ứng Pettenkoffer: Sử dụng vài hạt tinh thể acid ursodeoxycholic hòa tan trong 1ml nước cất, thêm 1 ít saccarozo và 1-2 giọt acid sunfuric sẽ xuất hiện màu đỏ rất đẹp.
Phản ứng Liebermann-Surchard: Lấy 1 ít hạt tinh thể acid ursodeoxycholic hòa tan trong 0,5ml chloroform, thêm 0,5ml anhydrid acetic và 1 giọt acid sunfuric đặc. Ban đầu dung dịch có màu đỏ hồng, sau đó chuyển màu xanh lục và xanh lam.
5 Tác dụng - Liều dùng của mật gấu
Theo các tài liệu cổ, Mật gấu có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh Tâm, Vị, Can. Mật gấu có tác dụng thanh nhiệt, sát trùng, dùng trong các trường hợp đau răng, mắt đỏ, ác thương, đinh nhĩ. Ngoài ra, Mật gấu còn dùng để chữa thấp nhiệt, lỵ lâu ngày, hồi hộp.
Hiện nay, Mật gấu được coi là vị thuốc quý, dùng trong trường hợp đau dạ dày, hoàng đản, kích thích tiêu hóa, chữa đau nhức, giải độc.
Mật gấu có thể được dùng ngoài để chữa đau mắt, làm tan vết bầm tím, xoa bóp làm giảm sưng đau do ngã hay bị thương.
Liều dùng được khuyến cáo là 0,5 đến 2g mỗi ngày.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng, chiết xuất Mật gấu và acid ursodeoxycholic phát huy đặc tính chống ung thư trong tế bào ung thư tuyến giáp anaplastic bằng cách gây apoptosis và ức chế quá trình hình thành mạch máu thông qua việc điều chỉnh con đường truyền tín hiệu Akt/mTOR.
Mật gấu có nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể, tuy nhiên gấu là loài động vật hoang dã, quý hiếm, nằm trong nhóm nguy cấp, được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế, do đó việc buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
6 Cách sử dụng Mật gấu
6.1 Cách ngâm mật gấu khô với rượu
Cách sử dụng Mật gấu để xoa bóp: Mật gấu dùng 5g, hòa tan với 100ml rượu 35 độ. Bóp mật gấu có tác dụng làm giảm tình trạng sưng đau cho người bệnh.
6.2 Làm thuốc nhỏ mắt từ Mật gấu
Sử dụng một lượng Mật gấu có kích thước bằng hạt gạo, mài cùng nước đun sôi để nguội. Sau đó, nhỏ trực tiếp vào mắt khi bị sưng đỏ.
6.3 Cách pha mật gấu với mật ong
Mật gấu tươi ngay sau khi lấy ra đem cho ngay vào Mật Ong để bảo quản vì khi để lâu ngoài không khí mật gấu sẽ bị hỏng.
6.4 Cách dùng mật gấu tươi
Mật gấu tươi sau khi lấy phải làm đông khô, ngâm với rượu hoặc mật ong để bảo quản, không nên để quá lâu sau vài tuần.
6.5 1cc mật gấu ngâm với bao nhiêu rượu?
Thông thường, mật gấu pha với rượu theo tỷ lệ 1:1, nghĩa là 1cc mật gấu pha cùng với 1cc rượu để tránh mật gấu bị hỏng. Mật gấu ngâm rượu có màu vàng sáng bắt mắt.
6.6 1cc mật gấu bao nhiêu tiền?
Tại những cơ sở buôn bán mật gấu chui, giá thành có thể dao động vài chục nghìn cho 1cc mật, quý bạn đọc cần cân nhắc trước khi mua hàng vì việc buôn bán mật gấu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
7 Tài liệu tham khảo
Tác giả Đỗ Tất Lợi. Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam, trang 503-505. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2024.
Tác giả Hyo Won Jung và cộng sự (Ngày đăng tháng 9 năm 2021). Anticancer Effects of Ursi Fel Extract and Its Active Compound, Ursodeoxycholic Acid, in FRO Anaplastic Thyroid Cancer Cells, PubMed. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2024.